Lời đầu tiên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kính chào quý độc giả,
Mới gần đây, một người bạn gửi tôi đường link đến bài viết của bà Vũ Thu Hương (Tiến sĩ Địa lí nhưng làm chuyên gia Tâm lý giáo dục, tôi sẽ nói thêm ở phía dưới) về vấn đề trường Chuyên, cụ thể ở đây là trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Khi đọc xong bài viết của vị Tiến sĩ này, cảm giác của tôi cũng giống hệt như hồi tôi mới lần đầu bắt gặp ông Tiến-sĩ-Vật-lý-không-hiểu-rõ-cách-radar-hoạt-động bàn luận về việc Mỹ “gặp khó khăn” trong việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc - sốc tột độ. Hồi cấp ba của tôi gắn liền với môi trường Giáo dục Chuyên, cụ thể hơn là một ngôi trường Chuyên ở tỉnh, nên tôi nghĩ tôi có thẩm quyền khoa học và góc nhìn của một người trong cuộc để có thể bàn luận về vấn đề này. Phía dưới đây là ảnh chụp bài viết của bà Hương:
Đối với quý độc giả đã quen biết tôi qua các bài Khoa học Chính trị, tôi đang lên ý tưởng cho một số bài về Khoa học Chính trị và sẽ quay lại chủ đề này sớm. Nay, mong quý độc giả đổi gió qua một bài xã luận mang hơi hướng bút chiến này.
Có rất nhiều vấn đề với bài viết (và chuỗi bài viết tiếp theo) của bà Hương mà tôi sẽ trình bày, phân tích, và phản biện ở phía dưới.

Phần I: Câu truyện “Con cáo và Chùm nho”, Logic học, và những lỗi ngụy biện của bà Hương

“Con cáo và Chùm nho” là một truyện ngụ ngôn của Aesop, một nhà văn Hy Lạp vĩ đại với kho tàng ngụ ngôn đồ sộ mà ông đã để lại cho nhân loại. Tại Việt Nam, truyện được biết đến qua các bản dịch từ bài thơ ngụ ngôn “Le Renard et les Raisins” của La Fontaine. Phía dưới đây là bản Tiếng Việt đầy đủ của câu truyện [1]:
Một ngày nọ, Cáo ta xuống triền núi và phát hiện ra phía trước có một vườn nho. Dưới tán lá xanh, từng chùm nho căng tròn mọng nước, dưới ánh sáng mặt trời trông lại càng hấp dẫn. Những chùm nho này khiến người ta thèm thuồng. Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép. Cáo ta nhìn trước ngó sau thấy chẳng có ai, nho lại nhiều như thế này, cũng muốn chén ngay mấy chùm. Cáo đứng thẳng người, vươn tay hái nho. Nhưng giàn nho thì cao quá, Cáo ta dù có vươn người đến đâu cũng không thể tới được. Cáo nhanh trí nghĩ ra một cách, thử nhảy lên xem sao nhưng cố lắm cũng chỉ với tới lá nho mà thôi. Cáo ta không đành lòng rời khỏi vườn nho khi chưa chén được quả nào, thế là nó lượn mấy vòng quanh vườn, cuối cùng cũng phát hiện ra một cây nho khá thấp. Cáo ta lại nhảy lên, không tới được chùm nho, lại gắng sức nhảy lên lần nữa, vẫn không hái được quả nho nào. Cáo ta lại lượn xung quanh giàn nho. Ha ha, cuối cùng thì cũng phát hiện ra một chùm nho còn thấp hơn chùm lúc nãy. Thích chí quá, Cáo ta tự đắc: – Không có việc gì có thể làm khó ta được, ha ha! Nước dãi trong cổ họng cứ trào ra, lùi lại mấy bước lấy đà, Cáo nhảy lên, nhưng hỡi ôi, vẫn chẳng với tới được. Cáo ta dù có làm thế nào cũng không thể hái được nho, thở đánh thượt một cái rồi nói: – Làm sao mà mình lại cứ phải cố ăn mấy cái chùm nho này nhỉ? Vỏ thì xanh thế, chắc chắn là chưa chín rồi. Không biết chừng còn vừa chua vừa chát, không nuốt được, có khi còn phải nhổ ra, đúng là chả ra làm sao cả. Nói xong, Cáo rầu rĩ rời khỏi vườn nho.
Tại sao tôi lại trích dẫn câu truyện ngụ ngôn này? Vấn đề của bà Hương là con gái của bà, Thư, như được nhắc đến trong bài viết, THI TRƯỢT trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhưng bà lại ghi tiêu đề là KHÔNG CHO CON HỌC AMS. Rõ ràng, hai việc này không cùng một tầng ngữ nghĩa và cũng không có mối quan hệ nhân quả theo Triết học Ngôn ngữ và Logic học. Tôi tự hỏi, con của bà thi trượt thì bà không cho con học Chuyên Hà Nội - Amsterdam kiểu gì? Chẳng hay bà có phép thần thông nào đó, có thể biến kết quả thi trượt của con gái thành thi đậu, và đậu rồi thì bà kiên quyết không cho con gái vào học? Tôi đoán ý của bà Hương là KHÔNG ỦNG HỘ con thi đậu và học ở trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhưng vì vốn từ vựng có hạn, hoặc là bởi chủ ý nào đó, mà bà đã bẻ thành KHÔNG CHO CON HỌC AMS, khiến rất nhiều người bị hiểu nhầm.
Như vậy, trước tiên, ta có thể thấy bà Hương không có đủ thẩm quyền khoa học để bàn luận về vấn đề này. Con gái bà không đậu Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng bà lại nói như thể là con gái bà đậu rồi nhưng không cho theo học. Nếu như bà xác định ngay từ đầu là góc nhìn của một người thứ ba, không trực tiếp liên quan đến nội bộ trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam, thì bài viết của bà sẽ đỡ gây tranh cãi và hạn chế gặp phải phản biện của các em học sinh trường Chuyên. Bà, và cả con gái trong bài gần nhất, cũng như con cáo trong câu truyện ngụ ngôn trên, khi không có được thứ gì đó liền tự an ủi, dối lòng mình bằng cách nói thứ đó không ra gì cả và mình không cần thứ đó. Hãy chấp nhận thực tế là năng lực mình chưa đủ là mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Nếu như vậy thì vốn dĩ tôi cũng sẽ không viết bài này làm gì. Vấn đề ở chỗ bà Hương từng có một bài viết khoe con gái học Chuyên Văn ở cấp hai (xem hình dưới):
Ảnh được cung cấp bởi một người bạn.
Ảnh được cung cấp bởi một người bạn.
Đến đây, tôi cảm thấy thật sự kì lạ. Bà Hương viết bài “không cho con học Ams” (nhưng thật ra là con gái bà không đủ khả năng và thi trượt), trong đó nêu lên đủ thứ tác hại của Giáo dục Chuyên, nhưng trước đó, bà lại khoe con gái học CHUYÊN Văn ở cấp hai. Chẳng lẽ Chuyên Hà Nội - Amsterdam và lớp Chuyên Văn ở trường THCS Ngô Sĩ Liên không phải là Giáo dục Chuyên? Tôi trộm nghĩ, bà đã vi phạm nguyên tắc Cấm mâu thuẫn trong Logic học, khi tự mâu thuẫn với chính mình.
Quy tắc Cấm mâu thuẫn có thể được phát biểu như sau: “Một ý nghĩ, một tư tưởng khi đã được định hình trong tư duy, phản ánh đối tượng ở một phẩm chất xác định thì không thể đồng thời mang hai giá trị logic trái ngược nhau”. Có một lập luận rất nổi tiếng vi phạm nguyên tắc này, đó là:
Thượng Đế có thể tạo ra một tảng đá mà Ngài không thể nhấc nổi được hay không?
Câu hỏi trên tự đã chứa trong nó một mâu thuẫn logic (Disclaimer: Tôi không theo đạo Thiên Chúa, cũng giống như nhà Triết học Bertrand Russell). Như nhà Triết học Ludwig Wittgenstein đã giải quyết nhiều mâu thuẫn kiểu này, khai sinh ra Triết học Ngôn ngữ, các nhà Logic học chắc chắn đã “tự hủy” khi đặt ra một câu hỏi như thế này, vì đó chắc chắn là điều không thể, hay nói từ phương diện ngôn ngữ, đây là một câu hỏi vô nghĩa. Theo Thần học, Thượng Đế (hay Chúa) được định nghĩa là một thực thể toàn tri và toàn năng, tức là Thượng Đế có khả năng làm mọi thứ. Mục đích của câu hỏi trên là nhằm tìm ra sự mâu thuẫn ở một trong số các đặc tính của Thượng Đế, mà ở đây là sự toàn năng để bác bỏ sự tồn tại của Thượng Đế, và câu trả lời dĩ nhiên là không, và không ngay cả trong thực tế hay tư tưởng. Về mặt logic, những thực thể chứa trong nó các mâu thuẫn logic hoàn toàn không tồn tại, kể cả khi ta thừa nhận nó là một mâu thuẫn trong ngôn ngữ, và đặc biệt là nó không tồn tại về mặt logic. Ta có thể gán cho những thực thể, hiện tượng, hay thí nghiệm giả tưởng kiểu này một con số 0 tròn trĩnh, theo như Đại số Boole trong Toán học, bởi vì nó không tồn tại và không thể tồn tại.
Thực ra, lập luận của bà Hương một khi đã vi phạm nguyên tắc Cấm mâu thuẫn thì nó vô giá trị và không hợp lệ, và tôi cũng không cần phải viết một bài văn phản biện như thế này. Như quý độc giả cũng biết, tôi từ chối tranh luận và sẽ không phí thời gian với những kẻ phản tri thức có lập luận không hợp lệ, tức vi phạm các nguyên tắc logic, hoặc sử dụng các loại ngụy biện. Đối với trường hợp của bà Hương, tôi viết bài bởi vì tôi muốn mượn việc phản biện bà Hương và giải ngố cho cộng đồng, tránh để cộng đồng bị đầu độc tư tưởng, để ủng hộ môi trường giáo dục tinh hoa, mà ở đây là Giáo dục Chuyên.
Hãy xem xét các loại ngụy biện mà bà Hương đã mắc phải trong bài:
Thứ nhất, ngụy biện khái quát hóa vội vã. Đây là loại ngụy biện trong đó sự khái quát hóa chỉ căn cứ trên việc xem xét chỉ một hoặc một vài trường hợp đơn lẻ, hoặc nghiên cứu một trường hợp duy nhất rồi khái quát hóa nó lên như là đại diện điển hình của toàn bộ lớp đối tượng hay hiện tượng nào đó. Bà Hương đã dùng trường hợp con gái bà, một cá nhân đơn lẻ, rồi khái quát thành hàng triệu lứa học sinh Chuyên. Bà đã khái quát hóa một tập hợp khổng lồ chỉ từ một mẫu quá bé nhỏ. Ngoài ra, bà Hương còn dùng từ “các con” mà không có một hạn chế nào hay nêu rõ mẫu tập hợp. Bà là một Tiến sĩ, có học vị cao và làm trong giới Khoa học, bà đáng lẽ phải hiểu đây là phi liêm chính khoa học. Không hiểu tại sao bà lại sử dụng một ngụy biện ẩu như thế này?
Thứ hai, ngụy biện trượt dốc. Đây là loại ngụy biện đưa ra những suy diễn thiếu căn cứ về tương lai để chứng minh một điều nào đó là sai. Người ngụy biện thường suy diễn một cách tùy tiện, thiếu căn cứ về một hậu quả trong tương lai, làm trầm trọng hóa vấn đề mà không bàn đến tính logic của luận điểm đã đưa ra. Ở đây, bà lập luận dựa trên giả định, thiếu căn cứ rằng “sống trong môi trường cạnh tranh” sẽ dẫn đến “tính tình hẹp hòi”. Xin hỏi bà dẫn chứng, số liệu, bài báo khoa học nào ủng hộ cho việc đó? Bên cạnh đó, bà Hương cũng viết bài dựa trên giả định là con gái của bà ĐẬU CHUYÊN. Ta thấy rằng con gái bà chưa đậu Chuyên, tức là bà không có lựa chọn hay kịch bản nào cả.
Thứ ba, ngụy biện lợi dụng cảm xúc. Như tôi đã viết trong bài “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh”, đây là loại ngụy biện sử dụng khi người tranh luận đưa những câu từ đánh vào tâm lý, đạo đức để khiến họ chấp nhận luận điểm (đôi khi là thiếu logic) của mình. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc đánh vào nhiều trạng thái tâm lý, cảm xúc khác nhau như ghen tị, thù hận, thương hại, sợ hãi, tự hào, yêu mến,… Đôi khi các lập luận rất vô lý, nhưng con người lại rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc nên loại ngụy biện này thường khá hiệu quả. Đó cũng là lý do mà ta phải luôn giữ cái đầu lạnh, bình tĩnh đưa ra ý kiến, nhận định của mình khi tranh luận. Ở đây, bà Hương muốn lợi dụng tâm lý đám đông để nâng tầm quan điểm bài trường Chuyên của bà và kêu gọi cộng đồng ủng hộ, bởi vì gần đây vấn đề trường Chuyên một lần nữa gây tranh cãi trên khắp các trang mạng khi cũng có nhiều người phản đối. Rất tiếc, đây cũng là ngụy biện lợi dụng đám đông.
Thứ tư, ngụy biện lợi dụng đám đông. Đây là loại ngụy biện lợi dụng sự ủng hộ của đám đông để biến luận điểm của mình thành đúng theo kiểu “lấy thịt đè người”, “lấy ý kiến đa số rồi đè thiểu số”. Ở đây, bà Hương có dụng ý tạo đám đông qua các chuỗi bài viết để phản biện lại các em học sinh trường Chuyên, đặc biệt là Chuyên Hà Nội - Amsterdam, đang lũ lượt vào tranh luận với bà, nhưng rất tiếc rằng chiêu trò này lại gây phản ứng ngược. Rõ ràng, mặc dù bà có tạo hiệu ứng đám đông đi chăng nữa, ta có thể thấy luận điểm của ai đó được nhiều người đồng tình cũng chưa hẳn là đúng đắn. Vậy nên, đừng vội tin những gì đám đông cho là đúng, cần phải có chính kiến của bản thân và biết cách quan sát, học hỏi bổ sung kiến thức.
Thứ năm, ngụy biện công kích cá nhân. Đây là loại ngụy biện thay vì bàn luận vào chủ đề, người tranh luận lại sỉ nhục, hạ bệ, công kích đối tượng tranh luận bằng ngôn từ để làm giảm uy tín của họ. Ở đây, bà Hương không dùng loại ngụy biện này ở bài viết, mà ở phần bình luận. Bà Hương đơn thuần phản biện lại các em học sinh trường Chuyên bằng cách gom họ là “vô lễ”, qua đó không tiếp, trong khi nhiều em có lập luận sắc bén và lễ phép với bậc trưởng bối như bà. Đây là biểu hiện của sự đuối lý, đơn giản là như thế.
Một bài viết nhiều ngụy biện như vậy là một bài viết không hợp lệ, và đã là một bài viết hợp lệ thì nó vô nghĩa, vô giá trị.
Như quý độc giả cũng thấy, bà Hương là một Tiến sĩ Địa lí, nhưng bà lại (1) nói Địa lí là một môn “rất phụ” như trong bài và (2) nhận mình là một chuyên gia giáo dục, chuyên gia Tâm lý học. Tôi tự hỏi, nếu bà là một chuyên gia giáo dục, thì bà sao lại có thể viết mấy bài như thế này, coi Địa lí là môn học “rất phụ” và đuối lý, lập luận không khoa học khi bị các em học sinh trường Chuyên phản biện? Tôi cũng thắc mắc là tại sao bà Hương có chuyên môn Địa lí lại xem thường môn Địa lí đến vậy? Một vị Tiến sĩ Địa lí tại sao lại không tập trung vào chuyên môn của mình mà lấn sân sang Khoa học Giáo dục, lĩnh vực mà bà không có chuyên môn? Quý độc giả không nên hiểu nhầm ý của tôi ở đây. Mỗi người, nếu có lòng yêu tri thức mãnh liệt, có quyền tìm tòi tri thức sâu và rộng ở liên ngành, từ đó tăng độ hiểu biết cho bản thân để đóng góp cho nhân loại mà không chỉ tập trung ở chuyên môn. Ý của tôi ở đây là vì bà thật sự chưa tìm hiểu tới, hoặc là bà không thật sự hiểu Tâm lý học giáo dục hay Khoa học Giáo dục, nên mới viết ra những nội dung như thế này, và rồi tuyên truyền tư tưởng, kiến thức sai lệch cho cộng đồng.
Hơn nữa, bà Hương có một định kiến rất sai lầm, đó là cứ phải học thêm thì mới có đậu Chuyên. Đã có rất nhiều trường hợp không hề ôn lò luyện thi mà vẫn đậu Chuyên, và ngược lại, ôn lò nhưng vẫn trượt Chuyên. Cá nhân tôi ngày xưa không hề học thêm hay ôn luyện ở lò nào, nhưng tôi vẫn đậu Chuyên Anh với điểm số cao ở Top đầu, và đậu luôn cả Chuyên Toán. Nếu quý độc giả cảm thấy rằng tôi lấy bản thân làm ví dụ là chưa thuyết phục, quý vị có thể lên Google gõ vài từ khóa nhanh để tìm kiếm các trường hợp tương tự khác. Kết quả của những trường hợp này là vô số kể.
Điểm mà tôi thấy biến thái nhất trong tư duy của bà Hương đó là tư duy áp đặt. Tôi không thể hiểu được một người mẹ sao lại có thể tự hào khi phá hỏng ước mơ của con gái mình, rồi đăng lên mạng khoe với cộng đồng như thể bản thân vừa đạt được chiến công lừng lẫy nào đấy? Đây dường như là một đặc tính của rất nhiều bậc phụ huynh ở Đông Á khi xem con là một thứ công cụ do mình sở hữu, do đó có toàn quyền áp đặt lên con. Đây thật sự là một bi kịch, một bi kịch từ bóng ma của Nho giáo.
Sống cho người khác là lãng phí cuộc đời của chính mình.

Phần II: Về Giáo dục Chuyên

Trong tác phẩm “Khuyến Học”, nhà tư tưởng có công khai minh cho nước Nhật, Fukuzawa Yukichi đã có một lập luận rất nổi tiếng, đó là:
Mỗi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn.
[2]
Mỗi con người được sinh ra đều có bình đẳng như nhau về quyền lợi, tại sao dần dần lại có khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn; giữa người giàu và người nghèo; giữa tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị? Fukuzawa Yukichi cho rằng trên thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Những người làm việc khó được coi là người quan trọng, và những người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ. Vì thế, học giả, quan chức chính phủ, giám đốc các công ty lớn, chủ trang trại sử dụng nhiều nhân công,... là những người có địa vị cao, quan trọng. Và một khi đã là những người có địa vị, quan trọng thì đương nhiên gia đình họ cũng giàu sang, sung túc đến mức tầng lớp dưới đáy xã hội nằm mơ cũng không được. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ lưỡng gốc rễ của vấn đề thì chỉ có một nguyên nhân, đó chẳng qua là do có chịu khó học hay không mà thôi, chứ có người nào được trời phú cho đâu?
Fukuzawa Yukichi đề cao sự thực học. Thực học ở đây không phải là bài trừ lý thuyết để trọng thực hành, mà thực học chính là học những gì thật sự có ích cho cuộc sống, mà quả thật là tri thức đều được ứng dụng vào thực tiễn cả. Hãy nhìn xem các tri thức Toán học đã trở thành công cụ đắc lực cho Khoa học máy tính, Vật lý học, Hóa học, và Y học như thế nào. Fukuzawa Yukichi viết trong “Khuyến Học”:
“Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó. Học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của mọi quốc gia. Học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia. Học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người. Để học các môn này, cần thiết phải đọc tất cả các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật. Đối với các bạn trẻ có khả năng thì tôi khuyên nên đọc trực tiếp các nguyên bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức. Khi học phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật. Học như vậy mới có ích cho cuộc sống. Đó là “Thực học” mà ai cũng phải học, là học vấn mà hết thảy mọi người đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. Chính việc tự trang bị kiến thức này, từng cá nhân trên cơ sở làm trọn trọng trách của mình, sẽ điều hành quản lý tốt gia nghiệp được giao.” [3]
Môi trường Chuyên được xây dựng để phát triển sự thực học đó, và đảm nhiệm nốt vai trò đào tạo thế hệ tinh hoa. Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa. Thời kỳ đầu Việt Nam mới bắt đầu giành được độc lập, mặc dù dân trí còn rất thấp, nhưng chế độ mới đã được thừa hưởng một đội ngũ tri thức được đào tạo rất nghiêm ngặt và bài bản, bởi nền giáo dục bản địa và nền giáo dục của nước Pháp. Họ đã giúp nước Việt Nam non trẻ làm được nhiều thành quả. Sức mạnh ấy nằm ở cái chất “tinh hoa” của họ, một thứ phẩm chất được chắt ra bởi hai nền học thuật phương Tây và phương Đông. Ở môi trường Chuyên, như tôi đã được trải nghiệm qua, các em học sinh được giáo dục theo triết lý khai phóng. Các em được khuyến khích tranh luận, phản biện, hợp tác làm dự án, tổ chức các câu lạc bộ và GALA để giao lưu và phổ cập tri thức,... Và quan trọng nhất, đó là các em được đào tạo bởi những chuyên gia hàng đầu, từ những bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ có chuyên môn cao, cho đến những buổi tăng cường học thêm môn Chuyên để chuyên hóa tri thức. Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng thực nghiệm của các trường Chuyên cũng được đầu tư lớn, cung cấp cho học sinh môi trường tốt nhất để các em thỏa sức sáng tạo.
Hệ thống các trường Chuyên ở Việt Nam được lập ra từ năm 1966 nhằm phát triển các tài năng trong các lĩnh vực Khoa học cơ bản. Những thành tựu đầu tiên của trường Chuyên ở Việt Nam là đã cho ra rất nhiều thiên tài kiệt xuất ở các lĩnh vực như Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và Giáo sư Ngô Bảo Châu (Huy chương Fields 2010), Giáo sư Ngô Việt Trung (Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba),...
Thế tại sao không đầu tư cho trường thường mà lại đầu tư cho trường Chuyên nhiều thế kia, sao không nâng cao chất lượng trường Chuyên lẫn trường thường như nhau, qua đó bình đẳng hóa giáo dục? Tất nhiên, Việt Nam vẫn có đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho trường thường, nhưng như tôi đã giải thích ở trên, mỗi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn. Rõ ràng, năng lực học của mỗi em là khác nhau, có thể vì nhiều lý do khách quan, như các bệnh về trí tuệ bẩm sinh, sự nỗ lực, hay là được khai phóng tư duy từ nhỏ. Tại sao các nhà Khoa học, các nhà Triết học vĩ đại lại phải viết các công trình mà họ dành cả đời để tìm hiểu, nghiên cứu thành nhiều quyển sách dày cộm, mà quyển nào cũng khó hiểu thế? Nếu em nào cũng đặc biệt như nhau thì rốt cuộc chẳng có em nào đặc biệt cả, cũng chẳng cần có giới tinh hoa lãnh đạo vì giới bình dân ai cũng đặc biệt như nhau cả rồi? Hơn nữa, nếu các em đều hiểu những lý thuyết khó hiểu này một cách bình đẳng như nhau thì chúng ta đâu cần khái niệm thông minh hay đần độn, đâu cần con người học tập để giỏi hơn nữa, hay từ đó suy rộng ra là phá bỏ nền tảng các tầng lớp xã hội? Đến lúc này, ta chợt nhận ra nền tảng tri thức của nhân loại đã được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử sẽ sụp đổ trong phút chốc, bởi vì điều này là không tưởng. Chúng ta không thể bắt một học sinh giỏi như nhau và giỏi hàng loạt được, bởi vì lúc nào cũng có những em có năng lực vượt trội hơn ở một số môn so với các em khác. Các em chỉ được bộc lộ tiềm năng, các thế mạnh thuở sớm, và môi trường Chuyên là nơi để ươm mầm trí tuệ kịp thời và bồi dưỡng các em trở thành giới tinh hoa.
Theo quyển sách “Handbook of Gifted Education”, các tác giả cho rằng Giáo dục Chuyên đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại, khi nhà Triết học Plato đề xuất cung cấp một nền giáo dục đặc biệt cho các học sinh tài năng [4]. Cho đến nay, sau hàng thế kỷ phát triển và hoàn thiện, Giáo dục Chuyên đã được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Pháp, hệ thống trường Chuyên, lớp chọn có tên “Classes préparatoires aux Grandes Écoles” (CPGE), dịch là “Lớp dự bị vào Trường Lớn”. Trường Lớn là hệ thống trường đại học được thành lập vào giữa thế kỷ XVIII nhằm đào tạo đội ngũ công chức cao cấp thuộc nhiều ngành nghề phục vụ cho nền hành chính quốc gia, chính phủ và nhà nước. Ngày nay, mỗi trường một chuyên ngành và trực thuộc các bộ chủ quản khác nhau như Học viện Nông học, Hành chính Trung ương, Cầu đường, Mỏ, Bách khoa, Sư phạm, Viễn thông,... Những người Việt đầu tiên tốt nghiệp ở các trường này là dưới thời thuộc địa, như Hoàng Xuân Hãn ở trường Bách nghệ, nhà văn Phạm Duy Khiêm hay nhà Triết học Trần Đức Thảo ở Đại học Sư phạm Paris. [5]
Hiện nay, lớp CPGE được coi là bậc đầu tiên của hệ Đại học, kéo dài hai năm, nhằm tăng cường kiến thức để giúp sinh viên tỉ thí ở các concours (kỳ thi) sát hạch vào Trường Lớn thuộc những ngành Kỹ thuật, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Thương mại, Nghệ thuật. Tuy nhiên, các CPGE lại được đặt trong khuôn viên của trường trung học (Lycée) danh tiếng ở thành phố hay thủ phủ kinh tế lớn như Paris, Lyon, Bordeaux, Nantes, Lille, Toulon, tổng cộng đặt tại 448 lycées trên toàn nước Pháp. Thí sinh phải có bằng tú tài, cộng với hồ sơ bảng điểm xuất sắc của nhiều năm học thì mới có cơ hội gia nhập giới tinh hoa học đường này. Nếu sinh viên thi trượt có thể chuyển sang học tiếp ở hệ thống các trường đại học tổng hợp (Université). Nói một cách khác, CPGE là phòng chờ để được vào các Trường Lớn.
Hệ thống CPSE cũng có rất nhiều lợi ích, và nó rất tương đồng với hệ thống trường Chuyên ở Việt Nam. Sinh viên không học lệch, vì ngoài việc được trang bị kiến thức cơ bản, họ còn được hưởng một chương trình đa ngành. Nghĩa là trong hai năm học đó, sinh viên chọn chuyên ngành Toán học hay Khoa học tự nhiên thì cũng không thua kém về kiến thức Triết học hay Văn học. Sinh viên cũng được trợ giúp để xây dựng kế hoạch cá nhân hay dự định nghề nghiệp, và được rèn luyện những kỹ năng phân tích, tổng hợp và phản biện ở cả diễn văn và diễn ngôn.
Nhìn từ trường hợp nước Pháp, ta có thể thấy sự cần thiết của nền Giáo dục Chuyên. Trẻ có năng khiếu thường thể hiện khả năng nhận thức tiên tiến, học hỏi nhanh chóng và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các khái niệm phức tạp. Theo Psychology Today, môi trường giáo dục truyền thống có thể không cung cấp đủ thách thức hoặc kích thích cho những học sinh có năng khiếu. Sự không tương thích giữa khả năng của trẻ có năng khiếu và chương trình giảng dạy có thể dẫn đến sự nhàm chán, thảnh thơi và kém hiệu quả [6]. Bằng cách điều chỉnh tốc độ và độ phức tạp của chương trình giảng dạy cho phù hợp với khả năng của trẻ, chương trình Chuyên cho phép học sinh có năng khiếu phát triển mạnh trong học tập và duy trì động lực học tập. Cũng theo Psychology Today, Giáo dục Chuyên có một số tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ có năng khiếu:
Thứ nhất, thành tích học tập được nâng cao: Nghiên cứu cho thấy rằng học sinh Chuyên vượt trội so với học sinh không học Chuyên trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn và các thước đo khác về thành tích học tập. Học Chuyên, hay như Psychology Today dùng thuật ngữ Academic Acceleration (tạm dịch: Học vượt chương trình) [Ghi chú: Học Chuyên ở Việt Nam cũng đưa các kiến thức vượt chương trình ở cấp độ Đại học hoặc cao hơn cho học sinh học, nên tôi xem chúng là tương đương, và sẽ dùng cụm Chuyên để thay thế], cho phép trẻ có năng khiếu tiếp cận nội dung nâng cao hơn, trau dồi kỹ năng và kiến ​​thức phù hợp với khả năng của chúng.
Thứ hai, nâng cao động lực: Học sinh trong các chương trình Chuyên, vượt cấp cho thấy sự quan tâm, động lực và sự hài lòng cao hơn. Bằng cách cung cấp một môi trường học tập đầy thách thức và kích thích hơn, tăng tốc thúc đẩy động lực nội tại và sự tò mò trí tuệ.
Thứ ba, về khía cạnh sức khỏe tinh thần: Trái ngược với những lo ngại rằng học Chuyên có thể gây hại cho sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ có năng khiếu, nghiên cứu chỉ ra rằng những học sinh học Chuyên có kết quả tốt hoặc tốt hơn so với các bạn cùng lứa tuổi không Chuyên về lòng tự trọng, khả năng điều chỉnh xã hội và sự ổn định về cảm xúc. Phát hiện này có thể là do cảm giác thân thuộc và sự tự tin ngày càng tăng mà những đứa trẻ có năng khiếu trải nghiệm trong môi trường Chuyên, nơi chúng có thể tương tác với những bạn cùng chí hướng và cảm thấy bị thách thức về mặt học thuật.
Thứ tư, về mặt kết quả dài hạn: Học sinh có năng khiếu trong môi trường Chuyên có nhiều khả năng theo đuổi bằng cấp cao hơn, xuất sắc trong các lĩnh vực đã chọn và đóng góp cho xã hội thông qua đổi mới và lãnh đạo. Bằng cách nuôi dưỡng tiềm năng của chúng ngay từ sớm, việc học Chuyên sẽ tạo tiền đề cho thành tích và thành công.
Bên cạnh đó, trong bài nghiên cứu “Is there still a need for gifted education? An examination of current research”, các tác giả xem xét các nghiên cứu gần đây về học sinh năng khiếu. Các tác giả phản ánh những gì đã nghiên cứu được về giáo dục năng khiếu trong vài thập kỷ qua và xem xét bằng chứng thuyết phục có thể hỗ trợ Giáo dục Chuyên. Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng nhu cầu về các chương trình giáo dục Chuyên trong giai đoạn hiện tại vẫn rất quan trọng trong nền giáo dục Mỹ, khi năng suất sáng tạo của Mỹ đang bị thách thức bởi các quốc gia châu Âu và châu Á. [7]
Hẳn nhiên, Giáo dục Chuyên ở Việt Nam vẫn chưa hoàn hảo. Vẫn còn một số vấn nạn liên quan đến luyện thi, hay nói thô là luyện gà chọi mang thành tích cho trường. Đa phần các chỉ trích liên quan đến trường Chuyên là về vấn đề này. Thực ra, với việc chọn đội tuyển học sinh giỏi, thông thường các em học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích môn học mới đăng ký dự thi một cách tự nguyện, trường và giáo viên suy cho cùng chỉ dừng lại ở vai trò xúc tác, khích lệ đi thi mà thôi. Tôi cũng từng thi học sinh giỏi, và tôi đánh giá việc thi không quá tiêu cực hay quá áp lực như báo mạng thường đưa tin. Về những tiêu cực, có thể tôi sẽ trao đổi thêm với quý độc giả ở phần bình luận, hoặc sẽ viết một bài riêng biệt để mở rộng vấn đề một cách đa chiều.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 08/06/2023, hoàn thành vào 09/06/2023.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[2], [3] Fukuzawa, Yukichi (1872 - 1876). “Khuyến Học hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản”. NXB Dân Trí. pp. 8 - 9.
[4] Colangelo, Nicholas, & Davis, Garry A. (1997). “Handbook of Gifted Education”. Pearson.
[6] Koehler, Jessica (2023). “Unleashing the Potential of Gifted Minds”. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/us/blog/beyond-school-walls/202303/unleashing-the-potential-of-gifted-minds. Accessed 09 June 2023.
[7] Reis, Sally M., & Renzulli, Joseph S. (2010). “Is there still a need for gifted education? An examination of current research”. Learning and Individual Differences, Journal of Psychology and Education. Volume 20, Issue 4. pp. 308-317. https://www.researchgate.net/publication/223686993_Is_there_still_a_need_for_gifted_education_An_examination_of_current_research. Accessed 09 June 2023.
Ngày 09 tháng 06 năm 2023,
Trần Tuấn