Craig Chandler | Đại học Truyền thông và Marketing
Craig Chandler | Đại học Truyền thông và Marketing
Lịch sử tiến hoá của con người là sâu xa và muôn hình vạn trạng. Từ thời nguyên thủy sơ khai cho đến hiện tại, con người đã phải đấu tranh để giành lấy sự ưu trội. Qua những đấu tranh đó, chúng ta dần dần tiến hoá theo những cách tốt hơn, phù hợp hơn để thích nghi với môi trường sống và có cho mình những đặc điểm tiến hoá đặc biệt so với những loài khác.
Thế nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại những điều mà chúng ta còn ngu ngơ về tổ tiên của mình. Theo đó, những khám phá về quá trình tiến hoá của loài người là vấn đề chính sẽ được trình bày trong bài viết này.
-
Năm 2022 lại là một năm đầy thú vị nữa đối với hoạt động nghiên cứu về sự tiến hoá của loài người. Với nhiều dự án trên khắp thế giới đang được tiến hành bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, đi cùng với đó là nhiều sự đột phá và phát hiện thú vị trong nhiều lĩnh vực. Từ việc cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về thức ăn, sức khoẻ đến cả họ hàng và tổ tiên gần gũi với chúng ta, thậm chí là về những loài động vật, cũng theo đó những khám phá trên đã làm cho chúng ta dần nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống.

Thịt, lửa và bia: nguồn gốc các loại lương thực hiện đại và cách chúng định hình loài người

Trong nhiều thập kỷ, một trong những tín hiệu nổi bật của quá trình tiến hoá của loài người là sự thay đổi từ chế độ ăn chủ yếu bằng thực vật, như ở tinh tinh và khỉ đột, sang chế độ ăn gồm một lượng lớn thịt và mô động vật. Điều này dẫn đến ý tưởng rằng bởi vì thịt thì thường chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, thế nên việc ăn nhiều thịt hơn đã cho phép tổ tiên của chúng ta tiến hoá một bộ não lớn và đòi hỏi nhiều năng lượng [1], đặc điểm khiến chúng ta liên tưởng đến giống loài của mình, khởi nguồn từ sự xuất hiện của Homo erectus [2] từ khoảng 2 triệu năm về trước.
Nhưng có một sự thật là về sau dường như sự tiêu thụ thịt đã gia tăng, ta biết được điều này là nhờ vào dấu vết giết mổ bằng công cụ đá trên xương hoá thạch, phải chăng là do có quá nhiều mẫu vật hoá thạch - khiến cho khả năng tìm ra những dấu vết này cao hơn?
Vào tháng 1, Andrew Barr cùng các đồng nghiệp của mình tại Đại học George Washington đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này bằng cách kiểm tra tất cả các bằng chứng hoá thạch về hoạt động giết mổ ở miền đông châu Phi từ hơn 1,2 triệu năm trước.
Họ đã đi đến kết luận rằng bằng chứng về việc tổ tiên chúng ta ăn thịt ngày càng nhiều chỉ đơn giản là kết quả của việc gia tăng mức thu thập mẫu ghi chép về khảo cổ [3] trong những khoảng thời gian nhất định mà điểm mốc là từ khoảng 2 triệu năm trước, đồng nghĩa với việc không có mối liên hệ chặt chẽ nào giữa việc ăn nhiều thịt với sự tiến hoá của não bộ ở tổ tiên chúng ta.[4]
Vậy nếu ăn thịt không giúp bộ não tiến hoá...thì có lẽ là do việc nấu ăn chăng? Nấu ăn làm cho thức ăn trở nên dễ tiêu hoá và giúp ta hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng trong khi tốn ít năng lượng hơn. Mặc dù những bằng chứng cho thấy con người đã có thể kiểm soát lửa từ ít nhất 1 triệu năm về trước [5], nhưng bằng chứng về việc tổ tiên chúng ta có thể nấu nướng thì chỉ mới xuất hiện ở thời gian gần hơn. Vào tháng 11, một nhóm nghiên cứu sinh do Irit Zohar dẫn đầu tại Đại học Tel Aviv đã có những khám phá mới ở Gesher Benot Ya’aqov thuộc Israel, đưa chúng ta quay về 600.000 năm trước với những vết tích cho thấy người vượn đã nấu cá [6]! Răng của một loài cá chép đã phải chịu nhiệt độ đủ lớn để làm chín, nhưng lại không nóng bằng mức nhiệt độ trực tiếp bên trong một ngọn lửa. Điều này chứng tỏ rằng cá đã được đặt bên trên hoặc bên cạnh ngọn lửa với mục đích nấu nướng chứ không phải bị bỏ trực tiếp vào lửa hoặc bị làm nóng một cách vô tình.
Tất nhiên là BBQ sẽ chẳng còn ngon nữa nếu ta không có thêm đồ uống để rửa sạch bụng? Được đăng vào tháng 12 năm 2021 (sau khi bài đăng của năm ngoái được viết [7]), một nhóm nghiên cứu sinh do Jiajing Wang từ Đại học Dartmouth đứng đầu đã phát hiện ra cơ sở bia lâu đời nhất được biết đến trên thế giới ở Ai Cập [8]. Bia được làm từ các loại ngũ cốc lên men, theo đó việc sản xuất bia đã gắn liền với sự xuất hiện và lan rộng của xã hội nông nghiệp. Có niên đại từ 5.800 năm trước, hàng trăm năm trước sự xuất hiện của vị pharaoh đầu tiên ở Ai Cập, loại bia này có vẻ ở dạng đặc như cháo chứ không phải là một thứ chất lỏng và có lẽ được sử dụng cho nhu cầu hàng ngày cũng như các nghi lễ. Nghe có vẻ ngon nhỉ?

