Đây là vấn đề mà tôi muốn viết từ rất lâu, tuy nhiên, tôi tự thấy mình vẫn chưa thu nhặt đủ “chữ và lý”, hoặc cũng có thể đã đủ rồi nhưng tôi không mấy hứng thú để viết, thế là tôi xếp ý tưởng rồi nhét nó vào một cái kén, chờ ngày nó hóa bướm, bay lên. Và, ngày đó cũng đã đến.
Tôi thử nhìn ngắm bé bướm nhỏ xinh, phủ trên đôi cánh xanh xanh đỏ đỏ của nó là những chấm trắng chấm đen trông vô cùng hút mắt - nó báo cho tôi biết tôi cần phải viết bài này trong hôm nay.
Những năm gần đây tôi nhận thấy rất rõ sự nở rộ của Chủ nghĩa tối giản (Minimalism), nếu bạn để ý thì chắc chắn bạn cũng sẽ thấy điều này qua việc: hàng loạt quyển sách được ra mắt trên thị trường, hàng loạt group được thành lập đợi chờ những bạn trẻ, những người yêu lối sống tối giản tham gia và bàn luận. Thậm chí cũng có những bộ phim đề cập đến chủ nghĩa này như Happy Old Year (tạm dịch: Tháng năm hạnh phúc ta từng có).
Riêng tôi, đến thời điểm hiện tại - phim chưa xem, sách về chủ nghĩa tối giản cũng chưa đọc, tuy nhiên, tôi vẫn ngồi đây gõ từng dòng này nhờ vào việc bản thân đã theo dõi rất lâu hai kênh Youtube khá nổi tiếng với nhiều người, đặc biệt là các bạn gen Z, đó là kênh của chị Chi Nguyễn - The Present Writer và kênh của anh Kira - The Hanoi Chamomile. Cả hai anh chị đều là những người đang sống lối sống tối giản.
Dưới góc nhìn và sự cảm thụ cá nhân, tôi thật sự rất khâm phục những người đã, đang và sẽ theo đuổi lối sống này. Vì mấy ai trên đời chịu buông bỏ đâu? Từ những niệm suy trong tâm tưởng đến những điều, những món đồ đã cũ, đã từng gắn bó với mình một thời quá khứ. Nhiều bạn nghĩ rằng sống tối giản chỉ là bỏ bớt đồ đạc mà bản thân có đi - là xong. Nhưng, xét ở khía cạnh tư tưởng, lối sống này còn yêu cầu người theo đuổi phải thả bớt những gánh nặng, những nỗi niềm mà mình có, mình giấu nhẹm suốt hằng mấy năm trời - xuống.
Tôi cũng đã từng muốn theo đuổi chủ nghĩa tối giản, việc bỏ bớt đồ đạc như quần áo, giày dép... với tôi không thành vấn đề. Song, về mặt suy nghĩ thì… quả thật rất khó. Tôi có vẻ hơi ích kỷ khi luôn thích giữ những niềm vui, kỷ niệm và thậm chí là những nỗi uất hận xưa cũ trong lòng, thay vì lựa chọn cất chúng vào một chiếc hộp mang tên “ngày xa vắng”. Tôi tin rằng cũng sẽ có nhiều người rơi vào trường hợp như tôi:
buông vật chất thì dễ mà buông tâm tư thì khó.
Tuy nhiên, trong nhóm người tìm hiểu về chủ nghĩa tối giản, mong muốn theo đuổi và đang dần tập thói quen để đưa bản thân vào guồng sống này - có người lại đi theo thiên hướng “tuyệt đối hóa”, “thần thánh hóa” rồi quay ngược lại chê trách, và đôi khi là khinh bỉ những người đang sống theo lối sống ĐA SẮC (tôi gọi vui là lối sống “tắc kè bông”) như thể họ là những kẻ CHƯA ĐƯỢC ĐẮC ĐẠO vậy.
Điều này làm tôi thấy rất nực cười.
Tôi chợt nhận ra, dường như, đây là tâm lý chung của rất nhiều người, thay vì buông bỏ hoặc đơn giản hơn là thay đổi một điều gì đó theo ý muốn của bản thân trong sự im lặng và tôn trọng thì họ chọn quay ngoắt đi rồi chỉ trỏ, xiên xỏ thứ mình từng thuộc về hoặc đã từng là mình.
Ví dụ lúc bạn không có xe, bạn ao ước có một chiếc xe đạp để cho bằng bạn bằng bè, bạn có được nó. Rồi, bạn lại tiếp tục ao ước có một chiếc xe máy để thể hiện sự oai phong, để “khè” với thiên hạ, đúng, bạn có được nó. Sau đấy, bạn lại ao ước mình phải có xe hơi thì mới là theo thời thế, là sang trọng. Bạn có được nó. Nhưng, khi đó, chiếc xe đạp ngày nào cùng bạn đến trường, chiếc xe máy cùng bạn vi vu hóng gió, bạn để đâu? Có người bán hoặc tặng, có người giữ làm kỷ niệm và cũng không thiếu người hùng hằng, mạnh tay vứt chúng và không quên ném vào chúng sự khinh bỉ với cái trề môi thật đậm.
Cũng vì nhiễm tư tưởng trên, một số người chọn theo chủ nghĩa tối giản bắt đầu tuôn ra những tràng kiến thức mà số chữ có thể dựng hẳn thành một bức tường cốt để đè bẹp cái suy nghĩ, cái tư tưởng của những người sống theo lối sống đa sắc. Để làm gì?
1. Một vài trường hợp là để thể hiện sự THƯỢNG ĐẲNG và THÔNG THÁI. Nhắc đến hai cụm từ này làm tôi nhớ đến khái niệm và tính chất văn hóa được học trong môn Nhân học đại cương, rằng không có nền văn hóa nào CAO hay THẤP hơn nền văn hóa nào. Lối sống tối giản hay Lối sống đa màu sắc chưa phải là nền Văn hóa, nhưng nhìn nhận kỹ thì chúng thuộc hai loại Văn hóa nhóm khác nhau tương ứng. Chính vì thế, chúng đều có những đặc sắc riêng, không cái nào hơn cái nào, cũng không cái nào thua cái nào vì trong một nền văn hóa tồn tại đồng thời rất nhiều kiểu Văn hóa nhóm.
2. Còn số khác thì hành xử như thế cốt yếu là để gợi SỰ THÈM KHÁT từ những người chưa hoặc không theo những gì mà họ đang theo đuổi. Để có thể gợi sự thèm khát, họ đã dùng cái gọi là “Hiệu ứng người nổi tiếng”. Cụm từ KOLs những năm gần đây xuất hiện ngày một dày đặc, điều này kéo theo cả những tích cực và tiêu cực khi nhiều người tin rằng việc mình theo đuổi lối sống của một (vài) người đang nổi tiếng thì sẽ giúp mình có được và thậm chí là chiếm được những vầng hào quang mà người họ theo dõi đã, đang và sẽ có.
Ứng dụng hiệu ứng này, nhiều người ghi lại quá trình tập sống tối giản để khoe khoang trên mạng xã hội, họ viết những bài: “Tôi thấy sao mà nhiều người mặc đồ sặc sỡ các kiểu mệt ghê, nhìn cứ sao sao ấy, chả có hấp dẫn gì... Rồi thêm sao mà nhiều người nghĩ nhiều chi không biết, họ bảo rằng họ có muốn đâu, tôi thì thấy họ bất tài thì có, suy nghĩ của mình mình không làm chủ được thì mình làm được cái gì nữa? Phải chi họ chịu buông xuống để đi theo lối sống tối giản, thế thì có khi họ sống tốt hơn nhiều rồi…” Họ chỉ trích, họ đề cao thứ họ đang làm bằng việc nêu lên những cái tên đã thành công, họ cũng kể ra những gì họ đạt được trên hành trình đến với tối giản,... Qua đó, càng khẳng định họ là những người ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI, HỌ TIẾN BỘ HƠN đồng loại của mình.
Việc học tập, đi theo hướng mà người khác đã ghi dấu chân và đạt được thành quả nhất định nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân, là không sai. Tuy nhiên, việc tin theo một cách cực đoan đồng thời nhìn những người đang sống lối sống khác mình bằng nửa con mắt thì cực kỳ nguy hại. 
Chưa tính nếu chúng ta còn sống thì SẼ CHẲNG BAO GIỜ CÓ CÁI GỌI LÀ THAY ĐỔI CUỐI CÙNG. Hôm nay bạn thấy người ta ồ ạt chọn sống chủ nghĩa tối giản, ngày mai, ngày kia biết đâu người ta lại tiếp tục ồ ạt sống chủ nghĩa A, chủ nghĩa B, chủ nghĩa C gì gì đó.
Tâm lý đám đông, dễ lan, dễ truyền, dễ tác động.
Như tôi chẳng hạn, ngày trước tôi không thích có quá nhiều quần áo, giày dép, không thích những bộ đồ sặc sỡ, đặc biệt là hình hoa lá các kiểu. Nhưng, giờ thì… trong tủ của tôi có rất nhiều áo sơ mi màu sắc sặc sỡ như áo tím, áo hồng, áo hoa, áo lá. Tôi còn có cả váy, cả những chiếc đầm maxi, đầm công chúa. Nói chung là hơn cả 7 sắc cầu vồng.
Nếu ai hỏi tôi của cách đây 5 năm rằng: “Mày có thích sống vậy không?”, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Không bao giờ”.
Song, đó chỉ là ngày xưa, ngày mà chúng ta chưa thấy “bây giờ” thì chính là “không bao giờ”.
Cho nên, bạn muốn sống kiểu gì là việc của bạn, sống tối giản cũng được, sống theo kiểu đa sắc màu như tôi hiện tại cũng chẳng sao. Nhưng đừng bắt ép người khác, hay cố gắng dìm người khác, đưa ngày khác xuống mức thấp hơn mình về bất cứ mặt nào trong cuộc sống khi thấy họ đang sống theo lối khác, hướng khác mình.
Vì biết đâu sau này bạn lại thích chính thứ mà bạn từng ghét, từng sỉ vả đến mức không dứt ra được. Đến lúc đó thì, “trò hề” biết bao!
16.04.2024