Tôi thì nghĩ rằng, chuyện đáng xấu hổ nhất có thể nói tới ở đây là chuyện các bậc làm cha làm mẹ (tôi không đánh đồng tất cả) có thể vô tư thoải mái hỉ hả kể chuyện đời sống chăn gối của mình với bạn bè đồng nghiệp, nhưng lại vội vã nói ra cái câu: "Đây là chuyện người lớn, bao giờ con lớn thì con sẽ biết".
Tôi vẫn còn nhớ, năm đó tôi đang lớp 11, trong một tiết học Văn, cô Huệ - người đóng vai trò rất lớn trong việc định hình nên con người tôi, có giới thiệu với lớp về những đầu sách văn học mà như lời cô nói mà tôi còn nhớ tới bây giờ, ấy là "Làm giàu cho tâm hồn các em". Tôi không thể nhớ hết những cái tên, nhưng trong đó có "Trăm năm cô đơn".
Khỏi phải nói về cuốn sách ấy, về những giá trị đồ sộ của nó để lại cho thế hệ sau, sẽ rất khó có thể nói ngắn gọn trong đôi ba dòng. Xuất bản lần đầu năm 1967, tinh thần của nó, những câu hỏi được đặt ra cho người đọc vẫn rất thời đại, về cái cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá bản chất của con người, về tình yêu và sự dũng cảm để đấu tranh cho những gì tốt đẹp nhất, để chúng ta, để tình yêu, dù có sinh ra hay bị hủy diệt, nhưng sẽ lại tái sinh mạnh mẽ.
Và cuốn sách ấy nói về một gia tộc đã loạn luân để duy trì nòi giống.
Nếu như tôi cũng vô minh, võ đoán, tôi sẽ phán xét cuốn sách ấy ngay từ chính cái cách câu chuyện được kể, với mọi phông nền đạo đức mà tôi đã được học, được gia đình và xã hội thuyết phục rằng loạn luân là trái luân thường đạo lý, là đồi trụy, biến chất, vân vân và mây mây.
Nhưng nếu tôi, hay bạn, hay tất cả chúng ta đều vội vã như vậy, hẳn rằng chúng ta đã bỏ lỡ đi một giọt tinh hoa mà Thế giới này, nhân loại này đã phải học tập, tư duy, đấu tranh qua hàng chục ngàn năm để tạo nên một thứ đẹp đẽ nhất, và cũng là sức mạnh nguyên thủy nhất kết nối loài người lại với nhau, từ thuở sơ khai là những huyền thoại, và qua từng ấy thời gian, là Văn học.
Đặt bản thân là tôi, tôi đã đọc trọn vẹn Giông tố, Làm đĩ, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng từ những ngày chập chững vào lớp 9. Thơ thì không nhiều lắm, nhưng những tứ thơ kiểu:
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong”.
của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì quả là đã đọc qua.
Nếu như đặt dưới hệ quy chiếu của vị phụ huynh nó, hẳn tôi phải là thằng đồi trụy và hư hỏng lắm, vì loạt tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, trích nhẹ một đoạn thôi cũng đã thấy xôi thịt, và thơ của Hồ Xuân Hương thì ôi thôi khỏi nói, đọc tới đâu "đỏ mặt tới đấy"...
Lại kể chuyện tiếp
Cái hồi mà ca sĩ Hoàng Thùy Linh còn là nhân vật trung tâm của cơn bão mang tên "Nhật ký Vàng Anh". Khi ấy tôi còn bé, và tôi thấy người lớn truyền tai nhau rằng "cái con đóng Nhật ký Vàng Anh lộ clip", rồi thì " Mới tí tuổi đầu đã đua đòi mất dạy".
Ấy là thế, nhưng họ cũng truyền tay nhau những đoạn clip nhạy cảm ấy. Với trí óc trẻ con của tôi hồi ấy, tôi không hiểu được chị Linh đã làm cái "chuyện người lớn" cỡ nào để khiến cho tất cả những người lớn xung quanh tôi ở thời điểm ấy phải nặng nề phán xét đến thế. À nhưng cũng kỳ lạ ghê, họ phán xét một cô gái là "hư hỏng", "mất dạy", "đua đòi", "không có giáo dục", nhưng đồng thời họ lại truyền tay nhau đoạn clip ghi lại những hành động mà họ cho rằng "hư hỏng", "mất dạy",...
Tôi thì nghĩ rằng, chuyện đáng xấu hổ nhất có thể nói tới ở đây là chuyện các bậc làm cha làm mẹ (tôi không đánh đồng tất cả) có thể vô tư thoải mái hỉ hả kể chuyện đời sống chăn gối của mình với bạn bè đồng nghiệp, nhưng lại vội vã nói ra cái câu: "Đây là chuyện người lớn, bao giờ con lớn thì con sẽ biết".
Chuyện đáng xấu hổ còn là cái chuyện những người lớn như chúng ta luôn coi việc mắt không thấy, tai không nghe thì tức là không có chuyện, hay chính xác hơn, là đơn phương phủ nhận đi một cái hiện thực rất hiển nhiên về mặt sinh học rằng, con cái họ, hay những đứa trẻ khác ngoài kia rồi cũng sẽ đến cái tuổi dậy thì, tức là bé gái thì sẽ xuất hiện kinh nguyệt, con trai thì sẽ sản xuất tinh dịch và sẽ có những lần xuất tinh thụ động đầu tiên trong đời.
Và khi những sự kiện ấy xảy ra, cuộc sống của một đứa trẻ đã hoàn toàn thay đổi. Đấy là sự biến chuyển tất yếu của một giống loài, thuần về mặt sinh học, là biểu hiện rõ ràng của một giai đoạn tiếp theo trong quá trình hình thành ý thức và nhận thức về giới tính.
Và điều quan trọng nhất, ấy là: Sự hấp dẫn tính dục với những người khác giới sẽ bắt đầu xuất hiện. Và mọi sự kiện về sau này, như mối tình đầu, những lần đụng chạm đầu tiên, những phức cảm xảy ra, hay lần quan hệ đầu tiên, đều là hệ quả của quá trình này.
Quá trình này diễn ra tự nhiên ở phần lớn chúng ta, nên tôi không thể hiểu rằng ở đâu đó ngoài kia, có một bộ phận phụ huynh lại "đỏ mặt", "ngượng ngùng" khi được tiếp cận với một thông tin rất tự nhiên và bản năng của loài người như vậy.
Ấy là còn chưa nói tới chuyện hẳn rằng vị phụ huynh nọ chưa chịu đọc hết quyển "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian".
Để đến một vấn đề vốn dĩ to hơn, phức tạp hơn, nhưng hẳn rằng vẫn còn nhiều bậc làm cha làm mẹ chưa quan tâm, hoặc chưa biết cách quan tâm đúng cách, ấy là câu chuyện Giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên.
Bản thân câu chuyện này đã là một vấn đề trong khuôn khổ các chương trình giáo dục trong nhà trường ở mọi cấp. Bản thân tôi không phủ nhận rằng ở nhiều nơi đã có những chương trình học, chương trình ngoại khóa, hội thi,... tìm hiểu và nâng cao kiến thức về giáo dục giới tính cho các em học sinh. Nhưng nhà trường chỉ đóng một phần vai trò trong việc giáo dục và định hướng kiến thức về giới tính cho trẻ em mà thôi, chưa kể rằng ở nhiều địa phương, khi cơ sở vật chất cũng như tiềm lực về con người còn có hạn, không có gì có thể đảm bảo rằng các em học sinh sẽ được tiếp cận đúng và đủ các chương trình học tập như các bạn ở những địa phương khác.
Các bậc phụ huynh cũng phải thật thà mà tự hỏi và tự trả lời với chính mình rằng các vị thực sự đã đồng hành cùng với con cái ở trong những giai đoạn đặc biệt nhạy cảm cả về tâm lý cũng như sinh lý của con trẻ hay chưa? Các quý phụ huynh đã thực sự đồng hành với con, và có dám mở lòng để chia sẻ góc nhìn của mình về câu chuyện giới tính hay chưa, hay các quý phụ huynh sẽ xử trí như thế nào khi các con có những biểu hiện thiếu định hướng khi đến giai đoạn dậy thì, khi các con bắt đầu nói nhiều hơn, hỏi nhiều hơn, thậm chí là tự mày mò tìm câu trả lời cho mình.
Đó, trong từng đó câu hỏi trên, các quý phụ huynh tự tin mình đã làm được mấy phần?
Những câu nói kiểu "Đây là chuyện người lớn, sau này lớn lên con sẽ biết" nói ra thì rất dễ, vì các bậc cha mẹ đương nhiên sẽ thoát được một tình huống, hoặc là chưa sẵn sàng để trả lời, hoặc trong chính tâm lý của người làm cha mẹ chưa thực sự chọn cách cởi mở với con cái.
Hoặc tệ hơn, phụ huynh chọn cách bàn giao lại trách nhiệm đó cho nhà trường, trong khi đó là con cái của họ, và nền tảng giáo dục căn bản nhất, vững mạnh nhất của mọi đứa trẻ thì lại không đến từ nhà trường mà lại từ chính cha mẹ của chúng.
Tôi vẫn còn nhớ hồi mẹ của Bi béo viết status tố chuyện con mình lén xem phim người lớn, và cô ta tự hào về hành trình đưa ra hình phạt cho con mình như thế nào??? Hay chuyện của vị phụ huynh này, tôi không chắc là cô ấy đã đọc hết cuốn sách, vì nếu đã đọc trọn vẹn, tôi không chắc là cô ấy sẽ bức xúc, hoặc bức xúc tới cỡ vậy.
Viết tới đây, tôi lại thoáng rùng mình, Deja Vu chăng? Ồ không, hóa ra ở bất cứ một giai đoạn nào cũng thế, sẽ luôn luôn có những kiểu làm cha làm mẹ như vậy, chọn cách nhắm mắt bịt tai, phân xử theo cảm tính và đổ dồn mọi tội lỗi cho con mình hoặc cho người khác - mà theo cái cách họ tư duy, rằng tác nhân ngoài kia mới là tác nhân chính khiến con mình "học theo", và trở nên hư hỏng.
Tình dục - ngoài việc được phần lớn chúng ta nhìn nhận như một hoạt động để con người thỏa mãn nhu cầu sinh lý của mình, hay một hoạt động nhằm duy trì nòi giống, thì câu chuyện ấy theo hành trình phát triển của nó cùng với mọi xã hội loài người từ xưa tới nay, còn đại diện cho những sự tuyên ngôn cá nhân rất phức tạp.
Thông qua hoạt động tình dục, con người phần nào đó biểu lộ ra những mong muốn đằng sau đó:
Một người luôn thiếu cảm giác an toàn sẽ sử dụng tình dục như một công cụ mà ở đó, họ tìm thấy sự an toàn trong vòng tay của đối tác. Một người tự ti sẽ coi hoạt động tình dục để họ tìm thấy được sự tự tin mà bình thường sẽ không có ai khác có thể thấy được. Hoặc sẽ có những người tìm đến tình dục như một phương cách để họ thoát ra khỏi cuộc sống thực tại có quá nhiều dồn nén và áp lực.
Tình dục không phải là câu trả lời, mà câu trả lời nằm đằng sau hoạt động tình dục.
"Một thoáng rực rỡ ở nhân gian" và câu chuyện tranh cãi xung quanh cuốn sách ấy mở ra mênh mông những câu hỏi về cách dán nhãn tuổi phù hợp cho đối tượng tiếp cận, chuyện giới tính và cách chúng ta nhìn nhận nó, hay sâu xa hơn nữa, là sự mặc cảm và tự ti trong chính mỗi cá nhân khi phải nhìn trực diện vào một câu chuyện vốn dĩ rất chân thực tới mức trần trụi. Bản thân cuốn sách ấy đâu có xấu xa, vì nó đạt giải "Sách hay của năm 2022", và nếu bất cứ ai đã từng đọc qua cuốn sách ấy, hẳn cả bạn và tôi đều phải thừa nhận những giá trị nhân văn không gì phủ nhận được.
Một trích đoạn trong cuốn sách có viết thế này: “Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng”.
Tôi để phần trích đoạn đó ở đây để bất cứ ai có thể kiên nhẫn đọc tới dòng này đều sẽ tự có những chiêm nghiệm của riêng mình, vì tôi sẽ không nói thay phần của tác giả hay nghĩ hộ phần của bạn.
Gửi thêm một cái link bài báo cho có thêm giá trị tham khảo: https://tuoitre.vn/mot-thoang-ta-ruc-ro-o-nhan-gian...