Vào một ngày đẹp trời, trong lúc lướt Youtube, có lẽ bạn sẽ tình cờ gặp hình ảnh này với giai điệu cổ điển nhưng lại rất bắt tai. Đây là Plastic Love, được thể hiện bởi một ca sĩ Nhật Bản tên là Mariya Takeuchi. Bài hát bỗng nhiên nổi tiếng, đạt 67 triệu views tính tới tháng 6/2021. Plastic Love trở thành một phần của âm nhạc đại chúng và giúp thể loại City Pop tới gần với các khán giả hiện đại. Vậy Mariya Takeuchi là ai, và tại sao một bài hát ra mắt từ gần 30 năm trước bỗng nhiên lại trở nên nổi tiếng tới như vậy? 
Mariya Takeuchi sinh ngày 20/03/1955 tại Taisha, thuộc quận Hikawa của tỉnh Shimane, Nhật Bản. Gia đình cô kinh doanh dịch vụ Shinise Ryokan, là một dạng quán trọ truyền thống lâu đời của Nhật. Takeuchi được nghe nhạc trên khắp thế giới ngay từ nhỏ vì được lữ quán của gia đình phát hàng ngày. Điều này thúc đẩy niềm yêu thích của cô với âm nhạc. Khi mới học lớp 3, Takeuchi đã theo học Piano và Guitar.
Nghệ sĩ ảnh hưởng tới cô nhiều nhất trong thuở thiếu thời là Connie Francis, Paul Anka của Mỹ, ca sĩ Mina Mazzini của Ý, ca sĩ người Pháp Marjorie Noel, nhưng ban nhạc Anh Quốc nổi tiếng The Beatles mới là yếu tố khiến cô thực sự bị cuốn hút bởi âm nhạc. Cũng vào năm Mariya Takeuchi học lớp 3, cô được nghe bài hát “A Hard Day’s Night” của nhóm The Beatles phát trong một quảng cáo chocolate trên truyền hình. “Tôi đã trải qua một cú sốc về âm nhạc”, cô cho hay. “Nhạc của họ mở ra một chuẩn mực khác biệt so với âm nhạc truyền thống”. Cũng từ đây mà cô có động lực để ra nước ngoài học tập.
Vào 1972, ở năm học cao trung thứ 3, Mariya Takeuchi học tại Rock Falls thuộc bang Illinois của Mỹ theo chương trình học sinh trao đổi. Cô lấy nickname là Mako, tên của cô trong sách kì yếu của các học sinh năm đó cũng là Mariya “Mako” Takeuchi. Năm 1974, cô theo học ngành văn học tiếng Anh tại đại học Keio, vốn là một trường đại học rất danh tiếng của Nhật. Cũng vào năm này, cô thắng giải cuộc thi Thơ toàn quốc của báo “The Japan Times” và ẵm cho mình một chuyến du lịch tới Hawaii. 
Trong quãng thời gian học đại học, Mariya Takeuchi tham gia vào câu lạc bộ âm nhạc của trường. Với tài năng của mình, rất nhanh chóng, cô đã được hãng thu âm của ca sĩ nổi tiếng Masamichi Sugi mời thu một Album được thực hiện bởi nhiều nghệ sĩ. Album này có tên là “Loft Session”, bắt đầu được thu vào tháng 3/1978. Cũng vào tháng 8 năm đó, Mariya Takeuchi kí hợp đồng đầu tiên với hãng thu RCA và debut Single đầu tiên mang tên “Modotte oide, Watashi no Jikan” vào cuối tháng 11, sau đó, Album debut của cô có tên “Beginning” cũng được phát hành. Nhưng thành công chỉ thực sự đến với Mariya Takeuchi vào năm 1979. 
Single “Lemon Lime no Aoi Kaze” và “September” được phát hành và cả trở thành cú hit cực lớn trên thị trường âm nhạc Nhật Bản. Cô ẵm hầu hết các giải thưởng lớn, bao gồm “Japan Record Awards”, “Tokyo Music Festival”, “Japan Music Awards”, “Shinjuku Music Festival” và “ca sĩ mới nổi bật của Ginza Music Festival”. Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm tiếp theo ra mắt năm 1980 “Fushigi na Peach Pie” cũng trở thành một thành công với đại chúng. Cũng vào năm này, album “Love Songs” đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Mariya Takeuchi đạt Top 1 của bảng xếp hạng Oricon. Với sự nổi tiếng lớn, cô nhanh chóng chiếm sóng của hầu hết các chương trình âm nhạc lớn của các đài truyền hình nội địa Nhật Bản lúc đó. Theo như Mariya chia sẻ, vào thời điểm này, cô chưa hề rõ định hướng nghề nghiệp của mình là gì nên đã thử sức với âm nhạc, cũng một phần để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân của mình. Nhưng thành công đã tới và vượt ngoài mong đợi. Nền công nghiệp giải trí đã đưa Mariya Takeuchi thành một nghệ sĩ đích thực, cô được chào đón ở khắp mọi nơi, nhận được nhiều lời mời tham gia các show truyền hình và người dẫn chương trình. Những điều này khiến cô trở nên khá mệt mỏi. 
Trong suốt quãng thời gian cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, Mariya Takeuchi đã hợp tác với rất nhiều các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng trong và ngoài Nhật Bản. Một trong những sản phẩm của cô từ Album “Miss M” ra mắt năm 1980, “Heart to Heart” đã được phổ lời tiếng Anh và được thu âm bởi cặp anh em nổi tiếng “The Carpenters”. Đây cũng là bản thu cuối cùng của Karen Carpenter trước khi bà qua đời vào năm 1983. Bên cạnh đó, Mariya Takeuchi còn có sự hợp tác gắn bó với nhà sản xuất âm nhạc Tatsuro Yamashita do cùng làm việc trong một hãng thu âm. “Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh ấy không tốt lắm. Về mặt âm nhạc thì tôi thực sự thích anh ấy, nhưng về mặt tính cách thì anh ấy có vẻ không hòa đồng lắm”. Tuy vậy, theo thời gian, mối quan hệ trong công việc càng được thắt chặt, và sự tin tưởng cũng được gia tăng. 
Sau sự ra mắt của Album thứ 5 trong sự nghiệp vào năm 1981, “Portrait”, Mariya Takeuchi công bố với truyền thông rằng cô sẽ tạm dừng công việc và nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian vì chứng viêm họng, cũng như hoãn tất cả các concert và lịch ra mắt các sản phẩm mới. Đồng thời huỷ hợp đồng cùng hãng thu RCA. 6 tháng sau đó, cô tổ chức lễ cưới với Tatsuro Yamashita, tạo nên cặp đôi quyền lực của ngành âm nhạc Nhật Bản. Cả hai có cho mình 1 người con ra đời năm 1982. Trong quãng thời gian nghỉ ngơi, cô vẫn tiếp tục sáng tác cho rất nhiều các ca sĩ và thần tượng nổi tiếng khác như Naoko Kawai, Hiroko Yakushimaru, Yukiko Okada, Akina Nakamori, … 
Trở lại với thị trường âm nhạc vào năm 1984, Mariya Takeuchi cùng chồng ký hợp đồng với hãng Moon Records. 5 Album được ra mắt trước đó của cô đều được sáng tác bởi người khác, hầu hết là những ngôi sao lớn của thị trường âm nhạc lúc bấy giờ như là Haruomi Hosono, và một vài thành viên của nhóm Toto. Bởi vậy mà trong khoảng thời gian nghỉ ngơi, cô bắt đầu tự sáng tác những ca khúc của riêng mình và sẽ đưa chúng vào Album tiếp theo. Theo dự định ban đầu của Tatsuro Yamashita, các bài hát thuộc album “Variety” cũng sẽ được thực hiện bởi những nhạc sĩ khác. Tuy nhiên kế hoạch đã được thay đổi sau khi ông nghe được bản Demo những bài hát tự sáng tác của vợ mình. Vậy là “Variety” trở thành Album đầu tiên mà tất cả ca khúc trong đó đều được sáng tác bởi Mariya Takeuchi. Sản phẩm comeback này ngay lập tức đạt top 1 bảng xếp hạng âm nhạc Oricon của Nhật Bản ngay tuần đầu ra mắt. Trong đó, nổi bật nhất là những ca khúc như “Mou ichido”, “Honki de Only You”, “One Night Stand”, và trên hết là “Plastic Love”. Chúng ta sẽ cùng bàn luận sâu hơn về ca khúc này ở phần sau. 
“Variety” chỉ là thành công đầu tiên. Suốt giai đoạn từ 1984 cho tới nay, Mariya Takeuchi đã thực hiện 7 Album phòng thu khác nhau, hầu hết các ca khúc trong đó đều là những tác phẩm cho chính cô sáng tác. Và tất cả các album đó đều đạt Top 1 của bảng xếp hạng Oricon. Trong đó nổi bật nhất là các Album “Request” năm 1987, “Quiet Life” năm 1992 và “Bon Appetit!” năm 2001. Tất cả các album trên đều có lượng bán ra trên 1 triệu bản. Với vai trò là ca sĩ kiêm nhạc sĩ, cô đã sản xuất 8 single đạt Top-10, nổi bật nhất bao gồm “Kokuhaku”, “Junai Rhapsody”, “Konya wa Hearty Party”, và Top 1 hit single duy nhất “Camouflage”. Không chỉ thành công trong những sản phẩm của cá nhân, Mariya Takeuchi vẫn tiếp tục hoạt động sáng tác nhạc cho cả các ca sĩ khác. Trong đó cũng có rất nhiều sản phẩm đạt thành công như “Maji de Koi suru go byo mae” do Ryoko Hirosue trình bày, hay “Miracle Love” của Riho Makise, “Minna Hitori” của Takako Matsu, và “Minna no Happy Birthday” của Mana Ashida. 
Liên tục hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cho tới tận ngày nay, Mariya Takeuchi đã được công ty Oricon Inc xác nhận là ca sĩ lớn tuổi nhất đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn với Single “Inochi no Uta” ra mắt năm 2020. Bên cạnh đó Mariya Takeuchi còn rất giỏi trong việc kinh doanh. Tháng 5/2018, cô đã trở thành thế hệ thứ 4 tiếp quản lữ quán của gia đình tại tỉnh Shimane từ người anh trai đã cao tuổi. Cải tạo nó trước khi giao tới cho thế hệ sau. Tuy thành công là vậy, nhưng có lẽ tên tuổi của Mariya Takeuchi sẽ không thể vươn xa được tới toàn thế giới nếu không có Youtube và sự hồi sinh của một trong những Hit không ngờ tới, Plastic Love. 
Vào thời điểm năm 1984, Mariya không có ý định phát hành những sản phẩm của cô ra thị trường ngoại địa. “Tôi đã nghĩ những bài hát này sẽ được trình diễn ở Nhật Bản là chủ yếu, nên việc nó sẽ gây được tiếng vang trên thế giới gần như là điều không thể”. Nhưng vào năm 2017, một Youtube Channel tên là “Plastic Lover” đã đăng tải bản mix không chính thức của bài hát Plastic Love lên mạng, cùng với hình của bìa Single “Sweetest Music”. Ngay lập tức, video xuất hiện trên mục đề xuất của vô số người dùng. Cũng một phần do trào lưu hoài cổ của giới trẻ hiện này, thêm sự thịnh hành của dòng nhạc Vaporware và Future Funk đã khiến Plastic Love cũng như tên tuổi của Mariya Takeuchi tới thế hệ trẻ toàn thế giới. Dòng nhạc City Pop (hay được người Nhật thời đó gọi là New Music) dần được ưa chuộng trở lại sau cú nổ Plastic Love. Tới năm 2019, hãng Warner Music nhân cơ hội đã phát hành một MV phiên bản ngắn của bài hát. Phiên bản MV đầy đủ cũng được phát hành vào tháng 11/2021. 
Sự thành công bất ngờ của Plastic Love đưa làn sóng City Pop trở lại cùng rất nhiều tác phẩm và tên tuổi tài năng như Tatsuro Yamashita, Anri, Taeko Ohnuki, Miki Matsubara, Junko Yagami, … nhận được sự công nhận không chỉ ở trong thị trường nội địa mà phủ sóng ra toàn thế giới. Bản thân sự nghiệp và âm nhạc của Mariya Takeuchi cũng đã là cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ hiện đại, trong đó nổi bật nhất là Yubin của Hàn Quốc.