Mấy tuần trước, cuốn “Ông già và biển cả” phiên bản do mình dịch vừa xuất bản. Mình dịch cuốn này từ tháng Bảy năm ngoái, và trong thời gian dịch cuốn sách này, ngày nào mình cũng cảm thấy cực kỳ vật vã đau khổ vì phải theo chân lão già Santiago đi đánh-giết cá. Lúc dịch thì chỉ đau khổ thôi, cơ mà dịch xong thì GHÉT - GHÉT - GHÉT lão vcđ :). 
Trước khi giải thích vì sao mình ghét lão, thì dành cho những ai chưa từng đọc cuốn này, mời mọi người đọc qua phần tóm tắt truyện trên Wikipedia:
“Câu chuyện xoay quanh cuộc sống đánh cá lênh đênh, gian nan của ông lão người Cuba, Santiago, người đã cố gắng chiến đấu trong ba ngày đêm với một con cá kiếm khổng lồ trên biển vùng Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang đến ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và mang về nhưng đàn cá mập lại đánh hơi thấy mùi của con cá mà ông bắt được nên đã ùa tới, ông cũng rất dũng cảm đem hết sức mình chống chọi với lũ cá mập, phóng lao và thậm chí dùng cả mái chèo để đánh. Cuối cùng ông giết được khá nhiều con và đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi ông về đến bờ và nhìn lại thì con cá kiếm của mình thì nó đã bị rỉa hết thịt và chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng.”
Mỗi lần dịch một cuốn sách, đặc biệt là dịch truyện, sách Văn học, mình thường sẽ bị tự biến bản thân thành nhân vật chính. Và mỗi lần như thế, mình lại sống cuộc đời của nhân vật, trải qua những niềm vui, nỗi buồn, những dằn vặt, đớn đau của chính nhân vật ấy. Và Santiago, với mình, là một lão già có một cuộc sống cực kỳ đau khổ. Mình đã khổ lắm luôn,  ngày nào dịch sách mình cũng bảo với bạn bè rằng: 
“Em khổ quá, ngày nào em cũng phải đi giết cá!” 
Rồi bạn mình lại mắng cho: 
“Thì bạn đừng đi nhập vai nữa!”
Rồi than xong mình lại tiếp tục rầu rĩ dịch từng ngày một.
Cảm giác của mình về cuốn này không hề giống như trên Wikipedia ca tụng, rằng đây là bản anh hùng ca, ca ngợi sức lao động hoặc khát vọng của con người gì đấy. Ôi mình không hề có cảm giác đấy, mình chả thấy anh hùng với chinh phục thiên nhiên gì ở đây hết. 
Nếu có điểm nào mình thấy hay trong cuốn này thì đó là cách Ernest Hemingway miêu tả nội tâm của nhân vật, miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm khủng khiếp giữa cái thiện và cái ác bên trong một con người, một bên thì cực kỳ yêu thiên nhiên, yêu những con cá, những con sư tử biển, yêu vùng nước, và một bên thì làm công việc đánh giết cá, tận hưởng niềm vui chinh phục những con cá cực kỳ lớn ngoài khơi xa, dù cho mỗi lần đi đánh cá đều như một cuộc chiến phải liều cả mạng sống. 
Và mình cảm thấy cái cảm giác chinh phục đấy mới là động cơ chính khiến cho lão già không thể từ bỏ nghề này, bất kể lão nhìn đó là một công việc sát sinh, và có những câu hỏi lớn về về tội lỗi. Lão dằn vặt bản thân rằng: tại sao mày yêu cá nhưng mày lại giết nó? Xong lại tự xoa dịu rằng, giết hại là chuyện thường tình trong tự nhiên. Rồi đến khúc cuối truyện, khi giết cả bầy cá mập, lão già đã chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa, chỉ còn cứ thế giết và giết mà thôi. Và đây cũng chính là đoạn khiến mình khổ sở nhất.
Dịch cuốn này, mình như nhìn thấy nỗi đau của một người biết quá nhiều, nỗi đau của một người có thể nhìn một vấn đề từ nhiều phía. Nếu như là biết ít hơn một chút, có lẽ sẽ bớt đau khổ hơn, bớt phải nghĩ nhiều, cứ thế làm công việc đánh cá bình thường. Nhưng lão không! Lão cứ vật lộn tới lui trong cái hành trình làm nghề ấy.
Giai đoạn mình dịch cuốn sách này cũng là lúc cơn trầm cảm của mình bắt đầu lên tới cơn đỉnh điểm. Ngay sau khi dịch xong cuốn sách, thì mình và bạn người yêu cũ đột ngột chia tay. Và thời điểm đó, trong đầu mình thường xuyên xuất hiện những suy nghĩ liên quan đến cái gọi là ĐẠO ĐỨC GIẢ, và nó nặng nề đến nỗi mình thường trực bị buồn nôn với sự đạo đức giả nữa.
Mình nhìn thấy dấu vết của sự đạo đức giả cả ở trong mình lẫn trong người khác và không sao chịu đựng được. Mình ghét sự đạo đức giả đến nỗi mình quyết tâm sẽ không để bản thân tiếp tục sống như thế nữa. Mình sẽ không cứ ở nguyên đó, tiếp tục bao biện cho bản thân đối với những hành động mà mình tự thấy sai trái. Mình nói với bản thân rằng: mình phải chọn sống một cuộc đời khác, không thể cứ tiếp tục cái cuộc đời đầy mâu thuẫn như trước kia. 
Quyết định đó đã dần dần dẫn mình tới việc phải tìm ra bằng được xem mình thích làm gì, và chuyên tâm làm việc đó. Mình nhận ra rằng khi mình chọn làm một công việc mà mình có nhen nhóm ý nghĩ mình không thích nó, thì mỗi khi xảy ra khó khăn gì đó, mình sẽ rất dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho công ty, cho bất cứ thứ gì, hay đổ lỗi cho chính mình. Chọn chỉ làm việc mình thích, đối với mình, chính là giải pháp để đi qua những mâu thuẫn nội tâm giằng xé này. Bởi mình không còn cái cớ nào để sẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh nữa. Bây giờ tất cả mọi thứ đều hoàn toàn là lựa chọn của chính mình. Nếu có vấn đề gì thì cũng là do mình chứ không phải do bất kỳ ai khác, chẳng thể đổ tội cho bất kỳ ai. Mình giảm bớt đi những cái yếu tố biến mình thành nạn nhân, giảm bớt những hành động có thể khiến mình cảm thấy tội lỗi hay day dứt khi làm ra nó. Có thể nói chính việc dịch cuốn sách này đã thêm một cú hích cho mình nhìn rõ hơn bản thân, rồi sau đó chọn rẽ sang một hướng khác.
Một giai đoạn dài sau khi dịch cuốn sách này, trong mình thường trực nỗi căm ghét với sự đạo đức giả, căm ghét cả con người đạo đức giả của mình trong quá khứ: một đứa từng tỏ ra mình là người đầy yêu thương nhưng thực ra không hề được như thế; một đứa rất muốn làm người hùng, và cố gắng trở thành một người hùng, để rồi phát hiện ra trong mình đầy rẫy tâm lý nạn nhân; một đứa cứ cố gắng thành người tốt để rồi chẳng làm được việc gì tốt ra hồn mà đổi lại chỉ toàn ôm đau thương về mình. 
Mãi cho tới thời gian rất gần đây, ngay trước khi quyết định sẽ nói về cuốn sách này, mình mới chấp nhận mặt đó của mình hơn, và tới khi cầm cuốn sách trên tay, mình đỡ cảm thấy khó ở hơn với ông già Santiago. Mình nhìn thấy đó đơn giản là một cuộc sống đầy đau khổ và đáng thương. Nhưng người ta vẫn phải sống nó vì chưa tới ngưỡng có thể chọn được một cuộc đời khác. Người ta vẫn đang quẩn quanh trong những suy nghĩ của chính mình, trong những nỗi sợ của chính mình, trong cả những ước mơ của chính mình. Và người ta đang luẩn quẩn trong một cuộc đời mà người ta đã sống trong đó quá lâu và quá quen với nói, và nếu bảo phải thay đổi thì cũng không biết có thể thay đổi về đâu. Mình bỗng cảm thông hơn phần nào, và cũng thấy mình dịu bớt sự khó chịu với chính mình.
Vừa rồi là những cảm nhận của mình trong khi dịch cuốn này và cả sau một thời gian chiêm nghiệm sau đó nữa. Nếu mọi người có hứng thú tìm hiểu về các mặt khác nhau trong nội tâm thì mình vẫn recommend mọi người đọc cuốn này, vì phải nói rằng góc nhìn của Ernest Hemingway cực kỳ sâu, và dịch sách xong thì mình cũng phần nào hiểu được vì sao đây là một cuốn sách kinh điển, đi qua nhiều thế hệ.
Cảm ơn mọi người đã đọc chia sẻ của mình. Bài viết này là một phần trong số Majita Podcast tuần này, và trong lúc mình quay số podcast này, mưa gió sấm chớp sợ cực, nghe nó lại càng hợp với nội dung cuốn sách, thế là mình giữ lại tiếng mưa gió sấm chớp đùng đoàng luôn :D. Nếu mọi người thích nghe podcast thì có thể click nghe ở đây nha:
* Youtube:
* Spotify:
Và nếu mọi người tò mò về cách mình dịch cuốn sách này thì có thể đặt mua phiên bản Ông già và biển cả do mình dịch ở đây nhé: https://vn.shp.ee/kxpEiMu