Đây là blog tập làm văn dành cho người đang học kĩ năng lắng nghe trái tim bằng cách viết 1 lượt với thách thức không dùng nút "backspace" - trừ khi sai chính tả. Xin cảm ơn vì đã quan tâm.
Photo by Patrick Tomasso on Unsplash


Hà Nội, 31.03.2020,
Năm nay tôi 24 tuổi.

Tôi viết blog để lưu lại một khoảng kí ức - về những gì bản thân đã nghĩ, đã nghe, đã cảm nhận và cũng là lưu lại những tuyên bố mà bản thân mong rằng có thể giữ nó như chiếc mỏ neo tâm hồn, để khi thuyền tôi đi xa quá cũng không bị cuốn vào dòng xoáy của biển cả xô bồ. Ở đây, không ai biết ai là ai, điều đó là tuyệt nhất.

Năm nay tôi 24 tuổi. Đã từng là một người dễ bị ảnh hưởng và chỉ vừa mới vượt qua được sự ảnh hưởng của người khác (bước đầu) kể từ sau 2 năm nỗ lực tìm lại chính mình. Văn phong, gu thẩm mĩ, xu hướng âm nhạc - những thứ thuộc về cảm tính là những thứ (dường như là những thứ) dễ bị người khác ảnh hưởng khi cá nhân mình không có những quy tắc nhất định. Tôi đã là người như thế - không có quy tắc cá nhân, tin vào quy tắc của người khác thông qua sự thành công của họ và từ niềm tin đó, dần dần lối suy nghĩ và cảm xúc của tôi cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, có bao gồm cả quy tắc về việc làm truyền thông.
Nếu để nói về việc tìm thấy quy tắc cá nhân nó có ý nghĩa như nào thì dài lắm, nhưng trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến thứ đang là công cụ kiếm cơm của mình: quy tắc truyền thông.

Truyền thông có những nguyên tắc đã được văn bản hóa, trở thành công thức, lý thuyết, phương pháp tư duy cho những người theo đuổi. Điều đó tốt - nó là những thứ tinh hoa được tóm gọn thông qua kinh nghiệm và thí nghiệm của những người đi trước. Nhưng nó không tốt khi bị lạm dụng, trở thành một thước đo chuẩn chỉ cho một công việc có tính linh hoạt và liên tục biến đổi như truyền thông. Những người tốt (mà tôi đang theo đuổi) là người nắm lấy thứ công thức cơ bản làm bản lề cho phát triển sáng kiến truyền thông, còn những người chưa giỏi (như tôi đang là) - hoặc là tự lấy kinh nghiệm cá nhân để làm việc (như tôi từng là), hoặc là lấy các phương pháp của người khác thành đóng thành cột kèo vững chãi cho các sản phẩm truyền thông của mình (như tôi hiện tại). Thời điểm ấy, tôi tin rằng thay vì tạo ra cái mới, học từ những cái cũ của những người đã làm để áp dụng sang sản phẩm của mình là một cách nhanh nhẹn hơn mà vẫn hiệu quả. Một người có tầm ảnh hưởng tới tôi khiến tôi nghĩ vậy. Và sau vài năm, tôi thực lòng không thỏa mãn.

Sáng tạo là tạo ra cái mới - cái mới chỉ được tạo ra khi nó thực sự xuất phát từ một góc nhìn độc lập của một cái tôi tự do, không ràng buộc. Đây là giới hạn truyền thông mà tôi muốn hướng tới và cũng là tuyên ngôn đầu tiên của bản thân sau 4 năm kể từ lúc bước vào nghề.
Bức ảnh này có ý nghĩa với riêng người viết - xin phép "ăn cắp" của bạn Trung Dũng.
Tôi muốn nghe những gì xã hội đang nói.
Tôi muốn nói những gì xã hội cần nghe.
Ý tôi là - không phải những gì xã hội muốn nghe, mà là những gì xã hội cần nghe.
Mục tiêu truyền thông của tôi không phải là chiều lòng người đọc.
Tôi chỉ muốn - chỉ muốn câu chữ của mình hữu ích với người ta.
Không vuốt ve, không nịnh bợ. Truyền thông là giao tiếp. Tôi trong đời thực là người không ve vuốt. Tôi trong các sản phẩm truyền thông - cũng muốn được là những sản phẩm không lựa lời chuốt, chải. 
Những câu chữ mà tôi viết ra - nói tóm lại - hướng tới những giá trị thật lòng nhất.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều sự ràng buộc. Xét cho cùng, nó cũng là một công việc - tôi cũng chỉ là một tay viết chiều lòng người đặt bài. Nhưng không có nghĩa, tôi sẽ mãi mãi chỉ viết để chiều chuộng khách hàng, cũng không có suy nghĩ để gu của khách hàng kéo gu của mình đi lệch mất khỏi quy tắc cá nhân.

Muốn - thì phải làm. Trước khi viết những dòng này, thật tự hào và sảng khoái khi bản thân tôi vừa trải qua một đợt làm truyền thông sung sướng như vậy. Thực sự: viết những gì cần viết, viết những gì thương hiệu cần là và viết những gì người đọc cần biết.

Hãy trung thực. Ngôn từ trung thực. Con người trung thực.
Hãy chân thành.
Hãy gần gũi.

00:04 - 01.04.2020,
Chào mừng ngày nói dối.