https://www.artstation.com/artwork/eJ9gGG
https://www.artstation.com/artwork/eJ9gGG
Có những việc mình liệt nó vào phạm trù giải trí. Như viết bài theo trend là để giải trí. Mình không phải không bao giờ viết theo dòng thời sự, nhưng lần nào cũng tự biết rằng việc theo trend ấy nếu không phải vì nuông chiều cảm xúc bản thân (ví dụ cay quá nhịn không nổi), thì cũng là việc làm vô nghĩa chẳng ích gì cho xã hội. Với cái công dụng giải tỏa và thỏa mãn cảm xúc ấy, mình quy nó vào giải trí, chứ không tự huyễn hoặc rằng làm vậy sẽ đem lại lợi ích cao siêu gì cho ai.
Những việc khác mà mình nghĩ là có ích, mình sẽ lặp đi lặp lại nó, từ ngày này qua tháng nọ, từ năm này qua năm khác. Việc lặp lại này một mặt cho thấy mình có niềm tin và sự cam kết với nó một cách hệ thống, mặt khác cho thấy chí ít như vậy mới đủ tạo ra tác động gì đó lên xã hội.
Chúng ta không nên đợi đến lúc xuất hiện Hoàng Anh Forbes mới bàn về lạm dụng tình dục và vấn nạn bao che tiêu cực trong môi trường học đường. Vấn nạn ấy đang diễn ra hàng ngày, đâu đó trên đất nước này.
Chúng ta không nên đợi đến lúc xuất hiện hàng loạt tin tức tự tử, mới bàn về cách nuôi dạy con, bàn về giáo dục, bàn về sức khỏe tâm lý tâm thần của trẻ vị thành niên hay bàn về lẽ sống ở đời.
Chúng ta không nên đợi đến khi phốt ăn chặn từ thiện nổi lềnh phềnh trên mạng mới bàn về sao kê, kiểm toán, thanh tra và quản lý hoạt động từ thiện.
Chúng ta cũng chẳng cần đến lúc biết tin Hiền Hồ cặp kè đại gia, mới biết rằng "ồ thì ra kiều nữ quả thực có cặp đại gia", và bàn về đạo đức trong xã hội Việt Nam.
Chúng ta cũng không nên đợi cho đến lúc các "que củi" bị nhóm lò phô đầy trên mặt báo mới bàn về thao túng thị trường, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư, phân lô bán nền và hàng loạt hệ lụy tiêu cực vốn ai cũng thấy rõ rành rành trong suốt nhiều năm qua.
Mình nghĩ những chuyện này vốn đều là chuyện bình thường, và cần thiết, và nên được nhấn mạnh từ ngày này qua ngày khác một cách có hệ thống, có kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng. Cãi nhau nhem nhẻm trên mạng xã hội về đề thi văn mỗi năm làm gì, khi mà mấy chục năm chương trình giảng dạy văn vẫn y như cũ không có gì thay đổi. Bàn về kiều nữ đại gia để làm chi khi ai cũng biết chuyện này đã xảy ra trong quá khứ và chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai. Hơn thua xoay quanh chuyện tự tử là lỗi của con hay lỗi của bố mẹ để làm gì, khi hệ thống trường chuyên tệ lậu và hàng loạt cấu trúc xã hội khác vẫn được giữ nguyên, thậm chí ngày càng trở nên sâu sắc hơn chứ không có dấu hiệu đảo ngược. Và bàn về Quyết còi liệu có ích gì không, nếu như không đi kèm với những hành lang pháp lý mới cho thị trường chứng khoán.
Sự thay đổi, mình nghĩ, cần phải đến từ việc bạn nhận ra đó là sản phẩm tất yếu của trật tự hiện tại, và không lúc này thì lúc khác, không ở đây thì ở kia, những sự vụ như vậy sẽ luôn luôn xảy ra bởi vì nó là kết quả không thể tránh của một đề toán đã được đặt ra từ trước. Thế nên để tạo thay đổi, cần sự nhẫn nhịn, kiên trì, sự quyết liệt và quan trọng nhất là thực sự bỏ công ra để làm điều gì đó thực chất hơn. Còn nếu như vẫn nhìn vào những thứ thu hút ánh nhìn của ta - những sự kiện, những câu chuyện, những vụ việc "đáng chú ý", thì chúng ta dường như đang trở thành khán giả của cuộc đời mình, trở thành khách vãng lai chiêm ngưỡng xã hội như đang xem một bộ phim, hơn là thực sự sống và thực sự có ích. Ta sẽ bàn tán về nó như bàn tán một bộ phim, và câu chuyện cuộc đời của những con người có thực khác cũng chỉ là truyện kể. Chúng ta sẽ mua vui sự đời, miễn là ngày nào còn may mắn được đứng ở hàng ghế khán giả.
Biết rằng những người lên mạng bàn tán, cuộc đời của họ không có gì thay đổi khi những sự kiện như vậy diễn ra, ngoài việc họ có thêm dịp để lên mạng xã hội bàn luận, tương tác xã hội với bạn bè, người quen, và người hâm mộ của mình. Còn khi họ gặp chuyện, mình nghĩ bạn sẽ không còn tìm thấy họ ở hàng ghế khán giả nữa đâu. Bạn sẽ không còn thấy họ trên mạng xã hội nữa. Họ sẽ bị lôi xềnh xệch lên sân khấu diễn trò cho người khác xem, và nhận ra à, thì ra trước nay mình vẫn đang sống trong thế giới thực, và nỗi đau là một thứ có thực.
Bàn luận về giáo dục mấy chục năm nay ai cũng bàn, nhưng thực tế thay đổi được bao nhiêu? Vẫn là những vấn đề ấy, thêm những vấn đề mới. Có lẽ những kẻ chỉ ra vấn đề cũng hả hê và vui mừng lắm, vì họ đã đúng, và lại càng có nhiều vấn đề hơn nữa để họ tiếp tục có thêm cơ hội chứng minh mình đúng. Còn những điều xã hội không bàn, mà im im làm, thì kéo dài từ năm này qua tháng nọ, từ ngày này qua tháng khác. Ta thấy hết thế hệ này tới thế hệ khác mê tín dị đoan mà không cần được dạy. Ta thấy sự luồn cúi cho qua chuyện đã dần trở thành một nét văn hóa - thậm chí còn được kêu là "hiểu chuyện". Ta thấy bố mẹ lẫn con cái lẫn giáo viên ngầm thừa nhận với nhau rằng cần phải học thêm, dù miệng vẫn lầm bầm chửi giáo dục. Những việc ấy, có cần dạy nhau, chửi nhau, thuyết phục lẫn nhau không, hay tất cả đều tự nguyện làm, ngoan như cún?
Mỗi ngày, mỗi người chấp nhận biết bao nhiêu thứ vô lý xảy ra vì-đời-là-thế như vậy, thì còn tư cách gì để mở miệng ra bàn cái này cái khác? Tối mở điện thoại lên mạng xã hội chửi đời, ngày mai thức dậy làm 10 việc thì thỏa hiệp với tận 9 việc sai trái?
Mình không viết để chừa mình ra đâu, đừng hiểu nhầm. Nhưng nói chung là mình muốn thay đổi, đang dần thay đổi, và không mong mắc phải những sai lầm, không mong thoả hiệp, hay không mong sẽ rơi vào trạng thái đạo đức giả nữa. Hy vọng mình có thể làm điều gì đó có ích. Việc cam kết với viết lách, hoặc sẽ luôn tổ chức giúp đỡ cộng đồng khi có cơ hội, có lẽ cũng là một trong những nỗ lực như vậy.
Bạn càng nghĩ vấn đề nào quan trọng, bạn càng nên làm nó mỗi ngày. Còn chờ đến khi có dịp, cả xã hội mới cùng nhau bàn tán, thì chẳng đi đến đâu cả đâu. Nó chỉ như một quán nước ven đường. Mỗi người trước khi bước vào quán nước ấy để tranh cãi xem tự tử là lỗi con bất hiếu hay lỗi bố mẹ dạy bảo sai lầm, hay lỗi của xã hội có vấn đề, vốn đã có trước cho mình một quan điểm. Họ đã được nuôi dưỡng trong môi trường của họ, sống một cuộc đời dài hơi của họ, để có quan điểm của họ. Và cũng những người ấy, sau khi rời khỏi cuộc tranh luận, chẳng có quá nhiều lý do để thay đổi ý kiến riêng. Đó chỉ là một sự kiện nhỏ nhặt diễn ra trong đời họ, sẽ được tiêu thụ và tiếp thu thông qua thế giới quan của họ. Nếu có chút gì đó thay đổi, cũng là không đáng kể.
Xã hội cần thay đổi, thì nó cần thay đổi từng chút một, mỗi ngày.
Mình hay nói với bạn của mình là, làm người tốt khó lắm. Khó bởi vì khi chúng ta làm tốt, không hẳn sẽ nhận được thành quả. Khi chúng ta làm tốt, chỉ đơn giản là không có điều gì tồi tệ xảy ra thôi. Một hệ thống quốc phòng tốt không phải để có thể sẵn sàng cho chiến tranh, mà để chiến tranh không xảy ra. Ban quản trị an ninh mạng của ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt miễn là ngân hàng đó chưa bị hack, chứ ngân hàng đó không nên nghĩ rằng chả bao giờ thấy bị hack thì cần cái ban này làm gì.
Một xã hội tốt không phải là xã hội có nhiều người biết nói đạo lý, phải trái đúng sai và giỏi tranh luận ở các sự vụ đáng tiếc. Một xã hội tốt là một xã hội có rất ít những sự vụ như vậy.