Bên cạnh những yếu tố cơ bản như điểm GPA hay kết quả bài thi chuẩn hóa, hội đồng tuyển sinh của các trường Đại học còn đặc biệt cân nhắc hồ sơ của bạn dựa trên các yếu tố như hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, chất lượng bài luận,…
Một trong số những bước bạn cần dành nhiều “chất xám” nhất chính là viết bài luận cá nhân.
Tuy rằng một bài luận xuất sắc chưa chắc đã giúp bạn được nhận vào ngôi trường trong mơ nếu điểm số không cạnh tranh, nhưng một bài luận “dở tệ” khả năng cao sẽ khiến bạn bị loại ngay lập tức!
Để hồ sơ của bạn trở nên trở nên thật nổi bật giữa hàng trăm nghìn hồ sơ đẹp xếp chồng lên nhau, bạn cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, cũng như tìm sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm để có một bài luận thật chất lượng.
Dưới đây là 10 tips hữu ích để bài luận của bạn “được lòng” hội đồng tuyển sinh.

1️⃣ KHÔNG NHẮC LẠI NHỮNG ĐIỀU ĐÃ CÓ TRONG CV

Bên cạnh CV, bài luận là nơi bạn giới thiệu về tính cách, suy nghĩ, quan điểm sống hay bất kì thứ gì đặc biệt về bạn mà vài gạch đầu dòng ở CV không thể diễn tả hết . Vậy nên thay vì nhắc lại những điều hội đồng đã biết, bạn nên tìm một khía cạnh thú vị và ý nghĩa của bản thân để đào sâu trong bài luận.

2️⃣ HÃY KỂ MỘT CÂU CHUYỆN THẬT SỐNG ĐỘNG VỀ BẠN

Nếu bạn có thể khiến hội đồng tuyển sinh tưởng tượng được phần nào con người bạn qua bài luận, bạn đã kéo bản thân “gần” họ hơn so với hàng ngàn thí sinh khác. Hãy miêu tả sinh động nhất có thể bằng cách khắc họa những chi tiết nổi bật (màu sắc, hình ảnh, âm thanh, hương vị,...). Hãy vẽ một bối cảnh hoàn hảo để người tuyển sinh hiểu rõ được câu chuyện và thông điệp bạn đưa ra.

3️⃣ HÃY CHĂM CHÚT CHO TỪNG BÀI LUẬN, ĐỪNG COPY & PASTE

Bạn sẽ phải viết một bài luận chính và vài bài luận phụ cho từng trường. Đề bài cho các bài luận phụ có thể giống nhau, tuy vậy đừng copy và paste. Bài luận nói về việc “Tại sao bạn yêu thích MIT” sẽ không thể nào giống hoàn toàn bài “Tại sao bạn thích Caltech”. Hãy dành thời gian “thêm mắm muối” và trau chuốt cho từng bài luận. Một bài luận phụ hoàn hảo sẽ là điểm cộng lớn trong mắt các nhà tuyển sinh và sẽ giúp bạn đặt chân vào những trường đại học mơ ước.Tuy nhiên, mỗi trường lại có đặc trưng riêng nên bạn cần “chăm chút” cho từng bài luận và lưu ý không mắc phải những lỗi “tày trời” gửi bài luận như “Tôi muốn vào trường X” cho trường Y nhé!

4️⃣ TRÌNH BÀY HIỂU BIẾT CỦA BẠN VỀ TRƯỜNG

Với những bài luận riêng cho từng trường, bạn nên đan xen trong đó những hiểu biết của bạn về trường mình đang ứng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều vì nó thể hiện rằng bạn rất yêu thích trường, dành nhiều thời gian nghiên cứu và trường và thực sự nghiêm túc với việc nhập học. Nhà tuyển sinh sẽ cân nhắc điều này nhiều hơn là một hồ sơ đẹp. Bài luận của bạn có thể đề cập đến các khóa học cụ thể, vị giáo sư bạn ngưỡng mộ, hay một địa điểm thú vị trong trường,… Bạn cũng nên thể hiện được tại sao mình phù hợp với văn hóa của trường.

5️⃣ ĐỪNG VIẾT NHỮNG GÌ BẠN “NGHĨ” HỘI ĐỒNG SẼ THÍCH

Nhiều học sinh tin rằng hội đồng tuyển sinh sẽ hứng thú với một số chủ đề nhất định nên họ cố viết về một chủ điểm lạ để tạo ấn tượng. Nhưng quan niệm ấy không thực sự đúng. Các trường đại học Mỹ đề cao các giá trị cá nhân và tính độc đáo, bởi vậy điều bạn nên làm là viết về sự đặc biệt của bạn. Hãy tận dụng bài luận để nói với hội đồng bạn “là ai” thay vì cố gắng trở thành con người bạn nghĩ họ sẽ thích.

6️⃣ HÃY VIẾT BẰNG GIỌNG VĂN CỦA CHÍNH MÌNH

Những lời lẽ hoa mỹ và câu cú dài dòng sẽ làm loãng đi giọng văn của bạn. Như đã nói ở trên, các trường đại học Mỹ đề cao “chất riêng” của bạn… Hội đồng xét tuyển sẽ lập tức nhận ra sự “thiếu tự nhiên” nếu bạn cố tình theo đuổi một giọng văn nào đó.
Thay vì cố gắng sử dụng một giọng điệu cầu kì để gây ấn tượng với người đọc, bạn nên để mọi thứ tự nhiên nhưng đừng quên chú ý tới chính tả và ngữ pháp.

7️⃣ ĐỪNG QUÁ LỆ THUỘC VÀO CÔNG CỤ KIỂM TRA CHÍNH TẢ

Khi công cụ kiểm tra chính tả báo bài luận không có lỗi thì bạn cũng đừng vội mừng vì những công cụ ấy thường không thể soát hết tất cả các lỗi. Ví dụ, từ “our” vẫn được coi là đúng chính tả dù từ bạn thực sự muốn dùng là “out”.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy bỏ thời gian để tự soát lại bài của mình cũng như nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, thầy cô. Đôi khi một lỗi chính tả có phần “ngớ ngẩn” lại tự “hạ gục” bài luận của của bạn trước vô số bài luận xuất sắc khác.

8️⃣ HÃY BÁM SÁT TRỌNG TÂM ĐỀ BÀI

Nghe có vẻ hơi khó tin nhưng “lạc đề” lại là một lỗi nhiều học sinh gặp phải. Câu hỏi của các bài luận phụ thường rất mở để bạn có thể tự do giới thiệu bản thân. Nhưng nếu bạn chỉ mải mê trau chuốt bài luận của mình, bạn rất dễ đi quá xa khỏi chủ đề bài viết khiến sản phẩm cuối cùng dù ấn tượng nhưng lại chẳng “ăn khớp” gì với yêu cầu của trường cả.

9️⃣ ĐỪNG “LẦY” ĐẾN PHÚT CHÓT

Là một trong số những yếu tố then chốt cho việc bạn có được nhận vào trường hay không, bài luận cần sự đầu tư nghiêm túc về thời gian và công sức. Nếu bạn bắt đầu viết vào thời điểm “nước rút” căng thẳng chỉ cách hạn chót khoảng 1 – 2 tuần thì chất lượng bài luận của bạn khó được đảm bảo.
Bạn nên bắt đầu viết luận sớm (trước 6 tháng đến 1 năm) để đảm bảo thời gian lên ý tưởng, nhận hướng dẫn của người có kinh nghiệm, viết bài, nhận feedback, sửa bài,…và cuối cùng là hoàn thiện bài luận của mình.

🔟 TÌM KIẾM HỖ TRỢ TỪ NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC

Viết luận là công đoạn bạn khó có thể tự làm một mình bởi bài luận cần đảm bảo yếu tố khách quan cũng như tuân thủ một vài “nguyên tắc ngầm” mà đôi khi bạn không hề biết. Để quá trình này trở nên suôn sẻ hơn, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các anh chị đi trước đã có kinh nghiệm, đặc biệt là những người đang học tập tại ngôi trường mơ ước của bạn.
Nếu có người đi cùng từ bước lên ý tưởng, feedback đến khâu hoàn thiện cuối cùng, bạn sẽ không mất thời gian “tự mò mẫm” cũng như tránh nguy cơ lạc đề. Bạn cũng cần lưu ý nên bắt đầu hỏi các anh chị từ sớm để không gặp “trục trặc” gì cho việc viết luận của mình.

Nói tóm lại, bài luận cá nhân là một yếu tố quan trọng và gây ảnh hưởng lớn tới quá trình apply du học, bởi vậy bạn cần chuẩn bị thật kĩ càng. Đặc biệt, trong trường hợp apply muộn, bạn nên có người hướng dẫn cụ thể từng bước, cùng bạn mài giũa bài viết để tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao.

Đọc thêm: