Ta cho nàng biết một bí mật. Một điều không ai dạy cho nàng ở đền thờ. Các thần linh ganh tỵ với ta. Bởi vì ta là người trần. Bởi vì giây phút nào cũng có thể là giây phút cuối cùng. Điều gì cũng rất đẹp vì tất cả chúng ta phải chết. Nàng sẽ không bao giờ còn đẹp hơn lúc này và ta cũng có thể sẽ không còn ở trần gian này lâu nữa.
Đó là lời mà á thần Achilles nói với Briseis ở phân cảnh hai người trò chuyện khi mặt nàng vẫn còn rươm rướm máu trong bộ phim “Cuộc chiến thành Troy”. Một phân cảnh đẹp song cũng mang đến cho tôi nhiều suy ngẫm về “cái đẹp mong manh của cuộc sống hữu tử” (trích lời PGS.TS. Hoàng Cẩm Giang - giảng viên môn Nghệ thuật học đại cương, trưởng bộ môn Nghệ thuật học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN).
Có ai nói với bạn chưa, rằng “giây phút này là giây phút cuối cùng”, rằng “cuộc sống này mong manh và chúng ta chỉ là những kẻ người trần mắt thịt”?
Trước đó chưa ai nói với tôi điều này, tôi chỉ nghiệm ra từ những khoảnh khắc được - mất trong cuộc sống của mình, trong những gì mà tôi đã, đang trải nghiệm.
Tôi đã từng ước, và tôi nghĩ có nhiều người đã từng giống tôi: ước mình bất tử. Vì đơn giản thôi, tôi sợ cái chết, và ai cũng sẽ có lúc phải sợ cái chết khi thấy nó mon men đến gần người thân thương, khi thấy nó cướp đi sinh mạng của một người vừa nói chuyện cùng ta hôm trước, của một người vài phút, vài tiếng trước ta gặp mặt. Rất nhiều, cái chết hiện hữu xung quanh ta, ta nhận ra nó, ta biết nó. Nhưng có lẽ, ta vẫn chưa thực sự hiểu và nhận thức về cái chết.
Có thể cái chết làm con người sợ, sợ đau, sợ mất mát, sợ không còn được hưởng thụ, sợ nhiều thứ. Tuy nhiên, chính cái cuộc sống hữu tử lại là bài học và là món quà giá trị nhất mà mọi loài sinh vật được thụ hưởng. Chúng ta không phải các vị thần, ta không bất tử. Những người bất tử họ có thể trải qua một cảm xúc hạnh phúc hết lần này đến lần khác. Họ có thể thưởng thức vẻ đẹp của mình bất cứ lúc nào, mọi khoảnh khắc của họ đều là như nhau bởi họ luôn sống. Và chính vì thế, đôi khi họ quên đi cái cảm giác “đỉnh” và “đáy”. Thay vào đó, họ san bằng khung cảm xúc của mình mãi mãi. Họ chẳng thể lên đến cái đỉnh vốn có của một niềm hạnh phúc vô bờ bến hay chạm tới cái đáy của một nỗi đau dằn vặt tột cùng. Họ sẽ sống - sống trong sự bằng phẳng, trong những thứ không bao giờ là “cuối cùng”.
Còn ta thì khác, những kẻ rồi sẽ có ngày phải chết, phải nằm sâu dưới mấy tất đất im lìm. Cái đẹp mong manh của sự hữu tử là thứ dạy con người cần học cách trân trọng cuộc sống thậm chí ngay cả lúc bi thảm nhất.
Mọi vẻ đẹp không tồn tại chỉ vì nó đẹp, nó làm ta thỏa mãn. Thực chất vẻ đẹp còn đọng trong sự không thỏa mãn về mặt cảm xúc, về cái nhìn, về những gì ta có thể cảm nhận.
Giờ đây, ta mải miết chạy theo guồng quay cuộc sống. Ta đuổi theo bánh xe danh vọng, ta nhìn ngắm những cái đẹp khuôn mẫu và chỉ khi nó có “khuôn” thì ta mới thấy nó xứng làm “mẫu”. Ta quên việc thường thức vẻ đẹp mà ta có thể cảm được từ những thứ tầm thường nhất. Ta quên mình cần có những phút lặng đi để học cách yêu mình và tận hưởng mọi cảm xúc đời cho ta. Ta dễ dàng bị hút vào và xoay vòng trong những thứ gọi là hào quang, nhưng, ta quên - mọi thứ hào quang đều được gom góp từ những điều đơn giản.
Cái đẹp mong manh của cuộc sống hữu tử là bài học về sự trân trọng, về việc nhận thức vẻ đẹp tồn tại trong mọi khoảnh khắc hỉ, nộ, ái, ố. Cái đẹp không nên được đặt vào một lòng son, vào một khung tầng quá vĩ đại mà nó nên được nhìn nhận trong mọi sự tồn tại từ nhỏ bé đến lớn lao, từ vật đến người, từ thực tế đến phi thực tế.
Hoài phí làm gì thời gian đi tìm cái đẹp xa vời khi mà - rồi tất cả chúng ta đều phải chết?
22.04.2024