10 điều tôi nhớ về Anh Quốc

Chẳng hiểu vì sao phải tận 4 năm kể từ khi tôi rời quốc đảo này thì mới kể lại. Chắc có lẽ lúc đó cảm thấy chẳng có gì phải nhớ vì tôi ở chưa đủ lâu, trải chưa đủ nhiều. Nhưng bây giờ khi đang ở giữa tiếng ồn của Sài Gòn thì kỷ niệm thời học tập bên Anh Quốc tự nhiên trở lại.
Là một người sinh ra và lớn lên trong trung tâm thành phố đông dân nhất đất nước, tôi cứ nghĩ mình sẽ chỉ lòng vòng ở đây. Nhưng cuộc đời đưa đẩy. Tốt nghiệp cấp 3 xong, tôi ra Hà Nội học và trở lại Sài Gòn làm việc. Cứ nghĩ vậy là sẽ ổn định nhưng từ lúc nào đó tôi tự hứa với mình là phải đi khám phá đất nước khác. 
Cơ duyên của tôi đến vào năm 2015 khi tôi nhận được học bổng để du học thạc sĩ ở thành phố Manchester, Anh Quốc. Không chần chừ, tôi chấp nhận và đi ngay. Hai năm học thật nhanh và khi ngẫm lại, tôi tự thấy mình đã học được nhiều thứ.
Tôi có thể kể nó qua những điều tôi ấn tượng.
[1] TIẾNG ANH ANH - “Giọng Anh nghe thật lạ.” Đó có lẽ là điều tôi ấn tượng đầu tiên khi đáp xuống London. Mặc dù đã học tiếng Anh từ nhỏ nhưng tôi vẫn bỡ ngỡ với cách người dân phát âm. Nó giống như một người Sài Gòn ra Hà Nội vậy. Nhưng không vấn đề gì, tôi vẫn hiểu và cảm thấy họ rất dễ thương. Đó là ở London thôi nhé, còn nếu đi ra vùng ngoại ô và khu vực khác thì giọng địa phương càng rõ hơn nữa. Ở nơi tôi sống, Manchester, nếu không quen thì bạn sẽ nghĩ họ đang nói ngôn ngữ khác. 
[2] SƯƠNG MÙ QUANH NĂM - Ngoài Đà Lạt ra thì tôi chưa từng tới một nơi nào mà lại thiếu ánh nắng mặt trời như vậy. Từ sân bay, xe lửa, xe buýt, London cho đến Manchester, bầu trời lúc nào cũng một màu xám u sầu. Đến mức khi có nắng ai cũng đứng để phơi như muốn bù đắp lại những ngày âm u kia. Không những sương mù mà còn hay mưa nữa. Nếu bạn là một người thích hoạt động ngoài trời hay tắm biển thì đây có lẽ sẽ làm bạn thất vọng. Không đến mức đó đâu, tôi chỉ miêu tả bằng văn chương thôi, nhưng cũng không thiếu chính xác. Đó là vì sao nó có lên gọi là “Quốc đảo sương mù.”
[3] NGƯỜI XA LẠ TỬ TẾ - Người dân Anh tử tế một cách lạ lùng. Khi ở ngoài đường, tôi không biết họ, nhưng họ lại nhìn và mỉm cười. Đó là lần đầu tiên, còn nếu đã thấy mặt vài lần thì sẽ “Good morning” [Chào buổi sáng] hoặc “Lovely day” [Hôm nay thật đẹp nhỉ?]. Ban đầu tôi nghĩ họ bị gì nhưng dần dần tôi nhận ra sự tử tế của con người nơi đây. Nếu tôi làm vậy ở Sài Gòn thì chắc người ta sẽ nghĩ mình bị điên hay gì đó. Nhưng với người Anh thì dù là xa lạ thì họ cũng niềm nở. Đất nước này như đang mở rộng vòng tay chào đón tôi.
[4] CỔ VŨ CHO ĐỘI BÓNG ĐỊA PHƯƠNG - Khi coi trên truyền hình thì bạn có thể nghĩ rằng những Chelsea, Manchester United hay Liverpool là đội bóng được yêu thích nhất. Điều đó đúng nếu xét toàn diện. Nhưng đối với người dân thì họ thường cổ vũ cho đội địa phương mang tên thành phố nơi mình sinh sống. Chỗ tôi học tập thì người ta là fan của Manchester City, lúc nó chưa là thế lực như bây giờ. Bạn sẽ thắc mắc vì sao không phải là Manchester United, đó là vì nó nằm ở ngoại ô. Còn City thì được dân trung tâm theo dõi hơn. Họ coi đội bóng là biểu tượng cho nơi mình sống nên gắn liền với nó bất chấp thắng thua. Khi là một fan của ai rồi thì ít khi nào mà thay đổi. Bóng đá là cách ông bố và người con gắn kết với nhau.
[5] XIN LỖI VÀ CẢM ƠN - Ở nơi khác thì tôi không rành nhưng ở Anh thì hai câu đó là cửa miệng. Tôi chưa thấy người dân nào nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn” nhiều đến vậy. Khi họ muốn hỏi bạn điều gì đó, “Excuse me.” Khi bạn lỡ chạm ai đó dù không phải lỗi của họ, “Sorry.” Khi bạn làm gì đó cho họ dù rất nhỏ, “Thank you, cheers.” Có cần thiết phải vậy không. Từ từ tôi cũng quen để rồi khi không còn ở đó nữa thì bắt đầu cảm thấy khó chịu vì con người lại tiết kiệm hai câu đó với nhau.
[6] TÒ MÒ - Không chỉ người Anh Quốc tò mò nhưng có lẽ họ là một trong những dân tộc thích hỏi và thắc mắc nhất. “Why” là một trong những câu bạn sẽ nghe nhiều nhất khi học tập. Trong lớp tôi thì một buổi chắc phải nhắc đến cả trăm lần. Đó là cách con người tư duy và suy luận về tất cả mọi thứ. Môi trường học tập bắt đầu không dựa trên kiến thức có sẵn mà trên tư duy tò mò về mọi thứ. Chỉ khi con người muốn tìm hiểu về điều gì đó, chúng ta mới có cái gọi là giáo dục được. Đừng cảm thấy khó chịu khi họ liên tục hỏi bạn “Tại sao,” đó là cách họ muốn biết thêm về bạn. Bây giờ tôi vẫn tò mò và tự đặt câu hỏi về tất cả xung quanh mình.
[7] VĂN HOÁ ĐỌC SÁCH - Anh Quốc chỉ là một hòn đảo hoang sơ không tài nguyên nhưng lại là một trong những quốc gia để lại di sản nhiều nhất. Nhìn lại lịch sử thì nếu không có sự thống trị của người Anh thì có lẽ thế giới sẽ rất khác. Nhưng điều đó không ngẫu nhiên xảy ra mà là kết quả của một dân tộc ham học hỏi và khám phá. Khi bước vào khuôn viên của bất cứ trường đại học nào, bạn cũng sẽ thấy những sinh viên cầm cuốn sách hoặc Kindle. Bước vào những quán cà phê thì bạn sẽ thấy vô số mọt sách đang chìm đắm trong các trang giấy. Họ tò mò và muốn tìm hiểu về tất cả. Khi bạn sống trong môi trường như vậy, bạn cũng muốn yêu sách, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi yêu sách và đọc không phải vì học tập mà vì đó là niềm vui.
[8] CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT - Khi tôi còn ở trong nước, mỗi lần có nói chuyện và bất đồng với ai thì xác suất cao là sẽ có cãi lộn rồi chửi bới. Nhưng ở Anh, bất đồng chính kiến là điều bình thường. Lớp học không bao giờ có một định hướng cố định cả, mà nó như một diễn đàn mở rộng. Giảng viên không phải là người dạy, mà là người hỏi và thúc đẩy bạn khám phá và tự tìm câu trả lời. Đừng tìm kiếm sự thống nhất về quan điểm, đó là cái chết của trí thức. Đừng theo đuổi sự nhất định của chính kiến, đó là nghịch lý của học thuật. Trước đây tôi hơi khó chịu với những ai không đồng ý với mình nhưng từ từ nhận ra rằng xã hội luôn đa dạng và ý kiến cũng vậy. 
[9] CHÍNH TRỊ DỄ THƯƠNG - Đó là cách tôi miêu tả nền chính trị ở đất nước này, nó thật dễ thương. Mang danh tiếng là một cường quốc nhưng khi coi các chính khách tranh luận với nhau ở quốc hội hoặc trên truyền hình thì họ giống những người bạn nói chuyện hơn là đối thủ. Với cái giọng nhẹ, mặt biểu cảm, thật khó để ghét những ai như vậy. Nói thì tôi lại nhớ đến cảnh David Cameron dẫn gia đình đi chơi. Nếu không nói thì chắc bạn sẽ nghĩ ông ta là người công nhân nào đó. Còn Boris Johnson thì giống một chàng hề hơn là thủ tướng. Nhưng đối với người Anh, lãnh đạo cũng chỉ là người những làm thuê được trả lương cho nên không cần nghiêm trọng làm gì. Tôi đố bạn tìm ra một nền văn hoá chính trị nào dễ thương như vậy đó.
[10] Y TẾ VÀ AN SINH XÃ HỘI - Điều cuối cùng tôi muốn nói đến chính là điều tôi nhớ nhất. Lúc bình thường thì sẽ không nhắc gì nhưng mỗi lần đi khám bệnh ở đất nước mình thì tôi cảm thấy nhớ Anh Quốc. Hệ thống y tế quốc gia [National Health Service] của họ không hoàn hảo nhưng nó không bỏ rơi ai. Khi làm giấy tờ và cảm thấy bực bội với thái độ không tôn trọng của nhân viên xứ mình, tôi luôn nhớ đến sự hiền hoà của các nhân viên trong bệnh viện Anh. Từ người nhỏ đến già, khi đi khám bệnh thì không ai phải tốn gì cả vì chi phí đã được tính qua thuế rồi. Thậm chí, đa số người còn không biết hoá đơn viện phí nhìn ra sao. Khi bạn thất nghiệp hay bị tai nạn, sẽ luôn có sự trợ giúp. Cho nên người dân sống không phải sợ hay lo lắng gì. Có lẽ vì thế mà họ yêu đời và lúc nào cũng lạc quan. Tôi ước nơi mình sống có một hệ thống tương tự.
Tôi trở về nước sau khi tốt nghiệp, bỏ lại những người bạn đã quen ở lại Anh nhưng luôn mang theo bên mình những bài học cuộc sống. Đất nước này không chỉ là nơi tôi đến để học nữa, mà nó như một người thầy đã dạy tôi quá nhiều. Từ sự tử tế, tò mò, tư duy và khoan dung. Tôi rời Anh Quốc nhưng luôn mang nó theo bên mình đến bây giờ. Giữa một Sài Gòn nhộn nhịp, đó là những gì tôi nhớ về Anh Quốc.
PS: Tâm sự của một người bạn nhờ tác giả thay mặt biến thành chữ.
Nguyễn Trọng Nhân
23.12.2020
Đọc thêm: