Tự hào vì chiến tranh? Cảm ơn, nhưng đất nước ta cần nhiều hơn thế!
Điều gì làm bạn tự hào khi nhắc tới hai tiếng Việt Nam ? Một đất nước nhỏ bé nằm ở phía nam Trung Quốc nhưng đã đứng vững trước hàng...
Điều gì làm bạn tự hào khi nhắc tới hai tiếng Việt Nam? Một đất nước nhỏ bé nằm ở phía nam Trung Quốc nhưng đã đứng vững trước hàng chục âm mưu xâm lược của người láng giềng to lớn? Một quốc gia với một chính quyền non trẻ nhưng đã tạo nên trận Điện Biên Phủ rung động quốc tế và dám đứng lên chống lại cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ và khiến người Mỹ phải muối mặt rút quân dưới sức ép của một phong trào phản chiến mạnh mẽ nhất lịch sử? Đúng vậy, như bao người Việt Nam khác, người viết luôn tự hào với các chiến công của cha ông và cảm kích trước xương máu bao thế hệ đã nằm lại. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi rằng phải chăng lòng tự hào dân tộc mà chúng ta có được ngày hôm nay đã và đang được hun đúc gần như dựa hoàn toàn vào chiến tranh?
NHỮNG THẦN TƯỢNG LỊCH SỬ
Một trong những điều bất cập nhất mà người viết nhận thấy trong cách giảng dạy văn hóa và cụ thể là môn lịch sử ở Việt Nam là nó khơi gợi nên một tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc thuần túy dựa vào các chiến công quân sự. Điều này thể hiện qua việc các nhân vật nổi bật nhất, được thần tượng hóa và tôn thờ nhất là những người có chiến công quân sự nổi bật nhất.
Từ quân vương
Đối với mỗi người dân Việt Nam, nếu phải kể tên vị quân vương nổi bật nhất lịch sử, người viết dám khẳng định 99% đó sẽ là Quang Trung Nguyễn Huệ, vị hoàng đế bách chiến bách thắng, đánh đông dẹp bắc, vị anh hùng phá Xiêm đuổi Thanh để lại những trang sử hào hùng nhất cho dân tộc. Quang Trung Nguyễn Huệ có lẽ không chỉ là vị vua nổi bật nhất mà còn là nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, là thần tượng của rất rất nhiều thế hệ học sinh trên ghế nhà trường (khi người viết học lớp 5 những cuốn vở nháp luôn chất đầy những hình vẽ đoàn binh áo vải Tây Sơn). Không khó để nhận thấy chân dung của Nguyễn Huệ được khắc họa gần như hoàn hảo không tì vết trong sách giáo khoa lịch sử và trên cả Wikipedia. Nhưng, sự nghiệp trị quốc của Quang Trung để lại những gì? Dù cho nhiều ý kiến ca ngợi Quang Trung bên cạnh đánh giặc còn rất chăm lo đối nội với nhiều chính sách cải cách, vẻn vẹn 4 năm làm vua trước khi qua đời một cách đột ngột có lẽ là không đủ để đưa ra một nhận định chính xác về tài trị quốc của ông. Di sản mà ông để lại cho con cháu là một đất nước chưa định hình, một kế hoạch dời đô dang dở, một chính quyền thuần quân sự với khả năng sản xuất yếu kém và hoàn toàn không có giao thương quốc tế, hậu quả do chính quân Tây Sơn gây ra khi đã cướp bóc và tàn phá hoàn toàn những trung tâm thương mại từng một thời sầm uất nhất nhì Đông Nam Á bấy giờ như Hội An, Phố Hiến, Mỹ Tho hay Cù lao Phố.
Nếu so sánh với lịch sử một dân tộc rất gần gũi với chúng ta cả về địa lý, văn hóa là Trung Quốc thì những vị hoàng đế nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa như Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Đường Thái Tông Lý Thế Dân hay Thanh Thánh Tổ Khang Hi đều để lại những di sản to lớn về mặt văn hóa, kinh tế, tư tưởng cho hậu thế. Những chiến công quân sự dưới thời những vị hoàng đế này cũng rất nhiều, nhưng nó không phải là những thứ duy nhất hay nổi bật nhất để làm nên tên tuổi họ. Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta không thiếu những vị quân vương với khả năng trị quốc tài giỏi và nguồn di sản đồ sộ như vậy. Đó là Lý Thái Tổ, là Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, hay thậm chí Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung cũng là một vị quân vương vô cùng thú vị và có nhiều điều đáng ngưỡng mộ. Nhưng trên "bảng xếp hạng thần tượng", những vị hoàng đế này chắc chắn không thể so được với Quang Trung. Điều này có phải là do họ không phải là nhân vật chính trong những chiến công quân sự và chống ngoại xâm hiển hách?
Tới quân thần
Quân vương đã như vậy, đối với những quân thần trực tiếp cai quản dân chúng, công đức và tài nội trị dường như vẫn đặt dưới khả năng quân sự. Tài năng của Lý Thường Kiệt đã bảo vệ nhà Lý non trẻ trước quân Tống xâm lược, nhưng cơ nghiệp ổn định bậc nhất lịch sử Việt Nam kéo dài hơn 250 năm của nhà Lý liệu có thể được duy trì nếu không có tài phụ chính của Tô Hiến Thành? Nhưng nhắc tới Tô Hiến Thành, bao nhiêu phần trăm trong chúng ta trả lời được chính xác ông làm quan dưới triều đại nào, chưa nói tới việc hiểu rõ tài năng và đức độ của ông ra sao. Tiếp nối nhà Lý, nhà Trần được đánh giá là một triều đại hiển hách làm rạng danh lịch sử với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đại công này được đề cao tới mức tên tuổi những tướng lĩnh cấp dưới như Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão trở nên lấn át những đại thần như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu trong văn hóa đại chúng.
Và khi nhắc tới những nhà văn hóa trong lịch sử dân tộc, chúng ta có thể nói với con trẻ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú... là những nhà bác học, sử học, văn hóa đại tài, nhưng nếu con trẻ hỏi lại chúng ta "Họ tài giỏi như thế nào?", e rằng chỉ một mô tả cơ bản nhất về sự nghiệp của họ chúng ta cũng khó lòng kể ra được. Con trẻ làm sao có thể thần tượng những nhà văn hóa khi mà chúng không biết chút gì về họ? Và khi lớn lên, chúng làm sao có thể tự hào về những điều mà chúng không biết? Sự thiếu hụt những hiểu biết về thành tựu văn hóa dân tộc là do chúng ta không có một nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà bác học lỗi lạc hay là do chúng ta chưa thực sự khai thác hết những di sản của họ và truyền bá rộng rãi tới quần chúng?
Có thể có ý kiến cho rằng thời hạn cho môn lịch sử có hạn, chỉ có thể đưa vào chương trình những nội dung chắt lọc, "tinh túy" nhất. Nhưng bản thân người viết không đồng ý với quan điểm này, thứ nhất là chương trình sử Việt Nam kéo dài suốt 3 cấp học của chúng ta có quá nhiều phần lặp đi lặp lại, thứ hai là sự phân bố bất hợp lý, ví dụ như phần lịch sử hiện đại giai đoạn thế kỷ XX chiếm quá nhiều khối lượng. Có phải là do chúng ta thiếu thời gian dạy sử, hay là do những nhà giáo dục cảm thấy việc tôn vinh những chiến công quân sự sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc?
Và những sự kiện trọng đại
Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam là gì? Thật dễ dàng để kể ra những chiến thắng quân sự: chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dựng nền độc lập, 3 lần đánh đuổi Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi năm 1428 đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập, cách mạng tháng Tám 1945, đại thắng mùa xuân 1975... Vậy còn một sự kiện vô cùng quan trọng mà thiếu nó thì không thể tạo nên hình hài chữ S như ngày hôm nay đó là Công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn thì sao? Tầm quan trọng của nó theo cá nhân người viết xứng đáng nằm trong top 3 sự kiện quan trọng nhất lịch sử dân tộc. Nhưng sách giáo khoa lịch sử thời người viết còn đi học chỉ đề cập vô cùng sơ sài về chuỗi sự kiện này, những câu chuyện kể trong sách Truyện đọc tiểu học và các sách Ngữ văn thì hoàn toàn bỏ quên nó. Tại sao? Có phải vì đó chỉ là một cuộc khai hoang mở đất diễn ra một cách chậm rãi, không hoành tráng và khơi gợi tinh thần dân tộc như chống ngoại xâm? Tên tuổi của Nguyễn Hoàng, người khai màn cho công cuộc Nam tiến, nằm ở một vị trí rất mơ hồ trong nhận thức của quần chúng, dù công lao của ông xứng đáng tiệm cận một vị trí anh hùng dân tộc.
Trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn, tác giả Nguyễn Gia Kiểng có dành một phần riêng để so sánh hai nhân vật Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung, đều là những đại thần nhận được sự tín nhiệm tối cao sau đó lợi dụng thời cuộc để cướp ngôi vua. Nhưng cách nhìn nhận của các sử gia và văn hóa đại chúng với hai nhân vật này lại đối nghịch nhau. Hồ Quý Ly nhanh chóng làm mất nước vào tay giặc Minh và trong thời gian làm đại thần thì liên tục thất bại trước Chiêm Thành thì gần như không phải nhận nhiều chỉ trích từ các sử gia và còn được ca ngợi rất nhiều về các chính sách cải cách (vẫn còn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả). Trong khi đó Mạc Đăng Dung, cho tới trước cuộc phong trào nhìn nhận lại công lao nhà Mạc, phải nhận vô vàn những công kích vì hai sự kiện là cướp ngôi nhà Lê và quỳ lạy xin hàng quân Minh ở ải Nam Quan, bất chấp thực tế rằng nhà Mạc là đã giữ cho đời sống Bắc bộ ổn định trong một thời gian tương đối dài và việc quỳ lạy đã tránh cho đất nước một nguy cơ xâm lược từ quân Minh. Sự đối nghịch này, theo Nguyễn Gia Kiểng, bên cạnh quan điểm thiếu khách quan của các sử gia với nhà Mạc, còn do Hồ Quý Ly đã dám đánh lại quân xâm lược (dù thua, và thua rất nhanh), còn hành động không đánh mà quỳ lạy cầu hòa của Mạc Đăng Dung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể hiện quốc gia. Bản thân người viết đồng ý với nhận định này của tác giả.
NHỮNG ĐẶC SẢN VĂN HÓA
Vậy nếu không phải là chiến tranh, chúng ta sẽ giới thiệu những gì với bạn bè quốc tế về đất nước mình?
Ẩm thực
Từ kinh nghiệm cá nhân, người viết có thể khẳng định Ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực gia đình và đường phố, thuộc vào hàng đặc sắc nhất trên thế giới. Người viết sẽ nhớ mãi hình ảnh những ngày đầu mới đi học xa nhà, thèm ăn một món đồ Việt và chứng kiến những người Pháp xếp hàng chờ hơn nửa tiếng đồng hồ trước cửa những quán phở Việt Nam tại Paris. Dạo một vòng quanh khu chợ châu Á ở quận 13 Paris, rất dễ dàng để bắt gặp những hình ảnh như vậy, vào mọi thời điểm trong năm. Trong 3 từ tiếng Việt được lựa chọn nằm trong dữ liệu từ điển Oxford là Áo dài, Bánh mỳ và Phở, ẩm thực chiếm 2, đủ cho thấy vai trò quan trọng của ẩm thực trong sự phổ biến văn hóa Việt Nam trên tầm quốc tế.
Bên cạnh bánh mỳ và phở, ẩm thực Việt Nam còn một món ăn khác cũng rất nổi tiếng và được bạn bè quốc tế ưa thích đó là nem. Cá nhân người viết chưa từng thấy một người bạn Pháp nào của mình không tấm tắc khen khi thưởng thức nem, đó chắc chắn không phải là lời khen xã giao vì nó lặp đi lặp lại rất nhiều lần, và rất nhiều người rủ người viết dẫn đi ăn hàng Việt chỉ để được ăn nem, ngay cả khi món nem được bán trong các nhà hàng buffet Việt bên châu Âu thường chỉ là nem đông lạnh. Khi người viết học năm thứ nhất đại học, hội sinh viên tại trường chia các sinh viên trong khoa thành nhiều nhóm, gọi là gia đình, để tăng tình đoàn kết trong cộng đồng. Trong các gia đình đó có một gia đình được đặt tên là NEM, dù chỉ có một người Việt Nam duy nhất!
Ẩm thực là một nét đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, nếu như người Nhật có sushi, người Ý có Pizza, Spaghetti, người Mỹ có hamburger (dù nguồn gốc ở Đức)... thì Việt Nam chúng ta có Bánh mỳ, Phở và Nem là những đồ ăn có thể đạt tới đẳng cấp quốc tế, và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về nét văn hóa này của dân tộc mình.
Tiếng Việt
Nếu như để trả lời chính xác câu hỏi "Điều gì đã giúp dân tộc Việt Nam đứng vững và không bị đồng hóa trong ngàn năm Bắc thuộc cũng như những cuộc xâm lăng sau này?" thì điều đầu tiên người viết muốn nhắc tới đó là nhờ vào sức sống bền bỉ của tiếng Việt. Dù bị cai trị, phụ thuộc và ảnh hưởng mạnh mẽ vào nền văn hóa Trung Hoa, tiếng Việt đã giúp cha ông ta đạt được những ý thức sơ khởi về một dân tộc riêng, không phải người Hán và nhất định không chịu bị Hán hóa. Những tư tưởng đó dần dà đã giúp chúng ta hình thành nên tinh thần dân tộc, qua đó biết nắm lấy thời cơ để thoát khỏi sự cai trị từ phương Bắc. Trong lịch sử hàng nghìn năm của thế giới, đã có hàng nghìn ngôn ngữ bị biến mất và hàng trăm dân tộc bị đồng hóa, không nhiều dân tộc và ngôn ngữ trải qua quá trình bị cai trị liên tục và lâu dài như người Việt và tiếng Việt mà có thể bảo tồn và phát triển thành một quốc gia độc lập như ngày nay, và chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào mạnh mẽ về điều đó.
Thời còn đi học, người viết rất ngại học Văn, đặc biệt là Văn cấp 2, không phải vì tôi không thích môn Văn mà vì cách dạy và thi môn Văn dựa trên dàn ý và văn mẫu có một sức triệt tiêu kinh khủng với khả năng sử dụng tiếng Việt của mỗi cá nhân. Ngôn ngữ là công cụ để dìu dắt và bộc lộ tư duy, một người dù có trí tuệ giỏi giang đến mấy nếu không biết cách diễn đạt những suy nghĩ của mình cũng sẽ rất khó để phát huy tài năng ấy. Sau này cách ra đề thi môn Văn có sự tiến bộ rất lớn khi bổ sung thêm thể loại nghị luận văn học và nghị luận xã hội, tinh thần sáng tạo và khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh được chú trọng đề cao hơn, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa những cố gắng trong việc giảng dạy môn Văn để khai thác triệt để và phát huy tinh hoa của tiếng Việt. Đây là một điều vô cùng cần thiết vì tiếng Việt là bộ mặt của văn hóa Việt Nam, là một niềm tự hào dân tộc và vì lịch sử đã chứng minh: giữ được tiếng Việt, người Việt sẽ còn sinh sôi, nước Việt sẽ còn tồn tại!
Những di sản kiến trúc
Theo UNESCO, Việt Nam có 5 công trình nhân tạo được công nhận di sản thế giới bao gồm: Cột cờ Hà Nội Khu di tích hoàng thành Thăng Long, Kinh thành Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Thành nhà Hồ. So với những hàng xóm Đông Nam Á, hầu hết chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, số lượng di sản của Việt Nam thuộc top đầu, nhưng về độ nổi bật thì không thể so được với quần thể Angkor tại Campuchia. So rộng hơn với những nước cùng chia sẻ nền văn hóa Trung Hoa, di sản còn lưu lại ở Việt Nam vừa kém về số lượng, vừa thua về tầm vóc. Không thể phủ nhận một điều không may là chiến tranh đã tàn phá rất nhiều di sản kiến trúc của Việt Nam, nhưng ngay cả với những công trình đã từng tồn tại thì sao? Tầm vóc những công trình kiến trúc mà ông cha ta đã từng xây dựng đạt tới mức nào?
Thăng Long là kinh đô của nước ta trong phần lớn chiều dài lịch sử, Hoàng thành Thăng Long do đó sẽ là nơi phô bày tinh hoa và sức mạnh của cả dân tộc. Do chiến tranh, hoàng thành đã 3 lần bị tàn phá tới nỗi di sản để lại ngày nay chỉ còn lại rất ít. Nhiều cuộc khai quật đã được tổ chức, nhưng dù cố gắng tìm tòi người viết vẫn chưa tìm thấy một văn bản chính thức về kích thước cũng như quy mô của điện Kính Thiên, hạt nhân của toàn khu vực Hoàng thành. Một đồng đạo trên Spiderum từng trả lời người viết một lần rằng chiều cao điện Kính Thiên vào khoảng 32m, gần bằng chiều cao điện Thái Hòa trong Tử cấm thành Trung Quốc (35m), tiếc rằng chưa tìm thấy dẫn chứng cụ thể cho nhận định này ngoại trừ ghi chép của Trương Vĩnh Ký trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi rằng điện Kính Thiên có "kích thước rất lớn với những cột gỗ lim chu vi một người ôm".
Nếu quả thực cha ông ta đã từng xây dựng nên những công trình với quy mô và kích thước lớn như vậy thì quả là một điều đáng tiếc khi chiến tranh đã phá hủy gần hết, và còn đáng tiếc hơn rất nhiều khi chúng ta không đầu tư vào việc phục dựng lại những công trình như vậy. Có thể tìm thấy trên youtube có một số dự án phục dựng Hoàng thành Thăng Long bằng đồ họa 3D, nhưng nếu để ý thì thu hút rất ít lượt xem và đều đã không còn được cập nhật cách đây vài năm. Ngay cả một việc không tốn quá nhiều chi phí như phục dựng đồ họa 3D mà chúng ta còn không có được một sự quan tâm đầu tư nghiêm túc thì đó chắc chắn là một điều vô cùng đáng trách, thể hiện sự hời hợt và không hề quan tâm tới việc truyền bá tinh hoa dân tộc thông qua các giá trị văn hóa (ở đây là kiến trúc).
Hình ảnh Hoàng thành Thăng Long qua đồ họa 3D của nhóm 3D Art., jsc
Trong khi việc phục dựng các công trình kiến trúc cổ đang bị lãng quên thì chính quyền các cấp tại Việt Nam lại vô cùng hào hứng với việc xây dựng tượng đài. Theo Hội nhà báo Việt Nam thì không tỉnh thành nào tại Việt Nam không có tượng đài, theo ước tính cả nước có khoảng hơn 400 tượng đài với vốn đầu tư từ chục tới vài trăm tỷ đồng, chưa kể những đại công trình với vốn đầu tư cả hơn ngàn tỷ đồng như dự án Tượng đài Bác Hồ trị giá 1400 tỷ tại Sơn La, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng 411 tỷ tại Quảng Nam.. Nếu con số 400 tượng đài được rút xuống chỉ còn khoảng 40 và những nguồn lực nghìn tỷ này được tập hợp lại thì chắc chắn chúng ta không thiếu kinh phí để phục dựng lại toàn bộ Hoàng thành Thăng Long cũng như những công trình khác. Chưa kể tới việc phục dựng những công trình xưa cũ còn mang lại giá trị sử dụng to lớn cho các mục đích khác như du lịch, điện ảnh, giáo dục... chứ không chỉ để... ngắm và tôn thờ.
Những tượng đài chiến sĩ, cách mạng... vẫn đua nhau mọc lên trong những cuộc đua tiền tỷ, vì nó dễ cắt xén, và vì nó là hiện thân trực tiếp và nhắc nhở hàng ngày mỗi chúng ta về một lòng yêu nước đang bị hằn sâu bởi những dấu vết chiến tranh. Những điện vua, sân triều, thành quách hay cung tẩm, dù chứa đựng vô vàn giá trị văn hóa lịch sử, nhưng khi không mang trong mình một ý niệm về quân sự, thì cũng đành ngậm ngùi lùi xuống trong sự lãng quên mà thôi.
KẾT
Chiến tranh thực sự đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam, và với tư cách một người Việt Nam người viết không bao giờ cho phép mình quên đi những gì cha ông ta đã phải đánh đổi bằng xương máu. Nhưng trong bối cảnh khi mà sự xâm lược bằng quân sự đã lỗi thời trước những cuộc xâm lược từ từ nhưng sâu sắc bằng văn hóa, kinh tế... chúng ta lại vẫn đang sùng bái một cách thái quá chiến tranh trong khi đặt nhẹ sự quan tâm cho các giá trị mang đậm bản sắc dân tộc khác như ngôn ngữ, kiến trúc, ẩm thực, trang phục... tới nỗi người Việt Nam giờ đây khi nhắc tới cha ông mình trong lịch sử ngoài chuyện đánh nhau giỏi ra thì khó có thể kể thêm điều gì khác nữa. Hơn 2000 năm lịch sử, chúng ta đâu thiếu thành tựu đặc sắc, cớ sao điều đầu tiên mỗi người nhớ tới và muốn nhắc tới chỉ có chiến tranh và bạo lực?
Người viết không phải người chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa hay một nhà xã hội học do đó luôn mong nhận được chia sẻ và góp ý từ cộng đồng Spiderum. Sau bài viết này hi vọng sẽ có thể sớm trở lại bàn luận cùng mọi người trong những lần tiếp theo về chủ đề giáo dục và những tiềm năng đang bị lãng phí tại Việt Nam :)
Bài viết cùng chủ đề
Nếu bạn hài lòng với chất lượng bài viết hoặc có gợi ý cho những bài viết trong tương lại bạn có thể ủng hộ cho mình tại đây. Mình xin chân thành cảm ơn :)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất