Rất nhiều người sẽ phản đối với cách nhìn nhận này. 
“Nhưng mà nhiều cuốn sách đã thay đổi cuộc đời của tôi”
Mình biết, ngay cả bản thân mình cũng có những cuốn sách mà mình rất tâm đắc. 
Nhưng mà bạn và mình hãy cùng thừa nhận một sự thật. LÀ CHẲNG CÓ CÁI GÌ MỚI KHI ĐỌC SÁCH SELF-HELP CẢ
Những ai đọc sách càng nhiều ấy thì càng thấy luận điểm trên là đúng. 

Trước khi được gọi là self-help, thì những tài liệu về phát triển bản thân được gọi là gì?

Bạn hãy thử trả lời xem. Không biết ư? Đó là tôn giáo, là câu chuyện dân gian, là những trí thức và cuốn sách của những bậc tiền bối như Aristotle, Seneca v.v.
Tất thảy những kiến thức về phát triển bản thân đều nằm ngay trong những câu chuyện ở hàng ngàn năm về trước.
Tại sao nên độc lập đưa ra suy nghĩ? Đọc “Đẽo cày giữa đường” rồi đúng không
Cách học tập và làm việc năng suất? Hãy đọc lịch trình hằng ngày của Benjamin Franklin lúc ông còn là sinh viên xem.
Triết lý sống? Tôn giáo và những tư tưởng triết học của phương Đông thôi cũng khiến cho một đời người cũng không thể nào tiếp thu hết.

Vậy sự khác biệt ở đây là gì? Đó là cách đóng gói thông tin. 

Chúng ta là con người, và chúng ta sống vô cùng cảm tính.
Những lúc cha mẹ chúng ta đưa ra lời khuyên nhưng ta lại phớt lờ nó. Nhưng một vài ngày sau, khi nghe đám bạn khuyên thì ta lại tin răm rắp, dù giá trị lời khuyên là không nhiều. 
Ngữ cách rất quan trọng đến việc cách ta tiếp nhận thông tin. Nhưng điều này là hoàn toàn bình thường.
Nhiều người thích đọc sách.
Một vài người thích nghe podcast, hoặc lời khuyên từ những người nổi tiếng, chuyên gia trong ngành.
Một số thì lắng nghe người khác của uy quyền hay có uy tín trong tôn giáo nói. Giáo dân là một ví dụ. Và chắc chắn rồi, Kinh Thánh chất chứa những bài học vô cùng tuyệt vời.
Một số người thì thích nghe lời khuyên từ những người bạn của họ. Cùng với đó là những cuộc trò chuyện mang đầy cảm xúc như nói xấu sếp, bồ cũ.
Tóm lại là thông tin chỉ luôn luôn được đóng gói đi đóng gói lại trong những bao bì khác nhau.
Cả nền công nghiệp Self-help sẽ sụp đổ nếu như mọi người không tự ảo tưởng rằng họ học thêm được điều nào đó thông qua việc … đọc một cuốn sách nhắc đi nhắc lại về giải pháp mà đã quá đỗi hiển nhiên.
Chẳng có gì thần thánh ở đây cả.
Bạn muốn giảm cân. Ăn uống, sinh hoạt điều độ và tập thể dục.
Bạn muốn cai mạng xã hội. Xóa facebook, tiktok, youtube đi.
Muốn học giỏi. Thì dành nhiều thời gian hơn cho việc học.
Tất cả những hành động đều rất đơn giản, nhưng nó lại rất khó thực hiện. 
Đơn giản không có nghĩa là dễ. Cái khó khăn ở đây là chúng ta không bao giờ là những sinh vật tư duy theo lý tính thuần túy. 
Ai cũng biết thức khuya là hại sức khỏe nhưng mà đâu phải ai cũng ngủ sớm.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên thì sẽ giảm cân. 
Và Self-help giải quyết vấn đề như thế.
Việc đóng gói đi đóng gói lại thông tin giúp người đọc dường như có cảm giác dễ dàng vượt qua những trở ngại về cảm xúc. Khiến chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta đang thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề, nhưng mà chẳng có điều gì được thực hiện ở đây cả.

Giải pháp

Không ai giỏi ném bóng vào rổ do đọc một cuốn sách cả. 
Muốn đạt mục tiêu thì phải hành động, thử sai, chiêm nghiệm, và tích lũy.
Chẳng có lời khuyên nào nữa ở đây cả. 
Vì vốn dĩ bài này cũng chẳng khá hơn những cuốn sách self-help là bao.
Giờ thì xách đít lên mà làm việc đi.