Xin chào các bạn, rất vui vì hôm nay mình lại có đủ thời gian để tiếp tục chia sẻ thêm những điều lý thú mà mình nhận thấy được từ một vài quyển sách cũng như những điều mà mình chiêm nghiệm được từ thực tế kinh nghiệm của mình.
Chắc hẳn mọi người đều có suy nghĩ rằng để thay đổi, để thành công thì thứ bạn cần là nỗ lực, cố gắng của bản thân là chính, còn môi trường thì chỉ có tác động không đáng kể và nếu bạn có đủ quyết tâm thì bạn vẫn có thể thay đổi được. Nhưng có lẽ chúng ta bị tác động, ấn tượng quá nhiều từ những câu chuyện truyền cảm hứng của một số ít trường hợp thành công đặc biệt mà chúng ta có lẽ cũng không thực sự biết hết về những điều xung quanh, những điều chưa được kể trong câu chuyện đó. Và có lẽ sự so sánh đó cũng là không phù hợp. Sẽ là tốt hơn nếu là cùng một con người với 2 hoàn cảnh khác nhau thì với cùng một nỗ lực, một khuôn mẫu hành động thì sẽ phù hợp hơn.
Có một học thuyết rất nổi tiếng của hai nhà tội phạm học James Q. Wilson và Geroge Kelling tên là "Thuyết cửa sổ vỡ" được đúc kết từ những theo dõi của hai cá nhân này về tác động của môi trường xung quanh tới tỷ lệ hay khả năng phạm tội. Theo thuyết này, nếu một chiếc cửa sổ bị vỡ mà không được sửa chữa thì mọi người những người quan sát thấy sẽ kết luận rằng không ai quan tâm tới và chịu trách nhiệm với hiện trạng này. Không lâu sau các cánh cửa khác cũng sẽ bị đập vỡ, ý thức về sự vô chủ và sự hỗn loạn sẽ lan rộng. Đó là nguyên nhân mà các hành động trái pháp luật và đạo đức sẽ dễ lây lan nhưng không do một cá nhân hay nhóm cá nhân riêng biệt mà do chính hoàn cảnh môi trường xung quanh đã tạo điều kiện cho hành vi sai trái đó được diễn ra. Thực ra cũng dễ hình dung thôi, nếu không ai quan tâm tới hành vi sai trái đó và hành vi sai trái đó tạo ra những lợi thế, lợi ích cho người thực hiện thì khả năng cao là việc đó sẽ được thực hiện.
Nguồn: Pexels - Scott Webb
Nguồn: Pexels - Scott Webb
Nếu một người vượt đèn đỏ mà vẫn qua đường một cách an toàn, không bị bắt, bị phạt hay bị phản đối thì khả năng cao là sau đó sẽ có nhiều người sẽ vượt đèn đỏ và nếu không có gì thay đổi thì như các bạn cũng thấy việc vượt đèn đỏ giờ ở Việt Nam mình đã thành một điều đó rất bình thường và phổ biến.
Nếu một cửa hàng chiếm dụng vỉa hè để phục vụ việc buôn bán của họ mà không bị phạt, không bị nhắc nhở thì hiển nhiên bạn thấy điều quen thuộc này là vỉa hè không còn là đường dành cho người đi bộ mà là nơi bán hàng.
Nếu một người đi muộn trong công ty mà không bị nhắc nhở hay thậm chí có những nhắc nhở chung rồi mà vẫn đi muộn tiếp nhưng không có bất cứ hậu quả nào thì chả mấy chốc mà mọi người ở trong công ty sẽ thường xuyên đi làm muộn và sẽ hiếm lắm có vài người đi làm đúng giờ.
Cũng không khó hiểu khi mà các nội dung nhảm trên Youtube, Facebook, Tiktok có rất nhiều vì đó là những nội dung thu hút được người xem và nếu có hậu quả gì thì người tạo ra nôi dung không phải chịu hậu quả mà là những người xem và thực hiện theo.
Nguồn: chinhphu.vn
Nguồn: chinhphu.vn
Vậy quay lại với những vấn đề thân thuộc với Việt Nam thì sao nhỉ? Liệu đó có thể là việc tập trung vào các vấn đề hàng ngày như công an sẽ đi dẹp loạn vỉa hè và thực sư thu đồ đạc về phường, tịch thu bàn ghế, cấm kinh doanh một vài ngày. Và đương nhiên là phải làm công bằng chứ hổng phải gặp mấy người lót tay thì phường bỏ qua và từ đó là ai ai cũng lót tay và công an phường đi nhắc nhở xã giao thì đúng là không giải quyết được vấn đề này. Với việc đi muộn ở nơi làm việc thì mình từng được nghe câu chuyện là nếu có ai đi muộn thì sếp tổng hoặc sếp nhân sự sẽ gọi điện vào nói chuyện hỏi han lý do vì sao đi muộn và không có ngoại lệ thì sau một thời gian ngắn khoảng 2 tuần gì đó là hổng có ai đi muộn nữa. Kể cũng rén khi được sếp tổng hỏi thăm lý do đi làm muộn nhỉ. He he.
Vậy đó, yếu tố môi trường, hoàn cảnh có tác động tới cách hành xử của đám đông là như vậy đấy, còn tác động của môi trường vi mô hơn xung quanh một con người tới việc hình thành tích cách, thói quen, cách cư xử như thế nào thì chúng ta cũng sẽ tìm hiểu tới trong bài sau nhé. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết của mình. Gửi yêu thương tới tất cả mọi người.
He he, không có #9 nha vì mình đánh số theo bài viết trên blog của mình. Mà nó là bài #1 ở đây là bài review về sách thói quen nguyên tử nha.
Source tham khảo:
- Sách 'Điểm bùng phát' của Malcomlm Gladwell. P/S: Đây cũng là tác giả ưa thích của mình. Tất cả các cuốn sách của ông đều có góc nhìn thú vị về tâm lý và mình đã đọc hết tất cả :D. Mọi người nên đọc nha.
- Bài viết trên blog Siperum về phần tác động của hoàn cảnh vào các đai dịch ngoài ra thì bài viết này cũng có tóm tắt lại kha khá điểm hay khác của cuốn sách 'Điểm bùng phát' do mình copy lại style viết của bạn ấy cũng kha khá nên mình thấy cần phải để lại source: https://spiderum.com/bai-dang/Dung-coi-thuong-nuoc-duong-vVCqeYpQaahg
Mời các bạn ghé thăm blog của mình tại: