Chúng ta, những sinh vật sống trên hành tinh xanh thực sự luôn tò mò về thế giới quanh mình. Khi chứng kiến mặt trời đi qua đám mây từ rặng núi tới chân trời, ta tự hỏi điều đó có nghĩa là gì và có phải các vị thần đang theo dõi chúng ta không. Rồi qua thời gian, chúng ta dần đưa những suy nghĩ, những giả thuyết vào thực hành và đưa ra những câu trả lời chính xác hơn.
Thiên văn học phát triển kèm theo những giả định lớn hơn về vũ trụ quanh ta, rồi khi nhân loại nhận ra mình chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi trong thế giới quá khổng lồ, họ tự hỏi rằng liệu ngoài kia còn có những sinh vật khác giống với họ không.
Và từ đây, cuộc đua tìm kiếm về sinh vật sống ngoài hành tinh đã bắt đầu. Chúng ta đang tìm kiếm cái gì? Chúng ta đang tìm người ngoài hành tinh.

DƯ ÂM NGOÀI VŨ TRỤ

Việc nhìn ngắm bầu trời đã quá quen thuộc với các nhà thiên văn. Chúng ta có các kính viễn vọng, các công nghệ tân tiến để nhìn thấu hơn những gì đang diễn ra trên trời. Tuy nhiên, con mắt có thể đánh lừa chúng ta khi các ảo giác quang học hay các ảo ảnh có thể xảy ra. Toàn bộ khái niệm kênh đào sao Hỏa đã là minh chứng cho sự thiếu chính xác đến từ con mắt trần tục của nhân loại.
Chúng ta cần một cái gì đó chính xác hơn, cái gì đó có thể nhìn thấu hơn mà không để lại cho nhân loại những sai phạm đến từ hạn chế của thân thể này. Và khi thân thể không thể đáp ứng được khả năng của trí tuệ, chúng ta sẽ tìm tới công nghệ.
Ánh sáng là một khái niệm đơn giản mà cũng phức tạp. Có những ánh sáng nhìn thấy bằng mắt thường mà cũng có những ánh sáng không thể nhìn thấy được. Âm thanh cũng vậy, có những âm thanh ta nghe được và có những âm thanh không thể nghe được. Nhưng đó là cơ thể con người chứ không phải là công nghệ.
Năm 1864, James Clerk Maxwell, một nhà vật lý người Scottland đã đề xuất về một khái niệm mang tên sóng điện từ. Đây là sóng năng lượng phát ra nhờ vào sự tồn tại của điện năng và liên kết nó với từ tính của vật chất. Loại sóng này có thể di chuyển tự do trong không gian và có thể được bắt sóng và tiếp nhận dưới nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc có một loại sóng vô hình bay trong không gian mỗi khi ta bật điện lên vẫn chỉ là một giả thuyết. Nó cần được chứng minh, được thí nghiệm để thực sự được công nhận. Đến năm 1886, ông Heinrich Rudolf Hertz, đã đưa giả thuyết đó vào thực tiễn khi phát hiện ra cách để lắng nghe các sóng điện từ này. Khái niệm ăng-ten ra đời, Hertz đưa tên mình vào lịch sử là một trong những người tiên phong trong ngành điện từ.
Khám phá và thí nghiệm của Maxwell và Hertz đã được nhân loại tiếp nhận và phát triển để về sau trở thành khái niệm Radio vào năm 1910.
Trong thời gian đó, việc nghiên cứu sóng điện từ sớm cho phép chúng ta đặt câu hỏi về nguồn của năng lượng điện từ. Nếu mọi thứ có tính từ và có năng lượng như điện có khả năng phát ra sóng thì chẳng phải các cục pin khổng lồ trên trời cũng có thể phát sóng sao? Câu hỏi đó khiến các nhà thiên văn ngay lập tức đưa thí nghiệm vào hoạt động. Họ bắt đầu lắng nghe mặt trời.
Vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Karl Jansky đã đến làm việc tại phòng thí nghiệm điện thoại Bell, tiền thân của Nokia ngày nay. Tại phòng thí nghiệm này, ông Karl đã được giao nhiệm vụ lắng nghe bầu trời và nghiên cứu các tín hiệu đặc biệt đến từ vũ trụ. Từ đây, ông Karl phát hiện ra một tín hiệu lạ có chu kỳ gần bằng 24h. Thoạt đầu ông nghĩ rằng đó là tín hiệu đến từ mặt trời khi Trái Đất hoàn thiện một vòng quanh chính mình thì mặt trời sẽ chiếu sáng đài thu sóng và tín hiệu sẽ lại vang lên. Tuy nhiên, khi nhận ra chu kỳ này không phải là 24h mà là 23h 56’, họ đã phải đặt câu hỏi cái gì đang núp bóng ngoài kia để cứ mỗi ngày lại rung chuông một lần như thế này.
Sau nhiều nghiên cứu, tìm hiểu và phát triển các giả thuyết khác nhau, họ nhận ra tín hiệu đến từ vùng đen đặc nhất của dải ngân hà, siêu hố đen. Tuy nhiên, khi chưa có câu trả lời chính xác về việc liệu siêu hố đen của chúng ta có phải là đài phát thanh radio không thì Karl đã phải chuyển công tác và để công trình của mình lại cho người khác tiếp tục phát triển.
Năm 1937, ông Grote Reber đã phát hiện ra nghiên cứu của Karl và tiếp nối công trình này. Ông tự xây dựng một đài thu sóng có đường kính 9m tại sân sau nhà và bắt đầu lắng nghe bầu trời. Nhưng ông không phải là người duy nhất, năm 1942, ông James Stanley Hey cũng đã nghiên cứu dư âm đến từ vũ trụ và xác nhận rằng mặt trời là một nguồn radio khổng lồ. Các nhà nghiên cứu khác như Elizabeth Alexander cũng bắt tay vào nghiên cứu dư âm vũ trụ. Dù đây là thời chiến và việc tiếp cận Radio là điều khó khăn, nhưng sự phát triển của ngành radio vũ trụ vẫn cứ đi tiếp.
Và tới những năm 50, đài quan sát thiên văn radio Mullard đã ra đời, chính thức đưa thiên văn vô tuyến hay Radio Astronomy vào nghiên cứu.

DỰ ÁN SETI

Mọi thứ bắt đầu từ một người có tên Frank Drake. Drake sinh ra vào năm 1930, thời điểm nhạy cảm giữa 2 cuộc đại chiến nhưng cũng là điểm mà khoa học đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ nhất. Ông lớn lên với niềm đam mê dành cho thiên văn và nhờ đam mê đó mà ông đã theo đuổi sự nghiệp của mình là một nhà nghiên cứu thiên văn vô tuyến.
Ngay khi bắt đầu sự nghiệp, ông đã bén duyên với khái niệm sự sống ngoài trái đất và bắt đầu đầu tư thời gian vào nghiên cứu những sinh vật vô dạng này.
Năm 1959, Drake nhận giấy phép cho phát triển dự án nghiên cứu sinh vật ngoài hành tinh tại Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia hay NRAO. Vì dự án mang tính cách mạng, có khả năng khiến dư luận xôn xao khi đưa ra kết quả, dự án của ông đã khởi động trong thầm lặng. Tuy nhiên, việc gì đến cũng phải đến. Cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh không phải dành riêng cho một người, các nhà nghiên cứu khác như Giuseppe Cocconi và Phillip Morrison cũng có công cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh của họ. Sau khi hai nhà thiên văn trên công bố các nghiên cứu của mình lên tạp chí Nature với cái tên “Searching for Interstellar Communications” tạm dịch là “tìm kiếm liên lạc giữa các vì sao”, ông Drake đã có thêm động lực để phát triển dự án của mình.
Năm 1960, chỉ một năm sau khi khởi động công trình tại NRAO, ông Drake đã tự lập ra dự án mới có tên Ozma, một dự án lắng nghe thiên văn bằng phễu radio rộng 26m của NRAO. Tuy nhiên, vì không thể tạo ra bất cứ kết quả nào trong suốt nửa năm lắng nghe, dự án Ozma đã bị xóa tên. Nhưng đây không phải là công trình để đời của Drake, thứ đến sau đó mới là điều đáng trân trọng.
Carl Sagan, một nghiên cứu sinh thiên văn học khi biết về dự án Ozma đã ngay lập tức liên hệ với Drake và cùng ông đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu người ngoài hành tinh. Năm 1961, với sự giúp đỡ của Carl Sagan, Drake đã đưa ra một trong những công trình có sức ảnh hưởng lớn nhất với nhân loại trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ, một phương trình về sự sống có tên Drake’s Equation.
Phương trình của ông khá đơn giản. Với Drake, để sự sống tồn tại, nó cần phải đáp ứng một vài điều kiện nhất định. Ví dụ đơn giản nhất là sự sống không thể tồn tại trong lõi các hành tinh hoặc trong lõi các vì sao được, nó cần phải phát triển trên bề mặt của hành tinh. Vậy nên việc tìm kiếm sự sống tương đương với việc tìm kiếm các hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Phương trình Drake sẽ chỉ ra các yếu tố của hành tinh đó nhằm đáp ứng khả năng nuôi dưỡng này.
Phương trình của Drake đã được các nhà thiên văn thời bấy giờ công nhận là một trong những công trình vĩ đại nhất của thiên văn. Phương trình này còn được giới khoa học xếp ngang hàng với sản phẩm vĩ đại của Einstein khi nói đến tương quan giữa vật chất và năng lượng E= mC2.
Nhưng mọi thứ không chỉ dừng ở đó, thành công của Drake còn đến cùng với sự sáng lập ra dự án có tên học viện SETI.
Sự phát triển của sóng Radio và những giả định về sự sống ngoài hành tinh đã cho các nhà khoa học một giả thuyết khá vững chắc. Nếu sự sống ngoài hành tinh có trí tuệ, nói cách khác nếu họ cũng tò mò như chúng ta và có sự phát triển khoa học công nghệ tương tự như ta, họ sẽ biết cách tạo ra sóng radio và phát sóng chúng quanh hành tinh của họ. Vậy nếu ta có cái tai đủ to để nghe được tiếng thì thầm ngoài hành tinh, ta có thể xác định được sự tồn tại của người ngoài hành tinh.
Nhờ ý tưởng đó, vào những năm 80, số tiền lên tới $71.000 đã được quyên góp để xây dựng một công trình rộng 8 héc ta tại Ohio. Dự án đài quan sát vô tuyến tại bang Ohio này được đặt cho cái tên vô cùng dễ nhớ, Tai To - Big ear. Nhờ khả năng lắng nghe cực đỉnh của mình, đài quan sát đó nhanh chóng được biến thành một phần của dự án tìm kiếm sự sống thông minh ngoài vũ trụ, trở thành chương trình SETI đại học bang Ohio, SETI ở đây là viết tắt cho cụm: “Search for Extraterrestial Intelligence” - nghĩa là tìm kiếm sự sống thông minh ngoài vũ trụ.
Drake có liên quan gì đến dự án này? Ông đơn giản là người tiên phong trong quá trình phát triển của dự án và là một trong những đóng góp lớn nhất dành cho sự nghiệp tìm kiếm người ngoài hành tinh. Nhờ cái tên của ông, nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã được thu hút tới dự án và trở thành những nhà thiên văn lớn về sau. Một trong số đó là Jerry Ehman, một tình nguyện viên cho dự án. Và có lẽ, cái tên của ông sẽ được giới thiên văn ghi nhớ mãi.
Năm 1977, trong một buổi theo dõi thiên văn, Jerry đã phát hiện ra một tín hiệu cực mạnh phát ra từ vũ trụ, mạnh tới mức nó khiến mọi ghi chép trước đó về dư âm vũ trụ trở thành vô nghĩa. Chứng kiến tín hiệu đột biến này, Jerry quá choáng ngợp và chỉ có thể khoanh tròn đoạn sóng đó trên tờ kết quả với dòng chữ “WOW!”.
Từ đó tới nay, tín hiệu WOW đó đã trở thành một trong những tín hiệu khả thi nhất về sự sống ngoài hành tinh mà con người từng nhận được. Bởi sự tồn tại của WOW, chúng ta có thể tin rằng đó là người ngoài hành tinh đang tìm cách liên lạc với chúng ta. Và vì lý do đó, sự tồn tại của cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh thông minh cần được nâng cấp. Thay vì chỉ tìm kiếm, ta cần phải tìm cách đáp trả lời mời gọi kia.
Vì lý do này, SETI hay Searching for Extraterrestial Intelligence cần đổi tên thành METI, Messaging Extraterrestial Intelligence, tạm dịch là liên lạc sự sống thông minh ngoài vũ trụ.
Một trong những sản phẩm đầu tiên của METI là khái niệm có tên thông điệp Acrecibo, được tạo ra bởi không ai khác ngoài Frank Drake cùng sự hỗ trợ đến từ Carl Sagan.
Thông điệp được gửi đi không phải nhằm mục đích gửi lời chào đến vũ trụ, thay vào đó nó là một thông điệp nằm trong đoạn mã vô tuyến, khi được giải mã, nó sẽ trở thành một bức tranh chứa đựng vô vàn các thông điệp khác nhau.
Việc thông điệp được gửi đi dưới dạng mã vô tuyến nhằm xác định người nhận sẽ phải là những xã hội tiên tiến với công nghệ và bộ não đủ lớn để nhận được nó. Sau đó họ cũng phải đủ thông minh để hiểu được thông điệp này là gì.
Một khi họ có đủ khả năng hiểu nó, họ sẽ thấy đây là một lá thư bao gồm lời chào, lời mời đến với Trái Đất, quê nhà của chúng ta.
Tại sao lại thế? Hình ảnh này có nghĩa gì mà lại là lời mời? Nó chứa dãy số từ 1 đến 10, chứa các số phân tử của các nguyên tố tạo nên ADN như Hydro, Carbon vân vân…công thức tạo nên ADN, số lượng ADN của con người, hình ảnh con người cơ bản trông như thế nào, hình ảnh đơn giản của hệ mặt trời và vị trí của Trái Đất. Cuối cùng là hình ảnh của đài phát sóng Acrecibo nhằm xác định lý do và giải thích vì sao thông điệp này được gửi đến với họ.
Với những người đam mê khoa học viễn tưởng và mong ước một ngày được tiếp xúc với nền văn minh thiên hà thì đây quả thực là một ý tưởng tuyệt vời. Nhân loại đã có bước tiến lớn, thay vì chỉ ngồi trong nhà, nhìn ra ngoài, lắng nghe mọi thứ thì giờ đây ta đã bước ra khỏi cửa và bắt đầu hét lên để những hàng xóm khác nghe thấy mình.
Nhưng liệu đây có phải là một ý hay không?
Khi chúng ta sống trong một xã hội phức tạp, việc ra ngoài đường dường như chưa bao giờ là một khái niệm đồng nghĩa với an toàn. Chúng ta có thể gặp bất cứ chuyện gì khi ra ngoài kia, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Vậy khi ta bắt đầu liên hệ với những sinh vật mà ta còn chưa biết có tồn tại hay không, có hình dáng như thế nào và có ý đồ gì… liệu đây có phải là một điều nên làm?

THUYẾT RỪNG TỐI

Cứ cho rằng người ngoài hành tinh có thật, chuyện gì sẽ xảy ra?
Để một giống loài có thể tồn tại, bản năng sinh tồn của chúng cần phải được chứng tỏ nhiều lần qua thời gian. Không một sinh vật nào có thể sống đến cả trăm ngàn năm mà không vượt qua vô vàn những khó khăn, những thách thức về sự tồn của của chính giống loài đó.
Chúng sẽ phải làm những điều không tưởng để có thể tiếp tục sống. Như trong rừng tối, bất cứ ai muốn sống sót cũng phải trở thành thợ săn. Ta không chỉ phải săn mồi để tiếp tục sống mà còn phải có khả năng tự vệ trước những thế lực khác.
Nhân loại, những sinh vật nhỏ bé trên hành tinh xanh đã liên tục tự khẳng định bản năng sinh tồn của mình trong suốt lịch sử ngắn ngủi của họ. Chúng ta đã đi qua không biết bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu lần tự đưa bản thân vào hiểm nguy chỉ để đấu tranh cho sự sống mỏng manh của mình.
Vậy giờ đây, khi ta cho rằng các sinh vật ngoài hành tinh cũng tồn tại và đủ thông minh để có thể tiếp xúc với chúng ta, điều gì cản việc họ cũng phải vượt qua hành trình tương tự? Điều gì cản đường họ trở thành những thợ săn trong rừng tối như chúng ta?
Có lẽ Lưu Từ Hân đã nghĩ tới điều này khi bắt đầu chắp bút cho bộ tiểu thuyết Tam Thể của mình. Và trong cuốn thứ 2 mang tên Khu Rừng Tối, Lưu Từ Hân đã khiến mọi độc giả phải rùng mình khi nghĩ về tương lai của nhân loại khi liên lạc với thế giới bên ngoài.
Hãy tưởng tượng, nền văn minh của nhân loại là một thợ săn còn vũ trụ ngoài kia là một khu rừng rộng lớn. Người thợ săn sau những ngày trải qua sự cô đơn đã quyết định sẽ cố liên lạc xem liệu trong khu rừng còn có ai như mình không. Thế nhưng, thợ săn Trái Đất lại vô minh và không biết rằng các thợ săn khác có ý đồ gì.
Các thợ săn khác đang tìm kiếm đồng minh để cùng nhau bảo vệ mình trong bóng tối? Hay họ đang đói, khát, cần một nguồn thức ăn khác? Có khi nào họ muốn sở hữu túi lương thực của ta không? Nhân loại vẫn luôn là những kẻ xâm lược, muốn chiếm đóng kẻ khác vì thứ họ sở hữu. Vậy điều gì ngăn cản một thợ săn lạ mặt muốn làm hại chúng ta?
Nếu nhân loại là thợ săn mạnh nhất thì sao? Nếu ngày nào đó ta chạm tới ngưỡng phát triển đủ để thao túng khu rừng này, ta sẽ làm gì? Đó là lúc con người sẽ bắt đầu tìm đến vũ trụ ngoài kia để có thể duy trì được nguồn tài nguyên và mở rộng lãnh thổ.
Vậy nếu ngoài kia cũng có một thợ săn khác giống ta thì sao? Có khi nào những người ngoài hành tinh đó là những sinh vật bá chủ tại chính nơi ở của họ? Và nếu như cách họ phát triển giống chúng ta thì những người ngoài hành tinh hoàn toàn có thể là những sinh vật vô cùng nguy hiểm.
Trong một khu rừng có những thợ săn hùng mạnh như nhân loại, các thợ săn yếu ớt hơn sẽ khôn hồn mà im lặng. Họ không thể chống lại ta và họ biết điều đó. Vậy nên trong khi ta đang lùng sục khắp khu rừng tối, điều tốt nhất họ có thể làm là lẩn tránh, im lặng và hy vọng chúng ta không tìm ra họ.
Nhưng nếu nhìn ngược lại, nếu ta không phải là thợ săn mạnh nhất, ta chỉ là một tay mơ mới đến với khu rừng này thì sao? Trong khi các thợ săn khác đang cố gắng trốn tránh, im lặng, khẽ thở nhằm né tránh tên đồ tể khát máu đang lùng sục khắp rừng, đánh hơi những kẻ ngu ngốc đang lẩn trốn thì có một tên dở nào đó vừa đi vừa huýt sáo, vừa hô to rằng họ đang ở gốc cây này, bụi cây kia, nhằm chờ có ai đó đến và làm bạn với mình giữa đêm tối chết chóc.
Có lẽ đây là lời giải đáp của nghịch lý Fermi, rằng có lý do nào đó khiến các nền văn minh lụi tàn trước khi đạt mức độ phát triển như ta hoặc tệ hơn là họ đã lụi tàn sau khi phát triển như ta.
Những nền văn minh yếu ớt, mới học cách thuần hóa chó sói đã bị người ngoài hành tinh với súng laze và đạn xuyên giáp đến để thâu tóm. Trong khi đó những nền văn minh phát triển thì lại ngây thơ, ngu ngơ mà phát sóng ra vũ trụ, hy vọng có ai đó nghe thấy. Rồi khi có ai đó nghe thấy thật, họ ngay lập tức phải trả giá cho sự ngu dốt của mình với sự diệt vong.
Đây là một viễn cảnh đen tối dành cho bất cứ sinh vật sống nào ngoài kia. Nhưng thành thực mà nói, không một ai có thể biết rõ ngoài kia có những ai và họ trông như thế nào. Vậy nên khu rừng tối vẫn là một giả thuyết hợp lý để giải thích cho nghịch lý Fermi. Và câu trả lời cho việc liệu người ngoài hành tinh có thật hay không, cho dù có trả lời bằng đáp án nào thì sự thật vẫn luôn ám ảnh chúng ta.
Có hay không, đó vẫn là một viễn cảnh vô cùng tồi tệ.

VẬY THÌ?

Sự tồn tại của sinh vật ngoài hành tinh là vô cùng khó hiểu. Chúng ta rất khó có thể chấp nhận được sự sống của các con người trông giống chúng ta nhưng không giống chúng ta. Về cơ bản, nhắc tới người ngoài hành tinh là nhắc tới cả nỗi lo lẫn sự hân hoan. Liệu tín hiệu WOW kia có phải người ngoài hành tinh không? Liệu phương trình Drake có giải quyết được gì không? Và liệu khu rừng tối có thật không?
Không ai trong chúng ta có thể trả lời được. Và khi thông điệp Acrecibo vẫn đang chu du trong thiên hà, chúng ta chỉ có thể tiếp tục lắng nghe và tìm hiểu thêm về giả thuyết của những sự sống trong vũ trụ bao la này. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu một điều rằng, những người ngoài hành tinh mà ta đang nghĩ tới có khi không hề như những gì ta tưởng tượng.
Kể cả khi họ nhận được thông điệp đó, việc họ có thể giải mã nó như cách ta tưởng tượng cũng chưa chắc sẽ trở thành hiện thực. Có khi nào công nghệ của họ không dựa trên sắt thép như chúng ta? Có khi nào họ sẽ là những cỗ máy bằng thịt khổng lồ? Có khi nào họ là một sinh vật sống hoàn toàn khác? Và có khi nào họ sống dựa trên một phương trình hoàn toàn không liên quan tới phương trình Drake thì sao?
Có lẽ, chúng ta cần thời gian để trả lời.