Là một con người, bạn sẽ luôn tin rằng mình là kẻ vượt trội so với muôn loài. Chẳng gì chúng ta cũng từng chinh phục mặt trăng, thay đổi đường đi của những dòng sông, hay chí ít là biết làm toán cộng trừ nhân chia - điều mà chẳng có loài sinh vật nào theo kịp. Nếu gia đình bạn đã từng nuôi chó, mèo, lợn, gà, gia súc, gia cầm… thì ắt hẳn bạn phải là đấng cứu thế, kẻ ban ơn, và những con vật kia hẳn là đã hạnh phúc hơn biết bao nhiêu khi được sống trong ngôi nhà của bạn.
Mình cũng chẳng có gì hoài nghi về nhận định đó, cho tới thời điểm 6 năm về trước lúc nhà mình nuôi 2 chú mèo. Hai đứa nhóc kích thước không đáng kể, thường xuyên rụng lông khắp nhà và thi thoảng gây ra những vết xước cho chủ nhân, có ngờ đâu lại thay đổi hoàn toàn thế giới quan của gia đình mình về mối quan hệ giữa loài người và loài vật. Trong vòng 2 năm sống chung, 2 bạn mèo không chỉ để lại cho gia đình mình một quãng thời gian đầy kỷ niệm, mà còn dạy cho mình và em trai rất nhiều bài học về sự trưởng thành, về bản chất đích thực của tình thương và việc đối diện thế nào với sự mất mát.
Hôm nay, nhân dịp được đọc sớm cuốn sách Chuyện người chuyện ngỗng của tác giả trẻ Vũ Hoàng Long về câu chuyện bạn nuôi 2 chú ngỗng giữa lòng phố cổ Hà Nội, mình thấy thật bồi hồi nhớ về quãng thời gian đó và muốn viết vài dòng. Mình tin rằng tình yêu không chỉ là một thứ cảm xúc đặc quyền của con người, mà nó có thể nảy sinh giữa loài người với các loài khác; và rằng để diễn giải thứ tình cảm đặc biệt đó chúng ta cần nhiều hơn một khái niệm - nó là rất nhiều trải nghiệm thực tế.

Bài học thứ nhất: Yêu thương đi kèm với trách nhiệm

Chắc hẳn bất cứ ai từng chăm nuôi thú cưng một cách nghiêm túc sẽ đồng ý với quan điểm này. 
Hai con mèo nhà mình, đứa lớn được đặt tên là Puppy, thế rồi Puppy đẻ ra đứa nhỏ được gọi tên là Jerry mèo con. Bạn đừng hỏi tại sao 2 con mèo lại gọi là “cún con” và “chuột” - đã là đặt tên cho lũ thú cưng trong nhà thì tuyệt nhiên không thể có logic gì được!
Puppy và Jerry mèo con từng là nguyên nhân cho rất nhiều trận đấu khẩu quyết liệt, đại diện cho mọi sự khác biệt thế hệ trong gia đình mình. Ban đầu bố mẹ mình kiên quyết nói “không” với việc nuôi thú cưng trong nhà, vì cả gia đình toàn người bận rộn, lấy đâu ra thời gian chăm sóc rồi dọn dẹp vệ sinh, chưa kể một tá các bất tiện khác nữa. Bất chấp nỗ lực phản đối ấy, mình và em trai đã lén lút đi nhận nuôi bé Puppy trong lúc bố mẹ đi vắng. Vào một ngày đẹp trời khi bố mẹ mình đi làm về thì đã thấy một sinh vật kích cỡ bằng bàn tay đang meow meow khắp nhà.
Cũng vẫn là Puppy và Jerry mèo con, chỉ vài tuần sau thời điểm “chiến tranh” lại chính là chủ đề chiếm tới 80% những cuộc hội thoại trong mâm cơm mỗi tối, giúp gắn kết những người lớn mệt mỏi với cuộc sống bận rộn. “Hôm nay mẹ rán cá, nó trèo lên nóc tủ ngồi chầu hẫu hít hít mãi”; “Nó cào nát đôi dép đi trong nhà của bố rồi”... vân vân và mây mây. Thậm chí, dần dần mình và em trai bị đẩy xuống thành “công dân hạng 2” trong nhà, câu đầu tiên mẹ mình hỏi khi về nhà sẽ là: Đã cho mèo ăn chưa???
Ngày đầu về nhà của Puppy
Ngày đầu về nhà của Puppy
Câu chuyện trách nhiệm bắt đầu từ những thứ rất cơ bản như chuyện dọn shit. Với tâm thế háo hức và thích thú, chúng mình không quá quan tâm tới những "tiểu tiết" như vậy khi mang Puppy về nuôi. Bố mình - một người có tính cách sạch sẽ - thường xuyên "phát điên lên" vì shit và nước tiểu mèo ở khắp nơi trong nhà. Chỉ riêng vấn đề này đã khiến cả gia đình nổ ra một trận tranh cãi và Puppy buộc phải sang nhà bác mình "du học" - vì nhà bác có sân rộng - và chúng mình chỉ được phép mang Puppy về nhà chơi vào cuối tuần. Câu chuyện nuôi mèo chắc sẽ chấm dứt nếu không có một ngày chúng mình phát hiện ra một thứ thần kỳ gọi là cát mèo, chuyên dùng cho việc đi vệ sinh của loài vật tinh ranh này. Puppy cuối cùng cũng được trở về nhà, sau khi đã học cách đi vệ sinh đúng chỗ.
Tiếp đến là câu chuyện sinh nở. Chúng mình biết Puppy là giống cái, nhưng không tìm hiểu gì nhiều cho việc Puppy có bầu, cho đến một ngày mình đi làm về và phát hiện xác một con mèo con nằm trong chăn lạnh ngắt. Puppy bắt đầu sinh con khi không có ai ở nhà. Nó chạy khắp nơi gào thét cầu cứu, nhưng không có ai biết để giúp đỡ.
11h đêm hôm đó khi trời đang mưa nặng hạt, chúng mình bế Puppy đi taxi tới nhà bác sỹ thú y cách nhà hơn 2 chục cây số, sau khi những bác sĩ ở gần nhà từ chối hỗ trợ khi đã muộn như vậy. Puppy gặp khó khăn trong việc đẻ bé mèo con thứ 3, sau khi bé mèo đầu tiên đã qua đời, và sau Jerry mèo con.
Ca mổ bắt đầu lúc nửa đêm, trên chiếc bàn nằm giữa phòng khách của anh bác sĩ. Khi lưỡi dao vừa chạm vào da bụng trắng muốt của Puppy và giọt máu đỏ tươi đầu tiên xuất hiện, mình cắn răng, và nước mắt bắt đầu chảy. Đêm hôm đó chúng mình không cứu được bé mèo thứ ba, nhưng đã cứu sống Puppy trong gang tấc. Trong trạng thái đầu đau nhức, họng rát và mũi không thở nổi, mình chỉ nhớ câu nói của mẹ: Yêu thích thôi là chưa đủ, đừng để sở thích của mình làm khổ loài vật vì sự thiếu hiểu biết. 
Mình gần như thức trắng trong suốt hai ngày sau đó để chăm Puppy vì nó không thể tự ăn hay đi vệ sinh, bị đau vết mổ, và kẻ-sống-sót Jerry mèo con thì không ngừng kêu vì mèo mẹ không đủ sữa cho bú. Khi nhìn thấy nó chịu đựng đau đớn như vậy, mình bỗng thấy chúng mình là những kẻ có lỗi. Rất nhiều.
Sau này khi đã lập gia đình và có em bé, mình càng thấm thía hơn yếu tố trách nhiệm là một thứ luôn song hành với tình yêu. Nếu bạn đã nuôi thú cưng ở trong gia đình, bạn sẽ hiểu để chăm sóc tốt tụi thú cưng cũng có rất nhiều điểm tương đồng với việc chăm sóc tốt một em bé, đều cần rất nhiều sự lưu tâm, kiến thức khoa học thậm chí là khả năng ứng biến, xử lý tình huống linh hoạt. Làm gì khi thú cưng của bạn bị đau bụng tiêu chảy? Bỗng dưng bỏ bữa? Tệ hơn là gặp tai nạn? Lịch trình tiêm phòng như thế nào, cho ăn thức ăn gì với khẩu phần bao nhiêu là đủ? Thậm chí, làm gì khi thú cưng của bạn bị trầm cảm?
Vài người bạn của mình từng nói vui rằng nuôi thú cưng chính là một bước tập dượt trước khi bước vào hành trình làm cha mẹ. Mình rất đồng ý - lũ chó mèo, hoặc thậm chí là ngỗng, thực sự hoàn toàn có thể dạy cho chúng ta cách làm một người lớn tử tế, có trách nhiệm và kiến thức.

Bài học thứ 2: Trưởng thành là biết yêu thương vô điều kiện

Điều này nghe có vẻ vô lý, nhất là khi chúng ta đã dành cho thú cưng rất nhiều thời gian, sự quan tâm săn sóc, chưa nói tới tiền bạc. Vậy mà tình yêu này chỉ có một chiều thôi sao?
Ai đó đã từng nói rằng tình yêu đích thực là mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người mà mình yêu mà không mong cầu đáp trả. Mình nghĩ điều này cũng đúng với mèo nói riêng và với tụi thú cưng nói chung. Đôi mắt xanh trong veo của Jerry mèo con hay trí thông minh tinh nghịch của Puppy đã xí xóa hết tất cả phiền toái bọn chúng gây ra cho mình trong việc dọn dẹp shit, đồ ăn thừa, hay nỗi hoảng loạn trong lần một đứa đi chơi về mà chân bị thương chảy đầy máu. 
Sau này nhìn lại, mình nghĩ rằng tình cảm đó thực sự “vô tri” theo ngôn ngữ của các bạn Gen Z, hay “hồn nhiên” theo ngôn ngữ của các nhà văn.
Các bạn cứ nhìn cái tư thế ngủ vô duyên hết sức của Jerry mà xem, làm sao mà không yêu nó vô điều kiện cho được:
Không giống như chàng trai hay cô gái mà bạn đang tán tỉnh, đang yêu hay đã cưới, một chú chó, mèo hay ngỗng không biết bày tỏ tình cảm của chúng để đáp lại bạn thế nào cho phải. Chúng cũng chẳng biết nói lời “cảm ơn”, hay “xin lỗi”. 
Nhưng trong suốt hơn 2 năm mình sống cùng Puppy và Jerry mèo con, mình cảm thấy trong lòng có những cảm xúc dịu mát mỗi lần bọn chúng dụi dụi đầu vào chân mình, hoặc ngồi lên ghế hóng bữa cơm của cả nhà, hoặc len lén chờ mình đi ngủ thật say để chui vào cuộn tròn cạnh nách, hoặc khẽ cậy cửa toilet đi vào ngồi cạnh trong lúc chủ đang “giải quyết nỗi buồn”. Với Vũ Hoàng Long, con ngỗng của cậu đã đứng tần ngần trông bà bị ốm. Mình không rõ đấy có phải lời hồi đáp của động vật để thể hiện phản hồi về tình yêu của chúng hay không, hay chỉ đơn giản là chúng đang tò mò, hoặc đấy là những việc chúng hứng chí làm chứ chả quan tâm gì tới loài người. 
Nhưng thế thì có sao?
Loài vật đã dạy cho chúng ta biết có một thứ gọi là tình yêu thương vô điều kiện, cũng giống như tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Sự im lặng của chúng cho mình hiểu rằng cấp độ cao nhất của tình thương là sự bao dung. 
Ở trường hợp này, đó thậm chí là một tình cảm liên loài. Ta không cần chúng hồi đáp, ta chỉ tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Thế là đủ.

Bài học thứ 3: Đối diện với những mất mát

Một ngày mùa hè, mình không còn nhớ chính xác là ngày nào, Jerry mèo con bỏ nhà mình mà đi. Bố mẹ, em trai và cả mình đã đi gọi nó khản cả cổ suốt ngõ trên xóm dưới, hỏi han các nhà hàng xóm nhưng cũng không hề có tung tích gì. Trước đó khoảng nửa năm, Puppy cũng biến mất vào một ngày bình thường không có bất kỳ lý do cụ thể nào. Mình không thể biết chắc được là Puppy và Jerry đã tự bỏ đi chơi rồi bị lạc, hay đã bị một kẻ trộm mèo nào đó bắt mất, hay chỉ đơn giản là tìm thấy một ngôi nhà khác phù hợp hơn. Bọn mình không bao giờ tìm thấy lời giải cho việc đó.
Ta luôn phải chấp nhận một thực tế rằng vòng đời của thú cưng sẽ luôn ngắn ngủi hơn con người ngay cả khi chúng không gặp bệnh tật hay biến cố nào. Bạn sẽ là người chứng kiến cảnh chia ly, hay là sự ra đi của chúng. Nỗi buồn sẽ ở lại với bạn, thậm chí là day dứt. 
Trong trường hợp của gia đình mình, từ ngày Puppy và Jerry mèo con ra đi, không còn ai nhắc tới việc nuôi thú cưng trong gia đình nữa. Đôi lúc mình cảm thấy ám ảnh với suy nghĩ có phải cả 2 đứa đã bị một tên kẻ trộm nhẫn tâm nào đó đánh bả, câu đi mất rồi bị đưa vào những lò thịt chó mèo? Mình vẫn luôn mong rằng kịch bản đó đã không xảy ra, và chỉ đơn giản là hai đứa đang ở một ngôi nhà mới. Có một nỗi buồn hằn sâu vào trong tâm trí của mình và em trai mình, và chắc hẳn bố mẹ mình cũng cảm thấy như thế chỉ là chưa từng nói ra. Cho đến khi cuộc sống bận rộn lại kéo phăng tất cả mọi người vào vòng quay của chính mình, như trước khi Puppy và Jerry tới và bước vào cuộc sống của gia đình mình. 
Một phần của quá trình trưởng thành là việc phải chấp nhận mất mát. Hồi năm tuổi, mình ngơ ngác thắc mắc tại sao người lớn lại khóc nhiều đến thế, và tại sao ảnh ông ngoại lại đặt ở trên cạnh một bát hương bốc khói nghi ngút. Năm mười sáu tuổi, mình không còn ngơ ngác, và lúc đó lần đầu hiểu cảm giác ruột quặn lên từng cơn khi bà ngoại mất khi căn bệnh K quái ác. Những nhà Khắc kỷ đã dạy cho chúng ta biết rằng có rất nhiều thứ trên đời nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, ví dụ như việc chia lìa những gì yêu thương nhất. Ta chỉ có thể tập trung vào thứ mà mình kiểm soát được, như những khoảnh khắc ở hiện tại. 
Sự ra đi của Puppy và Jerry mèo con để lại cho chúng mình một khoảng trống, nhưng cũng dạy cho chúng mình biết trân trọng nhiều khoảnh khắc đẹp. 
Là con người, ta luôn cho rằng mình thượng đẳng muôn loài ở mọi phẩm chất. Nhưng có khi nào loài vật đang dạy cho chúng ta biết suy nghĩ một cách khác đi không? Mình nghĩ, Puppy và Jerry mèo con đã dạy cho mình thôi nghĩ bản thân là trung tâm vũ trụ, cũng chẳng phải là nhân vật ban ơn. Chúng ta đơn giản là những đường kẻ, giao nhau ở một điểm, để lại cho nhau nhiều nỗi nhớ và những kỷ niệm.
Có rất nhiều nghiên cứu và bài viết khoa học nói về những ích lợi của việc nuôi thú cưng đối với con người, trong đó có những việc như gia tăng khả năng học hỏi ở trẻ em, giảm thiểu những nỗi đau tâm lý của người lớn, hàn gắn những mối quan hệ trong gia đình… Mình nghĩ những điều đó vừa đúng, vừa không đúng. Đúng là nuôi thú cưng trong nhà cho chúng ta những lợi ích, nhưng để chúng thực sự có thể sống ở trong gia đình, thứ mà ta quan tâm đến cuối cùng lại chẳng phải một lợi ích cụ thể nào cả. Chúng bước vào cuộc sống của ta, khuấy động chúng, rồi rời đi để lại rất nhiều trải nghiệm và sự trưởng thành.
Vậy nên vào lúc bạn đọc bài viết này, mình chẳng muốn khuyên bạn phải chạy ra ngoài kiếm một em thú cưng về nuôi. Mình chỉ hi vọng nếu như bạn có duyên được kết bạn với loài vật, hãy nhìn chúng như một chủ thể bình đẳng, và rất có khả năng gây ra hạnh phúc.
Bài viết này xin được dành cảm ơn Puppy, và Jerry mèo con.
Cảm ơn Vũ Hoàng Long vì cuốn sách tuyệt vời của bạn. Các bạn nào quan tâm đến tình yêu liên loài, những lý thuyết về post-humanism, muốn thách thức lại suy nghĩ "con người là bá chủ của muôn loài", hay chỉ đơn giản là muốn tìm đọc một câu chuyện cảm động giữa người và ngỗng thì có thể pre-order sách tại đây nhé: Chuyện người chuyện ngỗng.
Cảm ơn 2 đứa vì đã là một phần của gia đình nhé!
Cảm ơn 2 đứa vì đã là một phần của gia đình nhé!