Bài viết này mình bắt đầu viết từ đầu tháng 6, một tháng sau quyết định nghỉ việc ở một ngân hàng TMCP, cùng với một công việc mình coi là “tạm ổn”. Thời gian ở nhà, khi tìm hiểu giữa các lựa chọn và hướng đi cho công việc tiếp theo, mình đặt ra rất nhiều nhiều câu hỏi và tò mò về bản thân. Lúc đó, mình thật sự muốn nhìn lại khoảng thời gian đã đi làm và tìm ra những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định cuối cùng của mình, và đã nhận ra một số thứ mà mình thấy bản thân và vài đồng nghiệp trẻ cũng đang mắc phải. Trong số đó, có một vấn đề mà mình muốn chia sẻ ở Blog này.
“Mình thường tự cảm thấy bản thân là trung tâm chú ý của mọi người và lúc nào cũng có cảm giác như mọi người đổ dồn ánh mắt về phía mình và sau đó đã xảy ra hàng loạt những phản ứng sai lầm của mình.”
Khi nhận ra nó xuất phát từ tâm lý, mình có thử tìm một vài cuốn sách về vấn đề này để đọc, nhưng đa phần chúng rất khó hiểu và quá học thuật, cho đến khi mình đọc được cuốn sách này:
Sách tâm lý nhưng viết cũng dễ hiểu
Sách tâm lý nhưng viết cũng dễ hiểu
Quyển sách này mình được một người anh học cùng lớp tiếng Hàn tặng sinh nhật.
Sau đó vấn đề của mình hiện ra rất rõ ràng, thật sự thì nó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng khi xuất hiện nhiều lần và lặp đi lặp lại, nó gây ra sức ép lên tâm trí và làm gián đoạn công việc của mình rất nhiều.
“Mình hắt xì có lớn quá không nhỉ”
“Vãi thật, có phiền đến mọi người không nhỉ”
“Mất vệ sinh quá”
Đó là những gì mình nghĩ đến và cảm thấy lúng túng khi “lỡ” hắt xì lớn khi đang ngồi làm việc trong văn phòng yên ắng. Tất nhiên là mình có lấy tay che miệng và cố gắng làm giảm tiếng ồn bé nhất có thể, nhưng âm thanh còn lại vẫn đủ khiến mình mất khoảng 5-10 phút để không suy nghĩ về nó nữa và trở lại làm việc một cách bình thường.
Hay có những lần mình quên tắt chuông điện thoại trong khi họp, tiếng nhạc phát ra thật sự làm mình bối rối đến mức quên mất cách để tắt nó đi như thế nào… Cuộc họp thì tạm dừng mất vài phút và mình cho rằng chắc đó là do là lỗi của mình.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM THẬT TỆ
Và còn rất nhiều những trường hợp kiểu như vậy, mình khá cẩn thận, nhưng lại hay quên và rất lóng ngóng khi đến chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người lạ. Nên xảy ra những trường hợp kiểu thế này:
- Mình đã làm rơi miếng thức ăn ngay trên bàn khi khi vừa đưa nó đến gần miệng.
- Mình đã đánh rơi vỡ ly nước cam và nó đổ lênh láng ra thảm trong buổi liên hoan của cơ quan.
- Mình lỡ nói một câu không đúng trọng tâm câu chuyện lắm trong khi mọi người đang bàn tán vui vẻ.
- Mình đã thuyết trình sai một phần nhỏ trong bài báo cáo cuối tháng. 
Với những đứa sinh viên mới ra trường như mình, kinh nghiệm chưa nhiều, có lẽ hoàn toàn có thể mắc những lỗi đó chứ. Mình đã từng nghĩ đơn giản như vậy vì mình cho rằng:
- Mình chưa thể biết cách cầm một ly rượu thế nào cho chuẩn.
- Mình chưa thể hiểu và bắt nhịp được với câu chuyện của những người đồng nghiệp làm lâu năm.
- và cũng chưa biết hết cách để thực hiện một bài báo cáo xuất sắc.
Chán quá hay ra chạy nửa vòng hồ lắm...
Chán quá hay ra chạy nửa vòng hồ lắm...
Nhưng sau này mình nhận ra đó không phải vấn đề chính, điều mình cần chú ý đến ở đây không phải chuyên môn, kỹ năng hay khả năng làm những công việc trên, mà là suy nghĩ và phản ứng của mình sau khi chúng xảy ra, đó là vấn đề.
Khi những sự việc trên mình coi chúng là “những chuyện lớn và vô cùng đáng xấu hổ”. Mặc dù thực tế thì nó rất nhỏ nhặt nhưng mình đã từng có cảm giác vô cùng tồi và chỉ muốn “tìm một cái lỗ mà chui xuống”, lúc đó cảm thấy mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía mình và cười cợt vậy. Những chuyện nhỏ như vậy lại có sức mạnh ghê gớm khiến tâm lí mình chịu sức ép nặng nề, nó còn ảnh hưởng đến cách mà mình nhìn nhận và đánh giá bản thân, thậm chí còn quyết định thái độ và hành động của mọi người một thời gian dài sau đó. Giống như cái cách mà mình đã quyết định vậy, dù nó không phải là yếu tố duy nhất nhưng cũng tác động rất lớn. May thay, hiện tại mình cảm thấy rất ổn, vì ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác khiến mình quyết định tạm dừng công việc đó.
MÌNH ĐÃ XỬ LÝ CHÚNG NHƯ THẾ NÀO ?
1.Mình đã thử suy nghĩ về nó
Khi mãi thắc mắc về vấn đề trên, mình đã thử viết những gì sẽ xảy ra sau mỗi lần như thế vào một trang giấy, và đây là những gì còn lại mình nhớ được:
Chữ mình bé quá :<, tự mình đọc lại còn thấy khó
Chữ mình bé quá :<, tự mình đọc lại còn thấy khó
Mình viết tờ giấy này vào ngày 12 tháng 5 năm 2021, mình còn nhớ vì nó ra đời sau ngày mình chính thức nghỉ bank 2 ngày.
Chắc chắn vấn đề không nghiêm trọng như mình nghĩ. Người khác có lẽ sẽ chẳng hề bận tâm đến những bứt rứt trong lòng mà chúng ta phải chịu đựng. Trong hầu hết các trường hợp, họ sẽ không chú ý đến chúng ta như chính chúng ta chú ý đến bản thân mình. Thế nhưng những sai lầm mình mắc phải sau đó thật sự không đáng. Vì quá căng thẳng, và áp lực khi nhớ tới lần phạm lỗi trước, mình đã từng làm hỏng cả một bài thuyết trình, tệ hơn là nó không phải  trong nội bộ công ty, mà là với đối tác… Nếu có ai đó đang cảm thấy một chút giống mình, thì chúng ta đang bị trạng thái tâm lý chi phối quá nhiều, mãi không thoát ra được. Cách tốt nhất mình đã thử làm là nhận ra bản chất của nó không thật sự nghiêm trọng và thay đổi cách nhìn nhận sự việc.
2.Cách mình tìm hiểu được
Trong tâm lý học, người ta gọi vấn đề mà mình gặp phải là: Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight Effect) và Ảo tưởng về tính minh bạch (illusion of transparency), nội dung của nó cũng giống như vấn đề mà mình gặp phải, nhưng từ nghiên cứu tâm lý, nó được đưa ra thêm một cách giải quyết khác và mình muốn nói, đó là Khả năng kiểm soát bản thân
Nghe thì học thuật thế nhưng không hề phức tạp. Đầu tiên, khả năng kiểm soát, không chế bản thân ảnh hưởng quan trọng đến hành động, và cuộc sống của mỗi người. Người có khả năng kiểm soát tốt, khi đối mặt với khó khăn sẽ biết dùng ý chí để kìm nén ý nghĩ muốn buông xuôi, bỏ cuộc, từ đó sẽ quay lại và đối mặt với vấn đề.
Thứ hai, kiểm soát là việc có thể rèn luyện được, việc suy nghĩ đơn giản, từ chối tiếp nhận những điều tiêu cực và cố gắng kiểm soát suy nghĩ trong vùng an toàn khi đối mặt với chúng, từ đó sẽ cải thiện khả năng kiểm soát, không còn dễ bị dao động bời tác động bên ngoài ( dạng như Tâm bất biến, giữa dòng đời vạn biến đó =)) ) và nhớ để ý nhiều hơn đến những điều tích cực.
Thứ ba, cách lí giải vấn đề tiêu cực. Mình cho rằng, nếu có thể kiểm soát tốt bản thân, sẽ nhận ra cuộc sống của bản thân là do tự mình kiểm soát, không nên để những tác nhân bên ngoài chi phối. Khi đó, mình sẽ tập trung vào bản thân nhiều hơn và tự kiểm soát mạnh mẽ sự trì hoãn và ham muốn tức thời để thực hiện các mục tiêu lâu dài.
Đó là một vấn đề mà mình gặp phải không chỉ trong quá trình đi làm, có thể tính cách của mình hay để ý tiểu tiết và cả nghĩ quá, nhưng nó đã giúp mình nhận ra vài điều hay ho về bản thân và cũng là một thử thách trong quá trình tự tìm hiểu chính mình, mình muốn chia sẻ nó, để nếu có ai đó gặp phải vấn đề tương tự thì bài viết này có thể sẽ giúp bạn có được một cách giải quyết hiệu quả.
Và cuộc sống sẽ luôn có rất nhiều các vấn đề xảy,
Nếu có điều gì muốn chia sẻ với mình, hãy viết nó ở phần comment bên dưới nhé.