(C) Nguyen Quang Ngoc Tonkin
VIỆT NAM ĐANG BƯỚC TỪNG BƯỚC ĐẾN SỰ THỊNH VƯỢNG
Nếu đã sống và làm việc ở Việt Nam 3 năm trở lại đây, chắc chắn hầu hết những con người này đều có cảm nhận chung rằng cuộc sống, kinh tế của đất nước đang có những bước chuyển mình cực kỳ mạnh mẽ; và không ít người trong chúng ta đã từng một lần nghe và gật gù với câu nói: "Vận nước đang lên". Có lẽ những con số thống kê cũng chỉ có tác dụng xác nhận lại, chứ điều đó đã thể hiện rõ qua bộ mặt của thành thị với số lượng cao ốc, ô tô, và dịch vụ tăng một cách chóng mặt. Bất chấp bối cảnh nền kinh tế toàn cầu  bước vào pha suy giảm, thì việc Tăng trưởng GDP luôn dẫn đầu các quốc gia đang phát triển, ở mức xấp xỉ 7% liên tục trong 3 năm trở lại đây là một sự xác nhận to và rõ ràng cho cảm nhận của Chủ tịch nước rằng "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay". Bên cạnh đó, những thành quả bên ngoài kinh tế như: Thể thao liên tục đạt thành tích thần kỳ trong khu vực, hay Việt Nam đảm nhận vai trò ghế chủ tịch ASEAN không chỉ làm mỗi con người ở đây bồi hồi xúc động với lòng tự tôn dân tộc, mà còn đưa chúng ta lên một vị thế mới trên bàn đàm phán quốc tế. Ở mức độ cá nhân, người dân ngày càng được hưởng một cuộc sống tiện dụng và sung túc hơn, thu nhập tăng lên, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và thậm chí Việt Nam còn được thống kê vào top những quốc gia có lượng người giàu tăng nhanh nhất thế giới. Chúng ta đang ở trong mùa xuân của sự phát triển và đón chờ sự thịnh vượng sắp đến. 
(C) French Jessica Lee
CÓ HAY KHÔNG NHỮNG DẤU HIỆU SỨC KHOẺ KINH TẾ?
Bất động sản ở Việt Nam là một ngành rất đặc thù. Nói là chiếm tỉ trọng lớn trong GDP thì không phải, mà để trở thành một ngành mũi nhọn kéo đẩy thị trường thì chắc cũng không nên. Nhưng chẳng ở đâu mà người ta thích bỏ tiền vào Bất động sản như ở Việt Nam. Người kinh doanh thành công, người tiết kiệm, người đầu tư, họ đều gặp nhau ở việc tìm mua Bất động sản như một trong những quyết định mua bán giá trị nhất trong cuộc đời. Thêm vào đó, Bất động sản còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong định hướng phát triển Du lịch của Chính phủ. Nên nói nhìn vào ngành này có thể cảm nhận những dấu hiệu về sức khoẻ của nền kinh tế là có cơ sở. Dù chỉ với chút kinh nghiệm ít ỏi và những câu chuyện được kể lại trong công việc, mình cũng có thể cảm nhận Bất động sản hai năm 2018-2019 đã nguội lạnh đi nhiều so với 2 năm trước đó. Mà Bất động sản lạnh thì khả năng nền kinh tế cúm là cao. Với những người lo xa, những gì xảy ra với kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn tươi đẹp như những năm vừa qua nữa, và đây là lí do:
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ "CHÍN ÉP" VÀ KHÔNG CÒN KÉO DÀI ĐƯỢC LÂU?
Nếu đã hoặc đang là một sinh viên kinh tế, hay đơn giản là quan tâm đến kinh tế vĩ mô, bài phỏng vấn dưới đây của PGS.TS Phạm Thế Anh đại học Kinh tế Quốc dân là một góc nhìn ngược dòng thẳng thắn và sắc nét. Nổi bật trong những chia sẻ trên là nhận định: "Kinh tế Việt Nam năm rồi vẫn dựa vào bơm tiền là chính".
"Bơm tiền", "in thêm tiền", hay "nới lỏng chính sách tiền tệ" nên được hiểu đúng là một phương án rất phổ biến và minh bạch của các quốc gia để kích thích kinh tế phát triển, thay vì một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Dòng tiền chảy từ khu vực Tài chính tới đích là Sản xuất và Tiêu dùng, với kì vọng bồi đắp những khu vực này trở thành động lực của nền kinh tế. Về lý thuyết, tăng trưởng GDP sau khi thực hiện nới lỏng cung tiền là điều tất yếu, song song với rủi ro về lạm phát và bong bóng kinh tế. Khi có dấu hiệu tăng trưởng nóng, chính phủ sẽ hút tiền về để kiềm chế lạm phát. Những chia sẻ trong bài phỏng vấn làm rấy lên những câu hỏi:
Phải chăng khi không thể tiếp tục bơm tiền, kinh tế không đủ sức tự đi lên?
Tăng trưởng do bơm tiền không lạ, nhưng điểm quan trọng ở từ "là chính". Lý thuyết hoàn hảo là sau thời gian đầu được bơm vốn, những trụ cột kinh tế phải tạo dựng được những thành quả cụ thể, để kể cả khi không còn được bơm vốn, vẫn có những động lực "organic" để tiếp tục đi lên. Những thành quả đó có thể là tài sản, nhân lực chất lượng cao, quy trình, công nghệ... của doanh nghiệp; là những dự án đầu tư công hiệu quả của nhà nước; là hệ thống và quy định chặt chẽ với thị trường đầu tư. So sánh đơn giản giống như việc cha mẹ đầu tư tiền cho con cái học hành, làm ăn thời đầu với hi vọng sau này chúng có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Nhận định của PGS.TS mang hàm ý ở thời điểm hiện tại tăng trưởng vẫn chưa đến từ nội lực, chất lượng tăng trưởng không cao dù nhà nước đã liên tục bơm tiền với tốc độ 2 chữ số bắt đầu từ 2014 đến nay. Thực tế cho thấy để duy trì tăng trưởng ở mức xấp xỉ 7% trong khoảng 3 năm qua, lượng cung tiền phải bơm vào phải ngày càng nhiều qua từng năm.
Biểu đồ so sánh cung tiền M2 và GDP tính theo giá hiện hành từ năm 2010 đến năm 2019 (đơn vị: tỷ đồng). Số liệu: ADB, Key Indicators for Asia and the Pacific 2019. Biểu đồ: tự làm.
Giai đoạn 2014 đến nay đánh dấu nỗ lực của Chính phủ trong việc kích thích tăng trưởng (Nguồn: Vietstock)
Sau 2018 ở mức 11%, cung tiền M2 đã tăng lên gần 15% vào năm 2019 (Nguồn: Vietstock)
Chất lượng tăng trưởng kinh tế không cao và tiềm ẩn rủi ro
Một trong những vấn đề mình để ý được đem ra tranh luận rất nhiều giữa các nhóm chuyên gia trên các thời báo kinh tế tài chính đầu năm 2020 vừa rồi, là về rủi ro tiềm ẩn trong lãi suất vay caonợ doanh nghiệp. Điều này cũng được nhắc đến trong bài phỏng vấn trên:
Xét theo ngành, tăng trưởng năm 2019 có sự đóng góp lớn nhất của dịch vụ. Nhưng triển vọng của dịch vụ lại không hẳn đẹp. Ví dụ ngành ngân hàng năm qua lãi rất lớn. Ngân hàng là ngành trung gian, phi sản xuất. Ngân hàng lãi nhiều tức là khu vực sản xuất đang chịu chi phí cao khi dựa nhiều vào vay nợ."
- Về lãi suất: Lãi suất vay thương mại hiện tại ở Việt Nam xấp xỉ 10-11%. Con số này đang được thống kê là cao hơn mặt bằng chung trong khu vực. Trong quản lý rủi ro, lãi suất vay một phần phản ánh đánh giá của ngân hàng về năng lực và rủi ro phá sản của doanh nghiệp; thường doanh nghiệp càng lớn, tín dụng tốt, tăng trưởng ổn định thì càng được vay với lãi suất thấp. Mặc dù việc so sánh lãi suất giữa các nước khác nhau chưa hẳn đã có ý nghĩa, nhưng lấy 1 ví dụ: Con số này ở UK đang ít nhất là 9-10%, ở một thị trường có nhiều nguồn cung tài chính khác ngoài ngân hàng đồng thời chất lượng doanh nghiệp cũng cao hơn ở Việt Nam thì mức 11% chưa chắc đã là quá cao. Mặt khác, lãi suất cao còn bắt người vay phải sử dụng vốn cẩn thận và khôn ngoan hơn. 
- Về nợ: Song hành với lãi suất, vấn đề nợ doanh nghiệp đang được mô tả dưới ngòi bút của báo chí như "Quả bom nổ chậm" khi tỉ lệ nợ trên vốn của doanh nghiệp Việt đang bị cho là cao hơn nhiều so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới, ở mức 2.5 lần với DN tư nhân và 4.1 lần với DN nhà nước (2017). Giữ quan điểm ngược lại, Tổng giám đốc một công ty dữ liệu tài chính lớn ở Việt Nam cho rằng con số 0.65 lần tài sản nợ trên vốn chủ là ở mức an toàn. Vì kiến thức còn hạn chế nên mình chỉ có thể trích dẫn những bài tranh luận trên để mọi người tự đưa ra những nhận định riêng. nhưng đây sẽ là một trong những điều mình thắc mắc về con số 0.65 lần:
100 DN Bất động sản lớn nhất đã niêm yết có tỉ lệ nợ thấp hơn trung bình ở mức 0.57. Là một ngành có vốn hoá lớn, để ra được trung bình 0.65, các doanh nghiệp ngành khác có thể đang mang tỉ lệ nợ cao hơn trung bình kha khá. Ngoài ra, từ kinh nghiệm cá nhân, không phải DN BĐS nào có dự án cũng niêm yết công khai. Đồng thời, tỷ lệ nợ của DN Bất động sản trong Báo cáo Tài chính cũng được chủ động giảm bằng cách chuyển hướng nợ sang cho khách hàng mua nhà dưới dạng chương trình vay hợp tác với ngân hàng: chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng mua nhà.
Trong trường hợp xấu khi thực sự doanh nghiệp đang dựa quá nhiều vào tín dụng, hệ quả sẽ rất rõ ràng khi nền kinh tế bỗng nhiên chững lại và vào pha suy giảm. Dịch Corona đang thực sự làm doanh nghiệp Việt điêu đứng dù mới chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Nhiều dự báo cho rằng dịch bệnh vẫn sẽ còn ảnh hưởng tới tận Quý III. Nói cách khác, năm 2020 sẽ là một năm thực sự thử thách. 
WHEN THE COSTS COME DUE
Tiếp cận nguồn vốn ngày càng khó khăn
Cũng giống như một doanh nghiệp, chính phủ cũng phải vay nợ để có tiền phát triển đất nước. Có vẻ như giai đoạn sắp tới cũng không thể êm đẹp như những năm trước:
Báo cáo cho thấy giai đoạn năm 2020-2022 sẽ là 2 năm đỉnh điểm phải trả nợ công của chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm và các nguồn tín dụng quốc tế ngày càng siết chặt, thì một ví dụ như việc Mỹ đưa chúng ta ra khỏi danh sách những nước đang phát triển sẽ mang đến một giai đoạn phải xoay xở của Chính phủ Việt Nam.
Đối với nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản nợ vay ODA và vay ưu đãi, nhiều khoản vay đã hết thời gian ân hạn, tức là phải trả gốc đến hạn. Tính đến nay, dư nợ vay ODA còn 48 tỉ USD (1,1 triệu tỉ đồng) với hơn 1.300 hiệp định vay với các kỳ hạn vay khác nhau từ 15-40 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân khoảng 11 năm thì từ năm 2020, ước tính mỗi năm phải trả khoảng hơn 4 tỉ USD.
Mặt khác, theo cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 7-2020, VN phải trả số nợ gốc gấp đôi so với trước đây cho các khoản vay hỗ trợ phát triển nước nghèo từ WB.
Bởi VN đã “tốt nghiệp IDA”, tức là trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (tháng 7-2017, VN ngừng nhận tín dụng bao cấp từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA, thuộc WB, sau khi thu nhập bình quân đầu người vượt mức trần 1.200 USD).
Hiện mỗi năm, bình quân VN trả nợ cho WB từ 300-500 triệu USD, nhưng từ năm sau thì số tiền trả nợ gốc tăng gấp đôi, tức là 600 triệu - 1 tỉ USD, tương đương 15.000-23.500 tỉ đồng. Do đó, chúng ta phải bố trí nguồn để trả nợ cho WB.
Rủi ro lạm phát
Trong con số khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm được bơm vào nền kinh tế, 50% số đó chảy vào trái phiếu chính phủ để đảo nợ trong nước và bù thâm hụt ngân sách.
Khi đến hạn trả nợ trong nước, Chính phủ có thể In thêm tiền, Phát hành trái phiếu kì sau lãi cao hơn kì trước để đảo nợ, hoặc Tăng thuế. Tất cả đều dẫn đến kì vọng về lạm phát.
Từ đầu năm đến nay lạm phát đã ở mức 5.5-6.4% vào tháng cao điểm Tết nguyên đán và đang giảm dần về mức 4%, chứ không còn ở mức 2.8% như cuối năm 2019 nữa. Đáp lại, từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2, chính phủ đã hút ròng gần 100,000 tỉ đồng như một động thái kiềm hãm lạm phát. 
LẠM PHÁT CÒN DIỄN RA THEO MỘT CÁCH KHÁC, Ở MỨC ĐỘ CÁ NHÂN
Thu nhập trung bình tăng, nhưng chi tiêu còn nhiều hơn thế
Việt Nam là một thị trường có sức tiêu thụ mạnh hơn sản xuất, với mô hình kinh tế càng tiêu thụ càng phát triển. Trong khoảng thời gian kinh tế nở rộ nhất, hàng hoá, dịch vụ ngập tràn tại những thành phố lớn. Hưởng lợi từ tỉ giá ổn định và nhiều hiệp định thương mại, người tiêu dùng Việt được tiếp cận với những mặt hàng ngoại nhập chất lượng cao với giá dễ chịu hơn rất nhiều. 
Có sai không khi nói, một người bình thường ở thành thị đã vô hình chung mua sắm với tần suất nhiều hơn và giá trị món đồ cũng cao hơn so với những năm trước đây? Chưa cần thống kê, chỉ cần nghĩ về những con đường ngày càng chật kín ô tô; hàng tiêu dùng ngoại ngày càng sẵn sàng đến tay từng hộ gia đình; hay việc những món đồ thời trang và công nghệ xa xỉ trên người đã không còn là điều gì quá hiếm gặp, thì chắc mọi người sẽ phần nhiều đồng tình với mình. Nếu so sánh tổng mức chi tiêu của mỗi người qua hàng năm, cái "lạm phát" này chắc chẳng thể nào ở mức một chữ số.
Tất nhiên, thu nhập tăng thì người ta chi tiêu nhiều hơn là rất bình thường. Nhưng trong khi mức lương trung bình của một người trẻ độ tuổi 22-27 chỉ tăng vỏn vẹn từ 2-4%/năm trong 4 năm qua (so sánh tương đương theo vị trí, không tính việc thăng chức), thì một số chi phí cơ bản khác đã cho "tăng lương" hít khói, cụ thể như chi phí nhà đất (tăng 17%), giáo dục (tăng 37%), chăm sóc sức khoẻ (84%). 
Số liệu: ADB, Key Indicators for Asia and the Pacific 2019. Biểu đồ: tự làm.
Khi nói kĩ hơn về giá nhà đất ở 2 thành phố lớn nhất đất nước, với kinh nghiệm cá nhân mình cho rằng mức độ tăng giá thực qua từng năm còn cao hơn thế. Xu hướng phát triển các dự án "cao cấp" hướng đến tầng lớp trung lưu, thượng lưu, người nước ngoài ngày một nhiều; cộng với việc ở Việt Nam hiện tại không có những đơn vị đánh giá chất lượng dự án (rating agencies) dần khiến cho mức giá mở bán một dự án có lẽ là đặt theo khả năng chi trả của khách hàng chứ không hẳn ở vị trí hay chất lượng công trình.
Những bạn trẻ tốt nghiệp trong khoảng thời gian kinh tế đi lên (2016 trở lại đây) có thể cảm nhận, không quá khó để có một việc làm với mức lương khởi điểm 8-10 triệu/tháng tại HN hoặc HCM, hay thậm chí mức lương "ngàn đô" khi mới ra trường, mặc dù hiếm, cũng không còn là bị cho là viển vông. (Điều này cũng một phần do các doanh nghiệp chạy đua tuyển dụng theo mô hình quốc tế, dẫn đến "lạm phát lương" hoặc "lạm phát chức danh", nhưng mình sẽ không bàn luận sâu về vấn đề này). 
Cũng không quên kể đến, sự năng động cũng giúp nhiều bạn trẻ có thêm thu nhập phụ từ những nguồn khác, dẫu việc này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng công việc chính có thể suy giảm. Sẽ luôn luôn có những mâu thuẫn lợi ích khi nhìn từ góc độ cá nhân và góc độ tập thể. Tương tự, việc bạn càng tiết kiệm được nhiều từ thu nhập thì càng tốt cho bạn, miễn là cả xã hội không ai học theo như thế.
Vậy khi thu nhập của chúng ta tăng lên, đấy là do mình giỏi lên, hay là hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chung?
Hoà trong không khí thịnh vượng "vận nước đang lên" của Việt Nam thời gian vừa rồi mà có thể chúng ta sẽ dễ tính trong chi tiêu hơn, tự tin vào tương lai hơn, mà không để ý đến câu hỏi trên. Trong một viễn cảnh xấu, đáp án cho câu hỏi ấy có thể ẩn chứa những rủi ro tương lai đang đến gần:
- Tăng trưởng kinh tế đứt phanh khi gặp phải những biến động mạnh và bước vào chu kỳ suy giảm. Việc làm khó kiếm hơn, thu nhập không tốt như trước.
- Phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt khi người giàu vẫn sẽ ngày càng giàu từ việc xã hội chi tiêu nhiều, vẫn tích trữ tài sản, bất động sản bị thổi giá.
- Chi phí tiếp cận những cơ hội để bứt phá, thể hiện qua chi phí nhà đất và sinh hoạt tại đô thị, đặc biệt đối với người không có sẵn điều kiện gia đình, ngày càng cao.
Những điều này như đang chực chờ tích tụ và khi có một yếu tố tác động đủ lớn sẽ kích nổ cả thị trường. Điều này có thể là một phần nhỏ lí do tại sao Việt Nam lại (và nên) phản ứng quyết liệt với dịch bệnh hiện tại hơn bất cứ quốc gia nào. Vì rủi ro vốn đang ẩn mình từ trước đó trong nền kinh tế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào ngoại vốn, Chính phủ còn đang đặt định hướng phát triển Du lịch, Dịch vụ. Và cũng nói luôn, điều này không có nghĩa là mình chỉ nhìn mọi thứ như lợi ích kinh tế và coi nhẹ những nỗ lực và trách nhiệm của nhà nước với xã hội, với người dân.
Nhưng hi vọng viễn cảnh này chỉ xảy ra ở một thế giới lo xa mà thôi.

THẾ "VẬN NƯỚC ĐANG LÊN" Ở CHỖ NÀO?
Sau tất cả những điều ở trên, nếu hỏi ai là người vẫn tin vào "Thời điểm của Việt Nam đang đến" thì mình sẽ là người giơ tay đầu tiên. 
Nó nằm ở một thể chế chính trị ổn định, đối ngoại tinh tế, Chính phủ bảo bọc người dân. 
Nó nằm ở thiên thời khi giai đoạn phát triển của chúng ta đến sau thời gian khởi động hàng thập kỷ, lại diễn ra đúng trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm, còn các nước trong khu vực thì bắt đầu chậm lại. Sự "lệch pha" này có thể giúp thu hẹp khoảng cách trong thời gian ngắn hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể tận dụng cơ hội.
Nó nằm ở địa lợi khi đất nước chúng ta tự hào sở hữu rừng vàng biển bạc, không chịu nhiều ảnh hưởng tôn giáo, người Việt Nam nổi tiếng thân thiện hiếu khách. Ngoại giao tốt mang đến một lợi thế trên bàn đàm phán càng giúp kéo những nguồn đầu tư và lợi ích về cho đất nước.
Nó nằm ở con người, khi lực lượng lao động mới ở thế hệ này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ là những người sinh trong khoảng 1993 đến đầu những năm 2000, có cha mẹ sinh ra trong những năm cuối 6x đến giữa 7x. Họ là những người đã từng một lần đi qua đói khổ khó khăn của đất nước, vừa hiểu rõ giá trị của sự phát triển, lại đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp và dồi dào về tài chính. Họ đủ nghiêm khắc, coi trọng giáo dục, và có khả năng cho con cái những điều kiện tốt nhất. Kết quả là thế hệ con cái trưởng thành, gia nhập xã hội với đầy đủ kiến thức và nền tảng gia đình để sẵn sàng cạnh tranh với thế hệ trẻ trên thế giới. Không sai khi nhận định, đây đang là mô hình dân số vàng của Việt Nam, là lực lượng lao động "tinh nhuệ" nhất mà Việt Nam từng có từ trước đến nay (trước khi Việt Nam lại bước vào giai đoạn "dân số già" như nhiều quốc gia đi trước khác). Từ góc nhìn xã hội, đây chắc chắn sẽ là thế hệ thay đổi cả đất nước, còn với từng cá nhân, đó sẽ là thử thách khi họ phải tìm cách cạnh tranh bứt phá với những "chiến binh" cùng thế hệ. (Cái này mình học được từ Chienluocsong.com).
Image result for timelapse hanoi

Xã hội xung quanh chúng ta đang thay đổi với một tốc độ điên rồ. Chỉ mới 3-5 năm trước thôi, ai dám nghĩ đến việc làm game thủ hay Youtuber có thể cho người ta thành quả bằng sự nghiệp cả đời của nhiều người? Cũng trong từng ấy thời gian, ai tưởng tượng được những loại hình dịch vụ mới như Grab hay Vinmart sẽ làm cho cuộc sống của người Việt tiện nghi không thua kém những nước phương Tây phát triển. Những giá trị cũ có còn được cân nhắc nhiều? Những con đường truyền thống như bằng đại học chính quy và công việc ổn định có còn hấp dẫn? Những kiến thức kĩ năng gì sẽ còn dùng được trong 10 năm tới? Những công việc nào sẽ biến mất? Những cái cũ gì sẽ bị thay thế? Chúng ta sẽ hồi hộp chờ câu trả lời đến trong một vài năm tới.
Suy cho cùng, bài viết này không có ý kết luận hay kêu gọi một việc gì cả. Lo cho việc chi tiêu của bạn, chẳng phải việc của mình. Bảo rằng kinh tế sắp tới sẽ không thuận lợi như trước đâu và sẽ ảnh hưởng nhiều đến chúng ta, mình chẳng hề dám chắc. Nhắc rằng tuổi trẻ phải cố gắng nhiều vào nếu không chục năm nữa sẽ tụt lại so với xã hội rất nhiều đấy, thì, sáo quá. Đơn giản chỉ là, ở trong thời điểm mà đất nước chuyển mình, rất nhanh và rất mạnh, mình chỉ hào hứng làm cái việc mình vẫn luôn ưa thích, đó là quan sát và tìm câu trả lời mà thôi. 
Peace!