Du học Mỹ là một giấc mơ với nhiều người. Nước Mỹ vốn nổi tiếng với rất nhiều ưu điểm:
- Môi trường học thuật đỉnh cao, chiếm hơn 1 nửa danh sách 100 trường đại học lớn nhất thế giới, trong đó 4 trường đứng đầu đều là của Mỹ;
- Cơ hội việc làm rộng mở ở đủ mọi lĩnh vực, từ công nghệ, kỹ thuật dược phẩm đến cả nghệ thuật;
- Chính sách nhập cư tốt đối với học sinh, sinh viên và lao động nước ngoài;
- Rào cản ngôn ngữ thấp hơn các nước khác, với 1 số khu vực như tại Cali hay Texas thì bạn không cần biết tiếng Anh vẫn có thể sống và làm việc bình thường., 
Tuy nhiên 9/10 người mình từng trao đổi về chủ đề du học Mỹ đều đặc biệt quan tâm tới câu chuyện tài chính, đặc biệt là khi học phí 1 năm trung bình có thể lên đến vài chục nghìn đô. Để chuẩn bị cho cuộc sống mới tại một quốc gia xa lạ, không chỉ cần có kế hoạch học tập chặt chẽ mà còn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt ngân sách.
Với tư cách là một người có em trai đang chuẩn bị kế hoạch du học, mình cũng đã từng vật lộn và trăn trở rất nhiều, “vò đầu bứt tai” tìm hiểu về chủ đề này và gom được một “rổ” kiến thức kha khá. Trong bài viết này, mình sẽ cố gắng giải đáp một số thắc mắc cơ bản như: Du học Mỹ gồm những loại chi phí nào? Bạn có thể tối ưu số tiền phải nộp bằng những khoản hỗ trợ như thế nào? Các nguyên tắc tiết kiệm nào có thể áp dụng? Việc chọn trường, chọn thời điểm apply có ảnh hưởng tới chi phí không?
Khi viết bài này, mình cũng muốn tri ân tới Tiến sĩ Phạm Đức Hùng, tác giả cuốn sách “Bước ra thế giới: Đường tới nước Mỹ” của anh và cộng sự. Những chia sẻ về việc chuẩn bị tài chính khi du học Mỹ trong cuốn sách này thực sự toàn diện và khiến mình “mở mắt”, giải ảo những định kiến trước đây của bản thân như “du học Mỹ thì nhà phải rất giàu” hay “không thể apply vào những trường có học phí cao”. Anh Hùng hiện đang đảm nhiệm vị trí Tiến sĩ - Dược sĩ tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, BV Nhi số 1 nước Mỹ, đồng thời là chủ nhân của nhiều học bổng danh giá như Học bổng Thạc sĩ Erik Bleumink Fund University of Groningen (Hà Lan), Học bổng Tiến sĩ toàn phần KU Leuven University (Vương quốc Bỉ).. và có hơn 10 năm kinh nghiệm mentor các bạn trẻ Việt Nam đậu học bổng Âu, Mỹ. Mỗi mùa du học, học trò của anh đỗ gần 20 học bổng, giá trị tương đương 5 - 7 triệu đô.
Rồi, giờ mình bắt đầu nhé!
Để giấc mơ Mỹ trở nên thực tế hơn
Để giấc mơ Mỹ trở nên thực tế hơn

Du học Mỹ có thể tốn rất nhiều tiền. Hoặc không.

Rất nhiều người khi nghĩ về du học Mỹ thì ý tưởng đầu tiên sẽ là “đắt đỏ”, bản thân gia đình mình trước đây cũng vậy. Điều này tuy không sai, nhưng cũng không hoàn toàn chính xác. Về cơ bản, chi phí ở Đại học Mỹ chia thành 2 nhóm cơ bản: phí trực tiếp (direct cost) và phí gián tiếp (indirect cost).
Đại đa số chi phí mà các bạn cần đóng sẽ rơi vào nhóm phí trực tiếp (direct cost), đây là những chi phí sẽ nộp thẳng cho nhà trường, bao gồm học phí, phí ăn và phí ở. Không nên coi thường phí ăn ở, vì khác với ở quê nhà Việt Nam, chi phí ăn ở tại Mỹ có thể cực kỳ đắt đỏ. Ví dụ một trường tại khu vực hẻo lánh như Dartmouth, phí ăn ở khoảng hơn 18.000 USD/năm, bạn có thể tiết kiệm thêm 5.000 - 6.000 USD/năm nữa nếu chuyển ra ngoài ở, nhưng số tiền còn lại (chừng 12.000 USD) vẫn là một khoản chi không nhỏ. Bài học ở đây là: luôn quan tâm tới cả phí ăn & ở bên cạnh học phí. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thương lượng với Ban tuyển sinh hoặc Phòng hỗ trợ tài chính để xin giảm bớt số tiền này. 
Khoản chi phí có thể tối ưu được tốt hơn đó là phí gián tiếp (indirect cost). Đây là những chi phí không phải đóng trực tiếp cho nhà trường, bao gồm sách vở, bảo hiểm sức khỏe, di chuyển, và sinh hoạt cá nhân. Khoản tiền này mất nhiều hay ít phụ thuộc vào lối sống và sinh hoạt của bạn rất nhiều. Ví dụ nếu mua toàn bộ sách mới, chỉ nguyên tiền sách vở đã có thể ngốn khoảng hơn 1.500 USD/năm. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có lựa chọn khác như mượn từ thư viện, mua sách cũ, thuê lại trên Amazon… và chỉ mất khoảng 200 USD/năm nhờ vào các biện pháp này. 
Tương tự, bảo hiểm sức khỏe loại “xịn” nhất có thể tiêu tốn tới 2.000 USD/năm, nhưng loại tối thiểu thì chỉ mất 300 USD/năm. Những nơi như Hobart & William Smith Colleges, Clark University buộc sinh viên quốc tế mua bảo hiểm do trường bán; trong trường hợp này, bảo hiểm sức khỏe nằm trong direct cost. Tuy nhiên, một số trường khác, như Wabash College và Knox College, cho phép sinh viên mua bảo hiểm trên thị trường, rẻ hơn rất nhiều so với bảo hiểm do trường bán.
Chuyện đi lại cũng vậy. Nếu một năm bạn bay về thăm nhà vài ba lần, mua ô tô để di chuyển tại Mỹ thì chắc chắn chi phí sẽ cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng các phương tiện công cộng, và 2 năm mới về Việt Nam một lần.
Để tìm hiểu về chi phí dự kiến cho một trường đại học cụ thể tại Mỹ, bạn có thể lên google tìm kiếm bằng từ khóa “Cost of Attendance” (COA) kèm theo tên trường. Hình ảnh dưới đây minh họa một số chi phí trong 1 năm của một số trường Đại học tại Mỹ.
Tổng chi phí 1 năm ở một số trường ĐH tại Mỹ (số liệu 2022 - 2023)
Tổng chi phí 1 năm ở một số trường ĐH tại Mỹ (số liệu 2022 - 2023)
Tóm lại, để tối ưu chi phí khi đi du học Mỹ ta có 2 cách: 
Tối ưu direct cost: bằng cách thương lượng với trường thông qua việc apply cho các chương trình học bổng & hỗ trợ tài chính;
Tối ưu indirect cost: bằng cách rà soát lại nhu cầu sinh hoạt của bản thân, và đương nhiên là điều kiện tài chính của gia đình.

Cứ gõ, cửa sẽ mở: Xin hỗ trợ tiền ở Mỹ như một “pro”

Khác với hầu hết các quốc gia khác, nước Mỹ cho rằng việc bạn xin hỗ trợ tài chính giống như một cuộc “đàm phán” với nhà trường và các bên liên quan, vì thế bạn đừng vội suy nghĩ theo kiểu “ôi học phí cao quá, chắc là đành từ bỏ thôi” hoặc “không thể xin được nhiều tiền đâu”. Hãy thực tế và mạnh dạn “gõ cửa” tất cả những bên liên quan.
Vậy có những “cánh cửa” nào mà chúng ta nên gõ khi cân nhắc đi du học Mỹ?
Bạn cần phân biệt hai khái niệm: Thứ nhất là học bổng, hay còn gọi là Merit-based scholarship, nôm na là năng lực càng tốt thì càng được cho nhiều tiền. Thứ hai là hỗ trợ tài chính, Tiếng Anh là Need-based financial aid, nghĩa là khoản hỗ trợ dựa trên nhu cầu/khả năng chi trả của gia đình. Sẽ có những trường trao cả học bổng lẫn hỗ trợ tài chính, nhưng cũng có những trường chỉ cấp 1 trong 2, thậm chí là có trường kiên quyết không cho gì cả.
Bạn có thể nghe nhiều ví dụ trên báo chí của ta rằng bạn sinh viên này xuất sắc giật “học bổng” trị giá nhiều tỷ đồng, nhưng kỳ thực đôi khi các trang báo đang đánh đồng cả “scholarship” và “financial aid” làm một, hoặc thậm chí lấy số tiền được trường cho của toàn bộ 4 năm học rồi quy ra tiền Việt để nghe cho “nhiều”. 
Sau khi trường đã xét cho bạn một lượng học bổng nhất định, họ bắt đầu xét đến hỗ trợ tài chính. Nếu sau khi cấp học bổng, vẫn còn độ chênh giữa khả năng đóng tiền của gia đình bạn với mức tiền cần đóng cho trường, họ có thể sẽ cho thêm. Hỗ trợ tài chính được chia thành 3 dạng: tiền chu cấp (grants), tiền làm việc trên trường (work-study), và tiền vay (loan). Một số trường cho phép sinh viên làm việc tối đa 20 tiếng/tuần, với mức lương khoảng 10 USD/giờ. 
Đến đây bạn sẽ tự hỏi: Vậy tôi cứ khai rằng khả năng đóng của gia đình rất thấp để được trường hỗ trợ nhiều có được không? Câu trả lời là không nhé bạn ơi :) Vì khả năng tài chính của học sinh cũng là một trong các yếu tố được cân nhắc khi ứng tuyển. Thường thì những bạn có thể chứng minh được khả năng chi trả của gia đình từ một ngưỡng nhất định trở lên sẽ dễ được chấp nhận nhập học hơn là những bạn không có năng lực chi trả. Sự thật là, với học sinh quốc tế đến du học Mỹ, chỉ có 7 ngôi trường không thèm quan tâm chút nào tới năng lực tài chính của bạn, miễn là bạn đủ giỏi: đó là Harvard, Yale, Princeton, Amherst, MIT, Bowdoin, và Dartmouth.
Chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính tại Đại học Mỹ khá phức tạp, ngay cả các hộ gia đình Mỹ cũng chưa chắc đã thành thạo. Chính vì vậy, cần có một số “bí kíp” để kiểm tra mức độ hào phóng của các trường. Bạn sẽ cần quan tâm tới 2 từ khóa nữa là CSS Profile và ISFAA. 
CSS Profile là College Scholarship Service Profile - Hồ sơ xin trợ cấp tài chính chung cho phần lớn trường ĐH ở Mỹ do College Board xây dựng.
 ISFAA là International Students Financial Aids - Hồ sơ xin trợ cấp tài chính cho sinh viên quốc tế. 
Để biết trường nào có cho need-based aid, bạn vào trang nộp hồ sơ của học sinh quốc tế (google tên trường kèm “international students application”), tìm đến phần họ liệt kê những thứ cần nộp và xem họ có yêu cầu học sinh quốc tế nộp CSS PROFILE hay ISFAA không.
Có một thực tế là nhiều khi du học ở trường “mắc” lại tiết kiệm hơn trường “rẻ”, vì một số trường tuy học phí cao nhưng lại rất ưu ái cấp cho học sinh nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính. Ví dụ năm học vừa rồi, 45% học sinh quốc tế ở Notre Dame được nhận đủ học bổng và hỗ trợ tài chính để đóng một mức trung bình 19.660 USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với cái giá gốc 83.271 USD/năm. Cuốn sách “Bước ra thế giới: Đường tới nước Mỹ” cũng đề cập tới danh sách những trường đại học ưu đãi học phí cho sinh viên cực nhiều, đến mức phí trung bình thực tế mà một sinh viên quốc tế phải đóng chỉ nhỏ hơn 15.000 USD/năm. Đa phần các trường trong danh sách này là những trường danh giá, xếp hạng cao, và cực kì khó vào. Đây thường là những trường giàu nhất nước Mỹ, thậm chí thế giới, nên họ có kinh phí để chào mời những học sinh tài năng nhất từ khắp nơi đến học. Một số cái tên mà các tác giả đề cập trong danh sách này bao gồm Princeton University, Dartmouth College, Harvard University hay Massachusetts Institute of Technology.
Có thể nói, để “xin được tiền” khi đi du học Mỹ hoàn toàn không khó, tuy nhiên việc xin được học bổng toàn phần lại rất hãn hữu, đặc biệt ở cấp Đại học. Sau khi hiểu những phân tích bên trên, bạn sẽ thấy những bài báo ca ngợi khoản học bổng khổng lồ hàng năm của học sinh X, học sinh Y… thực ra không có gì quá ghê gớm. Sự thật là chỉ có một tỷ lệ cực kỳ nhỏ những bạn xuất chúng nhận được học bổng toàn phần mà thôi. Và, khả năng chứng minh tài chính cũng ảnh hưởng tương đối tới khả năng được nhập học của bạn, trừ khi bạn rất xuất sắc và apply vào các Đại học top đầu - những trường thứ hạng cao vốn có ngân sách khổng lồ để trợ cấp cho những cá nhân ưu tú. 
Vì vậy lời khuyên thực dụng rút ra từ cuốn sách cho những ai muốn du học Mỹ là: hãy chuẩn bị thật kỹ để chứng minh năng lực học thuật, hồ sơ hoạt động ngoại khóa, chất lượng thư giới thiệu, điểm số của các bài thi chuẩn hóa… để gia tăng khả năng “xin tiền” của bạn; nhưng đừng quá mơ mộng về học bổng toàn phần, mà thay vào đó hãy xác định xem khả năng chi trả của gia đình thì có thể đóng được bao nhiêu mỗi năm.

Còn cách nào nữa để tối ưu tài chính khi đi du học Mỹ không?

Rất may là nếu trong trường hợp tài chính thực sự eo hẹp, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một con đường là đi học Community College - CC (tạm dịch là Cao đẳng cộng đồng), sau đó chuyển tiếp lên Đại học. Hầu như tất cả các trường CC tốt đều có một hệ thống quy đổi tín chỉ với các trường ĐH trong bang/khu vực ở trên website của họ. Bạn nên tìm hiểu kỹ trên website của trường CC và trường ĐH xem khoá học nào được quy đổi tín chỉ hoàn toàn, khoá nào chỉ được quy đổi một phần tín chỉ.
Học CC là cách tiết kiệm tiền rất nhiều, học phí trung bình dành cho sinh viên ngoài bang (out-of-state) và sinh viên quốc tế thường ít hơn 50% so với học phí tại một trường Đại học tư điển hình.
Tất nhiên, đối với một số bạn, CC sẽ không phải là con đường phù hợp nếu bạn muốn làm đẹp CV (sau cùng thì Đại học vẫn cứ là oai hơn); nếu bạn muốn ở ký túc xá (CC thường ít khi có ký túc cho sinh viên); hoặc nếu bạn muốn tham gia vào môi trường học thuật cường độ cao, có nhiều nghiên cứu… thì CC sẽ không thể bằng Đại học được. 
Nếu bạn vẫn muốn đi theo con đường Đại học nhưng cần tiết kiệm tiền, thì hãy nghiên cứu thật kỹ về danh sách những trường cho nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính nhất, bằng cách vào website từng trường (dựa vào danh sách US News, THE University Ranking hoặc QS Ranking) rồi chọn "Search" hoặc hộp tìm kiếm và tìm từ khoá "full-ride" hoặc "full-tuition".
Thời điểm nhập học cũng là một yếu tố giúp bạn tối ưu tài chính. Thường các trường sẽ dành trợ cấp tài chính cho học sinh nhập học kỳ mùa thu nhiều hơn kỳ học mùa xuân. Ngoài ra, sinh viên năm nhất cũng sẽ được ưu đãi hơn sinh viên chuyển tiếp.
Du học Mỹ là một hành trình cần rất nhiều sự chuẩn bị và đầu tư, đặc biệt là vấn đề tài chính. Mình hi vọng những thông tin mình đúc kết sau khi tham khảo cuốn sách “Bước ra thế giới: Đường tới nước Mỹ” của Tiến sĩ Phạm Đức Hùng và cộng sự sẽ là một tham khảo hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn sớm tìm được con đường du học phù hợp nhất với mình nhé!
Mình thấy Spiderum cũng đã mở pre-order sách tại đây, các bạn có thể tham khảo nhé: