Hiện nay đã có rất nhiều biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Nhiều lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiều bối rối hơn khi chúng ta khó xác định được cái nào phù hợp với mình.
Không có biện pháp tránh thai nào là hoàn hảo cho tất cả phụ nữ. Loại phù hợp nhất với bạn sẽ tùy thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh, và thay đổi theo thời gian. Trả lời 10 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra “chân ái” cho đời sống tình dục thăng hoa mà không phải lo âu.

Trước tiên, chúng ta cùng điểm qua các biện pháp tránh thai phổ biến

Triệt sản

Thắt ống dẫn trứng cho nữ giới và thắt ống dẫn tinh ở nam giới là những thủ thuật y tế giúp ngăn ngừa vĩnh viễn khả năng mang thai trong tương lai.

Biện pháp tránh thai nội tiết tố có hiệu quả ngắn hạn

Thuốc tránh thai, miếng dán và vòng âm đạo đều chứa progestin, một loại hormone khiến chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại và lớp nội mạc tử cung mỏng đi khiến tinh trùng không thể gặp trứng. Hầu hết các biện pháp cũng chứa estrogen, hormone có tác dụng ngăn buồng trứng phóng thích trứng.

Biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài

Vòng tránh thai và que cấy tránh thai là hai biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài, trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 10 năm, tùy loại. Que cấy và vòng tránh thai nội tiết cũng chứa hormone progestin để tránh thai, trong khi vòng tránh thai bằng đồng ngăn tinh trùng gặp trứng.

Biện pháp tránh thai rào cản

Đây là biện pháp bao gồm bao cao su (cho nam và nữ), thuốc diệt tinh trùng, miếng xốp tránh thai, màng ngăn âm đạo, nắp chụp cổ tử cung. Chúng được sử dụng mỗi khi bạn quan hệ tình dục hoặc như một phương pháp dự phòng cho các biện pháp tránh thai khác.

Biện pháp tự nhiên

Nữ giới sẽ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và tránh quan hệ (hoặc dùng biện pháp tránh thai khác) vào những ngày trong tháng mà cô ấy có nhiều khả năng mang thai nhất.

1. Hiệu quả tránh thai như thế nào?

Mỗi biện pháp có hiệu quả tránh thai khác nhau và đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta. Hiệu quả này được tính bằng cách có bao nhiêu phụ nữ mang thai nếu 100 phụ nữ sử dụng biện pháp này trong một năm.
Ví dụ, nếu một biện pháp tránh thai có hiệu quả 99% thì cứ 100 phụ nữ sẽ có 1 người mang thai trong một năm.
Một số biện pháp được liệt kê dưới đây, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bao gồm cụm từ “nếu được sử dụng đúng cách”. Điều này là do những người sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn, nếu không thì thực tế sẽ không mang lại hiệu quả tránh thai như mong muốn.
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99%:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Triệt sản nữ
+ Triệt sản nam hoặc thắt ống dẫn tinh
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99% nếu luôn được sử dụng đúng cách, nhưng thường hiệu quả dưới 95% với cách dùng thông thường:
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Vòng âm đạo
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 98% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nam
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 95% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nữ
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả từ 92% đến 96% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung có chất diệt tinh trùng

2. Bạn có thể đưa việc tránh thai thành một phần trong thói quen hàng ngày không?

Nếu bạn là người có trí nhớ tốt, dễ dàng thực hiện một thói quen đều đặn mỗi ngày thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn tránh thai hơn. Lý do vì bạn ít quên việc mình phải tránh thai bằng cách uống thuốc mỗi ngày hoặc dán lại miếng dán định kỳ.
Nguồn: Freepik
Nguồn: Freepik
Bạn có thể muốn dùng một biện pháp mà chỉ cần sử dụng khi quan hệ tình dục, ví dụ như bao cao su (cho nam hoặc nữ), hay bạn sẽ thích một biện pháp mà cần dùng hàng ngày như thuốc tránh thai. Ngoài ra, bạn có thể xem xét các biện pháp khác như miếng dán, thuốc tiêm, que cấy mà không cần sử dụng hàng ngày hoặc mỗi lần quan hệ.
Tóm lại:
*Các biện pháp được sử dụng mỗi khi quan hệ:
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung.
*Các biện pháp cần sử dụng hàng ngày:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (riêng loại 21 viên thì bạn nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên)
*Các biện pháp sử dụng theo tuần:
+ Miếng dán tránh thai (trong thời gian 3 tuần, cứ 1 tuần là thay miếng dán 1 lần, tuần thứ tư nghỉ)
*Các biện pháp sử dụng theo tháng:
+ Vòng âm đạo (đặt vào âm đạo liên tục trong 3 tuần rồi tháo ra, nghỉ 1 tuần)
*Các biện pháp với liều dùng từ 1 đến 3 tháng/lần:
+ Thuốc tiêm tránh thai
*Các biện pháp với liều dùng từ 3 đến 5 năm một lần (hoặc hơn)
+ Que cấy tránh thai
*Các biện pháp thay mới từ 5 năm đến 10 năm một lần
+ Vòng tránh thai

3. Bạn có thoải mái khi đưa biện pháp tránh thai vào âm đạo không?

Nếu bạn thấy thoải mái thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng âm đạo
+ Bao cao su nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung
Nếu bạn muốn một biện pháp lâu dài hơn và không ngại bác sĩ đưa vào tử cung qua đường âm đạo thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng tránh thai

4. Bạn có khó chịu nếu chu kỳ kinh nguyệt thay đổi không?

Một số biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ví dụ như giúp kỳ kinh ngắn hơn, nhẹ hơn, ít đau hơn. Cũng có biện pháp lại khiến kỳ kinh kéo dài và nặng nề hơn (như vòng tránh thai bằng đồng).
Nếu bạn muốn cải thiện các triệu chứng khó chịu vào mùa dâu thì có thể dùng các biện pháp tránh thai sau:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Vòng tránh thai bằng nội tiết tố
+ Vòng âm đạo

5. Bạn có hút thuốc không?

Người hút thuốc có thể sử dụng hầu hết các biện pháp tránh thai. Nhưng nếu bạn trên 35 tuổi và hút thuốc thì một số biện pháp lại không phù hợp với bạn như thuốc tránh thai hàng ngày (loại có cả hormone estrogen), miếng dán hoặc vòng âm đạo. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (loại chỉ có progestogen)

6. Bạn có đang thừa cân?

Cân nặng của bạn sẽ không ảnh hưởng đến hầu hết các biện pháp tránh thai. Ngược lại, hầu hết các biện pháp cũng không làm bạn tăng cân.
Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có thể khiến bạn tăng cân một chút nếu sử dụng từ 2 năm trở lên.

7. Điều gì xảy ra nếu bạn không thể sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố?

Nguồn: Freepik
Nguồn: Freepik
Một số biện pháp tránh thai hoạt động bằng cách sử dụng hormone tương tự như hormone do phụ nữ sản xuất tự nhiên, là estrogen và progestogen. Những biện pháp này sẽ không phù hợp với một số phụ nữ, chẳng hạn những người mắc các bệnh lý như ung thư vú.
Trong trường hợp này, bạn nên thay thế bằng các biện pháp tránh thai không nội tiết tố như:
+ Vòng tránh thai bằng đồng
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng chắn âm đạo và nắp chụp cổ tử cung

8. Nếu bạn không thể sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen thì sao?

Biện pháp tránh thai chứa hormone estrogen không thích hợp cho những phụ nữ:
+ Trên 35 tuổi và hút thuốc
+ Thừa cân
+ Đang dùng một số loại thuốc
+ Mắc một số bệnh lý như vấn đề lưu thông máu hoặc chứng đau nửa đầu Migraine
Những đối tượng này có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen

9. Bạn có đang dùng loại thuốc nào để điều trị bệnh không?

Một số biện pháp tránh thai có thể bị ảnh hưởng nếu bạn đang dùng loại thuốc nào đó. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm chi tiết.
Các biện pháp tránh thai không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc khác là:
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su cho nam và nữ

10. Bạn có kế hoạch mang thai trong thời gian sắp tới không?

Bạn có thể mang thai ngay sau khi ngừng sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào (trừ triệt sản).
Khả năng sinh sản của phụ nữ thường trở lại bình thường trong tháng đầu tiên sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng âm đạo hoặc dán miếng tránh thai.
Nếu bạn muốn khả năng sinh sản nhanh chóng trở lại bình thường thì hãy xem xét các biện pháp sau:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su (cho nam và nữ)
Nếu dùng tiêm thuốc tránh thai, khả năng sinh sản của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường.
*Cuối cùng thì mình chỉ muốn nhắc lại là cách duy nhất để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) là sử dụng bao cao su. Các biện pháp tránh thai khác chỉ ngăn ngừa mang thai chứ không bảo vệ bạn khỏi STIs.
.Ngưn.