-Hạnh phúc bên nữ nhân mà mình yêu cũng là thành tựu một đời nam nhi-
Mình thích Dương Quá. Danh hiệu của Dương Quá khi đạt đến đỉnh cao võ học là Tây Cuồng, một cái danh lột tả cả cuộc đời, cả con người...
Mình thích Dương Quá.
Danh hiệu của Dương Quá khi đạt đến đỉnh cao võ học là Tây Cuồng, một cái danh lột tả cả cuộc đời, cả con người Dương Quá - một kẻ chống đối xã hội, thách thức quyền uy, một kẻ cả đời chưa từng tuân thủ những điều người khác áp đặt lên mình.
Người đầu tiên áp đặt lên Dương Quá là Quách Tĩnh, vì cái tên mà Dương Quá có cũng là do Quách Tĩnh đặt cho, những bài học đầu tiên của Dương Quá học là Quách Tĩnh dạy, những hành trình đầu tiên mà Dương Quá bước cũng có bàn tay dẫn dắt của Quách Tĩnh.Nhưng vì Dương Quá là đại diện cho sự chống đối trước áp lực nên giữa 2 con người này có vô vàn nét đối nghịch.
Trong truyện Kim Dung nói riêng và văn học Trung Quốc nói riêng thì núi non luôn là biểu tượng của nam tính phồn thực, tuyệt đỉnh võ học, đỉnh thiên lập địa, nam tử hán đại trượng phu, là sự nghiệp đỉnh cao và thành tựu vang danh thiên hạ mà một nam nhân hướng đến.
Quách Tĩnh chính là hình tượng gắn liền với núi non. Một người xuất thân từ thảo nguyên đại ngàn, có tính cách tốt bụng, luôn luôn hướng thiện, nhân từ, trượng nghĩa, hiếu thảo với mẹ, hiếu kính với thầy, ít làm điều sai trái ngay cả khi ở trong giang hồ đầy máu tanh, và quan trọng nhất là một lòng vươn đến đỉnh cao thành tựu, vì dân vì nước, chống quân Mông Nguyên tới tận những giây phút cuối đời.
Còn Dương Quá lại trái ngược. Dương Quá không thiết tha gì với núi non, mà anh gắn liền với vực sâu u tối. Dương Quá xuất hiện lần đầu trong một hầm rượu nơi miếu hoang, được đưa tới núi Chung Nam học võ thì nổi loạn, bỏ trốn tới cổ mộ. Tới Hoa Sơn thì thờ ơ lãnh đạm mà chỉ một lòng nhớ nhung Tiểu Long Nữ. Quá trình hành tẩu giang hồ của anh cũng là những nơi vực sâu, Tuyệt Tình Cốc, rồi sâu hơn nữa là đầm cá sấu. Nơi anh tìm thấy bí kíp của Độc Cô Cầu Bại cũng là dưới vực sâu. Và để tìm được người thương anh cũng phải lao mình xuống Đoạn Trường Nhai.
Trong khi Quách Tĩnh thì luôn làm điều đúng, là hình tượng về sự nhân từ và lẽ phải thì Dương Quá lại là kẻ đi ngược với tiêu chuẩn xã hội. Cha anh là kẻ phản nghịch của võ lâm, anh thì đòi cưới sư phụ - Tiểu Long Nữ, nhận ma đồ Âu Dương Phong làm cha, hết thân với quân Thát Đát, ám sát Quách Tĩnh...
Trong khi võ công Quách Tĩnh là Giáng Long Thập Bát Chưởng thì mỹ lệ, hùng tráng khiến người khác choáng ngợp thì võ công thành danh của Dương Quá là Độc Cô Cửu Kiếm, một kiếm chiêu đơn giản không hoa mỹ, chính là dùng một chiêu cực hiểm, để đánh vào yếu điểm của đối phương khiến người khác bất mãn.
Quách Tĩnh là Bắc-Hiệp, phương Bắc vốn là nơi để ám chỉ Thái Sơn Bắc Đẩu, là người đỉnh thiên lập địa, dẫn dắt võ lâm chính đạo. Còn Dương Quá là Tây-Cuồng, phương Tây vốn để chỉ những kẻ dị biệt, nổi loạn, chống đối (Tây Vực, Phương Tây, Tây Tạng...).
Người phụ nữ của Quách Tĩnh là Hoàng Dung, thông minh kiệt xuất, võ công cái thế, xuất xứ danh giá cao quý, người người cũng ngưỡng mộ. Còn Tiểu Long Nữ không chỉ là bên lề võ lâm chính đạo mà còn là một cô gái không còn trinh nguyên - một điều “không tốt” trong bối cảnh xã hội của bộ truyện, và trong cả xã hội TQ khi Kim Dung sáng tác bộ truyện.
Tất cả tình tiết đó là để xây dựng một Dương Quá trái ngược với Quách Tĩnh, để ngoài một Quách Tĩnh luôn hướng đến thành tựu đỉnh cao, xây dựng, cống hiến, tận tâm tận lực thì chúng ta có thêm một Dương Quá đơn thuần, không màng thế sự, mà chỉ quan tâm đến tình cảm nam nữ.
Quách Tĩnh cả đời tận hiến, vì thiên hạ thương sinh đến tận cuối đời. Còn Dương Quá lại chỉ thiết tha với nữ nhi, sớm vứt bỏ danh vọng.
Quách Tĩnh chính là sự nghiệp, còn Dương Quá là ái tình.
Ngay cả cái tên của bộ truyện cũng đã nói lên sự khác biệt, Anh Hùng Xạ Điêu là câu truyện về “Anh hùng” - kẻ nam nhân vang danh thành tựu, một câu truyện thuần võ hiệp. Còn Thần Điêu Hiệp Lữ là câu truyện “Hiệp lữ”, là ái tình nhân gian, tiên lữ tình duyên, là về các cung bậc cảm xúc của con người từ huynh đệ, thầy trò, đến tình hiếu nghĩa với người cha phản nghịch Dương Khang... là câu truyện tình cảm lãng mạn nhất là Kim Dung từng viết dưới hình hài kiếm hiệp.
Đó phải chăng cũng là 2 con đường mà chúng ta vẫn đau đáu chọn lựa. Tập trung vào điều gì, sự nghiệp hay tình yêu? Đích đến cuối cùng của đời người là sự nghiệp hiển hách hay phút giây mãn nguyện bên người yêu thương? Quách Tĩnh là đại diện cho suy nghĩ đàn ông thì phải thành công, phải lập thành đại nghiệp chứ không cần đến tình cảm tầm thường. Còn Dương Quá lại đại diện cho những cảm xúc thầm kín, những cảm xúc sâu thẳm của một người đàn ông – thứ ít được ai coi trọng. Vì đàn ông mà, phải như Quách Tĩnh!
Nhưng không! Mình không nghĩ rằng đó là 2 con đường riêng biệt. Mình nghĩ, suy cho cùng thì chúng ta không thể chỉ có sự nghiệp mà không có người yêu thương, chúng ta không thể cứ lao về phía trước, tiến tới danh vọng mà bỏ quên cảm xúc, tình cảm, rồi để lỡ tri kỉ của đời mình, cũng như bạn bè, người thân.Và ngược lại, không thể cứ bám riết, phụ thuộc vào những cảm xúc, tình yêu trai gái mà quên lập nghiệp thành danh.
Quách Tĩnh dù cuối đời vẫn một lòng vì bá tánh, chống ngoại bang nhưng bên anh vẫn có Hoàng Dung cùng chia sẻ để cùng nhau đúc nên Ỷ Thiên Kiếm Đồ Long Đao, Dương Quá trước khi mai danh ẩn tích cùng Cô Cô vẫn lên được đỉnh cao võ học và đã hoàn thành sứ mạng với võ lâm, thiên hạ.
Dù trái ngược thì họ vẫn gặp nhau ở một điểm chung, đó là cái kết viên mãn của đời người, là đạt thành sự nghiệp và hạnh phúc bên người mình yêu thương.
Chúng ta cần leo lên núi cao vời vợi, thành danh lập nghiệp, nhưng cũng ko được bỏ những chuyến “hành tẩu” tới nơi vực sâu u tối trong tâm hồn, cảm xúc để hiểu bản thân mình hơn và có những mối quan hệ sâu sắc, gắn bó hơn. Kim Dung chính là muốn nói rằng, dù chọn điều gì trong 2 điều trên ta, ta cũng không thể lơ là điều còn lại. Vì thiếu một trong hai, chúng ta đều hối hận.
Nhưng nếu bắt buộc chọn lựa, mình chọn làm Dương Quá, đặt cảm xúc lên hàng đầu, tất nhiên không lơ là sự nghiệp. Vì mình nghĩ như Dương Quá, hạnh phúc bên nữ nhân mà mình yêu, chăm sóc bảo vệ cho cô ấy cũng là thành tựu một đời.
Cuối cùng, cảm ơn lão nhân gia, Võ lâm minh chủ Kim Dung đã vẽ nên cả một bầu trời tuổi thơ với những triết lí và hình tượng bất diệt, thứ đã hun đúc nên tâm hồn mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất