Bình đẳng giới

1. Bình đẳng giới là nữ quyền
Khoan chưa nói về cách dịch từ Feminism thành Nữ quyền, chúng ta tạm hiểu nữ quyền trong những cuộc hội thoại hàng ngày là quá trình đòi quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, trên thực tế, bình đẳng giới thực chất (substantive gender equality) không nhằm mục đích đòi quyền lợi cho giới nào đó bằng cách chống đối các giới còn lại. Bình đẳng giới đấu tranh cho cả nam lẫn nữ và người liên giới tính (intersex) - một đối tượng mà chúng ta thường bỏ quên. 
Một người hoạt động vì bình đẳng giới thực chất sẽ không bao giờ tìm cách hạ bệ hay đả kích giới tính khác, không bao giờ tự mãn vì những số liệu hình thức về tỉ lệ nam - nữ trong việc làm. Bình đẳng giới thực chất chính là giải phóng con người khỏi những khuôn mẫu, định kiến, vai trò,... mà họ cảm thấy không phù hợp, từ đó thúc đẩy quyền tự do lựa chọn của mình.
2. Bình đẳng giới là vô lý vì nam, nữ vốn khác nhau
Không tính đến các hình thức lợi dụng, biến tướng, bình đẳng giới chưa bao giờ hướng tới việc cào bằng tất cả chúng ta, chưa từng chối bỏ những khác biệt về mặt sinh lý giữa các giới khác nhau, bao gồm nam - nữ hay người liên giới tính.
Bình đẳng giới thực chất nhằm giúp việc thụ hưởng quyền và cơ hội của mọi người không bị điều chỉnh hay hạn chế chỉ vì giới tính sinh học của mình. Và công bằng mà nói, nam nữ hay người liên giới tính cũng không quá khác biệt như bạn nghĩ. Một số đặc điểm tâm sinh lý của họ có thể hình thành do môi trường sống mà thôi!
3. Bình đẳng giới ngày nay không còn cần thiết nữa
Tổ chức thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam - VOGE đã từng viết: Bạn vừa ăn no không có nghĩa là nạn đói đã được xóa sổ trên toàn cầu. Số liệu do cơ quan tư vấn Korn Ferry (Mỹ) thu thập từ 25 nước cho thấy, nữ giới và nam giới làm công việc như nhau, cùng một cơ quan, nhưng thu nhập của nữ giới chỉ bằng 98% của nam giới; phụ nữ làm nhiều việc hơn so nam giới nhưng được trả lương thấp hơn và ít có cơ hội được đề bạt. Do tâm lý trọng nam khinh nữ, chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam còn rất lớn, khoảng 112 trẻ trai/100 trẻ gái (số liệu năm 2016. Với sự phổ cập của internet như hiện nay hoặc ít nhất là với bạn người đang xem được video này, chúng mình tin chắc bạn có thể tìm được rất nhiều số liệu chứng minh cho việc bất bình đẳng giới đang tồn tại. 
Hoặc đơn giản hơn, nếu chịu khó quan sát, bạn hoàn toàn có thể nhận ra những khuôn mẫu giới vẫn ngầm tồn tại như: nam giới thì không nên khóc hoặc phụ nữ nên chấp nhận chuyện đàn ông trăng hoa hay cha mẹ nên tự quyết định giới của các bé liên giới tính từ lúc sinh ra thay vì chờ đến lúc bé có nhận thức.
4. Bình đẳng giới là tập trung vào nam và nữ
Một trong những nền tảng cơ bản mà những người làm về bình đẳng giới cần tìm hiểu chính là phân biệt khái niệm: giới tính (sex) và giới (gender).
Nếu giới tính là những đặc điểm sinh học bẩm sinh của chúng ta thì giới được hình thành thông qua lịch sử văn minh loài người.
Giới tính được xác định khi một đứa trẻ sinh ra thông qua các kiểm tra về nhiễm sắc thể, giải phẫu học và nội tiết tố, được phân chia thành nam - nữ - liên giới tính hoặc giới khác. Giới tính thường khó thay đổi bằng biện pháp không can thiệp nhưng giới thì có. Giới tính có tính chất toàn cầu trong khi giới có sự khác nhau giữa các khu vực và giai đoạn lịch sử.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường hợp trẻ em sinh có những đặc điểm giới tính. Theo như Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mô tả rằng "đó là những trường hợp không phù hợp với định nghĩa điển hình của cả nam giới hay nữ giới". Một số có thể kể đến như
- Bộ phận sinh dục bên ngoài không rõ ràng của nam hay nữ.
- Hệ sinh sản bên trong không phát triển hoàn thiện.
- Bộ phận sinh dục bên ngoài và cơ quan sinh sản bên trong không đồng nhất (có dương vật ngoài nhưng bên trong lại có buồng trứng và ngược lại)
- Bé trai với tinh hoàn và bé gái với buồng trứng không phát triển hoặc nếu phát triển thì không bình thường.
- Giải phẫu học cho kết quả xác định giới tính nam nhưng bé không có khả năng phản ứng với các nội tiết tố thuộc giới tính đó.
Những trường hợp như trên được xếp vào nhóm "người liên giới tính" và trong quá trình thúc đẩy Bình đẳng giới, nếu chỉ tập trung vào các vấn đề của nam và nữ, chúng ta rất có thể bỏ quên nhóm dễ tổn thương này.
5. Bình đẳng giới chỉ là phong trào nhất thời
Theo điều 5, Luật Bình đẳng giới, chúng ta biết rằng: Bình đẳng giới là việc nam, nữ hay người liên giới tính có vị trí và vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực như nhau cho sự phát triển chung và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó!
Đây không phải là phong trào nhất thời, thay đổi ngày một ngày hai hay là hoạt động của riêng một cộng đồng như phụ nữ, nam giới, người liên giới hay LGBTIQ+,... mà là vấn đề của tất cả chúng ta.
Mục tiêu số 5 trong bộ chỉ số phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc - SDGs cũng đã nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một trong những yếu tố quan trọng, xây dựng cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho tất cả chúng ta.
Bình đẳng giới là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và thái độ cởi mở, liên tục cập nhật, phân tích các vấn đề phát sinh trong hình thái xã hội mới. Để tìm hiểu thêm, mời bạn xem video dưới đây về Bình đẳng giới & các khái niệm liên quan nhé!

Ngân sách có trách nhiệm giới

Một trong những công cụ quan trọng thúc đẩy Bình đẳng giới là Ngân sách có trách nhiệm giới (Gender Responsive Budgeting - GRB). Tuy nhiên, với cái tên "thoạt nghe đã thấy hầm hố" này, chúng ta có thể hiểu lầm đôi chút về nó.

6. Ngân sách có trách nhiệm giới là chuyện vĩ mô không liên quan đến mình
Trên thực tế, Ngân sách có trách nhiệm giới tác động đến cuộc sống của bạn nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Việc bạn được đi học, được tham gia các hoạt động xã hội, được tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo nhu cầu hay tăng lương, giảm giờ làm phù hợp các tiêu chí cá nhân đều dựa trên việc thực thi ngân sách có trách nhiệm giới một cách đúng đắn.

Bạn là nữ giới với những áp lực vô hình từ các công việc chăm sóc không lương có thể nhận hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phụ nữ nhằm tạo điều kiện để bạn học tập và tham gia lao động như mong muốn với mức thu nhập xứng đáng. Hay việc quy định chế độ nghỉ thai sản cho người lao động về bản chất cũng là một hoạt động mà Nhà nước sử dụng Ngân sách quốc gia để tạo cơ hội cho bạn có thời gian sinh & chăm sóc con cái.

Cụ thể hơn, thông qua việc tái phân bổ nguồn lực xã hội một cách công bằng về mặt cơ hội, quyền lợi và kết quả tác động giữa các giới khác nhau, Ngân sách có trách nhiệm giới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Ví dụ sử dụng ngân sách cho chương trình tạo việc làm công bằng giữa các giới, thúc đẩy chia sẻ việc nhà theo hướng không tạo gánh nặng cho riêng giới nào.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Ngân sách có trách nhiệm giới không chỉ đòi hỏi sự quan tâm từ các hoạt động thuộc khu vực công mà nên được thực hiện trong các doanh nghiệp, công ty thuộc khu vực tư, từ đó đảm bảo môi trường bình đẳng giới toàn diện cho mỗi cá nhân phát huy năng lực của họ.

7. Ngân sách có trách nhiệm giới là chia đều ngân sách cho các giới khác nhau
Trên thực tế, Ngân sách có trách nhiệm giới không nên tiếp cận theo góc độ cào bằng mà nên nhìn nhận với tư duy giải quyết vấn đề. Việc thực hiện cần dựa trên những phân tích, đánh giá để nhận biết vấn đề giới và xem xét tìm ra cách sử dụng Ngân sách theo hướng xử lý vấn đề giới đó một cách hiệu quả.

Lấy ví dụ, thay vì chia 50-50 cho trẻ em trai và trẻ em gái, một dự án xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao có thể cân nhắc đến yếu tố: các bé gái ít cơ hội được cha mẹ cho đi học hơn trong khi các bé trai đi học nhưng thiếu định hướng. Dựa vào những phân tích đó, người quản lý dự án có thể phân bố nguồn lực phù hợp hướng tới 2 mục đích: vận động, hạn chế rào cản đến trường cho các bé gái và xây dựng chương trình định hướng học tập cho các học sinh.

8. Ngân sách có trách nhiệm giới phải áp dụng cho toàn bộ ngân sách nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương
Như đã nói ở trên, với cách tiếp cận giải quyết vấn đề, Ngân sách có trách nhiệm giới không nhất thiết áp dụng cho toàn bộ ngân sách nhà nước mà nên quan tâm trả lời các câu hỏi: Vấn đề giới trong lĩnh vực này là gì? Chúng ta có thể sử dụng ngân sách thuộc lĩnh vực này như thế nào nhằm giải quyết các vấn đề giới theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới thực chất?

9. Ngân sách có trách nhiệm giới là việc dành riêng một dòng ngân sách cho bình đẳng giới & trao quyền cho phụ nữ
Bên cạnh việc phân chia trung tính như truyền thống, Chi ngân sách nhà nước (vốn bao gồm Chi thường xuyên, đầu tư phát triển, Chi dự phòng quốc gia, Chi viện trợ và trả nợ lãi,...) nếu nhìn giới góc độ nhạy cảm giới sẽ gồm có: 
(1) Chi trực tiếp cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới;
(2) Chi cho các mục tiêu đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng giới;
(3) Lồng ghép giới vào chi thường xuyên (chiếm tỷ trọng >90%).

Như vậy, có thể thấy rằng việc dành riêng một dòng ngân sách cho bình đẳng giới & trao quyền cho phụ nữ là một trong những mục tiêu thuộc dòng chi thứ (2) chứ không phải toàn bộ Ngân sách.

10. Ngân sách có trách nhiệm giới rất mơ hồ, khó đánh giá
Ngân sách có trách nhiệm giới có thể đánh giá dựa trên bộ công cụ và các chỉ số khác nhau phù hợp với các lĩnh vực, cấp ban ngành và trường hợp cụ thể.

Để thực hiện Ngân sách có trách nhiệm giới tại Việt Nam, chúng ta có thể xem xét sử dụng các công cụ:
Công cụ phân tích ngân sách từ góc độ giới bao gồm: công cụ phân loại 3 nhóm chi và Đánh giá 5 bước.Công cụ đánh giá chi ngân sách từ góc độ giới bao gồm: Công cụ đánh giá phân bổ chi cho dịch vụ công, đánh giá chi tiêu công từ nhóm thụ hưởng và đánh giá tác động của chi tiêu công đến việc sử dụng thời gian của các giớiCông cụ phân tích thuế từ góc độ giớiCông cụ xây dựng ngân sách có trách nhiệm giới, cụ thể là lồng ghép giới vào 3 văn bản chính: Khung chính sách kinh tế trung hạn, Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách có trách nhiệm giới và Báo cáo ngân sách có trách nhiệm giới
Cùng tìm hiểu thêm về Ngân sách có trách nhiệm giới qua video sau nhé.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài!
Đừng quên để lại bình luận hoặc đánh giá của bạn qua nút "vote" để chúng mình hoàn thiện hơn nữa nhé!
Tài liệu tham khảo:
Luật Bình đẳng giới, 2016
Luật Ngân sách nhà nước, 2015
Tài liệu Ngân sách có trách nhiệm giới: Khái niệm, công cụ và kinh nghiệm quốc tế do UN Women biên soạn năm 2015