PHẦN CUỐI: SAO CỨ PHẢI LÀ YOGA?!
.
Chào cả nhà, mình ngồi viết phần cuối này từ nhiều ngày nay rồi. Viết dưới sự kì vọng, chờ đợi của mọi người thật chẳng dễ dàng gì nhỉ?! Nhưng mình cứ chọn cách thành thật thôi. Bữa giờ mình có nhiều bản nháp lắm, cứ viết chút chút rồi lại thôi, thế là mình có một tập hợp những mảnh ghép rời rạc nhưng thiếu chất keo kết dính để ráp chúng lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Cho đến hôm nay, khi đang chuẩn bị bài và chia sẻ cho học viên, thì sự liên kết kia mới dần dần hiện ra.
Những mảnh ghép của bức tranh này có lẽ cũng là những mảnh ghép của cuộc đời mình. Những sự kiện diễn ra trong đời mà mình thường gọi là những viên gạch trải nghiệm, tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến đến nhau, nhưng lần lượt từng chút một, chúng tăng dần lên, liên kết lại với nhau, từng viên gạch lát đè lên con đường cuộc đời đầy bùn lầy, khiến con đường trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn. Hôm nay mình sẽ kể về những viên gạch này, những mảnh ghép này nhé.
.
NHỮNG VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN: NỖI SỢ MẤT MẸ. NGƯỜI YÊU MÌNH LÀ BÁC SĨ.
.
Năm mình học cấp 2, lần đầu tiên mình dự một đám tang. Mẹ của cô bạn thân qua đời vì ung thư. Mình đi theo đám tang từ nhà cho đến nghĩa trang. Mình nhìn quan tài mà cô đang nằm trong đó từ từ biến mất sau cánh cửa lò hoả thiêu mà trong lòng dấy lên một cảm giác khó tả. Cuối năm cấp 2, bố của cậu bạn mình thích cũng qua đời. Từ đó mình có một nỗi sợ vô cùng lớn lao là một ngày nào đó, mẹ mình có thể bệnh nặng qua đời. Mình không sợ cái chết của chính bản thân mình, nhưng mình rất sợ cái chết sẽ cướp đi mẹ. Mẹ mình vốn bị thoái hoá đốt sống cổ và bệnh đau nửa đầu migraine, nhờ kiên trì tập luyện suốt 20 năm qua nên tình trạng không trở nên nặng hơn, gần đây còn cải thiện được nhiều vấn đề do áp dụng Yoga và bài tập Đông Y mà mình học được nữa. Vậy nên mình đã luôn có một mối quan tâm đặc biệt và ý thức được vai trò của sức khoẻ.
Thế rồi trời run rủi xếp đặt sao đó, mình đi vào Sài Gòn, và yêu một anh bác sĩ đa khoa. À, hẳn là bạn sẽ nghĩ rằng yêu anh bác sĩ thì yên tâm quá rồi, lo lắng bệnh tật gì nữa. Nhưng không. Mình vỡ mộng. Hoá ra bác sĩ mới là những người dễ tử vì nghiệp nhất. Lịch trình của bác sĩ thất thường lắm, nghề bác sĩ căng thẳng lắm. Người yêu mình làm bác sĩ khoa nội thận đã là đỡ hơn rất nhiều so với các khoa ngoại rồi, nhưng anh vẫn lao động trí óc rất nhiều mà mất cân bằng về sức khoẻ thể chất. Và anh cũng có xu hướng giải quyết các vấn đề bằng thuốc. Hễ mình hô em đau đầu, đau bụng, đau cơ là yên tâm anh cho thuốc giảm triệu chứng liền, nhưng đỡ khi đó thôi chứ đâu có khỏi tận gốc. Hơn nữa anh là người yêu chứ không phải bác sĩ riêng của mình, anh cũng chưa bao giờ coi mình là bệnh nhân của anh, bụt chùa nhà không thiêng! :)) Nói chung thì bác sĩ giúp mình chữa bệnh còn phòng bệnh lại là câu trả lời của chính bản thân mình kìa. Thế là nỗi sợ bồi thêm một lớp nỗi lo.
Fun fact time! Sư tổ Swami Sivananda của trường phái Yoga cổ điển Sivananda cũng là một bác sĩ y khoa và giám đốc bệnh viện Malaysia trong một thời gian dài trước khi ông sống ẩn tu. Ông nhận ra rằng chữa trị cho người ta những bệnh về cơ thể không thực sự giải quyết được sự khốn khổ của con người và ông bắt đầu đi tìm câu trả lời. Ông không chỉ là một bác sĩ về cơ thể mà còn là “một bác sĩ của tinh thần” nữa. [1]
.
NHỮNG VIÊN GẠCH KẾT NỐI: TRẢI NGHIỆM VỀ THỂ CHẤT - SAO CỨ PHẢI LÀ YOGA?! - SÁNG TẠO VÀ SỰ LÀNH MẠNH.
.
Bản thân mình là một người thích trải nghiệm, nên thực ra mình đã thử rất nhiều hình thức thể thao khác nhau: Đá bóng (từ hồi cấp 2); Taekwondo mùa hè lớp 5 (lên được đai vàng thôi haha); Dancesport (hồi cấp 3 mình từng đi biểu diễn hội thao ở sân vận động đó); Sexy Dance (đến giờ mình vẫn thích cái này nhé); Aerobic; Gym; Boxing; Bơi lội; Chạy bộ; thành tích oách nhất chắc là leo Fansipan 1 lần (và mãi mãi); gần đây nhất thì có thử chèo thuyền SUP trên sông Sài Gòn. Ngay cả với Yoga mình cũng đã từng thử tập một khoá ở Hà Nội và một khoá ở Sài Gòn, nhưng cả hai lần mình đều không biết mình đang tập trường phái gì, chỉ lên lớp, bắt chước theo HLV mà không thực sự hiểu rõ tác động của các bài tập, tư thế. Đấy, nói chung đủ cả, được cái mình thừa hưởng văn hoá thể dục thể thao từ gia đình, bố mình 60t vẫn còn đi đá bóng, mẹ mình 20 năm nay vẫn tập luyện đều đặn 3 lần một ngày. Điều đó cho thấy, Yoga không phải là tình yêu sét đánh, love at 1st sight hay chân ái gì. Điểm chạm đầu tiên dẫn lối mình đến với Yoga là mối quan tâm đặc biệt về sức khoẻ như mình đã nói ở phía trên kìa.
Mấy năm trở lại đây bị công việc cuốn đi, không có thời gian cho việc tập luyện, bản thân cũng không còn thấy mình phù hợp với những môn thể thao hoạt động mạnh nữa, mình ghét cảm giác tim đập quá nhanh, thở dốc, nặng nhọc. Bây giờ mình hiểu rằng thực ra đó chính là mối quan hệ giữa thể chất và tinh thần. Khi còn trẻ, sức khoẻ tâm lý của mình còn mạnh, còn nhiều năng lượng nên cũng thích những hoạt động thể chất sôi nổi. Nhưng khi quá tập trung vào các hoạt động trí óc, gặp những biến cố tâm lý, tinh thần kiệt quệ, thì tự khắc cơ thể cũng chẳng còn sức sống. Khi mình biết về các chỉ số sinh tồn của Tây Y, biết về học thuyết âm dương của Đông Y, bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ tinh thần-thể chất của mình mới hiện ra và mình bị thuyết phục hoàn toàn. Đó là lúc Sivananda Yoga mới xuất hiện như một giải pháp, và như cách HLV Yoga của mình là chị Hằng Lâm lý giải, Yoga là một giải pháp mang tính toàn diện, phù hợp cho mọi đối tượng, mọi độ tuổi với nhiều ngưỡng tập, bài tập khác nhau, giúp tác động sâu vào các cơ quan nội tạng để đạt được hiệu quả trị liệu. Vậy nên mình và Yoga đã cho nhau một cơ hội.
Sao cứ phải là Yoga?! Đúng rồi, không cứ phải là Yoga đâu. Vấn đề không nằm ở cách thức, vấn đề nằm ở nhận thức. Haruki Murakami (người-mà-chắc-là-ai-cũng-biết) không tập yoga, ông chọn chạy bộ và ông đã viết:
“Có một quan niệm phổ biến là chỉ bằng cách sống một lối sống không lành mạnh nhà văn mới có thể đưa mình ra khỏi thế giới trần tục và đạt đến một kiểu thuần khiết có giá trị nghệ thuật. Quan niệm này đã hình thành qua một thời gian dài. Phim ảnh và kịch truyền hình duy trì mãi cái hình ảnh mang tính rập khuôn - hay, nói quá lên một chút, cái huyền thoại - ấy về nghệ sĩ.
Để đối phó với một cái gì không lành mạnh, một người cần phải càng lành mạnh càng tốt. Đó là phương châm của tôi. Nói cách khác, một tâm hồn không lành mạnh đòi hỏi một thân thể khoẻ mạnh.“ [3]
Và không chỉ Murakami, nếu bạn đọc Big Magic của Elizabeth Gilbert, bạn cũng sẽ bắt gặp quan điểm này. Với Elizabeth, bà chọn thiền vipassana và cả yoga để cân bằng lại cho đời sống viết lách của mình. Đây là hai tác giả truyền nhiều cảm hứng cho mình nhất về công việc sáng tạo.
.
CHẤT GẮN KẾT CUỐI CÙNG: CON ĐƯỜNG CỦA RIÊNG MỖI NGƯỜI - KẾT THÚC CÂU CHUYỆN
.
Mỗi người đều đang đi trên con đường cuộc đời của riêng mình. Con đường dẫn đến đâu? Có thể nhiều người sẽ nói đích đến cuối cùng của tôi là hạnh phúc, là sự viên mãn, là đủ đầy vật chất, là con đàn cháu đống, vợ chồng thuận hoà. Mình thì lại nghĩ khác. Con đường thì có thể khác nhau, nhưng đích đến thì chỉ có một: Cái chết. Phải vậy không? Tạm không bàn đến câu chuyện luân hồi, đến cõi niết bàn, giải thoát. Hãy cứ thực tế với những chứng nghiệm hiện tại: Con người ai mà chẳng sinh rồi chết đi. Vậy vẫn nên là con đường mình đi đầy bùn lầy hay được lát gạch bằng phẳng, từng bước chân mình run rẩy hay vững vàng tiến về phía trước.
Không có một con đường chung cho tất cả. Trên đời này có rất nhiều trường phái, pháp môn, tôn giáo. Tất cả đều hướng con người đến cái thiện, tìm cách đưa con người về đích một cách bình an nhất. Nhưng khi dành thời gian tìm hiểu sâu hơn, mình thấy là bản thân những người sáng lập ra một trường phái cũng đã trải nghiệm nhiều phương thức khác nhau để rồi xác lập ra con đường của riêng mình rồi kể lại cho công chúng. Một vài ví dụ như trước khi tìm ra con đường Vipassana của riêng mình, Đức Phật cũng trải qua mọi hình thức tu tập (trong đó có cả Yoga vốn ra đời từ hơn 5000 năm trước, trong khi lịch sử Phật Giáo là khoảng 2500 năm [3]). Còn ở Hy Lạp 2300 năm trước, Zeno thành Citium cũng đã chỉnh sửa và pha trộn học thuyết của (ít nhất) ba trường phái triết học khác nhau: Yếm thế, Megarian và Academy để tạo ra Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Hy Lạp của riêng mình [4]. Quay về với Yoga, hiện nay cũng có rất nhiều trường phái Yoga khác nhau. Chính trong trường phái Sivananda, khi được sư tổ Swami Sivananda giao nhiệm vụ truyền bá kiến thức sang phương tây năm 1957, đệ tử của ngài là Swami Vishnudevananda cũng đã có những thay đổi nhất định để phù hợp với văn hoá, cách hành xử suy nghĩ của người phương Tây lúc bấy giờ. Và hiện nay, Shanti Yoga Vietnam đang sử dụng những chỉ số sinh tồn (huyết áp và đường huyết) của Tây y để giúp mọi người đánh giá được tình trạng sức khoẻ của bản thân, từ đó biết cách cải thiện, phòng chống bệnh tật thông qua các phương pháp của Đông Y và Sivananda Yoga.
Ngày hôm qua, khi mình chia sẻ những kiến thức này với học viên, mình đã suy nghĩ: Nếu như mình biết những điều này từ 10 năm trước, khi mình mới 20 tuổi thì sẽ ra sao nhỉ? Có thể sức khoẻ thể chất và tâm lý của mình đã tốt hơn, bền bỉ hơn; Có thể mình sẽ tiếp tục làm công việc quảng cáo được lâu hơn, gặt hái được nhiều thành tựu hơn chăng?
Nhưng ý nghĩ đó chỉ chợt thoáng qua trong đầu rồi thôi, vì mình đã đến một thời điểm không còn chấp vào những điều "giá như"; giờ đây mình dần biết cách chấp nhận rằng mọi điều xảy ra đều có nguyên do của nó.
Nhận thức về vai trò của sức khoẻ thể chất-tinh thần đến với mình khi mình đã va vấp đủ nhiều, nếu mình không trải qua những vấp ngã, tổn thương đó thì sao biết quý trọng bài học?! Từ đó bên trong mình có một mong cầu nhỏ nhoi là có thể giúp đỡ mọi người, từ những bạn trẻ đang ở độ tuổi 20s, chuẩn bị vào đời đến những người đang khủng hoảng 25s, 30s. Biết đâu những nhận thức này sẽ giúp người trẻ vào đời vững vàng hơn, người không còn trẻ kịp sửa đổi và người đang gặp khó khăn có thêm một giải pháp.
Để thực hiện mong cầu đó, mình đã xác quyết với bản thân hai việc:
Một, mình thực hành đời sống yoga trước nhất là cho bản thân. Hiện tại mình ưu tiên chữa lành sức khoẻ tâm lý & thể chất cho bản thân hơn bất cứ thứ gì, tiền tài, sự nghiệp, địa vị. Chính mình (nếu muốn giúp người khác) phải thực hành được những điều mình nói ra trước khi cho giảng dạy người khác.
Hai, mình cần xác định rõ ranh giới với cái mong cầu giúp đỡ người khác phía trên. Bạn hiểu cảm giác ấy không nhỉ? Khi bạn nghĩ rằng cách thức mình tìm ra có thể giúp đỡ mọi người, bạn rất dễ lao ra ngoài kia gặp ai cũng nói rằng: ê, cách này tốt lắm, mày phải nghe tao, mày phải làm theo tao! Mình đã luôn thận trọng quan sát những hành động như vậy của bản thân và ngăn để không rơi vào cái tình trạng mà mình tự gọi là "con đa cấp"! (well, you know :))) Vậy đó, mình sẽ thuận theo chữ duyên, ai tìm đến mình xin lời khuyên, sự giúp đỡ thì việc của mình cũng chỉ có thể là chia sẻ câu chuyện của bản thân, nếu họ thấy đồng cảm và muốn thử, quá tốt! Nếu không?! cũng đành thôi, mình đã làm xong nhiệm vụ. Còn thì đừng quá năng nổ chạy đi khắp nơi đòi giúp người này, người kia, họ đâu cần đâu Ly, bình tĩnh quay về với bản thân và tu tập chuyên chú vào nhé!
.
Trên con đường cuộc đời rất lầy lội của mình, từng viên gạch trải nghiệm đã giúp mình thoát khỏi những hố bùn, vượt qua giông bão. Ban đầu những viên gạch đó thật rời rạc nhưng giờ đây nhờ có Yoga, giống như một lớp xi măng gắn kết chắc chắn những viên gạch lại với nhau, giống như lớp keo sữa dán những mảnh ghép lại thành một bức tranh sáng tỏ, giống như sợi dây kết nối các điểm sự kiện cuộc đời lại. Đích đến thì mình đã biết rồi, trên con đường đi có những gì sẽ xảy ra thì mình chịu, nhưng mình tin là mình có thể tiến về phía trước vững vàng hơn, kể cả có vấp ngã cũng vẫn có thể đứng dậy và bắt đầu lại.

Kết lại thì bạn thấy đấy, mình giật tít câu view vậy thôi. Mình không cổ suý ai bỏ việc hay chạy theo đam mê cả. Câu chuyện của mình cũng không đại diện cho nguyên một ngành quảng cáo. Mình chỉ muốn sống đời sống sáng tạo một cách lành mạnh nhất. Mọi cái như “Art Director”; “HLV Yoga” chỉ là danh xưng mà thôi, nên cho phép mình vẫn cứ tự gọi bản thân là Người Kể Chuyện ở Thung Lũng Sáng Tạo nhé :”D

Cám ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Câu chuyện của mình đến đây là hết. Còn bạn, con đường của bạn đã được lát gạch chưa? Mình mong là bạn luôn vững vàng, an yên trên con đường của riêng mình nhé.
Om Shanti! Om Bình An!
SG, 7.2020
Ly Sei. a beautiful mess.


[1] Sách Sivananda Yoga - Yoga cổ điển: Triết Lý và Thực Hành - Tác giả Swami Sitaramananda (https://tiki.vn/sivananda-yoga-yoga-co-dien-triet-ly-va-thuc-hanh-tai-ban-p602367.html)
[2] Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ - Haruki Murakami (https://tiki.vn/toi-noi-gi-khi-noi-ve-chay-bo-tai-ban-2018-p1670617.html)
[4] Sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - William B. Irvine (https://tiki.vn/chu-nghia-khac-ky-phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than-p49459956.html)

P/S: Ôi thánh thần ơi, con đã om bài viết này suốt 2 tuần liền, con biết ơn sâu sắc vì đã viết hết ra được rồi huhu.