1. Tính hấp dẫn

Đây có lẽ là lập luận phổ biến nhất mà bạn có thể tìm được nếu bạn đang nghiên cứu về Trò chơi Nghiêm túc (Serious Games). Mọi người trong ngành đều đang gào thét về điều này như một sự thật còn hơn cả sự thật. Nhiều người tưởng Trò chơi Nghiêm túc chỉ thu hút giới trẻ hoặc các game thủ, nhưng trên thực tế, các giải pháp được thiết kế khéo léo sẽ thu hút người dùng ở mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh, bất kể họ đã từng chơi game trước đó hay chưa. Và đây là lí do. Một Trò chơi Nghiêm túc được xây dựng tốt sẽ cung cấp cho người dùng điều gì đó để quan tâm; một mục tiêu mà họ muốn đạt được; một mục tiêu có liên quan đến doanh nghiệp hoặc tình huống mà người dùng có thể nhìn thấy bản thân mình trong đó. Một nhà thiết kế Trò chơi Nghiêm túc sẽ tập trung khai thác động cơ của người dùng và biến chúng thành trung tâm của câu chuyện.
Trò chơi Nghiêm túc trình bày thông tin dưới dạng các vấn đề lồng vào nhau; chúng cung cấp cho người dùng một mục tiêu nhưng người dùng phải tích cực tham gia vào trò chơi thì mới tìm ra cách đạt được mục tiêu ấy. Bên cạnh đó, các trò chơi cũng sử dụng các nhân vật thú vị và các vòng thưởng để giúp bạn tiếp tục tiến lên. Người dùng sẽ bắt đầu mua các phần mới và sẽ đầu tư cảm xúc vào đó nhiều hơn.

2. Môi trường an toàn

Có phải hầu hết người học thời nay đều có một môi trường thực tế để thực hành các kỹ năng của họ không? Thật không may, trừ khi bạn là một phi công hoặc kỹ thuật viên hạt nhân, câu trả lời rất có thể sẽ là không. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào một mô hình kinh doanh mô phỏng với người thật và dữ liệu thị trường thật chỉ để nhân viên của họ thực hành. Vậy điều gì có thể trở thành mối liên kết còn thiếu giữa kiến thức và ứng dụng thực tế? Chính là Trò chơi Nghiêm túc.
Trò chơi Nghiêm túc cho phép người dùng thực hành các kỹ năng hoặc phương pháp mà họ đã đọc hoặc “đi tắt đón đầu” với chiến lược của riêng họ mà không phải lo lắng về hậu quả hay những ảnh hưởng xấu về phía doanh nghiệp. Trên thực tế, việc thực hành trong môi trường ảo sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp bằng cách giảm số lượng sai lầm mà nhân viên mắc phải trong thế giới thực.

