Hôm nay không viết nhảm nữa. Mình sẽ đưa đến các bạn kinh nghiệm bản thân về việc đi xe đạp.

Mình có vài ba mối quan tâm là Phật giáo (Duy vật và phật giáo, Củng cố khẳng định phật giáo là duy vật), chính trị, mật mã học và thể thao (cụ thể là taekwondo và xe đạp). Mình sẽ cố gắng viết những thứ mình biết theo cách mọi người dễ hiểu nhất.


Quay lại vấn đề xe đạp.

Mình thấy khá buồn cười khi ta còn trẻ thì lười vận động với đủ lý do phải đi làm, không có thời gian v.v... và đến khi sức khỏe không còn tốt nữa thì họ bắt đầu chơi thể thao để tăng cường sức khỏe. Mình không nghĩ thế, nên mình đi xe đạp đi học, đi làm hàng ngày để duy trì sức khỏe của bản thân. Hi vọng có ai đó cùng sở thích, suy nghĩ như mình. 


Nào, chúng ta bắt đầu.

Để bắt đầu với xe đạp, chúng ta cần mua 1 cái xe và dẫn đến chúng ta cần phải chọn cho mình một cái xe phù hợp. Nội dung chính của bài viết này sẽ đưa cho các bạn cách để có một chiếc xe đạp phù hợp với bản thân.

Loại xe: trước hết các bạn phải xác định bạn đạp xe ở đâu, đi đâu để từ đó chọn cho mình một loại xe. Nhưng mình ở Hà Nội, đường xấu, ổ gà đầy đường và mình cũng khoái phượt xe đạp nên mình chọn cho bản thân một chiếc xe địa hình do đó mình cũng chỉ có kinh nghiệm với xe địa hình (MTB).

Đặc điển của nó là chống chịu tốt với đường xấu như đường Hà Nội, kiểu dáng thể thao. Tốc độ không quá tốt so với các dòng xe khác như touring hay road.


Chọn xe có hai cách để dựng một chiếc xe đó là mua nguyên chiếc hoặc mua phụ tùng và lắp. Bằng cách nào thì các bạn vẫn phải quan tâm đến cấu hình xe. Mình sẽ trình bày tất cả các đặc điểm mình biết để dựng một chiếc MTB ổn.

  • Khung xe: Đây là thành phần gần như sẽ không thay thế trong suốt quãng đời con xe của bạn, nên khi bắt đầu, hãy chọn một chiếc khung đẹp. Thế nào là đẹp? 
    • Đó là một cái khung vừa với cỡ người của bạn, người trưởng thành khung xe thường từ cỡ 17-19, chọn một khung xe phù hợp với chiều cao của các bạn. Vừa, là như trong hình nhé (Cảm ơn Diep_Phong góp ý)
    • Chú ý chọn chiếc xe có phần khoanh đỏ có hướng chúc xuống dưới, và hai vòng tròn màu xanh có 2 lỗ nhỏ. Mục đích là để thoát nước khi xe gặp nước mưa. Nếu không chú ý có thể khung sẽ làm hỏng trục bi của xe.
    • Chất liệu thì nếu có điều kiện các bạn hãy chọn khung cacbon làm xe khá nhẹ. Còn không thì có thể sử dụng khung hợp kim chống gỉ là được.
    • Một chiếc khung xe bắt mắt => Đẹp về mặt thẩm mỹ. Bạn thấy thế nào là đẹp thì thế là nó đẹp =).
  • Bộ chuyển động: Bộ chuyển động của xe đạp khá nhiều thứ như tay đề, lip, xích, trục, đùi đĩa đây là linh hồn của một chiếc xe đạp.
    • Để chọn tay đề: Cơ bản thì mình không biết chọn tay đề.
    • Líp: Có 2 loại lip phổ biến với xe đạp là líp vặn và líp thả và mình khuyên các bạn nên mua líp thả ích lợi cực lớn của nó là dù có đi mưa hay bụi bẩn vào cũng không ảnh hưởng đến chuyển động của xe. Với líp vặn nó sẽ làm xe có tiếng kêu cót két rất khó chịu nếu không bảo dưỡng đều đặn.
    • Đùi đĩa và trục: 2 phần này liên quan mật thiết đến nhau. 
      • Đùi đặc: Nếu bạn chọn một chiếc đùi đặc sẽ rẻ hơn và bạn phải chú ý khi chọn trục hãy chọn loại trục bạc đạn (giống trục bi xe máy). Trục này tác dụng của nó y hệt so với lip thả. Loại trục còn lại là trục xe đạp bình thường rẻ hơn, nhưng sẽ rất dễ gỉ, ghẻ bi gây ra tiếng kêu lọc cọc khi đạp.
      • Đùi rỗng: Loại đùi của các xe đạp đời mới, nhẹ, trơn hơn rất nhiều và tất nhiên đắt gấp 3 lần so với đùi đặc. Đặc điểm của đùi rỗng dễ thấy nhất là khi lắp vào xe bạn có thể nhìn xuyên qua trục giữa (chỗ màu xanh ở ảnh trên).
    • Pedan: Không quá quan trọng, chọn cái vừa tiền là được.
  • Phanh và giảm xóc: 
    • Với phanh ta có phanh đĩa và phanh má => Chọn phanh đĩa nó sẽ ăn hơn và ít phải bảo dưỡng, thay má phanh hơn. Với dây phanh ta có phanh cơ và phanh dầu các bạn hãy chọn phanh dầu, mặc dù nó khá đắt nhưng đem đến trải nghiệm khác hẳn tuyệt hơn rất nhiều, hơn nữa phanh dầu không cần bảo dưỡng nhiều như phanh cơ.
    • Giảm xóc (thụt): Có 2 loại là thụt dầu và thụt hơi. Mình chưa sử dụng thụt hơi nhưng theo kinh nghiệm dùng thụt dầu của mình thì các bạn nên dùng thụt hơi. Thụt dầu khá tệ và nếu hỏng thì khỏi sửa. Còn thụt hơi thì có thể sửa chữa, khắc phục được.
  • Các phụ kiện khác: Yên xe, tay nắm, cọc yên, gác ba ga v.v... Các bạn có thể lựa chọn tùy thuộc vào sở thích của bản thân. Miễn sao các bạn thấy đẹp.

Trên đây là đặc điểm của một chiếc xe địa hình. Chúc các bạn dựng được một con xe ưng ý. Phần tiếp theo mình sẽ hướng dẫn cách đạp xe đúng cách, đi phượt an toàn.