🏦 05 YẾU TỐ GIÚP BẠN CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÙ HỢP KHI ĐI MỸ
Sau khi đã chọn được nước, chọn được ngành, gia đình và học sinh lại “đau đầu” trong công cuộc tìm trường phù hợp. Giữa hàng ngàn trường...
Sau khi đã chọn được nước, chọn được ngành, gia đình và học sinh lại “đau đầu” trong công cuộc tìm trường phù hợp. Giữa hàng ngàn trường đại học Mỹ, bạn cần liệt kê một danh sách các trường “hứa hẹn” nhất cả về mong muốn và năng lực của bản thân mình.
Sau đây là một danh sách các yếu tố then chốt bạn nên cân nhắc khi chọn trường. Nếu bạn còn đang “bơi” giữa muôn vàn thông tin thì hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi phù hợp cho mình nhé.
Với nhiều gia đình, tài chính là yếu tố quyết định khi lựa chọn trường học. Trung bình, tổng chi phí cho một năm học bên Mỹ rơi vào khoảng 1 tỷ VND - con số không nhỏ với phần lớn gia đình Việt Nam. Thậm chí nếu bạn chọn các trường top đầu ở các thành phố lớn, con số có thể tăng cao hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn có lực học tốt, cơ hội bạn nhận được hỗ trợ tài chính từ trường sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc gánh nặng tài chính của gia đình sẽ được giảm bớt. Mặc dù vậy, nhiều bạn học sinh còn chưa có cái nhìn rõ ràng về “học bổng". Câu nói mà MoraNow nhận được nhiều nhất từ các bạn học sinh là “Em có học bổng 50% thì mới có thể đi du học được!”. Thực chất, 50% của học phí $50.000 và 50% của học phí $20.000 khác nhau hoàn toàn. Các bạn cần hiểu về thực lực của mình (hồ sơ của mình “mạnh" ở mức độ nào và khả năng tài chính của gia đình đáp ứng được ra sao) để có thể chọn trường phù hợp.
Mình cho rằng gia đình có con muốn đi du học nên thẳng thắn với con cái về khả năng tài chính của gia đình để các bạn cố gắng và nỗ lực.
Khi chọn trường, rất nhiều gia đình lựa chọn chủ yếu dựa vào xếp hạng (ranking) của trường tại Mỹ. Tuy nhiên không phải lúc nào ranking cao cũng đồng nghĩa với việc ngôi trường đó phù hợp nhất với bạn, bởi đó chỉ là xếp hạng tổng quan. Mỗi trường lại có một vài ngành mũi nhọn của mình, nên bên cạnh xếp hạng trường, bạn cũng nên tìm hiểu xếp hạng ngành nữa xem trường mình chọn có phải “focus school” trong ngành không. Ví dụ, Baruch College là một trường nhỏ ở New York City, nhưng chương trình Accounting của họ được đánh giá cao, và các công ty ở khu vực xung quanh đều ưu tiên tuyển nhân viên kế toán từ đó – đó được gọi là focus school.
Bên cạnh khung chương trình học của trường, bạn cũng cần để ý đến môi trường học tập trường mang lại, bạn có thể cân nhắc yếu tố này dựa trên ba tiêu chí chính: (1) môi trường học tập, (2) các hoạt động ngoại khoá, (3) các chương trình exchange, (4) cộng đồng sinh viên và (5) cơ hội xin việc sau khi tốt nghiệp.
(1) MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP
Ngoài khung chương trình, môi trường học tập cũng là khía cạnh quan trọng tác động đến kết quả học tập cũng như cơ hội phát triển bản thân của bạn. Bạn cần tìm hiểu xem liệu ngôi trường bạn đang cân nhắc có đáp ứng được môi trường học tập bạn cần không. Một số chi tiết bạn nên tìm hiểu là quy mô thư viện của trường, trang thiết bị tại các phòng học, không gian tự học, cách tổ chức lớp học,.. Bạn có thể tìm hiểu điều này qua trang web của trường hoặc tham gia các group sinh viên của trường để có cái nhìn cận cảnh hơn.
(2) HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ
Bên cạnh việc học tập tại đất nước có nền giáo dục phát triển thì du học là cơ hội để bạn rèn luyện bản thân. Nếu bạn mong chờ cơ hội được tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường mới thì nên ưu tiên các trường tích cực hoạt động thay vì các trường thiên nặng về học tập. Ngoài việc tham gia hội du học sinh Việt tại trường, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ học thuật hoặc câu lạc bộ sở thích như mỹ thuật, nhiếp ảnh, leo núi, bắn cung,...
(3) CÁC CHƯƠNG TRÌNH EXCHANGE
Với những bạn thích xê dịch, bạn có thể tìm kiếm cơ hội exchange sang các nước khác trong quá trình học tập tại Mỹ. Những chương trình này giúp bạn vừa hoàn thành chương trình học lại vừa có cơ hội “vi vu” đến các nước Châu Á, Châu u,...Nếu bạn có nguồn tài chính đảm bảo cho những chi phí phát sinh thì đừng bỏ lỡ cơ hội được “đi đó đi đây” học hỏi thêm nhiều điều mới.
(4) CỘNG ĐỒNG SINH VIÊN
Liệu trường bạn sẽ theo học có nhiều học sinh quốc tế không? Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đó chiếm tỉ lệ thế nào? Đây là những câu hỏi bạn nên đặt ra khi chọn trường, bởi không phải ai cũng có thể hòa nhập tốt với học sinh Mỹ. Bạn học sẽ ảnh hưởng khá lớn tới cuộc sống 4 năm Đại học của bạn ở nơi “đất khách". Một ví dụ điển hình cho vấn đề hòa nhập là tình trạng du học sinh Việt Nam trải qua giai đoạn trầm cảm nặng và buộc phải “gap year" 1-2 năm, trở về Việt Nam để tinh thần ổn định rồi mới quay lại học tiếp (hoặc thậm chí có những trường hợp bỏ học giữa chừng).
(5) CƠ HỘI XIN VIỆC SAU KHI TỐT NGHIỆP
Nếu bạn đặt ra mục tiêu sau khi ra trường sẽ tìm một công việc lâu dài, thì việc chọn trường Đại học lại càng có nhiều điểm cần lưu ý. Các yếu tố của một trường Đại học ảnh hưởng tới khả năng xin việc của bạn bao gồm: vị trí địa lý, alumni network (mối quan hệ với cựu học sinh), mức độ hỗ trợ mà nhà trường dành cho sinh viên quốc tế (như visa làm việc, CV, cover letter,...).
Vị trí địa lý có những ảnh hưởng nhất định đến khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp của bạn. Ở các thành phố lớn, cơ hội việc làm cho các ngành học như Computer Science (Khoa học Máy tính) hay Business (Kinh doanh) nhiều hơn hẳn so với vùng nông thôn. Học sinh Việt Nam lại đặc biệt thích các ngành học này. Bởi vậy, nếu sống ở thành phố hoặc ngoại thành, các bạn di chuyển để phỏng vấn xin việc hoặc tham gia các career fair (hội chợ nghề nghiệp) sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sống ở các vùng nông thôn có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí khi đang học Đại học, nhưng sẽ tốn kém kha khá khi bạn đi xin việc và đồng thời cho bạn ít cơ hội và lựa chọn công việc hơn.
Điều thứ hai bạn cần quan tâm là “alumni network" - một khái niệm quen thuộc với du học sinh Mỹ. Nếu trường của bạn có nhiều hoạt động cho học sinh giao lưu cùng cựu học sinh, và đặc biệt nếu các cựu học sinh của trường (cả alumni Mỹ hay Việt Nam) là những nhân vật “có tầm" thì cơ hội kiếm việc sau khi tốt nghiệp của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Điều này thường bị “bỏ quên" trong quá trình học sinh lựa chọn trường để học, và chỉ “vỡ lẽ" khi các bạn bắt đầu quá trình xin việc.
Cuối cùng, bạn hãy tìm hiểu thêm về mức độ hỗ trợ sinh viên quốc tế tìm việc làm của các trường Đại học. Về cơ bản, mỗi trường đều có một văn phòng hỗ trợ việc làm (career center), và phần lớn các trường đều có văn phòng sinh viên quốc tế (international student office - ISO). Tuy nhiên, không phải văn phòng của trường Đại học nào cũng hiểu rõ và đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của sinh viên quốc tế (như thời hạn visa, lợi thế song ngữ,...). Để phỏng đoán về vấn đề này, bạn có thể dựa trên số lượng học sinh quốc tế mà ngôi trường đó nhận mỗi năm: nếu số lượng này nhiều, rất có thể nhà trường thường xuyên phải hỗ trợ học sinh quốc tế nên sẽ hỗ trợ tốt hơn so với các trường còn lại. Nhưng dù sao, cách “an toàn" nhất là bạn tìm được một vài anh chị Việt Nam đang đi học hoặc đã tốt nghiệp từ các trường cụ thể để hỏi xem họ thấy mức độ hỗ trợ của nhà trường như thế nào. Nguồn thông tin từ “người trong cuộc" chắc chắn sẽ chính xác hơn nhiều.
Vị trí của trường cũng là yếu tố nên được cân nhắc kỹ. Nếu có người thân ở đất nước bạn muốn tới du học, bạn nên ưu tiên các trường gần nơi ở của người ấy. Chuyển tới một đất nước khác, những ngày đầu tiên của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có người chỉ dẫn, đưa đón.
Nếu bạn không có người thân nào hoặc muốn tự lập, bạn cũng cần cân nhắc đến vị trí trường đặt tại thành phố (urban), ngoại ô (suburban) hay nông thôn (rural).
Thành phố (urban) là nơi tọa lạc của nhiều trường đại học top đầu với cơ sở vật chất hiện đại. Nếu chọn trường tại vùng urban, bạn sẽ có nhịp sống nhanh, sôi nổi vì nơi đây có nhiều tụ điểm giải trí cũng như hệ thống giao thông phát triển. Tuy nhiên bạn sẽ phải chịu chi phí sinh hoạt cao hơn so với hai vùng còn lại.
Vùng ngoại ô (suburban) tuy ít náo nhiệt hơn thành phố nhưng cuộc sống vẫn tương đối đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, mức chi phí sinh hoạt ở đây cũng thấp hơn ở các thành phố một chút. Nếu muốn tới thăm quan các thành phố xung quanh, bạn chỉ cần đi ô tô, tàu, xe bus chưa đến 2 giờ đồng hồ.
Nông thôn (rural) là nơi có cuộc sống khá bình yên, ít hàng quán, địa điểm giải trí, tuy nhiên bạn vẫn có thể tham gia nhiều hoạt động trong khuôn viên trường. Nếu bạn muốn tranh thủ các ngày cuối tuần tới thăm thú các thành phố lớn thì phải di chuyển khoảng cách khá xa.
Nếu bạn không lo lắng về chi phí và muốn sống gần nhiều tụ điểm vui chơi thì thành phố và ngoại ô là những địa điểm trường lý tưởng. Tuy nhiên nếu bạn muốn yên tĩnh hoặc tiết kiệm tối đa chi phí du học thì có thể lựa chọn những trường ở vùng nông thôn.
Đôi khi nhiều gia đình “bỏ quên” mất yếu tố khí hậu trong quá trình chọn trường cùng con, tuy nhiên đây lại là một vấn đề rất đáng lưu tâm khi bạn đã đặt chân được đến Mỹ.
Là một quốc gia rộng lớn, Mỹ có các vùng khí hậu khác nhau. Các bang ở miền Nam nước Mỹ như Texas, hoặc bờ Tây như California có khí hậu tương đồng nhất với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Trong khi đó các bang ở phía Bắc/Đông Bắc sẽ có tiết trời lạnh hơn, thậm chí còn có nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão tuyết. Tuy nhiên Đông Bắc lại là vùng tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ.
Do đó nếu bạn chọn các trường nằm ở đới khí hậu lạnh, bạn cần chuẩn bị tốt tinh thần thích nghi với thời tiết. Nếu bạn ngại việc đi lại khó khăn hoặc dễ bị ốm đau, dị ứng thời tiết thì hãy cân nhắc các trường ở vùng khí hậu ấm nóng.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất