Nếu ai có dịp xem “Leafie, a Hen Into the Wild”, sẽ thấy cô gà mái Leafie luôn tìm cách trốn khỏi chuồng để được tự do. Phim rất hay và chân thật, và có lẽ sẽ chỉ là trên phim nếu như không phải cách đây 2 ngày, tôi tận mắt chứng kiến phiên bản “cô gà mái Leafie” ngoài đời thật…

Đó cũng là một cô gà mái, và cũng tìm cách trốn khỏi chuồng gà, chính xác là 3 lần, và cả 3 lần đều thành công.

Lần thứ nhất: cô gà mái chui hàng rào chạy trốn ra đường, mặc dù hàng rào được giăng lưới rất kỹ mà không biết cách nào cô chạy ra được. Ba người được phân công đi tìm bắt lại, kết quả cô bị tóm, trả lại chuồng.

Lần thứ hai: chỉ cách lần đầu mấy phút, cô cũng chui hàng rào dù lỗ hổng trước đã được bịt lại. Ba người tiếp tục được cử đi tìm, và cô cũng lại bị tóm. Lần này cô được nhốt trong lồng.

Lần thứ ba cũng là lần cuối cùng. Nhân sơ ý lúc thả cô ra khỏi lồng, cô chạy nhanh ra cửa và chạy mất. Ba người lại tiếp tục đi tìm, nhưng lần này không tìm thấy, cô như bốc hơi khỏi mặt đất.

Trong phim “cô gà mái Leafie” giả chết để qua mắt người nông dân, thì ngoài đời, cô gà mái trốn trong bụi tre gai và nằm im trong đó, có đi qua đi lại chổ đó 5 hay 6 lần cũng không biết được, một sự ngụy trang và ẩn mình hoàn hảo. Cho đến khi phát hiện và làm mọi cách xua cô chạy ra cũng botay vì cô cứ nằm im trong đó, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không biết đó là trí khôn tiến hóa hay là bản năng của động vật.

Không biết bây giờ cô gà mái đó đã cao chạy xa bay tới phương trời nào. Nhưng dù sao, cô cũng đã thành công trong cả ba lần “tìm tự do” của mình, có một sự ngưỡng mộ cho cô, dù cô chỉ là con gà mái, mà con gà thì không thể nhân cách hóa ngoài đời thực mà chỉ có thể nhân cách hóa trên phim ảnh, nhưng tôi có sự ngưỡng mộ dành cho một con gà. Nếu cô còn sống, chắc giờ đang hạnh phúc cảm nhận cảm giác tự do, mà tự hỏi nếu được nói cô sẽ nói gì? chắc là “Tự do muôn năm!”.

Sau đó có dịp gặp người chủ của cô gà, mới hỏi: chú có thấy tiết không vì dù sao cũng đã bỏ công chăm bẳm hàng tháng trời?

Người chủ nói: không tiết công, nhưng buồn vì chưa chữa được vết thương cho nó.

Ngạc nhiêu hỏi: vậy nó bị gì?

Người chủ buồn buồn nói: nhốt con gà đó chung một chuồng với 7 con gà khác, thời gian đầu không để ý, nhưng cách hôm con gà mái sổ chuồng mới phát hiện trên lưng nó bị mổ trụi hết lông, còn rách một miếng da rất dài. Theo dõi mới biết nó bị 7 con chung chuồng mổ, hôm đó tôi lấy chỉ may sống lại vết da rách cho nó, có xứt thuốc đỏ, tính nhốt nó ra chổ khác cho lành, thì chưa gì nó đã chạy mất.

Đúng là trên phim mọi chuyện đều mang màu hồng, còn thực tế mới phủ phàng làm sao. Cô gà mái Leafie vì muốn được tự do bay nhảy mà tìm cách trốn thoát, còn phiên bản đời thực của cô thì chạy trốn khỏi sự bắt nạt, bạo hành từ chính đồng loại của mình. Nếu con gà biết nói, nó sẽ nói gì? Chắc là “Nấu tôi đi hay luộc gì cũng được, xin đừng nhốt tôi trong chuồng này!”. Mỗi đêm đều bị 7 con thi nhau mổ, hơn cả cực hình, đó là địa ngục, mấy tổ chức AAF, WCS, WRA,… mà biết chuyện này chắc có thể nghĩ đến chuyện kiện người chủ của con gà!?.

….

Nghĩ con gà mới nhớ tới con người, rồi giật mình khi cũng có sự giống nhau. Con người khi bị hành hạ, bị bắt nạt cũng có mấy ai dám lên tiếng; họ cam chịu, có khi chịu đựng hết ngày này qua ngày khác. Con người hơn con gà ở chổ có tiếng nói, có suy nghĩ nhưng khi bị bắt nạt, có mấy ai dám lên tiếng. Vậy mới có chuyện nam học sinh lớp 10 đâm cô bạn cùng lớp, vì bị cô bạn bắt nạt, thời bây giờ chuyện “nữ… đầu gấu” cũng không hiếm vì “nam nữ bình đẳng!” mà.

Nhưng tại sao một người bị bắt nạt lại không dám liên tiếng? thầy cô, bạn bè, cha mẹ,… chẳng lẽ không có một ai đủ tin tưởng để tâm sự, chia sẻ. Nghĩ cũng tội, vì trong trường học hay ngoài xã hội đều “dạy” con người phải biết lên tiếng cho sự bất công, cái “không dạy” là im lặng cam chịu, nhưng cái “dạy” thì ít ai làm, còn cái “không dạy” thì gần như phổ biến. Tại sao đây? Chẳng biết tại sao, nhưng có thể đỗ lỗi cho cái cơ chế “tự bảo vệ bản thân” cài đặt sẳn trong mỗi người, đó là: nếu biết điều đó không tốt cho tôi, tôi sẽ không làm. Một học sinh bị bắt nạt trong trường, muốn nói điều đó với cô, nhưng bọn đó hâm dọa đánh chết nếu mách lẽo. Cơ chế “tự bảo vệ bản thân” lập tức được kích hoạt ngầm, nó tự phân tích, so sánh: báo với cô có được giải quyết không? hay bị tụi nó đánh nhiều hơn? Mà cô thì đâu phải vào trường mỗi ngày? Còn bọn nó học chung, đi chung? Nói với cô, cô lại nói lại với cha mẹ? mà lúc đó sẽ nói sao? Chẳng lẽ nói con chịu cho tụi nó đánh cả tuần? cha mẹ biết con mình yếu đuối quá chắc buồn lắm?.... rồi cuối cùng “nó” tự đưa ra kết luận của việc so sánh, “im lặng vẫn tốt hơn, ít bị tổn thương hơn!!” Và cuối cùng phát tín hiệu dẫn dắt hành động thực hiện theo kết quả đó: im lặng. Vậy tại sao có chuyện tức nước vỡ bờ? đó là nhu cầu giải phóng cảm xúc, vui thì cười, buồn thì khóc, nhưng ở đây là cảm xúc tiêu cực, ở Mỹ có một dịch vụ rất thú vị, đó là cho người sử dụng vào một căn phòng kín với đầy tivi cũ và… một cây gậy bóng chày. Người sử dụng có thể đập phá tivi bao nhiêu tùy thích trong căn phòng đó theo thời gian thuê phòng, đó là xã stress, con người cảm thấy thoải mái khi những cảm xúc tiêu cực được giải phóng. Nhưng ở đây, những cảm xúc tiêu cực không được giải phóng mà được “nén” lại, và dĩ nhiên lò xo càng nén thì lực bung càng mạnh, đúng với câu “tức nước vỡ bờ”, bên cạnh đó có sự tác động thêm của cơ chế “tự bảo vệ bản thân”, vì khi “im lặng” không phát huy tác dụng nữa, nó sẽ tự phân tích và so sánh lại, kết quả sẽ là: chỉ cần “giải quyết” nó hay “mạnh” hơn nó, mọi chuyện sẽ ổn!!!. và cũng “ngầm” hướng dẫn cơ thể hành động theo điều đó, mới có chuyện học sinh đi học mang dao giấu trong cặp.

Nhưng nói chung những điều trên không nguy hiểm, vì có thể giải quyết bởi một cách đơn giản, nói đơn giản nhưng thật ra lại rất  khó. Đó là làm sao để những “người vô can” lên tiếng. Xem nhiều clip học sinh đánh nhau mới thấy, nhiều “người vô can” thản nhiên đứng cười đùa, quay clip, cổ vũ,… những người này mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mọi bi kịch, đứa bắt nạt sao có thể “tự thú” tội của mình, đứa bị bắt nạt thì không thể nói, nhưng những “người vô can” đáng lẽ có thể nói, đáng lẽ có thể phản ánh, và có thể ngăn những bi kịch “đâm bạn” thì chọn cách im lặng, đúng là thái độ “thờ ơ” đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn, đúng hơn là “vô nhân đạo”. Giết người vô tội là vô nhân đạo, “người vô can” giết người bằng chính sự im lặng của mình.

Có ai xem “Don’t Cry Mommy” mới thấy, kết quả của sự “im lặng tàn nhẫn” nó còn hơn cả địa ngục. Một cô bạn thấy bạn mình bị hiếp dâm tập thể, bị quay clip nhưng không lên tiếng. Kết quả cô bạn bị hiếp tự tử chết, người mẹ phẩn uất giết chết từng đứa trong cái đám làm chuyện thú tính _ _!! Mà kết quả có thể tốt hơn nếu như cái cô bạn đó nói ra sự thật với mọi người.

Người bắt nạt, người bị bắt nạt không đáng trách, không đáng lên án bằng những “người vô can” ngây thơ nhưng vô số tội kia…

Con gà thì không thể lên tiếng, nó cũng không thể cầm dao đâm chết người khác, nên nó chạy trốn. Con người thì khác!!!

Rảnh viết chơi vài dòng, ai có đọc cũng miễn bàn dùm.