Hồi năm ngoái tôi có làm bài trắc nghiệm trên lớp về việc tìm hiểu thế giới nội tâm mỗi người. Trong số đó có câu hỏi: "Bạn bị lạc trong một khu rừng, tình cờ bắt gặp một con vật. Hãy viết tên con vật mà bạn nghĩ đến". Tôi vốn không tin tưởng lắm vào những dạng trắc nghiệm như thế này. Nhưng hôm ấy là ngoại lệ, tôi đã rất thích thú khi nhận được đáp án rằng, con vật ta bắt gặp đầu tiên ấy trong hành trình thoát khỏi khu rừng, chính là bản thân ta. Em có biết tôi đã tưởng tượng mình sẽ gặp con gì hay không? Một chú chim.
Có lần, tôi nghe một đoạn về thực hành Chủ nghĩa khắc kỷ trên Youtube. Trong đó có đoạn: “Plato đã diễn giải rất khéo léo rằng, bất cứ khi nào muốn bàn về cuộc sống, tốt nhất là hãy nhìn dưới góc độ của một chú chim, hãy quan sát tất cả một cách toàn diện – quan sát việc thu hoạch, quân đội, nông trại, đám cưới và ly hôn, sinh và tử, phòng xử án ồn ào và cả những nơi im ắng, quan sát những người ngoại quốc, những ngày lễ, đài tưởng niệm, các chợ dân sinh – tất cả đều được trộn lẫn và sắp xếp thành những cặp đối lập.” (Marcus Aurelius).
Tôi đã tua đi tua lại đoạn đó mấy lần khi nhớ lại chuyện mình từng rất có hứng thú với việc hóa thành chim.
Đã là chim thì phải bay, tôi phân vân suy nghĩ xem mình thích là chim gì. Nên là bồ câu trắng để trở thành biểu tượng được thơ ca nhạc họa ngợi ca ý nghĩa về hòa bình tự do? Hay nên là chim chiền chiện nho nhỏ, "con chim chiền chiện, còn gọi là chim sơn ca..." như lời bài hát tôi hay ngân nga thuở cân nặng tôi chỉ vào tầm mười mấy hai mấy ký, chơi trò đứng lên chân bố, rồi bố con tôi có một vũ điệu chachacha vui nhộn theo từng câu hát ngọng nghịu của tôi. Còn nếu muốn sải cánh làm bá chủ bầu trời đầy quyền lực thì chắc tôi nên là đại bàng khổng lồ. Nhờ một bộ phim tài liệu mà chúng ta giờ có thể ngắm nhìn thế giới từ góc nhìn của một chú chim với những cảnh được quay bằng ONE X gắn trên lưng đại bàng. Xem xong phim đó tôi vẫn còn lưu luyến đến độ tối ngủ mơ thấy mình tung tăng chao liệng trên trời nữa mới ghê! Tôi nghĩ rằng cũng có nhiều người thích là chim giống tôi. Cho dù không ai cả, thì ít nhất vẫn có một người. Đó là một bé trai học trò của tôi. Nhóc từng viết trong bài tập làm văn rằng, nó thích là chim để có thể bay lên trên cao, rồi ị xuống đầu mấy đứa trai cùng xóm suốt ngày lên mặt huênh hoang vì đã thắng đội của nó trong trận đá bóng tuần rồi.
Hãy tưởng tượng cơ thể em đang bay lên và nhìn mọi thứ từ góc độ của một chú chim trên cao. Nhớ là không chơi cái trò mất vệ sinh ị lên đầu bạn bè nhé!
Từ từ, từng chút một, em đang bay cao lên, lên nữa, lên mãi....
Em có thấy em không? Lọ mọ ngồi gõ lách cách mấy cái báo cáo, làm hết việc này việc kia trong khi không có lương tận hai tháng rưỡi trời dịch bệnh này.
Em có thấy em không? Bên khung cửa sổ, cạnh cái nến thơm đang cháy, vừa uống Strongbow nho vừa thẫn thờ hụt hẫng khi ba năm nay đi làm chưa bao giờ em ngờ tới có ngày tên mình nằm trong diện đình chỉ làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Có thấy em không, lòng em cô đơn lạc lõng vô cùng, 2 giờ sáng rồi em vẫn chưa chịu ngủ, mắt thâm quầng như gấu trúc mà vẫn trằn trọc giam mình trong suy nghĩ về một mối quan hệ không có tương lai. Em thèm khát yêu và được yêu, em đã gắn kèm tình yêu với biết bao kỳ vọng về cảm xúc. Em đòi hỏi sự tuyệt đối ở những mối quan hệ chỉ mới chớm nở.
Em có thấy mình ở bến tàu sáng hôm ấy, tay run run viết vội lá thư trao một người mà em rất thương và không biết đến bao giờ mới gặp lại, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Em có thấy mình trong những ngày bế tắc và tuyệt vọng. Khi em tìm cách chạy trốn thực tại khốc liệt, khi em xin nghỉ phép rồi xách ba lô lên, khi cái sức ì của thân thể rã rời và bộ não bị bão hòa của em đang gặm nhấm tâm hồn 25 tuổi.
Em thấy những người thân trong gia đình em không, những người yêu thương em và cả những người làm trái tim em ứa máu.
Em có nghe thấy trận cãi nhau chiều nay với bố, khi hai bố con không cùng chung tiếng nói, em òa khóc nhận ra khoảng cách thế hệ đang dần làm to lên vết nứt trong lòng em?
Em thấy bạn bè em chứ? Những đứa từng quấn quít bên em thời sinh viên. Những đứa cùng em uống bia thâu đêm và những câu chuỵên không bao giờ hết. Những đứa bạn gần và xa em. Có đứa xa mặt, có đứa xa lòng.
Em nhìn thấy những người ở chỗ làm hay không, người em xem họ là thân thiết và rồi phát hiện ra hình tượng em từng ngưỡng mộ nó mục ruỗng bởi xấu xa và bần tiện, bởi nhỏ nhen và ganh đua.
Em có thấy người quanh em giàu có và xinh đẹp. Họ phô bày một cuộc sống lấp lánh nơi thế giới ảo. Rồi em nhìn vào đó, đánh đồng con người với những của cải vật chất mà họ sở hữu. Em hoang mang và thất vọng vì nghĩ mình là kẻ thất bại.
Ngày càng bay cao hơn. Em nhìn thấy ngôi nhà của em, hàng xóm, khu phố của em. Em là một phần của tổng thể. Trong cuộc đời vốn đau thương và mất mát này, em là một bộ phận của nó. Mỗi một cá thể tồn tại trên cuộc đời đều mang những vấn đề của riêng họ. Em cũng vậy. Đừng nghĩ mình cá biệt. Em cũng là số đông ngoài kia, đang vật vã với những nỗi đau của riêng mình.

