10 BÍ KÍP THẬT “TANH” GIÚP BẠN NÓI TIẾNG ANH THẬT NHANH
Nói tiếng Anh dường như là một trong những kỹ năng “khó nhằn” nhất. Bạn có muốn tìm cách luyện nói tiếng Anh dễ dàng, “tanh tưởi” mà...
Nói tiếng Anh dường như là một trong những kỹ năng “khó nhằn” nhất. Bạn có muốn tìm cách luyện nói tiếng Anh dễ dàng, “tanh tưởi” mà vẫn đem lại kết quả tốt? Dưới đây là 10 phương pháp mà nếu thực hiện chăm chỉ, chúng sẽ giúp bạn nhanh chóng nói chuyện tự tin và trôi chảy hơn đấy. Nào, chúng mình cùng xem nhé!
1. Nói chuyện một mình
Hãy thành thật đi, bạn đã bao giờ lẩm bẩm nói chuyện một mình chưa? Với tình hình bùng phát Covid ở Việt Nam và trên thế giới như hiện tại, có vẻ như ở nhà “tự kỷ” nói chuyện một mình lại hợp lý đấy nhỉ! Đùa chút thôi. Khi bạn muốn luyện nói tiếng Anh nhưng lại chả có ai nói cùng, bạn phải làm sao? Câu trả lời đơn giản là: hãy tự nói chuyện một mình! Kể cả khi hết giãn cách xã hội và bạn được tung tăng cafe khắp chốn, “tự kỷ” vẫn là một bí kíp tuyệt vời đấy! Tại sao vậy? Để “mị” nói cho mà nghe (hihi)!
Thứ nhất, nói chuyện một mình cho bạn cơ hội được thoải mái “chém gió” đông tây nam bắc mà không phải lo đứa nào chê mình phát âm chưa đúng hay nói sai ngữ pháp. Thứ hai, việc “luyên thuyên” một mình trước gương sẽ cho bạn cái nhìn khách quan để tự mình điều chỉnh lại. Bạn đã biểu cảm gương mặt tốt chưa? Bạn có ậm ừ nhiều quá không? Bạn có hay bỏ lửng câu giữa chừng? Video ở trên là “thành quả” sau một hồi tự thoại “mỏi mồm” của mình.
2. Không sợ nói sai
Dù biết là khó nhưng đôi khi chúng ta không thể lẩn tránh nó được. Bạn hãy hít một hơi thật sâu (nhớ thở ra) để chấp nhận: nói sai là chuyện… rất bình thường như cân đường hộp sữa! Hãy nói sai cho đến khi bạn… nói đúng (hihi) bởi vì nói là một kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên. Đâu phải tự nhiên mà bạn nói tiếng Việt giỏi như vậy? Mặt khác, việc sợ nói sai cũng chỉ là vấn đề tâm lý. Trên thực tế, không ai rảnh để cười chê bạn đâu. Đôi khi chính sự mạnh dạn, tự tin của bạn lại khiến họ nể phục đấy. Bạn có tin không?
3. Luyện phát âm đúng
Nhìn đi nhìn lại, để có kỹ năng giao tiếp tốt thì việc phát âm đúng vẫn là một yếu tố cần thiết. Tại sao? Bạn có nói vô cùng trôi chảy, tự tin mà phát âm dở ẹc thì… khổ thân người nghe lắm (mất công họ vò đầu bứt tai để cố suy luận xem bạn nói cái gì hay bạn đến từ… “hành tinh” nào, hehe). Việc học phát âm như thế nào thì mình đã đề cập qua trong bài viết "7 cách luyện nghe tiếng Anh siêu hiệu quả" trong này. Quan trọng nhất là nói đúng nói chuẩn, còn nếu bạn luyện được giọng nói cho giống người bản xứ thì quá tuyệt cú mèo rồi!
4. Nghe “sâu” hơn
Bình thường khi nghe người bản ngữ nói tiếng Anh, chúng ta có xu hướng tập trung nghe để hiểu ý nghĩa nội dung người kia muốn truyền tải qua lời nói. Điều này dĩ nhiên là quan trọng, nhưng bạn còn có thể “khai thác” nhiều hơn thế trong kỹ năng nghe này đấy. Ngoài việc hiểu ý nghĩa của lời nói, bạn hãy cố gắng nghe cách người kia… phát âm những từ hay cụm từ đó như thế nào nhé.
Chẳng hạn, có một câu hỏi đơn giản như What are you doing?, bạn đã nghe và nói rất nhiều lần. Nhưng có bao giờ bạn để ý một người bản ngữ khi hỏi câu đó, họ có thể nối âm ba chữ What are you thành Watchu, thậm chí là Whatcha (youđọc thành ya). Câu hỏi trên có thể nói nhanh một cách tự nhiên thành Watcha doin (ing thành in). Cũng giống như tiếng Việt mình, “phải không” có thể nói lướt thành “phỏng”. Trong đời sống thường ngày, đây là cách nói nối âm rất thông dụng và tự nhiên. Bạn hãy thử nghe “sâu” hơn và học theo nhé.
5. Học nói theo cụm từ hoặc câu
Người Việt có một thói quen hay mắc phải khi học tiếng Anh. Đó là học kiểu word by word, riêng lẻ từng từ một. Khi muốn nói gì đó, chúng ta thường hay nghĩ từng từ rồi “lắp ráp” chúng lại với nhau thành câu. Đôi khi điều này lại khiến việc nói ra trở nên khó khăn hơn, mất thêm thời gian để chúng ta suy nghĩ mà câu nói lại thiếu tự nhiên. Như vậy, thay vì học các từ riêng lẻ, bạn hãy thử học theo cụm từ hoặc câu (phrase) nhé.
Chẳng hạn, khi chúc ai may mắn, ngoài Good luck, chúng ta có nhiều phrase khác như:
Fingers crossed.
Blow them away.
Break a leg.
Knock them dead.
Blow them away.
Break a leg.
Knock them dead.
Những câu này nếu dịch từng từ thì không có nghĩa lý gì logic cả.
Hoặc nếu muốn diễn tả niềm vui sướng hạnh phúc, thay vì I’m happy, chúng ta cũng có thể nói:
Hoặc nếu muốn diễn tả niềm vui sướng hạnh phúc, thay vì I’m happy, chúng ta cũng có thể nói:
I'm on cloud nine.
I'm walking on air.
Color me happy.
I'm jumping for joy.
I'm walking on air.
Color me happy.
I'm jumping for joy.
Như vậy, có rất nhiều cụm từ hoặc câu thông dụng trong tiếng Anh để miêu tả cùng một ý nghĩa. Bạn hãy luyện nói và ghi nhớ luôn các câu đó nhé.
6. Suy nghĩ bằng tiếng Anh
Để khắc phục tình trạng dịch word by word như đã nói trên, chúng ta nên tập suy nghĩ, tư duy bằng tiếng Anh. Điều này thật chẳng dễ dàng, nhất là trong thời gian đầu. Nếu bạn đã quen với việc nghĩ bằng tiếng Việt bấy lâu nay, hãy bắt đầu nhẹ nhàng bằng cách nghĩ ra các từ đơn trong tiếng Anh. Hãy nhìn xung quanh, bạn thấy gì? Hãy gọi tên các đồ vật trong đầu bạn, bắt đầu bằng các danh từ, sau đó thêm động từ. Bạn có thể làm việc này hàng ngày để tạo thành thói quen.
Bước tiếp theo, hãy tập miêu tả những thứ mà bạn không biết tên gọi trong tiếng Anh. Sau đó, bạn hãy nghĩ thành câu. Ví dụ, nếu trời đang giông bão, bạn có thể lầm nhẩm: It’s such a bad day. Dần dần bạn có thể nghĩ ra những câu dài hơn. Hãy giao chủ đề nghĩ cho bản thân: miêu tả một ngày của bạn. Tuỳ vào trình độ hiện tại, bạn có thể chỉ sử dụng các câu đơn hoặc cả câu ghép lẫn câu phức.
Khi đã quen với việc đó, bạn hãy tập “tự thoại” bằng tiếng Anh. Nếu gặp tình huống ABC, bạn sẽ hỏi đáp như thê nào. Chắc chắn trong quá trình luyện suy nghĩ bằng tiếng Anh, chúng ta sẽ gặp phải những từ hay cụm từ mới. Hãy tập ghi chép 5-10 từ hay cụm từ mới hằng ngày. Chỉ cần bạn đều đặn luyện tập mỗi ngày một ít, chẳng mấy chốc bạn sẽ bất ngờ vì mình đang suy nghĩ bằng tiếng Anh rồi đấy.
7. Nghe và hát theo bài hát tiếng Anh
Khoa học đã chứng minh rằng âm nhạc và ngôn ngữ đều được điều hành bởi cùng một khu vực não bộ. Thực tế cũng cho thấy, khi học tiếng Anh, những người hay nghe bài hát bằng tiếng Anh thường có xu hướng phát âm tốt hơn. Kèm theo đó, kỹ năng nghe của họ cũng được cải thiện rõ rệt. Một ví dụ điển hình chính là… chồng mình, người đã học tiếng Anh khá ổn nhờ nghe các bài hát tiếng Anh từ hồi cấp 2 (và không “thêm nếm” gì ngoài mấy tiết học tiếng Anh phổ thông trên lớp)
Có thể dễ dàng thấy, ca hát là cách tuyệt vời để tâm hồn chúng ta “đậm hương và rộn tiếng chim”, lại giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp thường ngày. Nếu bạn nghe thấy thích một bài hát tiếng Anh nào đó, hãy tìm lời bài hát trên mạng và nghe trong lúc bạn đọc lời bài hát. Tiếp theo, hãy nghe và ngân nga hát theo (thà hay hát còn hơn hát hay mà, hihi). Hãy chú ý đến cách phát âm và bắt chước theo như thể bạn chính là người ca sĩ đó vậy. Đến khi bạn hát mà không cần nhìn lời thì chắc chắn bạn đã nghe và nói tốt hơn rồi đó!
8. Nghe và nói theo
Phương pháp này đơn giản chỉ là hãy nghe và bắt chước đọc y xì những gì bạn nghe thấy, từ giọng nói, ngữ điệu đến cách nhấn nhá trọng âm trong câu, độ cao thấp…vv Khác với việc hát theo, đây là cách cho phép bạn nghe và luyện nói theo trước khi đem những mẫu câu đó ra áp dụng trong các cuộc hội thoại ngoài đời thực. Bạn sẽ không bị phân tâm bởi giai điệu hay nhịp điệu bài hát và cũng không lo mình hát hay hay dở với phương thức này.
Mình đã được chứng kiến sự khác biệt ở một số bạn học viên khi họ tập “làm con vẹt tiếng Anh” này. Bình thường khi nói, bạn ấy sẽ không chú ý lắm đến ngữ điệu hoặc trọng âm, vì vậy người nghe có thể cảm thấy bạn ấy nói với âm sắc không tự nhiên hay phát âm chưa chuẩn. Nhưng khi được luyện nghe và bắt chước theo, bạn ấy đã biết cách điều chỉnh giọng điệu, nhấn mạnh trọng âm và các từ khoá trong câu. Vậy sao bạn không thử bí kíp này để xem mình có “biến hoá” không?
9. Tongue twisters
Nếu tiếng Việt mình có “Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch” hay “Buổi trưa ăn bưởi chua” thì tiếng Anh cũng có những câu nói “xoắn lưỡi” như vậy để luyện phát âm. Đó chính là tongue twisters. Bản thân mình rất thích dùng tongue twisters trong các buổi dạy phát âm bởi nó vừa vui nhộn, thú vị vừa đem lại hiệu quả cho học viên. Nếu bạn học phát âm, bạn có thể tìm thấy tongue twisters cho hầu hết các nguyên âm và phụ âm trong tiếng Anh.
Ví dụ:
She sells seashells on a seashore. The shells she sells are seashells, I'm sure.
Đôi khi những câu tongue twisters không có nghĩa lý gì hợp lý cả, vì vậy bạn đừng cố dịch hay bắt mình phải hiểu nghĩa của nó nhé. Khi luyện tongue twisters, đầu tiên bạn hãy tập đọc từ từ để phát âm cho đúng và chuẩn. Sau đó, hãy luyện đọc nhanh dần cho đến khi bạn có thể nói nhanh nhất (mà vẫn đúng). Bạn có thể tìm thấy rất nhiều danh sách các tongue twisters theo các âm ở trên mạng.
10. Đọc và thu âm lại
Hãy chọn một quyển sách hay một bài viết bằng tiếng Anh có nội dung mà bạn yêu thích, sau đó bạn hãy làm một bản thu âm sách nói bằng chính giọng đọc của mình. Đây là có thể là một bước kế tiếp sau khi bạn đã luyện nghe và đọc theo. Đừng sợ vì mình phát âm sai hay giọng mình không hay. Bạn có nghe thấy giọng mình thế nào thì mới biết được người khác cảm thấy ra sao.
Tất nhiên việc “sản xuất” sách nói sẽ cần thời gian để bạn hoàn thành. Tuy nhiên, đây là một cách hiệu quả để cải thiện kỹ năng phát âm, đồng thời cũng là một công cụ giúp bạn luyện nghe sau đó. Trong quá trình đọc, bạn có thể nghe lại để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Khi đã hoàn thành, bạn có thể tận dụng “tác phẩm” home-made này để vừa luyện nghe vừa được “đọc” lại quyển sách yêu thích của mình. Như vậy có phải là Kill two birds with one stone không các bạn?
Trên đây là 10 bí kíp bạn có thể “bỏ túi” trên con đường chinh phục “đỉnh núi” tiếng Anh ở kỹ năng nói. Bạn không nhất thiết phải thực hiện tất cả các phương pháp này, cũng như đừng tự giới hạn mình ở con số đó. Điều quan trọng là bạn phải xem cách nào phù hợp nhất và đem lại hiệu quả cho bản thân. Cũng đừng quên: practice makes perfect.
Chúc các bạn may mắn!
English Zone
/english-zone
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất