1001 drama: Thực thi quyền lực của khán giả hay đơn giản là Chúng ta ngày càng xấu tính?
Dường như nước ta đang bước vào thời kỳ “Bách drama chư cách-để-lãng-phí-thời-gian”, hết Cậu Vàng, đến Sơn Tùng, rồi đến Trạng Tí....
Dường như nước ta đang bước vào thời kỳ “Bách drama chư cách-để-lãng-phí-thời-gian”, hết Cậu Vàng, đến Sơn Tùng, rồi đến Trạng Tí. Hệ sinh thái drama phát triển thịnh vượng hơn bao giờ hết, các trang tin lá cải trên Facebook, các nhãn hàng tự huỷ hoại thương hiệu khi đu trend, cộng đồng mạng có đủ thứ để lảng tránh khỏi thực tại đầy rẫy vấn đề. Các bên trong hệ sinh thái drama phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng và đồng bộ, để kiến tạo nên một thứ gọi là mùa xuân năm covid thứ 2, trăm chuyện nhảm nhí đua nở.
Có những trang tin nhận xét rằng: “Trước đây người ta nói cư dân mạng Việt Nam quá dễ dãi với những nghệ sĩ của mình. Thì giờ đây, chúng ta đang ngày càng trở nên giống netizen Hàn và Trung.”
Có những người tung hô như đây là một chiến tích, rằng quyền lực của khán giả đang được thực thi, và các bên sản xuất nội dung giải trí phải tôn trọng khán giả hơn bao giờ hết. Cái viễn cảnh mà netizen Việt có thể sánh vai cùng các netizen Hàn và Trung có lẽ không còn xa.
Mọi người đang ăn mừng! Có vẻ như họ tin vào một cơ chế thị trường hoàn hảo, nơi người tiêu dùng có quyền lực tuyệt đối để áp lên các nhà sản xuất, từ đó những nội dung chất lượng và phù hợp với nhu cầu được thúc đẩy?
Hay họ đang cố đóng vai những anh hùng bảo vệ đạo đức và luân lý xã hội? Và những kẻ bị cho là xấu (qua một vài mẩu tin cóp nhặt và đoán mò) phải chịu trừng phạt?
Hay đơn giản là họ chỉ đang cố trở nên xấu tính hơn, biến chính mình thành những tên sát nhân như cách netizen Hàn bức tử hàng loạt nghệ sĩ của họ?
Tôi thì nghiêng về giả thuyết cuối hơn. Có một thứ gì đó rất thoả mãn trong chuyện khán giả Việt ngày càng trở nên ồn ào hơn, phải kích động tẩy chay bằng được những thứ không hợp nhãn họ, phải triệt đường sống của những người không sống giống họ.
Tôi thắc mắc không biết động cơ đằng sau những thứ xấu tính ngày càng gia tăng này là gì? Một sự bất lực trong cuộc sống khiến họ phải kiếm một nguồn khác để xả lên và cảm thấy mình có quyền lực chăng?
Giống như một đứa trẻ bị cha mẹ bạo hành tinh thần ở nhà, đến lớp nó phải bắt nạt lại đứa ngồi bên cạnh để cảm thấy giải toả. Giống như một người quản lý cấp trung chịu tủi nhục khi bị sếp mạt sát, phải áp đặt và hành hạ lại cấp dưới để cảm thấy bản thân mình không bất lực đến thế. Hay một tên nịnh bợ mà may mắn thành công được thì luôn muốn những người mà hắn cho là thấp hèn hơn hắn phải nịnh bợ hắn lại.
Dù sao thì, những con người bất lực trong cuộc sống bất ngờ khám phá ra được cái quyền lực của mình lên những con người “thành công” hơn họ, thông qua việc vote 1 sao và bêu rếu trên mạng xã hội, thông qua việc tẩy chay, và thông qua việc gây áp lực cho các nhãn hàng liên quan. Họ lấy đây làm điều thoả mãn lắm sao? Tất nhiên rồi, thay vì bắt nạt con mình, bắt nạt cô tạp vụ, hay bắt nạt người phục vụ - những người họ cho là thấp bé hơn họ, giờ đây họ có thể bắt nạt được các ngôi sao, những người danh tiếng, thành công, và quyền lực hơn họ nhiều. Sao lại không thoả mãn chứ, khi điều này là khao khát ngàn năm của dân tộc ta - những con dân thấp cổ bé họng trước bọn cường hào ác bá và trước lũ nhà giàu độc địa.
Dường như rất hả hê với quyền lực mới khám phá được này, họ săm soi và điều tra không khác gì những thám tử thật sự, họ thi hành “lẽ phải” không kém gì các cơ quan hành pháp - trước tiên là tấn công vào trang cá nhân, sau đó là bêu rếu trên mọi mặt trận, cuối cùng tẩy chay các nhãn hàng liên quan, cô lập con mồi của mình, cắt đứt nguồn sống, và rời đi để lại một nạn nhân sống dở chết dở.
Không ít người sống đàng hoàng và trí thức cũng hành xử theo một cách xấu tính tương tự. Tôi không hiểu họ có ý thức được hành động của họ không khác gì một tên trọc phú la hét vào mặt tiếp viên hàng không “mày biết tao là ai không?” như một cách củng cố cho bản thân hắn về cái quyền lực mong manh của hắn. Họ xem đoạn clip đó và gọi đây là hành động vô học. Nhưng tiếc thay, họ đang hành động một cách vô học không kém - “Này bọn nghệ sĩ, mày biết tao là ai không? Là cộng đồng mạng.”
Ở đây phát sinh ra một câu hỏi: Nếu không sử dụng quyền lực của khán giả bằng cách bêu rếu và tẩy chay thì những “rác phẩm” điện ảnh và những hành vi phản luân lý sẽ tràn lan thì sao?
Hãy chia vấn đề cần xử lý thành 2 mục riêng biệt: (1) sử dụng quyền lực của người tiêu dùng để điều chỉnh thị trường và (2) bảo vệ luân lý, đạo đức xã hội. Vấn đề thứ hai thì với tôi là nên dẹp đi, không ai mượn một đám đông rảnh rỗi đi bảo vệ luân lý và đạo đức xã hội cả. Xã hội có pháp luật, và những cái gì không vi phạm pháp luật thì cá nhân có quyền làm; việc nhân danh lẽ phải mà đi triệt đường sống của người khác là đang vi phạm quyền cá nhân và quyền tự do của họ. Việc mà đám đông rãnh rỗi nghĩ là đang giúp xã hội tiến bộ văn minh hơn thật ra là đang kéo xã hội trở lại thời kỳ mông muội, khi ý chí của một nhóm được áp đặt lên người khác bằng vũ lực, bằng gậy gộc và ném đá (nghĩa đen).
Còn vấn đề thứ nhất thì với tôi là nên bớt cho mình là trung tâm vũ trụ đi. Mạng xã hội có khả năng thần kỳ là làm cho quan điểm của một nhóm thiểu số trở nên trông có vẻ phổ biến. Và việc một nhóm nhỏ nào đó thấy rằng một bộ phim đáng bị tẩy chay không có nghĩa là phần đông người khác cũng nghĩ như vậy. Nếu phần đông người khác cũng nghĩ như vậy thì chắc chắn không cần nhóm nhỏ kia điên loạn lên thì tác phẩm cũng tự thua lỗ mà chết, cái này mới là cơ chế thị trường chứ không phải gào hét gầm rú lên như một nỗ lực cố bóp méo thị trường.
Không ai cấm một người thất vọng hay căm ghét một nghệ sĩ hay một tác phẩm nào, cũng không ai cấm một khán giả bất kỳ phê phán và chỉ trích một cái gì đó, nhưng cái khác biệt nằm ở mức độ, ở sự cố tình kích động đám đông, và sự độc ác triệt hạ người khác.
Một người vẫn có thể sống tốt được, xã hội vẫn phát triển được, dù không tối ngày đi hít hà drama trên mạng. Thật đấy!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất