Có một điều mình muốn làm rõ ràng trước khi bắt đầu kể bất cứ câu chuyện gì: Mình không từ bỏ công việc Art Director, mình từ bỏ việc làm fulltime ở một agency quảng cáo. Mục tiêu lớn nhất của mình là có thể làm những công việc sáng tạo, sống đời sống sáng tạo một cách khoẻ mạnh và ý nghĩa nhất có thể.
.
PHẦN 2: MÌNH ĐÃ SỐNG ĐỜI SỐNG AGENCY MỘT CÁCH TRỌN VẸN!
.
Hãy bắt đầu với câu chuyện mình đã sống đời sống agency như thế nào trước khi từ bỏ nó nhé.
Năm đầu tiên làm agency, mình đã biết mình không hợp với môi trường làm việc này, có rất nhiều tính chất xung đột với hệ giá trị của bản thân mình. Nhưng ở thời điểm đó, nghỉ agency thì mình không biết phải làm gì khác cả. Chưa kể khi đó và cả bây giờ, mình sống ở Sài Gòn một mình, tự trang trải mọi chi phí (và nuôi thêm hai con quỷ moè). Sau 3 tháng nghỉ agency đầu tiên, ở nhà vật vã, mình lại đi làm agency tiếp với một câu hỏi luôn đau đáu trong đầu mình: “Nếu không làm agency nữa thì mình có thể làm gì?”
Mình không biết khi nào thì câu trả lời sẽ đến nhưng mình luôn tin là khi ta đặt câu hỏi và không ngừng tìm kiếm, câu trả lời sẽ đến. Trong lúc đó, mình vẫn phải sống tiếp đời agency, mà phải sống một cách lành mạnh kìa. Vậy nên mình đã đặt ra cho bản thân một bộ nguyên tắc.
.
NGUYÊN TẮC 1: ĐI ĐẾN CÙNG.
Xuất phát điểm của mình là một Graphic Designer ở Hà Nội. Mình rất mê quảng cáo, khi đó xem chuỗi TVC quảng cáo sữa đậu nành Fami, mình thực sự tò mò muốn biết làm thế nào để đi từ ý tưởng ra được đến thành quả. Vậy là mình khăn gói quả mướp đi vào Sài Gòn vì ở ngoài Hà Nội không có agency quảng cáo. Mục tiêu của mình khi đó là được làm quảng cáo và được lên vị trí Art Director. Khi câu hỏi về agency xuất hiện, mình vẫn đang là Senior Graphic Designer, mới được train lên thành AD. Vậy nên mình quyết tâm phải trải nghiệm và thực sự hiểu công việc, vai trò của một AD là như thế nào, phải leo hết ngọn núi này trước khi rời bỏ nó.
.
NGUYÊN TẮC 2: ĐÚNG MỘT NĂM.
Như mình đã nói ở phần 1, agency nào cũng có workload và áp lực công việc như nhau nhưng mỗi agency sẽ có một quy trình làm việc khác nhau, tệp khách hàng khác nhau, quy mô tổ chức khác nhau, từ global agency đến local agency. Nên mình tự đặt ra giới hạn là ở mỗi agency, mình sẽ dành đúng 1 năm để trải nghiệm. Trong một năm đó, ngoài công việc chuyên môn, mình dành thời gian để quan sát, học hỏi cách thức vận hành, tổ chức của mỗi bộ máy, mình cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiểu kiểu client khác nhau, creative style khác nhau. Sau một năm, mình sẽ tự đánh giá lại xem đã học thêm được gì mới, nếu tiếp tục ở lại còn học thêm được gì nữa không (sẽ còn nhiều yếu tố khác như khả năng phát triển của agency đó chẳng hạn nhưng mình ưu tiên tập trung vào bản thân trước). Việc dành ít nhất một năm ở mỗi agency vừa thể hiện sự cam kết với bản thân vừa giúp mình không bị mắc kẹt trong một môi trường duy nhất, luôn có sự đổi mới và luôn có cái để học hỏi. Nhờ quan sát nên mình mới biết phòng ban nào cũng vất vả chứ chả riêng gì creative, ngành nghề nào cũng áp lực chứ chả riêng gì quảng cáo.
.
NGUYÊN TẮC 3: TIỀN!
Trong lúc mình chưa thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên thì mình có thể tập trung vào việc kiếm tiền, để làm gì? Để chuẩn bị sẵn vốn, như vậy khi câu trả lời đến, mình có nguồn lực để làm điều mình muốn. Mà giờ làm sao để kiếm được nhiều tiền? Thường người ta sẽ khuyên là tăng thu, giảm chi. Và thường mọi người cũng nghĩ là mình có thể cày freelance cật lực. Người khác có thể làm được chuyện đó, chứ mình thì không :)) từ khi làm agency mình không biết freelance là gì vì mình biết bản thân không giỏi multitask, vừa fulltime vừa freelance thì chỉ có gục sớm. Quay lại với nguyên tắc làm ở mỗi agency đúng 1 năm ở phía trên. Việc làm qua nhiều môi trường cho mình thêm kinh nghiệm, lên level nhanh và tăng lương cũng nhanh hơn. Tất nhiên tăng như vậy phải dựa vào portfolio mà mình đã dành thời gian để đầu tư; khi đi phỏng vấn mình cũng luôn thể hiện rõ mục tiêu và khả năng hiểu về bản thân của mình. Cho đến giờ mình đã nhận được offer của 6/7 agencies mình từng đi phỏng vấn. Nhờ quá trình tích luỹ trên mà khi chuyển việc, mình có tiền training thành HLV Yoga (đắt lắm đó!
:))) và hiện tại mình cũng chưa có thu nhập từ Yoga đâu (đang thực hành Karma Yoga, vô vị lợi) nên mọi chi phí sinh hoạt đều là tiền tích luỹ và trợ cấp thất nghiệp. Nói chung là thoải mái đầu óc, không nặng gánh tiền bạc trong lúc chuyển đổi.
.
NGUYÊN TẮC 4: CÔNG VIỆC KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ & KHÔNG CÓ MỘT CÔNG VIỆC DUY NHẤT.
Đây là nguyên tắc đã dẫn dắt mình đến với câu trả lời. Công việc của mình đòi hỏi sự sáng tạo. Muốn sáng tạo, phải có vốn sống. Mình không thể ngồi trong văn phòng với 4 bức tường và chờ đợi ý tưởng đến với mình được.
Ngoài công việc, mình dành một phần thời gian không nhỏ để đọc sách, viết lách và chiêm nghiệm, mình ra ngoài tham gia những hoạt động có nhiều tương tác như public speaking, học những workshop ngắn hạn với nhiều kỹ năng khác nhau, đi đây đi đó. Tất cả những hoạt động đó là cách mình tích luỹ vốn sáng tạo, đồng thời cũng tách mình ra khỏi guồng quay công việc. Càng trải nghiệm nhiều, vốn sống của mình càng tăng, khả năng kết nối và thấu hiểu nội tâm của những đối tượng mình đang nhắm đến, đang kể chuyện về tốt hơn rất nhiều. Kỹ năng chuyên môn (thiết kế, kiến thức về art) của mình có thể không thuộc vào dạng xuất sắc trong mặt bằng chung nhưng kỹ năng mềm và trải nghiệm giúp mình tiến xa trong nghề. Trải nghiệm cũng kết nối mình đến những người mình cần gặp (mà người ta hay nói là duyên đó) và từ đó dẫn dắt mình đến câu trả lời.
.
Trong hành trình tìm kiếm câu trả lời, mình cũng tạo lập được một niềm tin: Con người ai cũng đa tiềm năng, đa tài (multipotentialite) và điều đó không có gì sai. Mình đã quan sát được điều đó ở những người xung quanh lẫn ở chính bản thân mình. Người yêu mình là bác sĩ đa khoa nhưng bạn có thể chụp ảnh, đóng đồ gỗ, may đồ da (và kiếm được tiền từ những việc đó). Mình là Art Director nhưng mình có thể viết, có thể đi dạy học, có thể chơi đàn, và giờ là có thể dạy yoga. Vấn đề là mọi người bị đóng khung vào nghề nghiệp của bản thân, bị đóng khung vào cách giáo dục 1 chiều từ trước đến giờ. Nếu bạn ko bị gánh nặng về tài chính, thích làm gì thì làm, bạn có thể làm được những gì? Bạn có thể thử trả lời câu hỏi này. Tất nhiên mình không phản đối câu nói bao đời nay của các cụ: Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Từ việc “có-thể-làm” cho đến “làm-một-cách-chuyên-nghiệp” là 10.000 giờ lao động, là mười năm liên tục không ngừng nghỉ. Và mình đã dành 10 năm để tập trung phát triển cho một công việc, hết mình với nó, kiếm được tiền từ nó. Mình có thể ở lại agency và tiếp tục lên cao hơn thành ACD - CD - ECD nhưng mình nhận ra title là cái mình ko ham muốn, càng lên cao thì trách nhiệm quản lý càng nhiều, mình cũng không thấy bản thân có đủ tố chất cho những vị trí đó. Vị trí, vai trò của một Art Director là đủ với mình. Và giờ mình muốn làm công việc đó một cách tự do hơn, lành mạnh hơn và ý nghĩa hơn. Còn với công việc HLV Yoga, mình cũng xác định với bản thân rằng sẽ theo đuổi nó trong ít nhất 10 năm nữa.
Hiện tại mình đã bước ra khỏi #agencylife và cảm thấy trọn vẹn. Mình sẽ không nói trước về tương lai (để chẳng may có ngày quay lại làm vì thiếu tiền chẳng hạn, lại chả muối mặt quá đi :v), mình chỉ biết là mình sẽ không hối hận với những quyết định của bản thân, chọn sai cũng vẫn có thể chọn lại được mà. Dù sao thì, mình cũng lưu ý rằng đây là câu chuyện của bản thân mình, những nguyên tắc của riêng mình. Mình không có ý định đưa ra bất cứ lời khuyên hay một sự quy chụp, áp đặt nào về ngành quảng cáo, agency cả. Nếu có thì lời khuyên duy nhất là hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu chính bản thân để bạn có thể tự đi trên con đường của mình một cách vững vàng nhất thôi.
.
Bài lại dài rồi, thôi thì lại xin phép có phần 3 vì phần này vẫn chưa giải thích được vì sao Yoga là câu trả lời cả. Xin lỗi mọi người và xin hẹn gặp lại ở phần sau. See ya! 
.
SG, 7.2020
Ly Sei / a beautiful mess
Mình vẫn thích gọi bản thân là Người Kể Chuyện ở Thung Lũng Sáng Tạo hơn là một Art Director. Làm HLV Yoga thì mình vừa dạy vừa kể chuyện như thường.