Anh sẽ về, sẽ ở lại, sẽ gắn bó với em, dù ngọt ngào hay cay đắng.
Trích Làn mây mùa xuân - Tuyền Rosapine - cuốn "gọi nhau là người cũ"
1.
- Anh thấy sao anh? Ngon không? - Ừ! Có lẽ là ngon... - Sao anh lại dùng từ "có lẽ" chứ? Anh trả lời thiệt lòng đi! Tất cả là do vị giác của anh cảm nhận mà. - Ờ thì ngon! - Miễn cưỡng quá! - Em làm ơn được không? - Sao ạ? - Ngày mốt anh phải giao bản thiết kế cho người ta rồi và bây giờ thì anh cần phải xem lại thật kỹ lưỡng, em à! - Dạ vâng, em quên mất là anh đang làm việc. Em xin lỗi, em về đây. Hôm nào anh rảnh thì em lại sang. - Ý anh không phải thế. Anh chỉ cần em an vị ở chiếc ghế bành kia và đợi anh một chút cũng chẳng sao. - Thôi! Anh đang làm việc mà và em nhận ra là mình quá loi nhoi. Hì hì... Đôi khi, chỉ vì em phấn khích quá nên muốn chạy ngay đến đây với anh thôi. Anh làm tiếp đi, em về đây. À! Phần bánh này, em để trên bàn ăn ở nhà bếp nhé! - Ừ! Anh biết rồi em! - À anh nè! - Gì nữa hả em? - Bánh lần này là bánh kem hương cam, mà làm cam tự nhiên nhé, không phải hương liệu hoá chất đâu. - Anh biết em lúc nào cũng dùng hương liệu tự nhiên mà. - À anh! Bánh này, em chỉ chà láng bằng kem cam thôi. Em không trang trí, em thử nghiệm thôi à. Anh đừng có chê xấu nha! - Ừ! Anh biết... Anh không bao giờ chê em! - Ok, ok, em về đây!
Mây nhanh chóng chạy xuống nhà bếp, đặt bánh kem ở đó, rồi lại nhanh chân chạy ra cửa chính, nhặt lấy đôi giầy đặt ở giá treo ngay góc tường cạnh đó. Và như một con sóc, cô đã biến mất sau khi cánh cửa đóng sập một cái. Một góc đời trầm mặc của Bách vừa bị khuấy động lên rộn ràng bởi cô gái nhỏ bé ấy.
2.
Bách là kiến trúc sư, ba mươi ba tuổi, nét cười hiền từ, dáng vóc phong độ và bờ vai rộng khiến anh trẻ hơn so với tuổi của mình. Công việc cho anh có một lịch làm việc chẳng giống ai. Bách có thể dậy muộn khi mặt trời lên quá mấy cây sào và có thể vẫn chong đèn bên bản vẽ khi xung quanh thiên hạ đã say giấc nồng.
Ai đó bảo rằng kiến trúc sư là những nhà toán học mang tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ. Sách vở nào đó cũng ngợi khen ngành kiến trúc là sự kết hợp giữa mỹ thuật và nghệ thuật, nghe lãng mạn và kiêu hãnh quá đỗi... Người ta tụng khen nghề của anh như một thứ hái ra tiền. Ừ thì cơ bản là như thế nhưng với một người lăn lộn với nghề gần chục năm qua, hơn ai hết, Bách hiểu những áp lực khó chịu của nghề. Óc và mắt là những thứ luôn căng ra như dây đàn mỗi khi deadline sắp đến. Đâu có dễ để nhận lấy thù lao từ tay những ông chủ lớn.
Hai năm trước, cuối tháng mười một, những dự án tối mắt tối mũi ở Sài Gòn đã kịp hoàn tất. Anh có quyền an nhiên, tự tại để trở về thăm vùng quê quan họ của mình. Bách thích chụp ảnh. Những lần về quê hay đi du lịch đâu đấy, anh hay xách máy ảnh theo. Bách hay chụp phong cảnh, anh không thích chụp người. Bởi lẽ đối với anh, cảnh trí thiên nhiên thường khiến người ta thấy yên bình hơn là ngắm nhìn một dung nhan nào đấy.
Bách gặp Mây lần đầu tiên trong những bức ảnh mà anh mang về từ chuyến đi Bắc Ninh đó. Giữa tấm thảm vàng tươi, xanh mơn mởn của vườn cải ven sông Đuống, ống kính của anh vô tình bắt được một nụ cười với hai lúm đồng tiền bé xiu ở khoé miệng, nụ cười ngọt ngào đến trĩu cả lòng.
3.
- Lần đó, em đi đâu lên tận Bắc Ninh vậy? - Em đi theo các chị trong lớp học nghề làm bánh. - Mọi người lên đó để làm gì? - Các chị đi du lịch, rồi tặng bánh cho mấy bé trong trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật ở xã Kinh Bắc, thôn Niềm Xá đấy anh. Tụi em đi nhiều nơi lắm. Lần đó, tháng mười một, biết là mùa hoa cải nên tụi em lên đó. Mọi người chụp nhiều lắm, nhưng em thì... cứ đứng trước ống kính là thấy ngượng à... Nên trong mấy bức hình đó, em cứ thấy mình xấu xí sao sao á. Chỉ có bị anh chụp chơi chơi vậy mà trông thật nhất thôi. - Mây đã phân trần với anh như thế, lúc sau này, khi anh và cô đã thân quen hơn một chút.
Mây là một cô bé mồ côi. Một ngày giữa tháng giêng, khi người ta còn đang vui vầy sau mấy bữa Tết cổ truyền, có con bé sơ sinh nhỏ thó và thoi thóp như một con mèo con, được ai đó quấn lại kĩ lưỡng bằng tấm khăn lông to bản, rồi bỏ trước cổng nhà thờ. Sơ Hằng mang cô vào ở cùng với các dì phước. Sơ gọi cô là Mây. Bởi nước da trắng nõn và... bởi cô lạc lõng giữa đời...
- Em thích gì nhất hả Mây? - Bách hỏi Mây, khi anh loanh quanh cùng cô trên những cung đường đầy cây xanh dọc quận bảy. - Em thích làm bánh kem nhất! - Có gì vui mà em mê dữ vậy? - Vui chứ anh, bao nhiêu là thứ đẹp đẽ được tạo nên từ thứ kem xốp xốp, mềm mềm. Em thấy hay lắm đó chứ. - Rồi sau này em sẽ làm gì với đam mê đó của mình? - Em sẽ gom góp tiền làm thêm để mở một tiệm bánh. Em sẽ bán đủ thứ bánh, mà đặc biệt là bánh kem. Em làm thêm ở tiệm bánh của chị Tú để học việc mà cũng có tiền nữa. Em sẽ để dành từ từ. - Em gom góp à? Không cần ai giúp sao? - Em mồ côi mồ cút, cái gì cũng phải tự lực thôi. - Mà ngày nào em cũng làm bánh. Cứ làm nhiều như vậy rồi ai ăn? Lỡ ế thì sao? - Thì em ăn, mấy mẹ ở nhà thờ, mấy em trong cô nhi sẽ được ăn miễn phí. Em đâu có sợ ế. Em chỉ sợ hôm nào mình làm không ngon, lại phụ lòng mọi người.
Thường thì với những cô gái trước đây Bách gặp, ngồi sau xe anh thế này, nói chuyện với anh vài bận, là thể nào cũng đá động đến thứ này thứ khác. Anh có chút tiền, còn họ thì sở hữu chút nhan sắc. Mối quan hệ của anh với họ cứ bàng bạc một thứ màu đổi chác. Còn Mây, cô gái trẻ đang an vị phía sau yên xe của anh đây, dù anh có mở lời gợi ý cũng chẳng mảy may manh động. Cô khác quá nhiều đối với những nàng chân dài, mặt đượm phấn, cơ thể ngát hương kia.
4.
Cho đến thời điểm này, một năm qua rồi, Bách vẫn không thể lí giải được cái gì đã giữ chân anh và Mây lại thật lâu với nhau như thế. Dù anh với cô chẳng có điểm chung gì, thậm chí đôi khi anh thấy chẳng cần cô nữa.
Mây non nớt quá. Mây cứ như một đứa trẻ ở cạnh bên anh đây. Cô trẻ con đến mức, cứ mỗi khi "phát minh" ra một hương vị bánh mới thì lại chạy đến bên anh đầu tiên. Bánh hương vani, bánh hương dâu tây, bánh hương nhãn, hương xoài... Bánh của Mây đủ loại, đơn giản mà ngon. Cắn một miếng bánh có ghém vào những mảnh trái cây li ti, người hảo ngọt sẽ thấy vị giác như được chiều chuộng tối đa. Bách đã từng được Mây tặng chiếc bánh kem sắc sảo như vậy trong tiệc sinh nhật thứ ba mươi hai của mình.
Mây là thế, cô có đam mê riêng, cô có cách sống thú vị của riêng mình.
Nhưng đôi khi, khoảng cách tuổi tác mười lăm năm khiến Bách cảm thấy mối quan hệ của anh và cô vô vị quá. Với cô, yêu là hẹn hò ở công viên, lòng vòng phố xá. Từ lâu, những điều đó với anh thật lạ lẫm... Cái cảm giác trong trẻo này, anh đã quên lâu lắm rồi, kể từ khi chia tay mối tình sinh viên. Sự nghiệp cho anh nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của anh nhiều giá trị khác. Thành công khi còn quá trẻ phải chăng đã khiến cho anh trở nên hư hỏng. Để giải toả căng thẳng công việc, anh lại rơi vào những guồng quay thâu đêm, ở những nơi mà người khác giới đối với anh chỉ là để thoả mãn những cảm hứng trần tục chứ không chỉ để ngồi cạnh bên nhau an yên và tĩnh tại. Nhưng với Mây, anh chẳng thể nào trần trụi như thế. Những lúc ngồi cạnh bên Mây, ôm cô vào lòng, xoa mái tóc nồng mùi nắng và thơm thơm cái dư vị béo ngọt của bánh nướng, Bách cũng muốn đặt lên đôi môi ấy, gương mặt ấy một nụ hôn nồng nhiệt đến cháy lòng, rồi mặc sức cho cảm xúc muốn đi đến nơi nào cũng được. Nhưng rồi khi Mây ngước lên nhìn anh, đôi mắt trong veo của cô khiến anh thấy mình phàm phu quá. Rồi nụ hôn trong tâm tưởng bỗng bị hiện thực hoá thành cái hôn phớt nhẹ nhàng trên trán. Mong manh.
Bách muốn dừng chân. Mà người con gái anh yêu thì thiếu nữ quá. Con đường của cô mới bắt đầu còn đường anh đi thì đã hơn phân nửa. Cô trẻ con lắm, chưa đủ chín để làm vợ. Anh chẳng dám giam tuổi trẻ của cô vào cái lồng vô vị của hôn nhân. Nhưng mà cô cũng chưa đủ nồng nàn và phóng đãng để làm một người tình không danh phận bên anh. Mây chỉ có thể là cô bạn gái hồn nhiên có thể khuấy động những góc đời trầm mặc của Bách. Mà lúc bấy giờ, anh thấy không cần. Đôi khi anh tự hỏi, liệu có phải anh giữ Mây bên mình là vì cô bé có một nụ cười đồng điếu giống hệt Lụa của anh ngày xưa?
5.
Lụa hẹn gặp Bách bằng một dòng tin nhắn. Mười năm gặp lại, cô chẳng thay đổi nhiều. Lụa vẫn đẹp một nét đẹp đầy sức sống. Ngoài ba mươi, cô còn đằm thắm hơn bởi nét chín muồi của tuổi. Trong góc quán sushi sang trọng, cạnh một cành hoa ly trắng thơm nức nở, Lụa cười hiền. Nụ cười đồng điếu như Mây của anh bây giờ. Thẳm sâu trong đôi mắt của người thiếu phụ đã trải qua bao mùa thương mùa khó ở xứ người, Bách nhận ra nét buồn man mác.
- Em về nước với gia đình à? - Em về một mình. Các con của em vẫn ở Nhật, chúng nó phải đi học. - Sao không nghe em nhắc đến Nagoku? - Em và anh ấy ly hôn cách đây hai năm. Em nuôi con từ đó đến giờ. - Không cứu vãn cuộc hôn nhân được sao? - Cũng tới lúc nó không thể níu kéo được anh à! - Anh rất tiếc.
Bách cúi mặt xuống món sushi trứng cá đang dang dở trước mặt, gắp trọn một miếng to, cho vào miệng, mà hương mù tạt dội lên mũi, cay nồng.
Lụa đã cùng anh đi qua thời sinh viên không nhiều xáo động. Lúc đó anh còn nghèo, là chàng trai hai mươi còn lăn lộn trên giảng đường kiến trúc. Những năm tuổi trẻ, anh bươn chải ở những quán cà phê để giữ một chân phục vụ bàn. Anh lăn lội cả những ngày gió mưa để kèm cặp việc học hành cho các cậu ấm cô chiêu. Tất cả là để lấy ngắn nuôi dài, nuôi dưỡng cho những mộng ước lớn lao hơn, không chỉ cho anh mà còn cho cô nữa.
Ngày đó, giá cả và nhịp sống Sài Gòn chưa ồn ào và đắt đỏ như bây giờ. Hẹn hò nhau, chỉ cần hai chục ngàn là đủ để ăn bò bía, uống nước mía, rồi hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang, đi lòng vòng thành phố, ghé hồ Con Rùa hay dạo công viên. Thế là đã trọn vẹn cho khoảng thời gian bên nhau.
Nhưng Lụa là con gái thủ đô, học Nhật ngữ và biết chơi piano từ hồi bé xíu. Tuổi thiếu thời cô đã quen được cung phụng. Dần dà rồi... anh trò nghèo cũng chẳng giữ được cô. Lụa buông tay anh trong đêm Noel cách đây 12 năm. Cô chỉ bảo rằng: "Em phải đi lấy chồng! Anh ấy hứa sẽ lo lắng cho em khi em học hành bên đó." Ba năm sau đó, cô mới viết thư về, nói với Bách rằng mình đang ở Nhật, đang học kinh doanh. Lá thư đó, anh đọc, mà chẳng muốn hồi âm.
Giờ thì cô ngồi đây, nét mong manh như một cánh anh đào.
- Anh đã lập gia đình chưa? - Lụa hỏi Bách. - Anh vẫn còn độc thân. - Sao anh không cưới ai đó? - Anh chưa thể cưới được. - Ba mươi ba tuổi rồi... Người ta cũng cần một gia đình mà anh. - Anh sẽ làm thế, khi anh thật sự cảm thấy ổn. - Anh Bách! - Lụa ngập ngừng hồi lâu - Có phải anh còn tình cảm với em không? - Anh không muốn trả lời câu hỏi này. - Mình... Trở lại với nhau lần nữa, được không? - Để làm gì? Rồi em lại ra đi à? - Em không... Ngày xưa là do em sai lầm... Chưa bao giờ em thấy hạnh phúc bên Nagoku cả... - Thôi đi em! - Bách gỡ tay Lụa ra khỏi vai mình một cách dứt khoát. - Quá khứ là quá khứ. - Nhưng em còn thương anh và em biết anh cũng vậy. Mười hai năm qua em chưa quên anh được. - Cô ôm vai anh, siết chặt.
Hương nước hoa nồng nàn khơi động lòng anh. Có gì đó như thổn thức, có gì đó như quen thuộc, ùa về lấp đầy khoảng cách giữa hai người, nó khơi dậy những mong muốn của mười hai năm trước.
Bách cố đẩy Lụa ra khỏi anh một lần nữa, nhưng trong thâm tâm anh đang tìm cho mình một câu trả lời rõ ràng nhất cho những cảm xúc vừa diễn ra.
6.
Bách trằn trọc cả đêm. Anh nghĩ về những điều vừa diễn ra. Lụa về làm chi lúc này? Người con gái đã cùng anh đi qua ba năm tuổi trẻ trong sáng, từng khiến anh mơ ước về những năm trung niên êm đềm, đã trở về khi gián đoạn hơn một thập kỷ, bên người khác. Trong cái khoảnh khắc níu kéo muộn màng ấy, cô cho anh cảm nhận được sự ngọt ngào của ký ức và sự từng trải của hiện tại. Nghe có vẻ thực dụng quá, nhưng đúng là anh thấy xứng hợp với kiểu phụ nữ hiểu đời kia.
Bách nghĩ về Mây. So với Lụa, Mây với anh như đang đi hai chiếc giày không cùng số, cố gắng ép cho vừa chân nhau mà mãi cứ thấy chật chội, khó bước. Anh cố gắng suy nghĩ trong sáng hơn để phù hợp với Mây. Mây cũng cố gắng quan tâm, dịu dàng hơn cho vừa lòng anh. Nhưng anh vẫn hay thấy phiền vì sự trẻ con của cô còn cô thì lễ phép quá đáng. Mọi biểu hiện dường như không đúng với bản chất của họ.
Tuổi trẻ của Mây, lẽ nào phải gắn với một ông già như Bách? Anh cần một người đủ trải nghiệm để chia sẻ cuộc sống. Cô nên tìm một cậu trai ngang tuổi để có thể song hành cùng cô. Như anh với Lụa ngày xưa vậy. Họ có thể mơ cùng nhau những ước mơ cao xa tuổi mười tám. Họ có thể hẹn hò và Mây sẽ mang đến cho cậu ta bao nhiêu loại bánh mới mà cô làm: tiramisu, bánh bông lan cuốn, bánh khúc cây hay bánh hương cam, hương bưởi gì đó... Họ sẽ đón tuổi ba mươi cùng nhau, không chênh lệch. Chứ có đâu như anh và Mây bây giờ.
Thôi thì... Cứ giữ duyên của Mây lại bên anh làm gì? Cứ ép mình cho xứng với cô làm chi?
7.
Nhà anh, cửa đóng im ỉm. Mấy lần Mây đến để mang bánh cho anh, cô gõ mãi mà cũng chẳng có ai mở cửa. Cô đặt những hộp bánh trước lối vào nhà. Cô nhắn tin cho anh, vẫn chẳng có một lời hồi âm. Ba tuần lễ, sáu hộp bánh kem thơm ngon để lăn lóc ở đấy vẫn còn nguyên đấy.
Anh trở về cuộc sống của trước kia, trước khi quen biết Mây. Anh lại làm việc hì hục, lại kiếm tiền, lại lao vào những cuộc vui thâu đêm. Anh lại là một chàng trai thành công mà hư hỏng. Sự hư hỏng của riêng anh, chẳng phải khiến cho cô bé trẻ con kia phải bận lòng. Không là gì của Mây nữa thì sự hư hỏng đó cũng không khiến anh phải thấy mình có lỗi với ai.
Bách cố giữ lòng mình cứng như thép. Im lặng là cách tốt nhất để đơn phương chia tay mà không bị nước mắt của đối phương làm cho mủi lòng. Nhưng có những lúc đứng nép trên cửa sổ phòng mình nhìn xuống trước hiên nhà, thấy bóng dáng Mây lủi thủi đến, lúi húi dọn dẹp mấy hộp bánh rỗng tuếch vì chuột bọ, rồi cẩn trọng đặt một hộp mới tinh gói bằng giấy hoa vào ngay vị trí đó, lủi thủi ra về. Mây đâu có khóc, mà sao anh thấy nặng lòng khó tả.
Một tháng trôi qua, Mây vẫn kiên trì mang bánh mới cho anh như vậy. Cô không đặt ở cửa ra vào nữa mà lon ton chạy ra phía bếp, treo lên khung cửa sổ, rồi nhắn tin cho anh. Treo bánh ở đó, lũ côn trùng và gặm nhấm chẳng có đường mò tới. Bánh vẫn vẹn nguyên như lúc đầu. Có hôm, Bách đi đêm về nhà, chẳng còn hàng quán nào mở cửa. Cái đói xâm nhập vào dạ dày. Cồn cào, cồn cào. Hương bánh nướng, bánh kem béo thơm khiến anh không có cớ gì cưỡng lại. Có những lúc bình thường thấy thật vô vị nhưng đến một lúc nào đấy, như bây giờ, anh lại thấy cần. Cần vô cùng!
Sự mừng rỡ hiện lên rõ rệt trên nét mặt Mây, khi cô nhận ra hộp bánh kia trống rỗng không phải vì đám "hôi của" nhỏ thó và ham gặm nhấm. Lớp giấy hoa chắc chắn là đã được bóc ra bởi một bàn tay nhẹ nhàng mà cẩn trọng. Cô biết Bách vẫn ở đây. Chỉ là vì anh bận bịu mà thôi. Có lẽ, những dự án và những bản thiết kế tới tấp khiến anh chẳng còn thời gian để gặp Mây thôi. Cô tự gieo vào lòng mình những suy nghĩ tự trấn an như vậy.
8.
Một tuần đầu tháng năm, bảy ngày, Bách không nhận được bất kì một gói giấy nào. Những lúc đi ngang qua cửa sổ, vờ như chẳng để tâm, nhưng ánh mắt anh lại liếc hướng ấy. Mà tuyệt nhiên chẳng thấy chút gì. Cảm giác lo lắng len vào tâm trí anh. Từng lúc. Từng hồi.
Anh gọi cho Mây. Đó là lần đầu tiên sau bốn tháng chỉ giao tiếp với nhau bằng những gói hoa đựng bánh. Nhưng Mây không nhấc máy. Gọi hơn hai mươi lần vẫn không nhấc máy. Sự sốt ruột đốt cháy lòng anh. Bách quơ vội chiếc áo măng-tô khoác lên vai, rồi tức tốc lao đến nhà thờ. Anh đòi gặp Mây cho bằng được. Sơ Hằng bảo rằng Mây nằm viện. Điện thoại thì con bé chẳng mang theo. Sơ Hằng vẫn giữ đây, cất trong balo con bé. "Con bé bị gãy chân. Tai nạn xảy ra trong cái lần nó đi giao bánh cho ai đó, cách đây một tuần".
"Giao bánh cách đây một tuần", lẽ nào là buổi tối cuối cùng Mây đến nhà anh? Nghĩ đến đấy, Bách chạy ào đến bệnh viện. Trong một phòng bệnh rất nhiều người, anh thấy Mây nằm thiếp đi trên một chiếc giường cạnh khung cửa sổ. Gương mặt cô xanh xao và chân phải bị bó bột trắng toát. Không một ai bên cạnh lúc này. Dường như, bao giờ Mây cũng là một kẻ cút côi. Bách nhẹ nhàng kéo ghế, định lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh Mây. Nghe tiếng sột soạt, cô bé mở mắt dậy. Thấy bóng dáng Bách, cô rạng rỡ hẳn lên.
- Anh Bách! Anh phải không? - Ừ! Anh nè! - Em tưởng, anh định bỏ rơi em rồi chứ. Em tưởng, anh cũng như mẹ của em ngày xưa vậy đấy. Em tưởng, không còn một ai muốn ở bên cạnh em... - Mây khóc, nước mắt nhỏ từng giọt xuống chiếc gối trắng tinh. - Thôi nào! Không khóc nữa. Anh vẫn ở đây. Anh chẳng bỏ rơi em bao giờ. - Sao mấy tháng qua anh không gặp em? Anh cũng không nói chuyện với em? - Anh... - Có phải vì bản vẽ? - Bản vẽ nào? - Bản thiết kế cho người ta. Anh vẫn thường nhốt mình trong nhà như thế để vẽ, em để ý thấy mấy lần rồi. Nhưng lần này là lâu nhất. - À! Ừ! - Còn cách giải thích nào đẹp lòng Mây hơn như thế. Sự tư duy ngây thơ của cô gái trẻ này khiến anh thấy mình càng có lỗi hơn nhiều, nhưng Bách gật đầu. Nói dối, đâu phải lúc nào cũng xấu. - Ừ! Anh vẽ mấy tháng qua. Hôm nay thì... mới vừa xong. - Xong rồi thì lại gặp nhau thường xuyên nhé! Em sẽ mang bánh đến cho anh mà không lo ngại chuyện phiền hà đến anh nữa. - Ừ! Mà em đừng nói nhiều nữa. Nằm nghỉ ngơi đi. Khi nào khoẻ rồi nói. - Bách nắm chặt bàn tay Mây.
Bốn giờ sáng, Bách trở về nhà khi Mây đã ngủ thật say. Bảy giờ sáng mai, anh có một cuộc hẹn với khách hàng. Còn ba tiếng đồng hồ để chợp mắt. Ngả lưng xuống đệm, anh thấy người rã rời như thể lâu lắm rồi anh chẳng được nghỉ ngơi. Rã rời nhưng lòng lại nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng như vừa đi lạc đâu đó rất xa, rất lâu và hôm nay mới lại trở về với cái nơi thân thương và quen thuộc của mình.
Chuông tin nhắn reo lên bim bíp, Bách với tay, bật điện thoại. Anh thở dài khi đọc thấy giọng văn già dặn trong dòng tin của Lụa: "Yêu thương chân thành rồi sẽ đẩy chúng ta về với nhau mà anh!". Mỉm cười nhẹ, Bách soạn một tin nhắn mới: "Yêu thương chân thành sẽ đẩy ta về phía nhau, dù chênh lệch thế nào. Anh sẽ về, sẽ ở lại, sẽ gắn bó với em, dù ngọt ngào hay cay đắng".
Ngập ngừng, rồi anh nhấn nút gửi.
Chiếc điện thoại đặt trong balo của Mây rung lên.