Ảnh minh họa: Pixabay
Hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần bắt đầu vào năm học mới mình lại nhớ đến những câu văn quen thuộc của nhà văn Thanh Tịnh: "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều...". Bây giờ thì ngồi văn phòng nhiều quá, bản thân cũng bị cuốn vào guồng quay công việc nên cái việc lá vàng nó rụng như thế nào, nhiều hay ít mình cũng chẳng để ý đến. Lại còn cả cái việc họp lớp nữa, năm nào cũng kêu gào rằng tao nhớ thầy cô, nhớ trường, nhớ chúng mày lắm, xong rồi hẹn hò về thăm trường như thật, vậy mà cho đến cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn có khoảng vài gương mặt thân quen còn sót lại. Tầm khoảng 6-7 năm nay, cứ khi nào mùa thu đến thì mình lại gọi nó là mùa "hứa", hứa gặp mặt, hứa thăm hỏi, hứa đi ăn, hứa đi chơi đủ thứ,... Cụm từ "tựu trường" ngày càng trở nên xa lạ hơn qua từng năm, cho đến năm nay, mọi thứ đã khác.
Mọi chuyện bắt đầu vào một chiều muộn, khi mình chuẩn bị đồ đạc để ra về thì "vô tình" nghe được các anh chị đồng nghiệp ngồi cạnh đang bàn tán về lịch khai giảng của con và việc chuẩn bị đồ đạc năm học mới cho các cháu. Mọi năm thì mình chả để ý mấy cái việc ấy, đơn giản là vì, các cháu năm nào chả có khai giảng ở trường, vẫn cái bài diễn văn chào mừng lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, vẫn từng ấy cuộc hẹn với những lời hưa "chắc chắn tao có đi". Năm nay thì chột dạ, hay là về trường xem như nào nhỉ? Cũng lâu chưa ngó vào trường, mọi năm thì thăm mỗi trường cấp 3, hay năm nay về thử cấp 2, cấp 1, mẫu giáo xem thế nào, đi một vòng chụp ảnh các thứ để lưu lại sau này khi con nó hỏi có cái mà lôi ra khoe. Đi làm về thì cũng khá muộn rồi, lỡ muộn thì muộn luôn vậy, để càng lâu thì càng ngại, có khi chả bao giờ đi nữa.
Sau khi tan làm xong, mình quyết định đi và địa điểm đầu tiên mà mình chọn là trường cấp 2. Thực ra thì ngày xưa mình đi học nhàn lắm, từ mẫu giáo đến cấp 2 gần ngay nhà, đi bộ vài bước chân là tới, chả cần phải tốn mấy công đi lại. Chọn trường cấp 2 trước chằng qua là vì gần đấy có chỗ trông giữ xe vào buổi tối mà thôi. Trường sau gần chục năm trông vẫn như y như xưa, cũng phải thôi vì cách đây 10 năm trường được đập đi xây lại toàn bộ, nói đến cũ thì chỉ có lớp sơn đã dần bạc màu do nắng mưa mà thôi. Nhớ lại hồi cấp 2,  khi mới bước vào ngôi trường đã được xây mới, cô chủ nhiệm xúc động nói: "Hôm nay là một ngày lịch sử của trường ta". Đúng thế thật, trường cấp 2 cũ cũng phải hơn mấy chục năm rồi mới được xây mới chứ có ít đâu, cái gì cũ quá rồi thì đành cắn răng mà đập đi thôi, còn để cái xây mới cho thế hệ sau nó còn dùng nữa chứ. Tuy trường cũ đã không còn nữa nhưng may mắn là vẫn còn ảnh của các thế hệ học sinh trước để lại, xem để mà nhớ ngày xưa mình đã học như thế nào.
Sau khi đã tham quan xong ngôi trường cấp 2, mình tản bộ tới ngôi trường cấp 1 với hy vọng là ngôi trường này không bị thay đổi quá nhiều so với ngày xưa. Dĩ nhiên là cái hy vọng ấy của mình nó cũng hơi viển vông vì đã hơn mười mấy năm rồi từ lúc mình ra trường, quy mô trường giờ cũng lớn hơn, cơ sở vật chất cũng cần được nâng cấp và mua mới. Khi bước đến cổng trường, tất cả mọi kỳ vọng đều biến mất hoàn toàn, sự thật nó cay đắng hơn rất nhiều: trước mặt là một đống đổ nát bao gồm gạch, vữa, thép. Hỏi một bác ở gần trường mới biết trường đang nằm trong một dự án lớn của Bộ, xây lại trường là một trong những bước đi lớn của dự án đó. Bác vừa nói vừa chặc lưỡi: "Vùng cao người ta còn không có trường mà học còn bày vẽ xây trường chuẩn quốc tế ở đây làm gì không biết?". Mình cũng chỉ cười cho qua, cũng chả trách được, chắc bác cũng vì tiếc cái trường mà buột miệng vậy thôi. 
Trên đường đi về, những ký ức ngày xưa về ngôi trường cấp 1 bỗng chốc hiện về như cứa vào tim gan, những ký ức ấy gắn liền với từng dãy tòa nhà, từng dãy lớp học, từng cái cây và ô gạch. Ước gì mình về trường sớm hơn chỉ một năm thôi thì còn đỡ tiếc bao nhiêu, nhưng ngẫm lại thì mình cũng nên mừng vì sự đổi thay này của trường, sau này các cháu bé ở đây đỡ phải xin học trái tuyến, đỡ phải đi học xa nhà nữa và chúng sẽ được học trong một ngôi trường khang trang, hiện đại hơn. Ai cũng phải bước tiếp thôi, dòng thời gian và guồng quay cuộc sống không cho phép ai đứng yên cả. Nhưng những ký ức về một thời học sinh ngỗ nghịch, đáng yêu ấy như nhắc nhở ta rằng: "À mình cũng có một tuổi thơ cũng ra trò".  
PS: Lâu lắm rồi mới viết bài trên Spiderum, vào rồi mới thấy trang có nhiều cái mới quá. Cảm ơn chị N và anh H đã tạo động lực cho em viết tiếp trên trang này!