Có nhớ tôi đã nói với em, gần như tất cả những người được sinh ra vào thế kỷ 20 này đều có một số 9 trong biểu đồ ngày sinh. Chúng ta là những kẻ luôn đầy tham vọng và hoài bão. Càng nhiều số 9 càng tạo nên một sức mạnh lớn đến mức làm ta mất cân bằng về mặt tâm trí. Khi ta càng lớn, khi ta học được nhiều, đầu óc tiến bộ thì lý tưởng của ta lại càng trở nên phức tạp hơn. Và rồi, ta thường rơi khỏi guồng quay của xã hội vì chẳng thể nào nắm bắt được những yếu tố thực tế của cuộc sống. Khi gặp phải cú tát của đời thực, lý tưởng mộng mơ của ta bị vỡ tan tành. Để lại ta với nỗi cô đơn, vô định, chán chường. Chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy những lo nghĩ. Vì vậy, ta cho rằng đó là những vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta đắm chìm trong suy nghĩ và không nhận ra sự tầm thường của nó. Chúng ta tập trung vào vấn đề đang mắc phải và cho rằng đó là điều quan trọng nhất thế gian. Ta nghĩ mình là một kẻ đau khổ nhất trên đời này. Chính những suy nghĩ ấy đang ghì chặt đôi chân em, trói buộc đôi tay em, đè nén tâm hồn em. Mỗi ngày trôi qua, em có thể sợ hãi, chênh vênh, hoài nghi. Đừng trốn tránh nó. Đó là những cảm xúc chính đáng. Một người dù hết sức thận trọng và chín chắn trong mọi suy nghĩ, mọi mối quan hệ giao du, ắt vẫn có lúc tự mình nhảy vào cái hố ấy. Điều quan trọng là sau những cảm giác tồi tệ ấy, em có tự mình đứng dậy và thoát khỏi nó hay không. Những trải nghiệm tiêu cực mà em gặp phải, nó là mất mát và tổn thương không tránh khỏi, nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để em thanh lọc và gột rửa bản thân. Trọng tâm ko phải là vấn đề, mà là cách em định nghĩa vấn đề. Hãy xem đó là bài kiểm tra mà em nhất định phải gặp trên trường đời. Hãy xem những đau thương là một phần để bản lĩnh em rèn luyện, tâm hồn em hé mở. Hãy nhớ rằng, “Vận mệnh dẫn dắt những người sẵn sàng và lôi theo những người miễn cưỡng” (Seneca). Mọi thứ rồi sẽ trôi đi. Mọi sự như một dòng chảy không ngừng. Thay vì buồn bã trải nghiệm những thứ gian khổ, mất mát một cách hoàn toàn bị động và đầy bất ngờ, sao em không chủ động đón nhận nó trong tâm thế kiên cường nhất? Từng bước một, từng chút một, ta sẽ cùng nhau thay đổi, cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau trưởng thành.
Nếu em chán nản, nghĩa là em đang sống trong quá khứ. Nếu em lo lắng, tức là em đang sống trong tương lai. Chỉ khi có được cảm giác bình yên, em mới sống trong hiện tại.
Bất cứ khi nào thấy tâm mình chẳng an yên, em hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng mình là một chú chim, bay lên thật cao, cho đến khi trở thành một chấm nhỏ. Nếu bay cao hơn nữa, em sẽ nhìn thấy đất nước của mình, những đại dương, núi non trùng điệp... Và thậm chí là trái đất này. Bài thực hành từ trên cao nhìn xuống, sẽ giúp em nhận ra vấn đề em đang gặp phải thực sự chẳng lớn như em nghĩ. Chúng ta cũng giống như những thế hệ đi trước. Chúng ta chỉ sống ở đây một thời gian trước khi bị thế hệ sau thay thế. Những điều em vướng mắc trong lòng, ở một nơi khác trên trái đất này cũng có người phải đối mặt. Những chuyện làm em buồn bã và lo lắng, trước em và sau em, người ta cũng gặp phải. Trái đất luôn tồn tại, nhưng con người thì không. Trong thời gian chỉ là một tích tắc tựa như cái chớp mắt, từ khi sinh ra đến lúc chết đi, so với khoảng thời gian dài vô hạn trước khi em sinh ra và khoảng thời gian vô hạn sau khi em chết đi, em không chỉ nhỏ bé, mà còn là phù du.
Trong bức ảnh này, hai đốm sáng nhỏ xíu kia là trái đất và mặt trăng. Đó chính là hình ảnh truyền về từ tàu Cassini cho chúng ta thấy sự nhỏ bé của trái đất trong một vũ trụ bao la.
Nguồn: baochinhphu.vn
Nguồn: baochinhphu.vn
Trái đất to lớn mà ta ao ước cả đời cũng không đi hết được, tất cả chỉ có bấy nhiêu thôi. Trong cái khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi và bé nhỏ thoáng qua của vũ trụ đó, ta có thể làm gì hơn, là chọn sống trọn vẹn với những điều ta đang có. Nhiều nhặn chi đâu mà lãng phí chút thời gian ít ỏi của mình, phải không em?