Dạo gần đây, tôi thường mơ về một căn nhà hoang.
Tôi không khẳng định được tôi có “thường” mơ về nó hay không, vì ký ức của tôi về giấc mơ đấy luôn trôi tuột đi trong đầu rất nhanh. Nhưng ngay lúc tôi đặt bút viết nên những dòng này, tôi mơ hồ nhận thấy rằng, tôi đã gặp nó rất nhiều lần rồi. Một cảm giác déjà vu khó chịu.
Có vẻ căn nhà đấy vẫn còn người ở, không có một căn cứ gì nhưng tôi có cảm giác như vậy, đành thế tôi vẫn thích gọi nó là nhà hoang, y như việc con người ở thuở sơ khai đặt tên cho con thú biết sủa là con chó, và con chuyên đi bắt chuột là con mèo vậy, không cần một lý do gì quá cụ thể. Và ở đấy, có một lớp rào chắn vô hình, tách rời bản thân nó và chính tôi ra khỏi dòng chảy của hoạt động sống bên ngoài. Tôi bị cuốn theo cái sự yên bình mộng mị ấy, trở nên vô hình, các giác quan được nghỉ ngơi, mặc dù chính tôi đang làm việc đấy ở thế giới thực.
Đó là một căn nhà nhỏ, nhưng nếu xét về mặt bằng điều kiện sống của con người hiện nay thì người ta sẽ không gọi nó là nhà. Tiếng Việt có nhiều từ để diễn tả nó hơn, có thể gọi nó là Lán, Chòi, Trại, … Nhưng ít nhất, nó đáp ứng đủ nhu cầu sống và sinh hoạt của con người, nên tôi vẫn cứ gọi nó là nhà – một căn nhà không cửa. Nó bị kẹp giữa một con đường nhỏ đi ngang qua hồi phải, là điểm nối tiếp giữa hai nhóm dân cư thưa thớt, và sải vườn rừng sơ khai điển hình của vùng miền núi trung du. Căn nhà đứng ở đấy, lặng lẽ, cô độc, và như biến mất khi bóng tối bao trùm, chỉ để lại tiếng gió hú âm u cùng tiếng côn trùng rả rích.
Tôi là một người có tính cách và lối sống hơi méo mó cố hữu, điều đấy tôi thừa nhận. Và nhà hoang là một trong những sở thích kỳ quái được chuỗi thần kinh phức tạp trong tôi tuyển chọn và tổ hợp nên. Như một đứa trẻ đơn thuần được mẹ dẫn đi lướt qua một hàng đồ chơi vậy. Một nỗi bứt rứt sốt sắng dâng lên trong tôi khi lướt qua một căn nhà cũ kỹ đổ nát, và càng tuyệt vời hơn nữa nếu xung quanh nó bao trùm một vẻ âm u vắng lặng. Tôi cảm giác rằng, khi tôi đặt chân được vào đó, được nhìn, chạm, lắng nghe mọi thứ trong nó, tôi sẽ hình dung nên một câu chuyện, một bối cảnh mơ hồ, một câu chuyện về quá khứ mà tôi chưa hề được trải qua.
Là một người làm nghề được cho là có ảnh hưởng bởi nghệ thuật, tôi luôn có một sự thôi thúc mãnh liệt là phải thực hiện hoá những ý tưởng, những nội dung hổ lốn đang diễn ra trong đầu mình. Nhưng trái lại với mong muốn đấy, tôi bị một nỗi cồn cào đến tuyệt vọng khi cố gắng viết nên một câu chuyện, hay một nội dung nào đó có vẻ được gọi là văn chương. Ấy là do vốn từ của tôi có hạn, vốn sống của tôi không nhiều. Tôi có thể viết một quyển sách dài 10000 chữ chỉ để kể về con mèo của mình, bởi vì tôi đã hiểu quá rõ về nó, hiểu về cuộc sống xung quanh nó. Nó đã lớn lên như thế nào, nó ăn một bữa ra làm sao, bộ phận sinh dục của nó hình thù như nào, … Trớ trêu thay, một câu chuyện không đơn giản chỉ có một con mèo. Một con mèo đực, nó phải cần một con mèo cái, chen giữa con mèo đực và con mèo cái có thể là một con chuột nhắt, và có thể phải cần thêm một con chó phá phách nữa. Thế đấy, như vẽ tranh chân dung vậy, vẽ một con mắt, một chiếc mũi không phải là việc khó, nhưng làm sao kết hợp được những cơ quan đấy để cấu thành một khuôn mặt hoàn chỉnh thì lại là câu chuyện một đời luyện tập. Việc tôi viết cũng thế. Tôi bất lực với việc kết nối những ý nghĩ trong đầu, xâu chuỗi nó lại để tạo thành một diễn biễn xuyên suốt. Đành rằng vậy, nhưng tôi phải viết. Ý nghĩ phải viết đã sôi sục trong tôi hết những năm tháng ngồi trên ghế phổ thông trung học. Câu chuyện này được tôi đặt bút viết nên sau ngày sinh nhật tuổi 21 của mình. Nhưng đã viết, phải có nội dung, thế nên tôi mở đầu mớ văn chương hỗn loạn này bằng hình ảnh đầu tiên nảy ra trong đầu mình. Tôi đã mở đầu bằng hình ảnh Nhà Hoang.
Quay trở về với giấc mơ của tôi, về căn nhà hoang cũ kỹ, thì ở đấy, tôi vẫn cảm nhận được một sự sống mỏng manh mơ hồ hiện hữu ở đấy. Những chiếc cốc phủ bụi, chiếc ban thờ mục nát không dấu tàn hương, những đồ dùng cũ kỹ, … chúng ở đấy, lặng im, không có một chút dấu vết của sự xê dịch, như thể nó đã bị hoá đá từ lâu. Nhưng có một thứ làm tôi chú ý hơn cả: những mảnh vỏ kẹo đã phai màu, chìm nổi dưới lớp bụi sàn nhà cáu bẩn.
Một chuỗi hình ảnh trong đầu tôi hiện ra. Tôi có biết về những mảnh vỏ kẹo này. Nó làm bằng chất liệu nilon có độ dẻo thấp, với màu sắc ánh kim đặc trưng. Hoạ tiết in trên đó, tuy đã phai màu theo thời gian, nhưng tôi vẫn đủ trí nhớ để nhận biết được, đấy là hình các nhân vật của những bộ phim ăn khách vào khoảng những thập niên 90. Mô hình thiết kế đấy cũng tương tự như những quyển vở, bút thước in hình thần tượng lúc bây giờ vậy, Tức là nếu cộng trừ đi vài năm, thì chúng đã nằm ở đây gần hai thập kỷ.
Nhặt một mảnh vỏ kẹo bỏ vào túi, tôi quay lưng bước ra ngoài. Dừng lại ở góc sân, nơi có một cái bể nước cũ, tôi dừng lại, đứng cách nó 4 5 bước chân. Tôi có cảm giác rằng ở đây đang bị thiếu một thứ gì đấy, nhưng tôi không tài nào nhớ ra được. Một cái bể nước làm bằng bê tông hình hộp, không có nắp. Trông nó đang rất còn mới, không có rêu phong bám bẩn lên đấy. Những mảnh bát vỡ rải rác xung quanh, phía nắp trên được che bởi một khung lá cọ hờ hững.
Tôi không muốn lại gần xem phía trong đáy bể nó có cái gì. Đành rằng bể là chỉ chứa nước, nhưng khi nó đã đứng ở đây một thời gian dài như vậy, thì ai mà biết được ngoài nước ra thì nó còn có thêm thứ gì nữa. Tôi có một nỗi ám ảnh đối với những hố sâu đầy nước, điển hình như ao hồ, giếng nước, và bể nước cũng không phải ngoại lệ. Sau này, tôi nhớ đã được đọc trong một cuốn sách, người ta nói về kiểu giếng đồng. Đơn giản là một cái giếng được đào ngay giữa đồng, sâu hun hút và không thấy đáy. Nó đứng trơ trọi đơn độc, không có một dấu hiệu gì để báo hiệu nó vẫn nằm đấy, miệng giếng nhẵn thín, khuất lấp sau lớp cỏ cây um tùm. Tôi đã có một thời gian sống ở vùng nông thôn, tuyệt nhiên chưa bao giờ được nghe kể đến cái giếng đồng hay thứ gì tương tự. Nhưng dù thế, câu chuyện tôi đã đọc được trên vẫn làm tăng cái nỗi sợ trong tôi thêm nhiều lần. Tưởng tượng rằng tôi đang đi trên một cánh đồng hoang vu, đột nhiên mọi thứ trở nên tối sầm lại. Tôi bị hút vào cái hố sâu không đáy đấy. Mọi thứ sẽ thoải mái hơn nếu tôi có thể chết ngay. Nhưng tôi lại không chết, tôi bị chìm xuống nước cũng những vết va đập, máu tôi hoà tan vào nước, đôi chân gãy lửng lơ bất động, phổi tôi bị ép bẹp bởi khung sườn biến dạng. Cứ thế, tôi gào đến rách cổ họng trong làn nước lạnh lẽo tối tăm đấy, và chết đi trong sự bí bách cũng nỗi sợ kinh hoàng.
Tôi đã từng chứng kiến người làng bế thốc cơ thể cứng đờ, bất động của em trai mình từ dưới đáy hồ đục ngầu lên, vội vã chạy qua tôi. Đối với một đứa trẻ 3 tuổi, hình ảnh đấy nó không cho tôi biết được gì nhiều, cho đến khi tôi nghe được tiếng khóc thảm thương của mẹ, và sự dằn vặt tới điên loạn của bố. Lúc đấy, tôi mới ý thức được rằng em trai mình đã không còn trên cõi đời này nữa. 5 năm sau, người ta bắt tôi phải đốt trả những món đồ chơi, sách truyện của hai người bạn tôi, để chúng có thể mang theo sang thế giới bên kia. Chúng nó cũng đã chết trong sự tuyệt vọng dưới đáy hồ lạnh lẽo. Tôi đã gửi trả lại đồ ngay chỗ người ta vớt xác nó lên. Tôi đã không khóc, từ bé đến lớn rất ít chuyện có thể làm tôi khóc. Nhưng khi đưa mắt nhìn theo làn khói mờ ảo bay lên, toả một góc hồ, tôi nhận thấy rằng trong tôi có một nút công tắc nào đấy đã tự động đóng lại.
Tôi nhận ra tôi ít khi để ý đến cái bể nước này, mặc dù nó chỉ cách gian bếp khoảng chục bước chân. Nên những hình ảnh tôi có thể tưởng tượng lại về nó rất ít ỏi và mơ hồ. Nhưng tôi có cảm giác rằng, nó không đứng một mình, phải có một thứ nào đấy hiện diện đi cùng nó. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu khi không thể hình dung ra thứ còn thiếu đấy là gì.
Mải suy nghĩ, tôi không nhận ra rằng trời đã tối hơn, sương mù bắt đầu buông xuống và gió bắt đầu thổi.
-Mình phải rời khỏi đây thôi.
Tôi bỏ cuộc, quay lưng định rời đi.
Nghĩ thế, nhưng tôi rời đi bằng cách nào? Thậm chí tôi còn không biết thứ gì đã dẫn tôi đi tới đây, và ký ức sâu thẳm nào đã tạo cho tôi một nơi như thế này trong tiềm thức. Một ký ức nào đấy trong bộ não tôi đã đưa tôi đến căn nhà này? Một nơi mà thực tế tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Tôi cảm thấy hoang mang tột độ.
-Anh là ai? Sao anh đến được nơi này?
Một giọng nói vang lên phía sau lưng tôi, phía chỗ bể nước.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất