“Lạc đề…”
Là hai từ được cô giáo viết trong phần lời phê trên trang giấy lem nhem đầy nét mực của tôi khi hào hứng nhận lại kết quả chấm bài tập làm văn của mình trong tiết Ngữ văn 12. Tôi cũng không thấy lạ lẫm gì với lời phê của cô giáo trên bài viết của mình khi bao nhiêu cái vụn vỡ, cái thất vọng đã trôi đi thật xa trong suốt 12 năm học Ngữ Văn bị điểm kém của mình.

Tôi chán ghét môn Ngữ Văn đến mức nào?

Tôi là một đứa không thích học môn Ngữ Văn, cái không thích ấy của tôi trải qua rất nhiều năm tháng và tích lũy thành một bao tải to với những lý do có từ thuở nhỏ. Bới lúc nhỏ tụi bạn luôn có ba mẹ ân cần hướng dẫn tập làm văn, còn tôi thì lại phải học theo văn mẫu trong cuốn sách tham khảo cũ kĩ và đầy nét mực nguệch ngoạc của anh trai mình để lại những năm học tiểu học.
Tôi không thích học môn Ngữ Văn chút nào hết, bởi lúc học cấp 2 các bài đọc thường dài lê thê và cô giáo thì hay gọi từng bạn đứng lên đọc bài, vì khi đọc to thành tiếng tôi thường bị vấp nên không hề muốn đến tiết học Ngữ Văn. Và còn vì môn toán dễ đạt điểm giỏi hơn là môn văn.
Tôi vẫn không thích học môn Ngữ Văn, vì lúc cấp 3 học văn thường phải phân tích theo dàn ý mà cô giáo cho sẵn, vì bài thơ thì khó hiểu còn bài văn thì dài miên man. Có một sự kiện đã khiến tôi khẳng định chắc nịch rằng mình không thích môn Ngữ Văn và không phù với việc mình phải viết ra hằng ngàn con chữ dài gần máy trang giấy chỉ để đạt 3,5 điểm văn ở kì thi tốt nghiệp.

Cảm xúc viết trong tôi chớm nở và vụt qua như thế đấy!

Suy nghĩ ấy như bữa cơm hằng ngày, đã hiển nhiên chiếm chỗ trong tâm trí tôi, cho đến khi bắt đầu đi học xa nhà với cuộc sống đầy mới lạ ở Sài Gòn, tôi vui tươi hát ca suốt ngày trong những năm đầu đại học của mình. Nhưng dù tôi có hào hứng, có mới mẻ đến thế nào thì cái thành phố rộng lớn ấy cũng làm tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn giữa nơi đất chật người đông này. Tôi đã trở nên suy nghĩ rất nhiều, tôi thích những cơn mưa rơi, thích ánh nắng chiều tà chiếu qua ô cửa sổ, thích cả cái nhẹ nhàng của làn gió thổi mùa thu. Tôi trở nên có cảm xúc hơn với mọi thứ xung quanh mình, tôi suy nghĩ về bản thân nhiều hơn mà hồi đó tôi ngây ngô không nhận ra rằng mình đã có thể lắng nghe cơ thể và cảm xúc của mình. Tôi đã bắt đầu thích viết ra những cảm xúc ngắn và đăng chúng trên mạng xã hội, nhưng thời ấy bạn bè cho rằng tôi sến rện so với vẻ ngoài khô khan, mạnh mẽ của tôi. Tôi cũng bắt đầu yêu đương ở lứa tuổi mới lớn và thời đó tôi thích viết thư tay để thổ lộ tình cảm cho người mình thích. Nhưng rồi chuyện yêu đương lặng lẽ kết thúc, tôi lao đầu vào tập trung cho việc học nhiều hơn nhưng chưa hề nhận ra rằng mình đã để quên lại cái cảm xúc viết lách mới chớm nở giữa cái tấp nập của Sài Gòn.

Tôi có một ngàn ý muốn nhưng không một lý do nào để viết:

Sẽ không có sự chuyển hóa nào, nếu câu chuyện tôi viết ra chỉ dừng lại ở đây khi bao nhiêu ngày tháng bận rộn với công việc, cái áp lực đè nén trong đầu khiến tôi ngột ngạt từng ngày. Tôi như bất giác nhận ra mình cần quay về với bản thân mình, để tâm trí trở nên bình yên và bay bổng như những đứa trẻ .Và như thế cảm xúc viết trong tôi lại ùa về như làn gió mát lành thổi qua xua tan những cơn oi bức giữa mùa Hạ. Tôi trở lại với viết cũng không hề dễ dàng gì, rất đấu tranh trong tư tưởng, giữa việc muốn viết ra rất nhiều nhưng bản thân lại ngụy biện ra muôn ngàn lý do khó khăn chỉ để giữ cái tài nguyên đẹp đẽ ấy trong đầu mà không viết ra bất cứ một từ nào. Cũng nhiều khi, tôi bừng lên cảm hứng để viết về một chủ đề nào đó nhưng khi viết khoảng chừng dăm ba câu bàn tay đã ngừng gõ canh cánh trên chiếc bàn phím laptop và đầu thì đã thôi suy nghĩ từ lúc nào không hay.

Hành trình đến lớp học "Content 3 gốc" của tôi:

Thật may mắn thay, sự dằn co trong tâm trí của tôi ngày đó đã không vụt tắt, nó cứ le lói như ánh đèn dầu trong khoảng không vô vọng. Tôi vẫn lướt các bài viết trên mạng xã hội, lướt xong rồi chụp lại, cứ lưu vào máy liên tục trong vô thức cho đến khi bộ nhớ sắp đầy và trong đầu vẫn không ngừng suy nghĩ rằng làm sao để mình có thể viết hay được như người ta nhỉ? Viết khoảng bao lâu thì có thể tạo ra được các tinh hoa như vậy?... Sự ngưỡng mộ về những người đã tạo ra các bài viết tinh tú ấy đã hình thành trong tôi. Và rồi duyên cũng đã đến, tôi được một người anh giới thiệu đến với lớp học “Content 3 Gốc”, nơi mà cảm giác lúc đầu tôi là sự hoài nghi vì lớp học này rất đặc biệt, các thành viên trong lớp đến từ nhiều nơi, có đủ các ngành nghề và trải qua các thế hệ khác nhau, tôi nghĩ vui là mọi người đến từ các hành tinh khác. Nhưng tất cả đều có chung một niềm say mê viết lên câu chuyện chính bản thân mỗi người. Tôi thật sự thích cái không khí rôm rả của lớp học, cái thân thiện của các thành viên dù chưa hề gặp nhau lần nào và cả sự nhiệt tình của các anh, chị đứng lớp giảng bài, vì chưa bao giờ mình tìm thấy được những điều này trước đây.Và cũng chính những điều đó đã khiến ngọn lửa le lói trong tôi trở bên bừng sáng như mặt trời.
Tôi trải qua 12 buổi học, mỗi buổi đều là một câu chuyện truyền cảm hứng giúp tôi tự tin hơn khi viết ra những điều mình thích. Viết tuôn chảy huyền không với tôi nó được ví như tình đầu vậy, nó khiến tôi thổ lộ hết cảm xúc có trong mình mà không có bất kỳ điều gì có thể ngăn cản được bản thân, viết hướng về thực tại, viết theo dòng suy nghĩ để con chữ tuôn chảy theo dòng suối.
Kể từ giây phút ấy tôi nhân ra bản thân đã có sự khác biệt, tôi bắt đầu thay đổi để nội dung có chiều sâu và tập trung tạo ra giá trị cho bài viết thông qua thông điệp lõi nhất hướng và thông điệp lõi trí tuệ mà mình đã được học. Tôi học cả bố cục viết mà cứ nghĩ bố cục chỉ có mở bài, thân bài và kết bài như trước giờ mình vẫn biết thời còn chán ghét học môn Ngữ Văn. Ngoài việc viết để hiểu mình thì cần phải hiểu người làm tôi bất ngờ rằng hóa ra những cuốn sách tôi từng đọc qua mà cảm giác như viết dành cho mình là đây sao, điều này thật vi diệu.
Và việc mình chẳng biết tí gì về thơ ca nhưng ai rồi cũng khác, tôi bắt đầu thích làm thơ vào bài viết của mình, có những bài viết chuyên môn vì sợ nó khô khan tôi cũng đã thử làm thơ và đọc lại thấy hay ra phết đấy chứ. Có những điều mà tôi tưởng chừng như không cần thiết phải học như: Sửa lỗi chính tả, lỗi dùng dấu câu, lỗi tách câu,… nhưng rồi bản thân mình tự động làm nó trong vô thức chỉ để bài viết mang gia vị của sự tinh tế và trọn vẹn trong từng câu chữ. Tôi đã bất giác mỉm cười nghĩ mình được quay lại thời tiểu học, cái thời mà hay bị chép phạt vì sai quá nhiều lỗi chính tả. Và thêm nữa là cái cách giật tít để truyền sao cho thông, sao cho hay để tăng lượt tiếp cận của người đọc cũng đã khiến tôi trầm trồ. Ôi chao ôi, thật thú vị.

Tinh hoa được thắp sáng trên bầu trời đầy tinh tú:

Ta đang theo đuổi một hành trình riêng
Trải qua hết vạn vật đầy thiên liêng
Mang cho đời biết bao niềm yêu thương
Những đóa hoa mang vô vàn sắc hương
Như giọt sương còn đọng lại trên chiếc lá
Như ánh nắng chiếu qua tâm hồn ta
Hành trình viết đưa ta ngàn vạn dặm
Dẫn lối ta qua cánh rừng tối tăm
Biết ơn vì tâm thức ta bình an
Những nghĩ suy lang thang chợt biến tan
Ta thả mình trong lối viết huyền không
Tâm trí như dòng suối chợt khai thông
Viết hiểu mình rồi lại viết hiểu người
Tâm hồn kết thành giai điệu vui tươi
Nối mỹ từ vươn xa thành vần thơ
Câu sắc nét chữ sẽ không còn mơ (hồ)
Giật tít hay tăng tương tác dạt dào
Tỏa tinh hoa giữa muôn ngàn ánh sao
Tôi không còn là một đứa trẻ vô tư luôn chán ghét những tiết học Ngữ Văn, cũng không còn là cô bé với bài văn bị điểm kém nữa, mà giờ đây nó đã trở nên vô giá bởi sự nỗ lực của chính mình. Content 3 gốc thắp lên trong tôi ngọn lửa của sự say mê và sáng tạo cho bài viết của riêng mình, hành trình này không dài, chỉ vỏn vẹn một tháng nhưng đã thay đổi được quảng đường 20 năm đi tìm mình là ai của chính tôi. Cuối cùng cảm xúc của tôi đã bắt đầu được gọi tên từ trong chính những câu văn, những vần thơ mình đã viết nên. “Con đường nào bắt đầu cũng sẽ có những khó khăn, chông gai khiến ta không ít lần bỏ cuộc và quên đi những ước mơ của chính mình. Nhưng rồi chỉ cần ta luôn nỗ lực kiên vì bởi lẻ không có con đường nào là khó, mà chỉ có bàn chân ta ngại những lối xa, cuối con đường sẽ luôn dần ló lên ánh mặt trời lên để xua màn đêm tối tăm của ngày hôm qua”.