Tớ nghĩ con bọ ở đây tượng trưng cho lương tâm, because that's what bugs you – vì lương tâm là thứ quấy rầy mình. Trong cảnh này, Simba được lương tâm dẫn lối để đi khám phá những thứ bí ẩn, nói lên bản chất sâu thẳm của con người là tìm kiếm những thứ mới lạ, đầy hiểm nguy và không chắc chắn. Đây cũng không phải là một ý tưởng mới, Disney đã sử dụng biểu tượng này trong bộ phim Pinocchio: chú dế Jiminy trong phim được ban phép để trở thành lương tâm của cậu bé Pinocchio.
Trong video, Jiminy – với tư cách là lương tâm – đã nói Pinocchio hãy cứ tiếp tục cư xử như một nhóc ngốc. Đôi khi lắng nghe lương tâm mách bảo sẽ khiến chúng ta làm những thứ ngu ngốc, ngớ ngẩn, sẽ khiến bản thân bị đem ra làm trò cười. But you have to risk being a fool in order to become a master – Nhưng chúng mình phải dám mạo hiểm chấp nhận làm trò cười để có thể trở thành một bậc thầy. Trong bất cứ lĩnh vực nào, người mới luôn là những người không biết gì, là những kẻ ngớ ngẩn. Bất cứ người nào dù thành công tới đâu cũng đều phải trải qua giai đoạn đó trong đời.
Câu chuyện về lương tâm dẫn lối con người khám phá những thứ bí ẩn đầy hiểm nguy là một trong những câu chuyện có lịch sử lâu đời nhất trong nền văn minh nhân loại. Trong phân cảnh đầu tiên sau khi tiêu đề bộ phim "The Lion King" xuất hiện, Mufasa đã căn dặn con trai tuyệt đối không được đi tới vùng đất chết. Tất nhiên, Simba sẽ ngay lập tức lon ton tới đó.
Đây là một câu chuyện xuất hiện trong bất cứ nền văn minh hay tôn giáo nào. Phật Thích Ca bỏ chốn xa hoa nhung lụa mà vua cha xây dựng để đi tìm hiểu về sự khổ đau của thế giới trần tục và từ đó đi theo con đường khổ hạnh. Adam và Eve trong Kinh Thánh đã ăn trái cấm ngay sau khi Chúa lệnh không cho hai người động tới và bị đày xuống hạ giới. Pandora trong thần thoại Hy Lạp vì quá tò mò đã mở Chiếc hộp Pandora, mang sự khổ đau và bệnh tật tới trần gian. Những câu chuyện trên tuy bối cảnh, nhân vật và thời gian khác nhau nhưng mang cùng một ý nghĩa. Tuy khác thể xác nhưng lại chung một cái hồn. Vậy mới thấy, các câu chuyện thần thoại, điển tích dân gian và văn học cổ điển là nguồn cội của mọi loại nghệ thuật sáng tạo, ví như một kho lương thực dồi dào để lấy nguyên liệu chế biến các món ăn tinh thần ngày nay như điện ảnh, tiểu thuyết, âm nhạc... The Lion King được Disney lấy ý tưởng từ vở kịch Hamlet của Shakespeare. Không kém phần quan trọng, kho lương thực này giúp nghệ thuật hiện đại luôn mang những giá trị truyền thống nhất định, tạo nên nhiều tầng, nhiều lớp ý nghĩa. Có vậy thì tớ mới đang ngồi đây phân tích bộ phim này được.

Cách nhìn nhận của tớ về tầm quan trọng của điện ảnh

Bài viết của tớ chủ yếu phân tích về ý nghĩa của những hình tượng trong phim dưới góc độ tâm lý xã hội học, giống như cách tớ nói về hình tượng con bọ cánh cứng ở trên. Tuy vậy, trước tiên tớ muốn nói qua về vai trò của điện ảnh trong xã hội dưới góc nhìn cá nhân.
Trong lòng mọi người, bản hoạt hình The Lion King 1994 là một tượng đài không thể thay thế được. Cùng với Harry Potter, Monster Inc., Toy Story và một số bộ phim khác, The Lion King đã góp phần làm nên tuổi thơ của thế hệ chúng mình.
Đạo diễn của The Lion King lần này, Jon Favreau, đã nhét một cảnh quay thật ở Châu Phi vào đoạn đầu của bộ phim để xem liệu có ai sẽ phát hiện ra hay không.

Tuy không có đột phá gì đáng kể trong công nghệ hình ảnh CGI (Computer-generated imagery – Hình ảnh mô phỏng bằng máy tính) so với loạt phim gần đây của Marvel, bản The Lion King 2019 này phần nào đó vẫn mang ý nghĩa đánh dấu sự phát triển của công nghệ trong quãng thời gian 26 năm (1994-2019). Những khung hình trong bản 1994 là chất lượng hình ảnh tốt nhất mà công nghệ thời đó có thể tạo ra, điều đó cho thấy công nghệ đã và đang phát triển theo cấp số nhân, nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Tớ thường "nhẫn nhịn" rất nhiều với những người bạn coi thường tầm quan trọng của phim ảnh (bọn dở hơi!!!). Anyway, tớ nghĩ tầm quan trọng của điện ảnh là không thể phủ nhận dưới mọi trường hợp.

Khát khao biến "ảo" thành "thật"

Từ trước tới nay, những sản phẩm sáng tạo vẫn luôn đóng vai trò thoả mãn nỗi khát khao sâu thẳm trong mỗi con người – thèm khát được nhìn thấy những thứ sâu trong trí tưởng tượng (fantasies and imagination) được chuyển hoá thành hiện thực. Là biến "ảo" thành "thật". Là cái mà mỗi con người chúng ta luôn làm trong cuộc đời nói riêng và trong nền văn minh nói chung. Con người ai cũng có mục tiêu, ban đầu mục tiêu đó chỉ là sản phẩm trong trí tưởng tượng, qua thời gian và công sức thì (có thể) biến nó thành hiện thực. Những thứ như internet, thế giới phẳng, cách mạng công nghệ 4.0 đối với người tối cổ chỉ là "ảo". Qua thời gian cùng sự phát triển của công nghệ, con người dần dần chuyển hoá những thứ "ảo" đó trở thành hiện thực. Vì vậy, có thể nói khát khao chuyển hoá ảo thành thực là một khát vọng hằn sâu trong trí óc mỗi người, và phim ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật giúp chúng ta phần nào thoả mãn cái khát vọng đó. Tớ nghĩ đây là lí do mà phim ảnh được ưa chuộng tới vậy.
Từ xa xưa thì khát vọng này của con người được thoả mãn bởi những câu truyện truyền miệng, khi có công nghệ in ấn thì văn chương, sách truyện bắt đầu thịnh hành, rồi đến khi điện ảnh xuất hiện, đánh dấu một bước tiến nữa của công nghệ trong việc phản ảnh trí tưởng tượng của chúng ta một cách sát hiện thực nhất. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật giúp con người bộc lộ sự thèm khát biến trí tưởng tượng thành hiện thực một cách sắc nét và chân thực nhất.
Khát vọng trải nghiệm qua màn ảnh rất lớn này đã buộc công nghệ phải được chú trọng và đẩy mạnh để có khả năng tạo ra những con chip máy tính ưu việt. Một cảnh CGI mất trung bình 1 tháng để hoàn thiện, riêng thời gian render đã mất tối thiểu 72 giờ và đòi hỏi hàng nghìn máy tính hoạt động cùng một lúc. Công nghệ đi lên sẽ kéo theo nền kinh tế, kinh tế sẽ kéo theo giáo dục, chính trị,... Vậy là nhu cầu biến ảo thành thực của con người qua phim ảnh đã góp phần giúp nền kinh tế thế giới phát triển. Phải công nhận sức ảnh hưởng của nền điện ảnh tới nhân loại là không thể phủ nhận. Nhưng ngoài khía cạnh kinh tế chính trị, điện ảnh còn mang lại nhiều giá trị nhân văn.

Mục lục

i. Hình ảnh con bọ: Lương tâm
ii. Tầm quan trọng của điện ảnh
1. Hakuna Matata: Hố thẳm của sa đoạ vật chất và trốn tránh trách nhiệm
2. Mâu thuẫn trong vô thức giữa Simba và Nala
3. Scar và quyền lực thao túng con người nhờ nắm giữ sự thật

1. Hakuna Matata: Hố thẳm của sa đoạ vật chất và trốn tránh trách nhiệm

Âm mưu độc ác của Scar

Simba là con trai của Mufasa, một vị vua uy quyền và được lòng dân chúng. Trở thành một vị vua anh dũng trong tương lai không chỉ là định mệnh mà còn là trách nhiệm mà Simba phải gánh vác. Simba là một đứa trẻ đầy tiềm năng, có đủ tố chất để làm vua và được lòng mọi người. Chính vì lí do này, để thực hiện âm mưu chiếm đoạt ngai vị của mình, Scar phải loại trừ cả Mufasa lẫn Simba.

Âm mưu được thực hiện đúng theo dự tính của Scar, duy chỉ có 1 sai sót: Simba vẫn còn sống. Simba tuy trốn thoát được sự độc tài của Scar nhưng ngay lập tức bị mất phương hướng và lạc giữa hoang mạc. Khi mình thoát khỏi sự cai trị dù độc tài đến đâu thì cũng không thể ngay lập tức trở nên tốt hơn mà sẽ trải qua một giai đoạn vô phương hướng. Chẳng hạn như những bạn có bố mẹ hà khắc và áp đặt thường sẽ gặp khó khăn trong việc tự chọn lựa hướng đi cho mình.
Mất phương hướng và bám víu vào triết lý nông cạn
Trong sự mất phương hướng này, con người sẽ bám víu vào thứ ở gần họ nhất. Trong phim, Simba gặp hai người bạn Pumbaa và Timon và từ đó bám víu vào triết lý "Hakuna Matata":

Cảnh Simba lớn nhanh khi đi cùng Pumbaa và Timon trong lúc hát bài Hakuna Matata là một trong những cảnh có nhiều ý nghĩa nhất đối với tớ.
It means no worries for the rest of your days
It's our problem-free philosophy, Hakuna Matata
Tạm dịch:
Là kệ mẹ phần đời còn lại
Là triết lý vô tư, Hakuna Matata
(Chữ "tư" trong hán việt mang nghĩa làm lụng siêng năng)
Trong mắt tớ, đây là một cảnh phim phản ánh một triết lý sống sai lệch mà thế hệ ngày nay đang tung hô – Hakuna Matata. Triết lý này nói rằng cuộc sống vốn không có ý nghĩa và chỉ đơn thuần là một đường thẳng, có điểm bắt đầu, có điểm kết thúc và đường thẳng đó không ảnh hưởng tới bất cứ thứ gì. Vì vậy nên cách tốt nhất để sống là tận hưởng những thú vui và khoái cảm trong cuộc sống và đừng vướng bận điều gì. Cảnh phim trên cho thấy việc sống với triết lý như này sẽ khiến thời gian trôi qua rất nhanh, nhanh đến mức mình không kịp nhận ra. Theo đuổi triết lý sống này sẽ khiến mình trở thành những đứa trẻ lớn xác. Don't be a man-child – Đừng là một đứa trẻ lớn xác.

Simba: đáng thương một cách thảm hại

Simba vốn dĩ được Mufasa dạy về The circle of life: cuộc sống là một đường tròn, mọi hành động mình làm đều có ảnh hưởng tới vạn vật xung quanh. Vì vậy, đối với Mufasa thì cách tốt nhất để sống là phải đảm đương trách nhiệm thay vì trốn tránh, vì những hành động của mình có sức ảnh hưởng hơn rất nhiều so với những gì mình nghĩ, điển hình như cảnh cọng lông của Simba bay tới chỗ ông khỉ đầu chó Rafiki – đây là hiệu ứng cánh bướm đã dẫn tới thành công của Simba.
Simba trong thâm tâm biết điều đó, nhưng sự nông cạn của tuổi trẻ đã dẫn Simba đi lệch hướng và chơi với những người bạn ngu dốt, mang những triết lý nông cạn nhưng nghĩ mình sâu xa. Việc con trai của vua phải ăn sâu bọ để sinh tồn phản ánh sự thoái hoá trong tiêu chuẩn sống và sự thoả mãn giả tạo với những thứ thấp kém. Đây là cảnh mà tớ thấy Simba đáng thương nhất, đáng thương một cách thảm hại.
Khuôn mặt thoả mãn với những thứ hạnh phúc giả tạo của Simba.

The worst thing you can do to a friend


Đây là một cảnh khiến tớ phải giật mình. Timon và Pumbaa thi nhau phán về những ngôi sao trên bầu trời đến từ đâu: Timon nói đó là những con đom đóm còn Pumbaa thì cho rằng nó là những túi khí rắm được đốt cháy. Chủ đề này khiến Simba nhớ về lời Mufasa nói rằng những vị vua trong quá khứ luôn dõi theo mình từ trên bầu trời. Sau một hồi im lặng, Timon và Pumbaa phì cười. Simba chỉ biết cười trừ và hùa theo đám bạn nhưng trong lòng thì tổn thương sâu sắc.
Cá nhân tớ định nghĩa bạn xấu là những người sẽ phì cười và coi thường khi mình cố gắng làm những điều có ý nghĩa. Tuy tớ tin Timon và Pumbaa là hai người bạn tốt, nhưng trong phân cảnh này cách họ cư xử là vô cùng tội tệ: trừng phạt bạn của mình khi họ cố gắng làm điều tốt đẹp. Có thể nói đó là hình thức trừng phạt tàn nhẫn nhất, có khả năng sinh ra nhiều thù hận nhất, ví dụ như nhân vật Chí Phèo với lời căm hận "Ai cho tao lương thiện?".
Đây là một trường hợp mà tớ và rất nhiều người bạn của mình gặp phải: khi mình cố nói ra những thứ có ý nghĩa thì ngay lập tức bị những người xung quanh phủ nhận, cho rằng đó là điều ngớ ngẩn và lố bịch. Thật đáng buồn khi những người xung quanh không đủ sâu sắc để nhận ra sự sâu sắc của mình.
Lí do ư? – Hakuna Matata. Tớ nghĩ là ở tuổi này thì chả mấy ai muốn đảm đương trách nhiệm và nói về những thứ có ý nghĩa cả. Đứa trẻ nào cũng muốn trốn tránh trách nhiệm mà. Nói về tương lai và về những thứ có ý nghĩa thật nặng nề đối với họ, vì vậy phần lớn nội dung của các cuộc nói chuyện là chuyện phiếm rẻ tiền, vô thưởng vô phạt. Triết lý kemedoi này đang tồn tại trong xã hội như một đại dịch virus lây lan với tốc độ chóng mặt.
Ngắm sao là một hoạt động hướng thần – là một trong những thứ đã khiến nền văn minh phát triển được như ngày hôm nay. Khoa học thế giới phát triển cũng do hoạt động này góp phần không nhỏ. Ngày xưa thì những bộ tộc sử dụng những chất hướng thần như nấm hay "thảo mộc". Ngày nay thì con người trong xã hội hiện đại dùng cả "thảo mộc" lẫn chất hoá học. Nhìn mặt Simba thế kia dễ "fecund" lắm.

Hình tượng người cha

Nhưng nói gì thì nói, cái chết của Mufasa đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm lý của Simba. Nửa năm trước, tớ tự hỏi bản thân một câu hỏi "Nếu bố tớ chết thì làm sao?". Hình tượng người cha đối với con cái như một người phán xử: luôn phân tích rạch ròi đúng sai và luôn đảm bảo sự an toàn. Sigmund Freud đã nói “No one could be a man unless his father had died”.
Khi Mufasa chết, Simba ngay lập tức mất đi sự an toàn. Giờ đây chính vương quốc của Simba lại là nơi đáng sợ và Simba không còn có thể ở lại đây được nữa. Tuy nhiên, Simba giờ đây có thể thoải mái khám phá những điều mình muốn.
Trả lời cho câu hỏi trên. Bố luôn là người định nghĩa đúng sai, nếu bố chết thì chính bản thân tớ sẽ là người quyết định đúng sai cho cuộc đời mình. Sống theo cách này là “tự do một cách không lãng phí”, vì nếu bố mất, phần lớn sự an toàn ngay lập tức bị phá huỷ, giống như trường hợp của Simba vậy. Tớ vừa có thể tự do chọn lựa, vừa phải buộc bản thân tận dụng hết thời gian mình có để làm những điều có ý nghĩa.
Tuy nhiên, Simba đã không tận dụng thời gian của mình mà ngược lại đã chọn lối sống "tự do một cách vô cùng lãng phí". Đó là một cuộc sống vô kỷ luật trong rừng (thế mới gọi là "luật rừng"), một thái độ sống vô nghĩa, bất cần và hưởng lạc. Simba tự bao biện thái độ sống nông cạn này của mình bằng lí do không thay đổi được quá khứ. Một thằng thanh niên cho rằng nó không thể trở thành người mà nó muốn vì nó đã mắc sai lầm. Thật là thảm hại.
Mọi thứ cứ tiếp diễn một cách vô nghĩa như vậy cho tới khi Simba gặp lại Nala.

2. Mâu thuẫn trong vô thức giữa Simba và Nala

Mối quan hệ giữa Simba và Nala

Tớ nghĩ Simba luôn thầm ngưỡng mộ Nala, vì từ nhỏ tới lớn chơi vật nhau lần nào Nala cũng thắng. Simba trở nên đầy áp thù hận sau khi Nala tỏ thái độ đầy thất vọng "I miss the old Simba – Em nhớ Simba của ngày xưa". Nala phải là người đặc biệt trong lòng thì mới làm Simba sinh ra nhiều thù hận như vậy. Vì nếu không, Simba đã không phải để tâm tới ý kiến của Nala ngay từ đầu rồi. Ngoài ra thì Nala sở hữu cái mà Simba không có: ý chí vững vàng dám đảm đương trách nhiệm. Mặc dù ngoài mặt thù hận nhưng sâu trong thâm tâm Simba vẫn ngưỡng mộ người con gái này.