3. Quy luật học tập

Trò chơi Nghiêm túc được thiết kế để thu hút những luồng tư duy trong não bộ chúng ta, phản ánh cách chúng ta tìm hiểu bản chất của sự vật. Vì mục đích chính của Trò chơi Nghiêm túc là phát triển kiến thức, kỹ năng mới và cuối cùng là tạo ra sự thay đổi hành vi, chúng phải phù hợp với cách chúng ta học, phải tuân thủ theo một “quy luật học tập”.
Đây có thể là một chủ đề khá phức tạp, vì vậy chúng ta hãy cùng khảo sát một trong những tiền đề cơ bản của việc học. Nhìn vào dòng chảy của lịch sử, trong mọi nền văn hóa từng hiện diện trên Trái Đất, con người kể chuyện để truyền lại kiến thức cho thế hệ mai sau. Những câu chuyện có khả năng tạo ra các kết nối cảm xúc, nhằm lôi cuốn và giữ chân người nghe. Trong xã hội ngày nay, chúng ta sử dụng những câu chuyện để giải trí - sách, phim và trò chơi - chúng hấp dẫn chúng ta thông qua việc sử dụng khéo léo cách trần thuật, cách mô tả nhân vật và những thử thách vĩ đại. Những yếu tố này gần như vắng bóng trong các cuộc thảo luận về học tập.
Bây giờ, sự khác biệt lớn nhất giữa việc đọc một cuốn sách giáo dục, xem một bộ phim giáo dục hay chơi một trò chơi giáo dục chính là bạn, người chơi, là nhân vật chính. Bạn là người nắm quyền kiểm soát; tất cả các hành động đều xoay quanh bạn. Bạn đưa ra lựa chọn, đón nhận hậu quả, và cho dù là thành công hay thất bại, bạn đều tạo ra trong mình những kết nối cảm xúc thậm chí còn mạnh mẽ hơn chính những hành động kể trên. Khoa học thậm chí còn đo đạc được các phản ứng sinh lý khi người ta nếm trải thất bại trong trò chơi; đôi khi những cảm giác ấy thật đến nỗi não bộ của chúng ta không thể phân biệt được sự khác biệt ở cấp độ sinh học cơ bản nhất.
Bởi vì bạn được đặt ở trung tâm của hành động, bạn học theo tốc độ của riêng mình. Bạn không cần phải theo kịp 25 người với 25 trình độ và mục tiêu khác nhau. Bạn đánh giá hành động của mình trong thời gian của riêng bạn. Bạn có thể thất bại nhiều lần nếu điều đó là cần thiết để nắm bắt được giải pháp.
Không phải mọi thiết kế đều giúp bạn học tập theo tốc độ của riêng mình. Một khóa học trực tuyến sẽ có một lượng nội dung cụ thể, hiển thị trên một lượng màn hình cụ thể, được diễn tả bằng một lượng chữ cụ thể, rồi âm thanh, rồi hình ảnh động - và nếu bạn may mắn, bạn có thể gặp một số câu hỏi trắc nghiệm. Tuy nhiên, trong Trò chơi Nghiêm túc, nội dung sẽ ẩn vào trong các hành động và lựa chọn, thế nên chỉ khi bạn đã nắm chắc kiến thức, bạn mới thấy bản thân mình tiến bộ. Nội dung ở đây sẽ được sắp xếp một cách cẩn thận để đảm bảo bạn hiểu - không chỉ nhớ mà còn thực sự hiểu - trước khi bước sang phần tiếp theo. Chính bởi vì bạn hiểu, bạn mới có thể sử dụng thông tin lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn chứ không chỉ bộ nhớ làm việc để giải quyết vấn đề.

4. Khả năng tái sử dụng

Về bản chất, Trò chơi Nghiêm túc được thiết kế để chơi đi chơi lại nhiều lần. Một thiết kế thành công không nên được đánh giá dựa trên số lượng người dùng đã hoàn thành trò chơi, mà là cách nó thu hút người dùng quay trở lại. Trò chơi nói chung là phi tuyến tính và cho phép người học khám phá các con đường khác nhau và các hệ quả khác nhau, giúp người học xây dựng được một cái nhìn toàn diện về một tình huống hoặc vấn đề.
Từ các trò chơi mà chúng tôi tổ chức tại Totem, chúng tôi biết rằng người dùng chơi trò chơi của chúng tôi trung bình 4,3 lần. Việc chơi lại này củng cố việc học và thông qua cơ chế tính điểm, chúng ta có thể thấy người học ngày càng chơi tốt hơn khi họ chơi nhiều hơn.
Trò chơi Nghiêm túc cũng có thể rất linh hoạt; bạn có thể sử dụng chúng theo nhiều cách. Bạn có thể áp dụng một bối cảnh cho trải nghiệm học tập và yêu cầu người học tập trung vào các mục tiêu học tập khác nhau hoặc chơi theo một cách nhất định với một tư duy nhất định; hoặc bạn có thể đưa ứng dụng vào các các giai đoạn khác nhau của vòng đời học tập, ví dụ như tiền thân của một khóa học cố định, một khóa học bồi dưỡng sau sáu tháng.

5. Trở nên đại chúng

Trò chơi Nghiêm túc rất tuyệt vời để lấy các chủ đề phức tạp như Six Sigma chẳng hạn (bình thường sẽ được bàn luận trong những lớp học chuyên sâu mà để tổ chức thì cần rất nhiều chi phí) trở thành một trò chơi nghiên cứu tình huống để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Đúng vậy, dù chỉ có thể tổ chức đào tạo ở cấp độ sơ đẳng, nhưng ít nhất tất cả mọi người sẽ hiểu được kiến thức căn bản, từ đó đảm bảo tổ chức của bạn có một sự thống nhất về mặt tư duy.

6. Tiết kiệm chi phí

Bạn có thể thấy được hiệu quả tiết kiệm chi phí của Trò chơi Nghiêm túc trong tất cả các lý do kể trên. Thứ nhất, chúng có thể được tái sử dụng cho mỗi người học và trên toàn tổ chức trong các bối cảnh khác nhau; chúng biến các nội dung phức tạp thành nội dung có tính đại chúng, đảm bảo thông điệp của bạn được tất cả mọi người trong tổ chức lắng nghe, thấu hiểu và thực thi.
Tất nhiên chúng ta sẽ cần có chi phí phát triển trước, nhưng nếu một Trò chơi Nghiêm túc được xây dựng đúng cách, nó có thể được cập nhật, sửa đổi và tinh chỉnh trong nhiều năm để đảm bảo nó luôn phát huy được thế mạnh của mình.

7. Tiềm năng dữ liệu

Bởi vì bạn cần đưa ra rất nhiều (ý tôi là rất rất nhiều) quyết định trong một trò chơi và những quyết định đó sẽ nói lên quá trình suy nghĩ của bạn, bạn có thể coi chính quá trình chơi ấy như một dạng thông tin có giá trị tương đương với kết quả cuối cùng. Hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn nhận được dữ liệu hành trình từ tất cả mọi người: đội ngũ lãnh đạo, phòng quản lí và nhân viên,… bạn có thể chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức và xây dựng một chiến lược giải quyết những vấn đề vĩ mô; hoặc bạn có thể đi xuống cấp độ vi mô và bắt đầu tạo một kế hoạch học tập dựa trên hiệu suất thực tế của từng nhân viên trong tổ chức (thứ có thể được đo lường thông qua các trò chơi phán đoán tình huống).

8. Đầy hứa hẹn

Trò chơi Nghiêm túc và các ứng dụng học tập tương tác đang đạt đến giai đoạn được các đơn vị tuyển dụng đón chào nồng nhiệt. Những công ty sử dụng cách tiếp cận này thường được coi là tiến bộ về mặt học tập và phát triển, từ đó sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn. Những phương pháp này cũng giúp giữ chân nhân tài bằng cách đảm bảo việc học tập và phát triển nội bộ của họ luôn thú vị và đầy hấp dẫn.

9. Công cụ hỗ trợ đắc lực

Trò chơi Nghiêm túc có thể là liên kết còn thiếu trong bộ công cụ học tập và phát triển của bạn - bạn cần một lượng kiến thức, bạn cần đào tạo tại chỗ, bạn cần người củng cố,… và Trò chơi Nghiêm túc sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho các hình thức học tập kể trên. Chúng là một phần của tổng thể cần thiết để học tập và phát triển tốt. Hãy nghĩ về sự gia tăng của các dịch vụ phát video trực tuyến như YouTube và Vimeo, là những mạng xã hội mà bạn có thể đăng câu hỏi và nhận phản hồi ngay lập tức. Hiện nay, thế hệ người lao động mới đang tìm kiếm và sử dụng những cách học mới. Nhiều khả năng họ đã bắt đầu học ngoài giờ làm việc, sử dụng MOOC hoặc YouTube. Trò chơi Nghiêm túc chỉ là một khía cạnh bạn nên xem xét như một phần của chiến lược học tập kỹ thuật số của mình.

10. Vì chúng hoạt động!

Nghiên cứu gần đây của Sitzmann (2011) tại Trường Kinh doanh Denver thuộc Đại học Colorado đã so sánh hiệu quả giảng dạy của Trò chơi Mô phỏng Máy tính (Computer-Based Simulation Games) với một nhóm đối sánh, nhằm đánh giá chất lượng giảng dạy, đặc biệt là kết quả sau đào tạo. Dữ liệu được thu thập từ 6476 người tham gia, từ sinh viên (đại học và sau đại học), nhân viên và cả quân nhân. Thông qua các chỉ số về hiệu suất cá nhân, kiến thức khai báo, kiến thức thủ tục và kết quả lưu giữ, Sitzmann nhận thấy những học viên được dạy bằng trò chơi mô phỏng đã tiến bộ nhiều hơn so với nhóm đối sánh. Nhìn chung, kiến thức khai báo ở các học viên được dạy bằng trò chơi mô phỏng cao hơn 11% so với nhóm đối sánh; kiến thức về thủ tục cao hơn 14%; tỷ lệ ghi nhớ cao hơn 9%; và hiệu suất cá nhân cao hơn 20%.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: