Có vẻ như nhân loại chúng ta đang tự dẫn dắt mình vào thời điểm ngu ngốc nhất trong lịch sử. 

Bài viết này phác thảo ra một số những quan điểm lịch sử dựa trên nhiều nguồn thông tin, có thể đúng hoặc sai, để mở đầu cho một cuộc tranh luận rộng mở hơn.


Tôi chỉ chờ đến thời điểm này để đăng lên Spiderum.

Niềm đam mê khảo cổ học, lịch sử và nhân chủng học đã dẫn tôi đến với những dấu vết lịch sử rất lớn, đặt nền móng cho giả thuyết đưa ra trong bài viết này. Tôi cho rằng: hầu hết tầm nhìn của mọi người về lịch sử bị giới hạn bởi kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ, tức là khoảng 50-100 năm. Để đi xa được hơn thế, bạn phải đọc, đọc rất nhiều để học cách thoát khỏi hệ thống tuyên truyền công phu trong những câu chuyện lịch sử được giảng dạy. 

Thời còn trên giảng đường Đại học, tôi chắc chắn sẽ trượt nếu không thể so sánh hai hoặc ba quan điểm khác nhau về một vấn đề. Chúng tôi được giáo dục rằng việc tiếp nhận thông tin một chiều  không được chấp nhận trong tôn chỉ của phương pháp phân tích so sánh trong nghiên cứu - thứ đã hình thành cốt lõi của giới học thuật Anh.


Con người chúng ta dường như có thói quen đi đến những giai đoạn của Đại hủy diệt. Danh sách này trình bày tất cả các cuộc chiến tranh từ trước đến nay. Chúng ta quan niệm chiến tranh là quy tắc hủy diệt của con người, nhưng theo tôi, chúng không phải là thứ đáng sợ nhất. 

Chắc hẳn bạn đã từng nghe tới Cái chết đen tàn phá châu Âu nhưng có lẽ chưa thể tưởng tượng được mức độ khủng khiếp của đại dịch này.  Phần mở đầu của tập tranh truyện Decameron của  Giovanni Boccaccio miêu tả Florence trong sự khống chế của Dịch Bệnh. Tin tôi đi, tất cả vượt xa hậu quả đáng sợ của trận Somme, của bom nguyên tử ở Hiroshima, của vụ Holocaust. Thậm chí mọi thứ còn vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta: chỉ những người trải qua dịch bệnh mới hiểu rõ cảm nhận về Ngày tận thế.


Chúng ta có khả năng hồi phục rất ấn tượng, mà minh chứng rõ rệt nhất là việc đã sống sót qua Dịch bệnh, điều tưởng như bất khả ở thời điểm đó. Cái Chết Đen thậm chí còn đem lại tác động tích cực trong thời gian dài, được tóm gọn ở đây: “Bằng cách nhắm vào những cá thể yếu ở mọi lứa tuổi và giết hại hàng trăm nghìn người trong một khoảng thời gian cực kì ngắn, Cái Chết Đen là biểu tượng của sức mạnh chọn lọc tự nhiên trong lịch sử châu Âu”… Đại dịch này còn làm thay đổi rõ ràng cấu trúc xã hội của một số vùng ở Lục Địa Già: bi kịch suy giảm dân số tạo ra sự thiếu hụt về nhân công, dẫn tới tăng lương và giảm giá sản phẩm. Dần dần, tiêu chuẩn cuộc sống sẽ tăng lên và mọi người thì bắt đầu tiêu thụ thực phẩm chất lượng cao hơn.


Vậy là, có thể sẽ khó tin với những người sống sót qua những giai đoạn khủng khiếp của lịch sử - các cuộc Thế chiến, Nạn đói Xô Viết, Holocaust, sự sụp đổ của đế chế Roman, Cái Chết Đen, Phán xét Tây Ban Nha, Cuộc chiến 30 năm, Cuộc chiến Hoa Hồng, Nội chiến Anh Quốc… v.v - từ những sự kiện đại hủy diệt, loài người hồi phục và tiếp tục sống, thường là trong hoàn cảnh tốt hơn.


Battle of Somme

Mọi thứ luôn hình thành theo một kịch bản quen thuộc:

Ở cấp độ cơ sở, khi mọi người nghĩ mọi thứ đang ổn, mọi chuyện sẽ âm thầm phát triển vượt tầm kiểm soát cho đến khi không thể bị ngăn chặn. Trong cơn hoảng loạn vì không hiểu nổi những thứ đang diễn ra xung quanh mình, chúng ta trút ra mọi sự hủy diệt trong vô vọng. Mọi thứ đều hỗn loạn và vô lý chỉ tới khi những nhà sử học xâu chuỗi mọi việc lại và giúp chúng ta nhìn rõ chuỗi hành động dẫn tới những hậu quả bi thảm trong quá khứ. Tôi đã từng rất bất ngờ khi biết trận Somme hậu quả trực tiếp của vụ ám sát thái tử Áo Arch Duke ở Bosnia vì không ai nghĩ việc giết một thái tử châu Âu nhỏ bé có thể dẫn đến cái chết của 17 triệu người.


Mọi thứ lặp đi lặp lại như một vòng tròn và trong một xã hội đầy những người chỉ có tầm nhìn lịch sử 50-100 năm, chúng ta không thấy nó một lần nữa đang diễn ra. Khi tất cả các sự kiện dẫn đến Thế chiến thứ nhất đã lộ ra, có một vài bộ óc sáng suốt bắt đầu cảnh báo mọi người là “CÓ GÌ ĐÓ SAI SAI Ở ĐÂY’’, có thể mạng lưới hiệp ước ở châu Âu sẽ sẽ dẫn tới một cuộc chiến. Thế nhưng họ đã bị bác bỏ, bị coi như điên khùng, quá khích hoặc ngu ngốc, giống như cái cách mà những người lo lắng về Putin, Brexit và Trump hiện nay đã bị đối xử.

Và sau Cuộc chiến để chấm dứt mọi Cuộc chiến, chúng ta lại sa vào một Cuộc chiến khác một lần nữa, như một kết cục dễ đoán với những nhà sử học. Sẽ lại xuất hiện một nhà lãnh đạo biết nắm bắt cảm xúc và biết thuyết phục, dẫn dắt những người cảm thấy mất kiểm soát về đất nước và định mệnh bản thân. Kẻ đó hùng biện trước công chúng, luôn miệng khẳng định mình không có tư lợi, thường xuyên thúc giục lòng căm thù, sự giận dữ của mọi người. Kết quả là quần chúng bắt đầu hành động như một khối, và không có logic nào điều khiển nổi hành động của họ, những con người đã trở nên mất kiểm soát. Lịch sử đã chứng kiến những lãnh đạo như thế, những Hitler, Mussolini, Stalin, Putin, Mugabe, và nhiều kẻ khác.

Mugabe là một trường hợp rất điển hình cho luận điểm này. Ông ta kích động sự giận dữ và căm thù với những người chủ đất da trắng chiếm thiểu số (những người thật sự làm trang trại), và tiến hành một cuộc Cải Cách Ruộng Đất như một động thái dân túy. Kết quả là vấn đề ruộng đất và ngành công nghiệp trồng trọt được giải quyết bằng cách khiến cho “mọi người đều có ruộng nhưng đều chết đói”. Tương tự là nạn đói khủng khiếp gây ra bởi Liên Bang Xô Viết, và bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc khiến 20-40 triệu người chết. Thật không thể tin được là một số trong chúng ta có thể khiến hàng chục triệu người mất mạng không vì lí do gì cả. Và khó tin hơn là sự lặp lại phi lý của những sự kiện kiểu này trong lịch sử.


Ở thời điểm hiện tại, mọi người không nhận ra rằng họ đang dấn thân vào một thời kì hủy diệt. Họ nghĩ mình đúng khi được cổ vũ bởi những đám đông giận dữ, khi tư duy phản biện bị chế nhạo. Như cái vòng tròn ở Hòa ước Versaille, sự nổi lên của Hitler, của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2, sự hỗn loạn lại một lần nữa xuất hiện. Và cũng như lần trước, mọi người không nhìn ra nó bởi vì:

1. Họ chỉ nhìn vào hiện tại chứ không phải tương lai hay quá khứ

2.  Họ chỉ nhìn quanh mình chứ không nhìn được các sự kiện kết nối với nhau toàn cầu như thế nào.

3. Nhiều người không đọc, nghĩ, nghi vấn hay nghe những quan điểm trái ngược.

Trump đang làm điều đó ở Mỹ. Những người có tầm nhìn xa về lịch sử có thể nhìn thấy chuyện đó đang xảy ra. Hãy đọc bài luận xuất sắc ở tạp chí New York để thấy được cách Plateo miêu tả mọi thứ, và bất ngờ vì thực tế diễn ra đúng y như những gì ông dự đoán. Trump nói rằng ông ta sẽ “Làm nước Mỹ một lần nữa trở nên vĩ đại’’, trong khi nước Mỹ đang rất tuyệt vời theo bất kì thống kê nào. Ông ta sử dụng tham vọng, sự cuồng nộ và tài hùng biện giống như tất cả tiền bối của mình đã làm – như một kẻ tự luyến đầy lôi cuốn xây dựng một đám đông để tăng cường sức mạnh và tạo ra một sự sùng bái xung quanh chính mình. Các bạn có thể đổ lỗi cho xã hội, các chính trị gia hay truyền thông vì góp phần khiến Trump xuất hiện như một đấng cứu thế, một nhà lãnh đạo sẵn sàng giơ đầu chịu báng, nhưng không thể phủ nhận những câu chuyện lịch sử mỗi lần ai đó như ông ta trở thành Tổng thống.


Ở một phạm vi rộng hơn, nước Nga duy trì chế độ độc tài với một nhà lãnh đạo đầy quyến rũ, một kẻ biết sử dụng nỗi sợ hãi và tham vọng để xây dựng nên sự tôn kính quanh mình. Điều tương tự xảy ra ở Hungary, Phần Lan, Slovakia, khiến cho toàn bộ châu Âu càng có thêm nhiều Trump và Putin (được "hỗ trợ" không nhỏ từ lãnh đạo Nga), sẵn sàng  giương đôi cánh chờ đợi và thao túng làn sóng dân chúng quay theo hướng có lợi cho mình.


Chúng ta nên tự hỏi bao giờ sẽ là thời điểm Archduke Ferdinand tiếp theo. Làm thế nào mà một sự kiện nhìn thoáng qua có vẻ nhỏ bé lại có thẻ châm ngòi một thời kì Đại Hủy Diệt? Chúng ta thấy Brexit, Trump, Putin một cách độc lập trong khi thế giới không hoạt động theo cách như vậy – mọi thứ đều kết nối và có ảnh hưởng tới nhau. Những người bạn ủng hộ Brexit của tôi nói “Anh định đổ chuyện đó cho Brexit ư?”. Họ không nhận ra rằng mọi thứ liên quan chặt chẽ với nhau và một sự kiện lớn như Brexit hoàn toàn có thể gây ra những hiệu ứng lớn hơn nhiều so với tưởng tưởng của chúng ta.

 Brexit – một nhóm người giận dữ thắng lợi một cuộc đấu đá – dễ dàng truyền cảm hứng đến với những nhóm giận dữ khác để bắt đầu những cuộc chiến tương tự, với niềm tin rằng họ có thể thắng lợi. Tất cả cứ nối tiếp nhau như một phản ứng dây chuyền: Một vụ nổ hạt nhân không bị gây ra bởi một nguyên tử bị phân rã, mà là sự tác động của nguyên tử đó tới những nguyên tử khác, và từ những nguyên tử khác tới những nguyên tử khác nữa. Các nguyên tử phân chia theo cấp số mũ, và năng lượng chúng tổng hợp được chính là quả bom.


Đó là cách mà Thế Chiến thứ nhất bắt đầu, và thật trớ trêu thay, cũng là cách mà Thế Chiến thứ Hai kết thúc.

Một kịch bản cho việc Brexit dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể như sau: Brexit ở Anh dẫn đến Italy hay Pháp có thể có một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Marine Le Pen thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Tất cả dẫn tới một EU rạn nứt. EU, bất chấp rất nhiều lỗi lầm tồi tệ do chính mình gây ra, từ trước đến nay đã và đang ngăn chặn được một cuộc chiến tranh trong một thời gian dài. EU cũng là một thế lực lớn trong việc kìm hãm tham vọng quân sự của Putin. Trừng phạt của châu Âu đối với Nga thực sự ảnh hưởng đến kinh tế, và làm hâm nóng cuộc tấn công của Nga vào Ukraina. Trump lên làm Tổng thống Mỹ và trở thành một người theo chủ nghĩa biệt lập, làm suy yếu NATO. Ông ta đã nói rằng sẽ không tự động tôn trọng những cam kết của NATO khi đối mặt với một cuộc tấn công của người Nga vào các nước vùng Baltic.

 Với một EU vỡ vụn và NATO đã bị suy yếu, Putin, đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Nga, cần một điều gì đó đánh lạc hướng người dân của mình từ ngoại quốc và tập hợp niềm tin của dân chúng, nay đã có giải pháp. Ông ta đầu tư cho các nhà hoạt động chống EU ở Latvia, những người sau đó tạo ra một cái cớ cho những người Latvia gốc Nga ở phía Đông của đất nước này (biên giới EU với Nga) nổi dậy. Khi đó, nước Nga sẽ lại gửi “lực lượng gìn giữ hòa bình” và “lương thực tiếp tế” vào Latvia, giống như đã từng làm ở Georgia, và Ukraina. Hiển nhiên là, phần phía Đông của Latvia cũng sẽ bị sáp nhập vào Nga giống như điều đã xảy ra với miền Đông Ukraina (Crimea có dân số tương đương với Latvia). 


Một châu Âu bị chia rẽ, với những vị lãnh đạo của Pháp, Hungary, Phần Lan, Slovakia và nhiều người khác thân Nga, chống EU và được bơm tiền bởi Putin sẽ gạt bỏ cách mệnh lệnh trừng phạt hoặc các hành động đáp trả bằng quân sự. NATO phản ứng quá chậm: Trump không muốn Mỹ có liên quan, và một phần lớn của châu Âu thờ ơ hoặc ngăn chặn bất kì hành động nào. Nước Nga, thấy không có sự phản kháng nào với hành động của mình, tiến sâu hơn vào Latvia, và sao đó là phần phía Đông của Estonia và Lithuania. Chính phủ các nước Baltic tuyên chiến với Nga, và bắt đầu trả đũa, vì hiện tại họ bị xâm lược nên không còn lựa chọn nào khác. Một nửa châu Âu bên phe họ, một vài nước trung lập và một vài nước ủng hộ Nga. Thổ sẽ đứng về bên nào? IS sẽ phản ứng ra sao với một cuộc chiến mới ở châu Âu? Ai sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên? 


Đây chỉ là một viễn cảnh Arch Duke Ferdinand. Thực tế số trường hợp có thể xảy ra là vô hạn do độ phức tạp của từng động thái. Và dĩ nhiên là rất nhiều trong số đó sẽ không xảy ra. Thế nhưng điều đó cũng không thể phủ định rằng dựa theo lịch sử, chúng ta đang đến với một thời kì hủy diệt.


Sự hủy diệt sẽ đến theo những cách mà chúng ta không thể hình dung, và sẽ vùng thoát khỏi sự kiểm soát nhanh đến mức mà người ta không cách nào ngăn cản được. Nhiều sử gia sẽ nhìn lại và hợp lí hóa mọi thứ, để rồi tự hỏi tại sao tất cả chúng ta lại có thể ngây thơ đến thế. Tại sao chúng ta có thể đọc và bình luận những điều mỉa mai đầy ác ý về việc những người chống lại Brexit khóc lóc khi nhìn thấy kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý. Một số người khi đọc bài viết này sẽ cười vào mặt tôi vì tôi cho rằng nước Mỹ hiện tại đang rất tốt, còn Trump có thể là một Hitler tương lai.


Phớt lờ và chế nhạo những chuyên gia, giống như cách mà người ta làm ở Brexit và chiến dịch của Trump, không khác gì việc phớt lờ lời khuyên của bác sĩ bảo bạn dừng hút thuốc và sau đó nhận ra rằng mình đã mang một khối u ác tính không thể chữa được. Một việc nhỏ dẫn đến một sự hủy diệt không thể ngăn lại được mà lẽ ra có thể được ngăn chặn nếu các bạn chịu lắng nghe và suy nghĩ. Nhưng mọi người vẫn hút thuốc, và vẫn chết vì nó. Đó là cách mà loài người đang sống.

Vậy nên tôi nghĩ sự hủy diệt là điều không thể tránh khỏi. Tôi không biết mọi thứ sẽ diễn ra thế nào, nhưng chúng ta đang bước vào một gian đoạn không tốt. Sẽ không tốt cho những người sống sót qua nó, thậm chí có thể trở nên khủng khiếp như địa ngục trần gian và vượt qua mọi sự tưởng tượng. Hy vọng rằng nhân loại sẽ lại vượt qua, để hồi phục và tiếp tục. Loài người sau đó sẽ ổn, sẽ thay đổi, có lẽ sẽ tốt đẹp hơn. 


Nhưng với những người ở đầu sóng ngọn gió - như hàng nghìn những giáo viên Thổ Nhĩ Kỳ bị sa thải, những phóng viên và luật sư Thổ Nhĩ Kỳ bị tù đày, những người Nga bất đồng quan điểm bị đưa vào trại tập trung, những người bị thương đang nằm viện ở Pháp sau vụ khủng bố, và cả những người sẽ ngã xuống, đây chính là trận Somme của họ.

Chúng ta có thể làm gì? Một lần nữa, hãy nhìn lại, và suy nghĩ lại về mọi thứ. Những trí thức tự do luôn luôn là thiểu số. Những người thấy rằng một xã hội rộng mở, đối xử tử tế với mọi người, không phân biệt chủng tộc, không chiến tranh, là một cách để sống tốt hơn, thường sẽ kết thúc trong cuộc chiến. Họ không giỏi chiêu trò, kém trong việc mị dân. và thường ít bạo lực hơn, thế nên thường kết thúc ở trong tù, ở các trại tập trung và dưới các tấm bia mộ. Chúng ta cần đề phòng bị chia rẽ, cần tránh lạc lối trong các cuộc tranh cãi phi logic và thực tế, cần chống lại những thông điệp dân túy của sự giận dữ và tham vọng. Chúng ta cần phải hiểu và sử dụng truyền thông, phải biết khai thác một nỗi sợ hãi khác: Nỗi sợ một cuộc Chiến tranh thế giới mới.


Tôi viết ra những lời này như một chứng nhân lịch sử, một người đang chứng kiến mọi thứ diễn ra một cách tồi tệ.


Lược dịch từ Medium.com