Đối với Simba, Nala không chỉ là người đáng ngưỡng mộ mà còn mang hình tượng của một cái lý tưởng. Simba có nói trong lúc đầy hận thù: "You can't just show up and tell me what to do – Em không thể tự nhiên xuất hiện và nói anh phải làm thế nọ thế kia". Nhưng sự tồn tại của cái lý tưởng chính là để phán xét và dẫn lối cho chúng ta. Phản ứng của Simba là phản ứng của những người yếu hèn muốn trốn tránh trách nhiệm, những con người yên phận, những con người muốn làm ít hưởng nhiều.

Get rid of the ideal – Triệt tiêu cái lý tưởng

Simba thù hận và chối bỏ chính cái lý tưởng của mình, ngay lập tức sau đó là cảnh Simba nói chuyện với bản thân trên một cái đồi trống, mang lại cảm giác lạc lõng trống vắng. Tớ thấy phân cảnh này khá là giống với câu chuyện Cain và Abel trong Kinh Thánh.
Sau khi bị đày ra khỏi vườn địa đàng, Adam và Eve sinh hạ được hai người con trai, đặt tên là Cain và Abel. Cain và Abel lớn lên cùng tôn sùng Đức Chúa, nhưng người em, Abel, tôn sùng với một tấm lòng thành kính hơn và vì vậy được Chúa yêu quý hơn. Trong khi đó, người anh, Cain, thì lại chất đống sự thù hận và lên ấp ủ ý định giết chết chính người em trai của mình – Abel. Sau khi Cain giết Abel – giết chết chính cái lý tưởng của mình – thì Cain không trở nên tốt hơn mà ngay lập tức mất phương hướng và từ đó sống cảnh tha hương đày ải.
Thay vì nhìn nhận khiếm khuyết của mình và sửa đổi, Cain đã giết quách cái lý tưởng mà mình đặt ra, nhưng điều đó không giải quyết vấn đề gì mà khiến cho cuộc sống trở nên vô nghĩa và mất phương hướng. Đó chính là cảm giác trống vắng mà hình ảnh cái đồi trống mang lại.

The unconscious conflict between Nala and Simba – Mâu thuẫn trong vô thức giữa Nala và Simba

Sau bài hát "Can you feel the love tonight" thì Simba và Nala có một cuộc tranh luận về trách nhiệm, sau mỗi lần have sex thường sẽ là một cuộc nói chuyện mang tính lý trí. Simba muốn Nala ở lại và hưởng thụ cuộc sống vô tư cùng mình, trong khi Nala thì thất vọng và muốn Simba đảm nhận trách nhiệm và cứu rỗi vương quốc của mình khỏi sự thống trị độc tài của Scar. Thay vì chọn việc đảm đương trách nhiệm thì Simba lại né tránh và sống trong sự an toàn giả tạo cùng những người bạn của mình, bỏ mặc vương quốc bị thống trị bởi sự độc tài khiến cho dân chúng đói khát lầm than.
Nala muốn Simba giải cứu vương quốc – "You are the only hope" – nhưng Simba né tránh và bảo thủ với cái triết lý rỗng tuếch của mình.
Khi Nala nói về trách nhiệm, Simba ngay lập tức lảng tránh và sử dụng những lí do rất cùn như là "You don't understand", "You started to sound like my father" hoặc "You don't even know what I have been through".
Đây là dấu hiệu cho thấy Simba trong thâm tâm biết rằng cái triết lý Hakuna Matata của mình thực chất là rỗng tuếch. Nhưng cái tôi và tâm lý muốn trốn tránh trách nhiệm khiến cho Simba không dám thừa nhận điều này. Cũng vì lẽ này mà Timon và Pumbaa cảm thấy e ngại rằng mình sắp mất đi một người bạn – vì trong thâm tâm họ đều biết Hakuna Matata chỉ là một triết lý rỗng tuếch. Sự hấp dẫn của triết lý này không thể so sánh với sức quyến rũ của một cô gái được (vì vậy nên một đứa bạn trong hội thường "biến mất" từ khi nó có người yêu).
Nala chỉ ra điểm thiếu sót của Simba và muốn Simba đảm đương trách nhiệm, còn Simba thì muốn Nala chấp nhận mình dù mình là ai. Khi Nala không đồng tình với việc đó thì Simba quay ra thù hận chính người con gái mà mình ngưỡng mộ. Hèn. Thảm hại. Đáng thương.
Trong Kinh Thánh, Eve cho Adam ăn trái cấm rồi cả hai người nhận ra rằng mình đang khoả thân – nhận ra sự thiếu sót của mình. Adam thay vì biết ơn lại quay ra thù hận Eve và trách với Đức Chúa rằng: "Chính con đàn bà mà Chúa ban tặng đã đưa tôi thứ quả này".
Theo lẽ tự nhiên thì phụ nữ sẽ giúp đàn ông thức tỉnh vì phụ nữ trưởng thành sớm hơn, còn đàn ông sẽ thù hận phụ nữ chính vì lí do đó. Việc vượt qua sự thù hận này và thừa nhận bản thân còn thiếu xót là cần thiết cho sự trưởng thành của mỗi người.

