Bàn về việc đọc sách và những cuốn sách từ tuổi thơ đến hiện tại của tôi.
Tôi là một thanh niên thế hệ 8x, lớn lên ở thời bao cấp, ngày đó không có những phương tiện giải trí gì nên việc đọc sách của tôi hình thành từ rất sớm vì sở thích tò mò và ưa khám phá. Chú tôi là một giáo viên và rất mê truyện tàu, ông có mua bộ tam quốc diễn nghĩa xuất bản năm 1988 và Hán Sở Tranh Hùng để ở nhà tôi với bìa giấy thế này, giấy thì màu nâu đen. Thế là tôi dành trọn cả mùa hè để đọc nó khi chỉ mới 12 tuổi.
Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa - Năm xuất bản 1988 - 1989
Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa - Năm xuất bản 1988 - 1989
Đọc sách đối với tôi như một sở thích hay một thói quen hằng ngày và nó đã hình thành từ lúc còn là cậu học sinh cấp 2. Những ngày còn là học sinh ở quê, tôi  không đi đâu chơi nên tôi ngồi ở nhà đọc sách. Vì thế giờ việc đọc một sách đối với tôi là điều dễ dàng, tự nhiên và không có trở ngại nào. Chính cái thói quen đọc sách, tự mày mò đã là phương pháp tự học thiết thực, hiệu quả nhất của tôi cho đến tuổi trưởng thành.
Đọc sách truyện tranh nhiều và nhận phần thưởng
Năm cấp 1, tôi đọc truyện tranh thiếu nhi nhiều đến nổi mà cô quản thư của thư viện trường luôn để mắt đến và dành sự ưu ái nhất định. Mỗi lần trong giờ ra chơi 15 phút, thì tôi đều đến thư viện, ngồi đọc sách say sưa đến khi trống đánh vào giờ học.
Có những cuốn truyện đang đọc dở dang, không xong thì tôi mượn về nhà và ngày nào cũng vậy tôi đều lên thư viện lúc giờ ra chơi. Vào những buổi tổng kết cuối năm học thì tôi luôn được học sinh giỏi và được tặng thưởng là những chiếc cặp bằng vải dù.
Cô thủ thư ở thư viện đã xin phép ban giám hiệu nhà trường đọc tên tôi rõ to để phát riêng phần thưởng của thư viện là 5 quyển vở ô ly bìa giấy in hình Doremon vì thành tích mượn truyện nhiều nhất khối học sinh toàn trường.
Cô muốn lan truyền văn học đọc đến tất cả học sinh các khối lớp. Thế là ngoài chiếc cặp thì tôi được thêm 5 quyển vở ô ly nữa sau mỗi tổng kết cuối năm.
Có thể nói rằng, cuộc sống những ngày tuổi thơ của tôi chỉ đọc…đọc…và không gặp tiếp xúc với ai nhiều. Vì mẹ tôi quản lý tôi rất chặt chẻ và không cho tôi đi đâu ra khỏi nhà mà không xin ý kiến.
Đọc sách Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hán Sở Tranh Hùng
Tiểu thuyết Hán Sở Tranh Hùng
Tiểu thuyết Hán Sở Tranh Hùng
Năm tôi 12 tuổi, đang học lớp 7 thì ngoài giờ học ở lớp và học thêm thì hầu như tôi làm bạn với 4 vách tường, không được ra khỏi nhà. Trong một lúc tình cờ, tôi tìm được bộ sách Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản năm 1999 và bộ Hán Sở Tranh Hùng (năm xuất bản 1988) như hình trong tủ “búp phê” của gia đình.
Chúng là tài sản của chú tôi – một giáo viên gửi lại sau nhiều lần chuyển nhà. Thế là cứ mỗi buổi chiều tối khi ăn cơm xong hay những ngày chủ nhật không đi đâu  thì tôi lại đọc 2 bộ sách đồ sộ này.
Sau gần 3 tháng thì tôi mới đọc xong bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa và tôi lại đọc tiếp bộ Hán Sở Tranh Hùng. Với một đứa trẻ bị kèm cặp với hình thức “phong sát” vào những ngày ấy, không nói chuyện với ai thì làm gì bây giờ ngoài đọc sách và cảm thấy vui thích vì điều này.
Bắt đầu mua sách truyện yêu thích
Những ngày tháng học sinh cấp 2 của tôi cứ trôi dần theo từng trang sách ấy. Tôi tiết kiệm ăn sáng để có thể mua sách và những cuốn truyện yêu thích đương thời của thập niên 90 như : 7 viên ngọc rồng (phiên bản 95-96), đường dẫn đến khung thành bộ 1, Kitara – Cậu bé tóc tiên, Vua trò chơi, Conan bìa màu ful 47 cuốn ….
Nhưng những ngày khi từ biệt quê nhà lên Sài Gòn ở trọ để học đại học thì ở nhà mẹ tôi đã gọi cho cô đồng nát mà mẹ quen đến “dọn sạch sẽ” không còn cái gì và dĩ nhiên bộ Tam Quốc và cuốn Hán Sở Tranh Hùng kia cũng nằm trong số đó rời khỏi nhà để nằm trên chiếc cân.
Tái ngộ bộ sách năm xưa
Sau gần 25 năm trôi qua, tôi đã mua lại bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa phiên bản 1988 này chỉ để ôn lại quá khứ cùng những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ và hồi tưởng những “di chỉ của ký ức” trong quá trình trưởng thành của mình. Tôi nghĩ có thể đối với mọi người, bộ sách chẳng có gì nhưng nó là cả một kỷ niệm với một người như tôi. Bộ sách ra đời cách đây tròn 36 năm (năm xuất bản 1988).
Khi tôi cầm những cuốn sách này trên tay thì từng mảng ký ức trở về thật sống động, chân thực mà tôi không thể diễn tả thành lời được. Đó là cái giường (không nệm) với cái mùng màu xanh dương, trên thành giường đang để bộ tam quốc diễn nghĩa.
Đến thời điểm này thì tôi vẫn thích đọc sách giấy cầm trên tay vì tôi muốn ngửi mùi giấy thơm hơn là đọc sách online hay sử dụng máy đọc sách Kindle. Khi đọc sách bằng thiết bị ấy thì tôi không thể ghi chú, hay đánh dấu những gì mình đọc. Một lý do nữa là tôi thấy bất tiện và không thân quen. Nên những cuốn sách giấy luôn quyến rũ tôi một cách kỳ lạ đến như vậy.
Sau hàng chục năm sống trên Sài Gòn thì tôi đã sở hữu cho mình nhiều sách, có những bộ sách mà tôi đọc đi đọc lại và những cuốn tiểu thuyết với ngôn từ trác tuyệt. Tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách từ thời cấp 2 cho đến tận bây giờ,khi đã đế trung niên như thế này.
Thói quen đọc sách có ích gì
Có những ngày không muốn đi đâu hay cuộc sống gặp điều bất trắc thì tôi lại vò đầu vào đọc sách. Việc đọc sách giúp tôi quên đi thực tại hay những muộn phiền mà không có cách gì hoá giải hay chỉ tìm cảm giác an bình. Tôi nhớ câu trích trong tiểu thuyết “Tên của đoá hồng” của nhà văn người Ý – Umberto Eco có viết :
“Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở một góc phòng với một quyển sách mà thôi.”
Tôi có thể nói với bạn rằng trong sự cô đơn không bạn bè, sách của chúng ta là người bạn đồng hành.” Thay vì ra ngoài gặp những người không thích hợp hay cảm thấy mình cô đơn thì ở nhà tìm và đọc cuốn sách mà mua đã lâu thì vẫn thích thú hơn. Đây là ý kiến cá nhân của tôi, có thể không giống như mọi người. -------------