Tầm ba tháng trước, tôi nhận được một câu hỏi của một bạn sinh viên năm nhất, bạn ấy chia sẻ rằng bản thân đang cảm thấy mất phương hướng không chỉ trong công việc mà còn trong các mối quan hệ. Bạn ấy không biết cách hòa nhập với bạn bè như thế nào cho đúng, chính vì không biết cách nên bạn ấy chỉ có thể thực hiện theo kiểu: bạn bè bạn muốn đi chơi ở đâu, bạn cũng sẽ cố gắng có mặt ở đó bằng mọi giá. Dù đôi khi bạn cảm giác mình trở thành kẻ thừa trong một nhóm, nhưng bạn vẫn chấp nhận điều đó vì ít ra cái không gian hiện tại - giữa một nhóm người làm bạn ấy cảm thấy bớt cô đơn hơn.
Nhưng mà chị ơi, em không biết phải làm sao để có thể hòa nhập thật sự với các bạn của mình. Chị có thể chỉ em một vài cách được không ạ?
Hồi cấp 2, tôi cũng từng nghĩ giống bạn, từng tự hỏi làm thế nào để hòa vào một nhóm bạn - dù đôi lúc các bạn trong nhóm chưa chắc đã xem mình là bạn. Mối quan hệ khi đó (dường như) chỉ được nối kết với nhau bằng một sợi chỉ mỏng, không được bện một cách tỉ mỉ, kỹ càng bằng sự gắn bó và thấu hiểu. Nhưng, nhận thức hồi đấy còn non nớt, tôi đâu nghĩ gì nhiều về cái khái niệm “bạn bè”, “mối quan hệ”, “hòa nhập” các kiểu. Cứ thấy bạn nào mình muốn chơi chung thì sáp vào chơi chung, rồi các bạn ấy làm gì thì mình làm nấy, các bạn ấy nói gì dù biết dù không, dù có cùng quan điểm hay không cùng quan điểm, mình vẫn gật đầu cười cười tỏ vẻ đồng ý.
Có chăng, ẩn sau cái lớp áo tình bạn là một cơ thể trụi trần của những sự đồng ý qua loa, của những sự tự dối lòng mình. Song, những kẻ trong cuộc vẫn chấp nhận kiểu tình bạn như thế.
Nhìn vào xã hội - một cộng đồng rộng lớn, không phải tất cả mọi người đều đang hòa nhập, mà theo tôi, cộng đồng - nên được hiểu là tập hợp những nhóm nhỏ hơn, đó là nơi những người có một/vài điểm chung nào đấy, xét ở khía cạnh nào đấy, thuộc về nhau (2). Có người từng bảo với tôi: chúng ta đang sống trong cộng đồng mà, dù muốn dù không thì chúng ta cũng là một thành viên trong cộng đồng đó. Tôi thừa nhận câu nói này không sai, nhưng, nó đúng theo nghĩa nào mới là điều quan trọng.
Rất nhiều người sẽ hiểu cộng đồng ở đây là một cộng đồng rộng lớn - là cả cái xã hội loài người (1), từ đó dẫn đến họ dần không biết mình là ai, họ lạc bầy, họ tẻ vào những hướng không nên tẻ. Như việc bạn là gà mà bạn lại chọn sống cùng với diều hâu vậy đó, kết quả là gì thì… quá dễ hiểu. Tôi đưa ra ví dụ này không nhằm mục đích đề cao loài nào hơn loài nào, như những bài viết trước đó tôi có đề cập: các loài đều như nhau - đều là những mắt xích cần có và bắt buộc phải có trong hệ sinh thái.
Chỉ đơn giản, từ ví dụ trên tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu ai đó hiểu từ cộng đồng theo nghĩa (1) thì chẳng khác nào họ đang tự giày vò mình, ném mình vào một cuộc chơi mà bản thân thì không rõ luật nhưng cứ mơ vào một ngày mình sẽ chiến thắng.
Chính trong các bậc phân loại tự nhiên cũng đã thể hiện phần nào nghĩa chuẩn xác của từ cộng đồng - nghĩa (2). Theo sinh học, có 7 bậc phân loại từ thấp đến cao: LOÀI - CHI - HỌ - BỘ - LỚP - NGÀNH - GIỚI. Tức, thay vì hiểu nghĩa từ cộng đồng ở bậc LOÀI thì có người lại hiểu nó ở bậc GIỚI.
Lấy loài chim làm ví dụ, chim thì có rất nhiều LOÀI: gõ kiến, bói cá, đại bàng, đà điểu, sơn ca, hồng hạc, sếu... chúng được phân chia vào các CHI - HỌ - BỘ khác nhau dù chúng đều thuộc Lớp chim - Ngành động vật có xương sống - Giới động vật - và ngày nay có thêm bậc thứ tám là Vực, ở đây là sinh vật nhân thực. Theo cây phát sinh chủng loài chim của Jarvis E.D. (2014), thì: chim bói cá thuộc Bộ Sả (Coraciiformes), chim đại bàng thuộc Bộ Ưng (Accipitriformes), sếu thuộc Bộ Sếu (Gruiformes). Đấy là tôi chưa đề cập đến những nấc thang nhỏ trong bậc thang lớn của các bậc phân loại (như trong HỌ theo chiều từ thấp lên cao có thì có phân tông - tông - liên tông - phân họ - họ hay trong BỘ có liên họ - siêu họ - đại họ - tổng họ - tiểu bộ - thứ bộ - phân bộ - bộ), trường hợp xét kỹ, nó còn phức tạp hơn nhiều.
Các tầng bậc này được phân chia theo những tiêu chí nhất định. Đó có thể là sự khác biệt về mặt sinh học, về mặt tập tính... Tuy nhiên, nếu bạn không có nhiều thời gian tìm hiểu thì ở đây tôi sẽ lấy vận tốc bay để xét. Nom na, đa phần các loài chim đều có vận tốc bay khác nhau, chưa tính chúng có đồng hồ sinh học về các nhu cầu như di cư, động dục... cũng khác. Chúng rất thông minh trong việc xếp đội hình con thoi khi bay trên bầu trời nhằm làm giảm lực cản của gió, nhờ đó giúp quá trình di chuyển của chúng từ nơi này sang nơi khác để kiếm ăn, để sinh sản... diễn ra dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Nhưng, cái tiên quyết giúp chúng có thể bay cùng nhau thì chúng phải là cùng một LOÀI. Giờ, thử tưởng tượng hình con thoi được tạo nên từ một đàn chim tập hợp đủ loại: chim sáo, chim ưng, chim én,... thử hỏi, chúng có thể bay đến đúng nơi hay không? Ít nhất chúng có bay cùng một nhịp điệu - một vận tốc hay không? Hay nói cách khác sức mạnh nhóm lúc này có thật sự được phát huy hay không? Viễn cảnh sáo bay đường sáo, én lượn đường én, ưng lao đường ưng là lẽ đương nhiên và chắc chắn xảy ra.
Giữa một thời đại mà con người ngày càng xa cách nhau, ít có sự tương tác, ít sẻ chia cùng nhau thì càng gợi lên trong một số cá nhân cái cảm giác thèm được sống trong một nhóm nào đó. Chính vì thế họ lại càng tìm cách lao vào cộng đồng (theo nghĩa 1) bởi chỉ khi ở giữa đám đông họ mới cảm thấy an toàn.
Tuy nhiên, một mình cũng chẳng phải điều xấu, cố gắng để hòa mình vào một cộng đồng (GIỚI) mà mình không biết mình sẽ làm gì, sẽ có cái gì và sẽ đối diện với cái gì thì chưa hẳn là tốt. Sẽ có khoảng thời gian chúng ta cần tách bầy, và cũng sẽ có khoảng thời gian chúng ta cần nhập bầy.
Không phải xuyên suốt quãng đời này ta phải luôn luôn hiện diện trong một cộng đồng (LOÀI, GIỚI) nào đó. Xét về mặt danh nghĩa thì có đấy nhưng về mặt thực tế tại một khoảng thời gian, trong một không gian thì chưa chắc.
Thêm nữa, trong suốt quá trình phát triển sẽ có lúc ta BẮT BUỘC phải tẻ bầy, vì khi ta tiếp xúc với môi trường mới, đi theo định hướng mới, hướng tới làm một con người mới (3) thì dĩ nhiên, với những người cũ ta sẽ chẳng thể chung đường được nữa. Lúc này ta cứ tìm một cộng đồng có cùng những đặc điểm (3), và cứ thế bay lên, cùng nhau cất cao đôi cánh.
Tóm lại, chúng ta không cần cố gắng để trở thành chú chim trong một đàn nào đấy nếu như cuộc đời đã báo hiệu cho ta biết, rằng:
hoặc là đã đến thời điểm ta cần bay về khung trời của riêng mình;
hoặc là đến hiện tại, bầy đã không cần ta, và ta cũng không còn thuộc về bầy của mình;
hoặc, đơn giản ta cảm thấy không thoải mái khi ở trong bầy, ta thích sống một mình trong một lúc nào đấy,
vậy thôi.
15/04/2024