Những người bạn động vật...và thức ăn từ động vật: nguồn gốc sự thuần hoá và hợp tác

Cho dù là vì công việc, tình bạn hay thức ăn, con người hiện đại sẽ không thể tồn tại nếu không có những người bạn động vật được thuần hoá. Nhưng những tác động của con người đối với các quần xã động vật theo nghĩa rộng có xuất hiện sớm hơn nhiều so với những bằng chứng về sự thuần hoá không? Vào tháng 7, Danielle Frasier đã đứng đầu một nhóm tại Bảo tàng tự nhiên Canada với mục tiêu xác định định lượng mức độ đồng đều của các loài ở Bắc Mỹ trong 20.000 năm qua [9] và họ đã phát hiện rằng có hai giai đoạn suy giảm tính đa dạng giữa các quần xã động vật: giai đoạn đầu tiên là vào khoảng 10.000 năm trước liên quan đến sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn ở Bắc Mỹ, và một sự tuyệt chủng khác là vào khoảng 2.000 năm trước trong thời kỳ mà nông nghiệp phát triển nhanh chóng và quy mô dân số bùng nổ. Nghiên cứu này chứng minh rằng con người đã và có khả năng ảnh hưởng đến các quần xã động vật theo những cách gián tiếp bên cạnh việc săn bắn và thuần hóa.
Có lẽ khi nhắc đến các loài động vật đã được thuần hóa, không loài vật nào thu hút được trí tưởng tượng và cảm xúc của chúng ta bằng “người bạn thân thiết nhất của loài người:” loài chó. Bên cạnh đó, chó hiện nay cũng là một loài động vật được thuần hóa sớm nhất trên Trái Đất [10]. Một nghiên cứu vào tháng 6 do Anders Bergström và Pontus Skoglund của Viện Francis Crick đứng đầu đã xem xét bộ gen của những con sói cổ đại, giống loài xa xưa của loài chó trước khi chúng được thuần hoá, nhằm xác định mối liên hệ giữa loài người và loài chó bắt đầu từ đâu và từ khi nào. Qua đó, họ đã phát hiện ra rằng các quần thể sói cổ đại ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Siberia có mối liên hệ với nhau trong quá khứ chứ không phải là các quần thể riêng biệt như ngày nay và tất cả những con chó được đưa vào nghiên cứu đều có quan hệ họ hàng gần gũi với sói từ phía đông Âu Á hơn là tây Âu Á [11]. Tuy vậy, những con chó có nguồn gốc từ Cận Đông và Châu Phi đã được những con sói cổ đại ở Tây Nam Á-Âu đóng góp đáng kể vào bộ gen - cho ta thấy một quá trình thuần hóa riêng biệt, hoặc nhiều khả năng đã có sự giao phối với quần thể đó ngay trong quá trình thuần hoá (giống như cách mà các thành viên nguyên thủy của giống loài chúng ta giao phối với người Neanderthal khi họ lần đầu tiên rời khỏi châu Phi [12]). Mặc dù nghiên cứu này đã chỉ ra một cách chắc chắn rằng phía đông Âu Á là nơi khởi nguồn của loài chó hiện nay, nhưng thực chất thì không có loài sói nào được kết luận là tổ tiên trực tiếp của chúng, có nghĩa là tổ tiên của loài chó (hay tổ tiên) vẫn chưa được tìm thấy.
Ngoài ý nghĩa tình bạn, con người còn thuần hoá loài chó để làm thức ăn và hỗ trợ công việc. Một nghiên cứu khác vào tháng 6 do Joris Peters từ Đại học Ludwig Maximilian ở Munich và Greger Larson từ Đại học Oxford dẫn đầu đã truy tìm nguồn gốc của việc thuần hóa gà vào khoảng năm 1650 trước Công nguyên ở Thái Lan [13], tương ứng với thời kỳ sự phổ biến rộng khắp của các loại ngũ cốc (chủ yếu là gạo và kê). Những con gà sau đó đã theo chân các loại ngũ cốc khi chúng lan rộng khắp thế giới như một nguồn thức ăn. Rõ ràng là người hiện đại chúng ta đã mắc nợ rất nhiều những người bạn động vật và những phát hiện mới đã làm sáng tỏ vị trí, thời điểm và cách thức tương tác giữa các loài vào lần xuất hiện đầu tiên.

Hoá thạch mới được tìm thấy tỏ rõ chân tướng về tổ tiên xa xưa: những khám phá từ lịch sử tiến hóa sớm nhất và gần đây nhất của chúng ta

Cũng như những năm trước, năm 2022 mang đến cho chúng ta nhiều khám phá về hoá thạch để ta hiểu thêm về lịch sử thuở sơ nguyên của dòng dõi loài người. Một trong những loài vượn đầu tiên, Sahelanthropus tchadensis [14],có niên đại khoảng 6-7 triệu năm về trước và được phát hiện ở Chad tại miền trung châu Phi. Tuy trước đây chỉ được biết đến nhờ phần còn lại của hộp sọ và một phần xương đùi, vào tháng 8, một nhóm do Guillaume Daver và Franck Guy từ Đại học Poitiers dẫn đầu đã diễn giải lại xương đùi (xương cẳng chân) và mô tả hai xương trụ (xương cẳng tay)[15] của loài này. Những xương trụ trên có nhiều mối liên hệ với họ hàng vượn của chúng ta và đưa ra ý tưởng rằng mặc dù Sahelanthropus có thể đã đi bằng hai chân trên mặt đất nhưng cánh tay của chúng vẫn thích nghi tốt việc leo trèo và trèo cây.
Về khía cạnh gần đây hơn của thời tiền sử: những hóa thạch mới của người Denisovan [16] bí ẩn, chủ yếu được nhận biết thông qua DNA, đang bắt đầu giúp chúng ta hình dung ra nơi họ sinh sống cũng như ngoại hình của họ. Tiếp nối với một hàm dưới của người Denisovan được tìm thấy ở Tây Tạng vào năm 2019[17], một chiếc răng hàm của người Denisovan gần đây đã được phát hiện ở Lào [18], Đông Nam Á. Có niên đại từ 130.000 đến 160.000 năm tuổi, đây là hóa thạch Denisovan đầu tiên được tìm thấy ở một khu vực địa lý nơi mà các nhà khoa học biết rằng DNA của họ bị đứt gãy. Thêm vào đó, nhiều quần thể người Đông Nam Á, Papuan và Philippines hiện đại có một số DNA của người Denisovan trong họ – lên tới 5% đối với một nhóm người Philippines bản địa [19]. Chúng tôi đang hết sức mong đợi những khám phá mới hơn về Denisovan để biết thực sự thì họ là ai, họ trông ra sao, cũng như cả thời điểm và cách mà họ tương tác với giống loài chúng ta.
Nói thêm về sự tương tác giữa các loài, những khám phá mới vào tháng 2 từ một hang động ở đông nam nước Pháp đang làm phức tạp thêm câu chuyện về sự đồng chiếm đóng giữa con người và người Neanderthal ở châu Âu. Một nhóm nghiên cứu do Ludovic Slimak dẫn đầu tại Đại học Toulouse đã khai quật được những vết tích về sự trú ngụ của người vượn tại một địa điểm có tên là Grotte Mandrin ở Pháp: người Neanderthal đầu tiên ở đó, sau đó là người hiện đại, rồi người Neanderthal lại ở đó một lần nữa trước khi người hiện đại trở thành giống người duy nhất sống ở châu Âu [20]. Từ tất cả những vết tích và bằng chứng hoá thạch, sự cư trú của con người đã có từ hơn 50.000 năm trước, lâu hơn 10.000 năm so với cột mốc trước đó [21] cho thấy rằng người hiện đại sinh sống trong khu vực này. Bằng chứng này cho chúng ta biết rằng người Neanderthal và người hiện đại không chỉ sống ở cùng một khu vực trong một thời gian dài (có khả năng ngụ ý rằng sự hiện diện của chúng ta ở châu Âu không khiến người Neanderthal tuyệt chủng), mà cả hai loài này đã luân phiên chiếm giữ cùng một địa điểm. Khoảng thời gian tiếp xúc kéo dài này cũng có thể có ý nghĩa đối với di truyền học, có khả năng bổ sung thêm một dữ liệu khác về địa điểm và thời điểm giao phối giữa người hiện đại và người Neanderthal.
-
Phần tiếp theo của bài viết sẽ đi kèm với 3 đề mục thú vị tiếp nối:
-Mối quan bệ bằng hữu và gia đình ở loài vượn hiện đại và người Neanderthal
-Cách bệnh tật định hình chúng ta và cách chúng ta đã tiến hoá để chữa trị
-DNA cổ đại: người vừa đoạt giải Nobel

Vì độ dài của bài viết nên mình chia nó thành hai phần, tìm đọc phần 2 trong trang cá nhân của mình hoặc trong mục tìm kiếm.
Hy vọng bài dịch này sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.