Bài học từ ông khỉ Rafiki

Nala tượng trưng cho một thứ gì đó ở quá khứ tới nhắc nhở rằng con người hiện tại của Simba đã đi sai hướng. Simba phải đấu tranh tư tưởng giữa việc bảo thủ với triết lý rỗng tuếch của mình hay đảm đương trách nhiệm. Lúc này Simba biết mình phải làm gì nhưng bị mắc ở chỗ là không thể thay đổi những chuyện đã xảy ra, tự bao biện rằng những gì xảy ra trong quá khứ đã không cho phép Simba quay trở về. May mắn là cọng lông của Simba bằng cách nào đó đã bay đến nơi của Rafiki và ông khỉ ngay lập tức lên đường tìm Simba.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói rằng để thành công chỉ cần duy nhất một thứ – đó là chí hướng. Một khi có chí hướng, mình sẽ tự đi tìm những thứ còn thiếu cho sự thành công.
Trong phân cảnh ở trên đồi trống, thâm tâm Simba biết mình phải trở về, nhưng không biết phải làm thế nào vì quá khứ không cho phép. Sự xuất hiện của ông khỉ Rafiki đã thu hút sự chú ý của Simba. Simba đã đuổi theo ông khỉ bất chấp khung cảnh ghê rợn xung quanh. Đối với tớ, cảnh phim này có ý nghĩa rằng một khi mình hình thành chí hướng, mình sẽ đi theo những thứ dẫn mình tới việc hiện thực hoá chí hướng đó một cách vô thức và không màng những thứ khác. Tớ tin rằng chí hướng chính là liều thuốc giải cho triết lý Hakuna Matata rỗng tuếch.

Một trong những cảnh phim đắt giá nhất trong lịch sử phim Disney.
Chính chí hướng đã dẫn Simba đi theo ông khỉ Rafiki: đầu tiên Simba học được rằng "Your father is in you" trong cảnh soi mình dưới dòng nước, sau đó học được bài học cần thiết để vượt qua quá khứ đau thương của mình.
Ông khỉ vụt gậy vào đầu Simba và nói "It doesn't matter. It's in the past" – đau thương là thứ không thể thay đổi vì nó nằm trong quá khứ.
Oh yes the past can hurt. But you can either run from it... or learn from it. – Rafiki the khỉ
Tạm dịch: Quá khứ có thể gây đau thương. Nhưng mình có thể hoặc trốn tránh nó, hoặc học hỏi từ nó.
Lúc này đối với Simba như một khoảnh khắc "À há!". Chỉ một câu nói ngắn gọn vào thời điểm thích hợp có thể giải quyết những nút thắt tưởng chừng như không có lối thoát. Đây là sức mạnh của ngôn từ. Ông khỉ vụt thêm gậy nữa, nhưng lần này Simba đã né được vì đã biết cách rút kinh nghiệm từ quá khứ.
Mục đích của quá khứ không phải để mình có thể nhớ rõ mọi sự việc, vì nếu vậy tạo hoá đã thiết kế cho con người một trí nhớ tồi. Bằng chứng là chúng mình thường hay cãi nhau về những gì xảy ra trong cùng một sự việc. Tớ nghĩ tạo hoá tạo ra khả năng lưu trữ kí ức chỉ với một mục đích: giúp con người học từ quá khứ để có một tương lai tốt hơn. Vì vậy, Simba vẫn chưa vượt qua được cái kí ức về cái chết của Mufasa là vì có một bài học nào đó Simba vẫn chưa lĩnh hội được. Thay vì cố tìm ra bài học đó và chấp nhận những thử thách tiếp theo, Simba đã chọn việc trốn tránh hiện thực với khẩu hiệu "Hakuna Matata". Đáng mừng là ông khỉ đã giúp Simba hiểu ra.
Bài học mà Simba cần lĩnh hội, đó là "Thành công không phải một đường thẳng mà là những vòng lặp lên và xuống nối tiếp nhau". Quan trọng là nó phải nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Tính nhất quán và kiên trì là vô cùng quan trọng để thành công.

Điều này đơn giản là vì để thành công thì buộc chúng mình phải thử và sai, không có cách nào khác. Sẽ có những lúc tiến độ phát triển bị chững hay thụt lùi nhưng quan trọng là mình phải giữ tư duy thử và sai để giúp tương lai trở nên tốt hơn. Aristotle đã nói "We cannot learn without pain – Chúng ta không thể học hỏi mà không có đau thương".
Tóm lại câu chuyện là như này:
Một thằng thanh niên cho rằng nó không thể trở thành người mà nó muốn vì nó đã mắc sai lầm, gặp một cô gái đẹp khiến nó phải tự vấn chính mình và hình thành chí hướng, để rồi nhận ra nó không thể thành công nếu không mắc sai lầm và tự tin trên con đường dựng nghiệp của nó. Khá là giống câu chuyện trong Nhà Giả Kim.

How a good friend should act

Khi thấy Simba thay đổi và trở thành một người đương đầu gánh vác trách nhiệm, hai người bạn Timon và Pumbaa không dè bỉu mà toàn tâm toàn ý giúp đỡ và hỗ trợ bạn mình. Đây là lí do tại sao tớ tin rằng Timon và Pumbaa là hai người bạn tốt, phải nói là rất tốt. Nếu đang có bên mình những người bạn như này, các cậu hãy trân trọng họ.
Nala khi thấy Simba thay đổi cũng không buông lời trách móc kiểu như "See I told ya – Thấy chưa em nói rồi mà" mà thay vào đó cũng toàn tâm hỗ trợ người mình yêu. Bài học mà cá nhân tớ rút ra được sau câu chuyện này đó là nếu muốn hạnh phúc thì đừng quan trọng đúng sai, nếu thực sự muốn tốt cho người khác thì đừng quan trọng sự công nhận.
Tuy nhiên, con đường trở thành vua của Simba vẫn còn nhiều gian nan.

3. Scar và quyền lực thao túng con người nhờ nắm giữ sự thật

Scar vẫn là người duy nhất biết sự thật về cái chết của Mufasa. Simba thì nghĩ đó là do mình gây ra. Mọi người thì nghĩ đó là một sự cố không may. Scar biết đây chính là lợi thế để mình thao túng người khác, vì người nắm giữ và có khả năng bẻ cong sự thật là người có quyền lực. Điển hình như cơ quan chính quyền, những người dẫn dắt truyền thông, những nhà hiền triết,...

Chi tiết nhỏ ý nghĩa lớn

Bản 1994 có một chi tiết nhỏ mà bản 2019 không có, chi tiết này theo tớ đã giúp cho hình tượng Mufasa có thêm rất nhiều ý nghĩa và làm rõ sự tương phản đối lập giữa vị vua anh minh và người em trai quỷ quyệt của mình. Hãy thử đoán xem chi tiết đó là gì?

Theo tớ, về uy quyền và sức mạnh thì Mufasa hơn người em trai của mình rất nhiều. Vì lẽ đó nên Scar mới phải sử dụng mưu mô để diệt trừ người anh của mình thay vì thách đấu mặt đối mặt. Nhưng chi tiết nhỏ tớ muốn nói đến ở đây chính là móng vuốt, Mufasa chỉ để lộ móng vuốt của mình khi cần thiết, còn Scar thì luôn lộ móng vuốt của mình ra để thêm vẻ đáng sợ cho bản thân.
Tớ hiểu câu chuyện này theo hai cách:
Người tự tin sẽ không khoe mẽ về sức mạnh của mình, vì ai cũng biết điều đó. Người tự ti sẽ luôn cố gắng khoe mẽ về khả năng của mình.
Người có sức mạnh và biết cách kiểm soát nó sẽ được kính trọng và nể phục, giống như ngài quái vật trong Beauty and the Beast vậy. Người có sức mạnh nhưng không biết kiểm soát và sử dụng bừa bãi sẽ bị coi khinh, điển hình là những kẻ bắt nạt.
Đáng buồn là ở bản Live Action năm nay, chi tiết này không được làm nổi bật như bản 1994, có lẽ vì đoàn làm phim không thực sự để tâm tới chi tiết này.

Bạo lực = Bất lực

Scar là một tên độc tài, và theo định nghĩa thì kẻ độc tài luôn cho ý kiến của mình là đúng và ý kiến của người khác là sai. Điều đó khiến cho Scar không nhận ra sự yếu kém và thiếu xót của mình. Tại hồi I của phim, Scar có độc thoại rằng cuộc đời thật là bất công khi hắn không được làm vua. Đó là vấn đề của những kẻ độc tài, thay vì nhìn nhận lại bản thân thì hắn sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, đây là dấu hiệu của sự yếu hèn.
Chính vì lí do này, Scar không thể giải quyết vấn đề bằng cách nhìn nhận bản thân và học hỏi từ quá khứ. Cách hiệu quả nhất đối với hắn để giải quyết vấn đề là mưu mô và vũ lực. Vậy nên tớ mới nói bạo lực là cách thể hiện sự bất lực. (Đón đọc Essential Truth #18 nhé)

Scar, mặt trăng và ông khỉ

Phân cảnh Scar tuyên bố cái chết của Mufasa và Simba thể hiện rõ sự đối lập giữa hắn và người anh trai của mình: khung cảnh chết chóc vào một đêm trăng khuyết, dân chúng sợ hãi buồn rầu còn ông khỉ thì phải ẩn mình từ một khoảng cách xa. Đối lập hoàn toàn với khung cảnh đầu phim khi mà Mufasa và ông khỉ thân thiết với nhau trong khung cảnh bình minh sáng lạng và quần thần tung hô.
Đối với tớ, hình tượng ông khỉ khá giống với một vị pháp sư, một vị ẩn sĩ. Vị này mang trong mình những giá trị của lịch sử và truyền thống để giúp đất nước tránh những sai lầm đã mắc trong quá khứ. Vì vậy, một vị vua anh minh sẽ làm bạn tốt với vị pháp sư này và một vị vua độc tài sẽ khiến con người này chỉ có thể đứng từ xa quan sát, vì một động tĩnh dù nhỏ cũng có thể khiến vị pháp sư mất mạng. Đó là lí do mà ông khỉ buồn rầu, vì thấy dân khổ nhưng không làm thể làm gì được, mọi thay đổi đều phải có thời điểm. Kẻ độc tài nghĩ sẽ mình biết tất cả mọi thứ, vì vậy Zazu và Rafiki đều không được trọng dụng.

Người nắm giữ sự thật là người có quyền lực

Trong phân cảnh giao chiến giữa Simba và Scar, Simba mất uy quyền và trở thành kẻ thua thiệt ngay sau khi Scar đe doạ Simba bằng việc nói ra "sự thật" rằng chính Simba đã dẫn tới cái chết của Mufasa.
Nhưng ngay sau khi Scar bộc bạch về cái bí mật "nho nhỏ" của mình, Simba ngay lập tức nắm quyền kiểm soát tình hình và được lòng mọi người. Một lần nữa cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngôn từ. Vậy nên hãy thận trọng với lời nói của mình, đôi khi kiệm lời sẽ giúp mình có nhiều uy quyền hơn.

Kếttttt

The Lion King đối với mình là một tượng đài, một kho tàng hình tượng để nghiên cứu tâm lý học. Nó là một bài học về việc tìm ra chí hướng và đảm đương trách nhiệm. Hãy nhớ lời chủ tịch Vũ dặn: muốn thành công chỉ cần có chí hướng. Khi mình có chí hướng, vạn vật sẽ theo quy luật vũ trụ để đưa mình tới thành công theo định nghĩa của cá nhân mình. Để thành công, bắt buộc phải có thử và sai. You have to risk being a fool in order to become a master.
Cuộc sống này quá vô thường, vì thế tớ nghĩ ai cũng nên có thái độ sống kemedoi. Nhưng đừng nghĩ cuộc sống của mình là một đường thẳng, mà nó là một đường tròn. Mọi hành động của mình đều sẽ gây ra những ảnh hưởng nằm ngoài khả năng đo lường. Vì vậy, hãy sống bất cần đời một cách có trách nhiệm. Hãy sống có chí hướng, làm những thứ lương tâm cho là đúng (why not?), chịu trách nhiệm với hành động của mình và học hỏi từ lỗi sai trong quá khứ.
Bonus: Trong đoạn The Morning's Lesson, Mufasa có foreshadow trước những gì sẽ xảy ra trong bộ phim: "A king's time as ruler rises and falls like the sun. One day Simba, the sun will set on my time here and will rise with you as a new king"
Thời gian cai trị của một vị vua được ví như mặt trời, mọc rồi một ngày sẽ lặn. When the sun set on Mufasa's time, it will rise with Simba as a new king. But before the sun could rise with Simba, there has to be a time when is dark and chaotic – that's Scar's time. That's exactly why the scene when Scar takes over Pride Rock is at night. But that time will soon pass and the sun will once again rise with the one true king – Simba.
Bonus 2: Nhiều khi tự hỏi nếu ông khỉ ném Simba xuống vách đá thì câu chuyện sẽ thế nào nhỉ. Có khi thế lại hay, đỡ phải mất công ngồi viết một bài dài như này =.= 


–––––––––––––ends here.