Tóm tắt nhanh: Màu sắc là một yếu tố quan trọng trong thiết kế. Tuy vậy, nó lại mang yếu tố khá là chủ quan. Một màu sắc bất kỳ đều có thể gợi lên một phản ứng nào đó ở một người và cũng có thể gây ra phản ứng ngược lại ở một người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ văn hoá, mối liên kết từ trước đó, hoặc chỉ đơn giản là sở thích cá nhân.


Lý thuyết màu sắc là một bộ môn khoa học và nghệ thuật hướng về chính nó. Thậm chí có một số nghề nghiệp được sinh ra đều có liên quan đến bộ môn này, ví dụ như các nhà chuyên môn về màu sắc và đôi khi là những nhãn hàng. Việc biết được những tác động của màu sắc đối với đa số mọi người là một kiến thức vô cùng quý giá mà các nhà thiết kế có thể làm chủ và cung cấp cho khách hàng của mình.

Dẫu vậy, nếu bạn thực sự nghiêm túc muốn nghiên cứu về màu sắc, thì sẽ có rất nhiều thứ phải học. Ví dụ chỉ đơn giản như việc bạn thay đổi sắc thái (Hue) thay hay độ bão hoà (Saturation) của một màu nào đó đã có thể tạo nên những cảm xúc hoàn toàn khác biệt của người xem. Sự khác biệt về văn hoá cũng là một yếu tố quan trọng. Đôi khi một màu như thế này ở đất nước này có thể tạo cảm giác hạnh phúc và năng động, nhưng khi đến một đất nước khác lại tạo cảm giác trầm buồn.

Đây là phần đầu tiên trong 3 phần thuộc về series về lý thuyết màu sắc cho các bạn. Ở phần này chúng ta sẽ bàn đến những ý nghĩa đằng sau những bộ màu khác nhau, và đưa ra những ví dụ về việc những màu sắc đó đã được sử dụng như thế nào (Tất nhiên sẽ đi kèm với một số phân tích nữa). Ở phần 2 chúng ta sẽ nói về cách mà một giá trị ví dụ như Hue, Chroma, Value, Saturation, Tones, Tints và Shades (Các thuật ngữ sẽ được giải thích kỹ ở phần sau) ảnh hưởng đến việc chúng ta cảm nhận màu sắc ra sao. Và trong phần 3, chúng ta sẽ bàn về cách mà bạn có thể tạo ra được một bảng màu phù hợp với những mẫu thiết kế của mình.

Màu nóng


Màu nóng bao gồm màu đỏ, cam, vàng và các biến thể của 3 màu đó. Đây có thể là màu của lửa, của lá vàng rơi, của khung cảnh mặt trời mọc rồi lặn, và nhìn chung thì những màu này sẽ đem lại cho bạn cảm giác hăng hái, nhiệt huyết và tích cực.
Màu đỏ và vàng là những màu cơ bản (màu bậc 1), và màu cam là màu được tạo ra bởi 2 màu đó (thế nên nó được gọi là màu thứ cấp - tức màu bậc 2). Điều đó cũng có nghĩa là những màu nóng thực sự không phải là sự kết hợp giữa 2 màu nóng và lạnh mà là giữa 2 màu nóng với nhau. Sử dụng màu nóng trong thiết kế của bạn có thể phản ánh lòng nhiệt huyết, hạnh phúc, sự đam mê và năng lượng.

Màu đỏ (Màu cơ bản - màu bậc 1)


Đỏ là một màu rất nóng. Màu đỏ gắn liền với hình ảnh của lửa, bạo lực và chiến tranh. Đồng thời nó cũng là một màu của tình yêu và niềm say mê. Trong lịch sử, đây là màu vừa gắn liền với quỷ dữ, lại vừa là màu hiện thân của thần tình yêu. Màu đỏ thực sự có thể mang lại những tác động vật lý đến người xem, làm tăng huyết áp và nhịp thở trở nên gấp gáp hơn. Nó cũng cho thấy có tác dụng làm tăng sự trao đổi chất đối với con người.

Màu đỏ là biểu hiện của cơn tức giận, nhưng nó cũng là dấu hiệu về một điều gì đó quan trọng (hãy nghĩ về tấm thảm đỏ trong mấy chương trình giải thưởng và các sự kiện nổi tiếng mà xem). Màu đỏ cũng chỉ ra sự nguy hiểm (các bạn biết vì sao đèn giao thông khi báo dừng lại và mấy biển cảnh báo lại thường có màu đỏ rồi đó).

Ở những nơi khác ngoài Châu Âu, màu đỏ lại mang trong mình những sắc thái ý nghĩa khác. Ví dụ như ở Trung Quốc, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự giàu sang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nó cũng có thể dùng để thu hút những điều may mắn. Trong văn hoá thuộc các nước phương Đông, các cô dâu sẽ mang váy cưới màu đỏ trong ngày cưới của mình. Mặt khác, ở Nam Phi, màu đỏ lại là màu của sự tang tóc và cái chết. Đây cũng là màu gắn liền với chủ nghĩa cộng sản.

Màu đỏ trở thành màu gắn liền với căn bệnh thế kỷ AIDS trong nhận thức của người dân Châu Phi do sự phổ biến của chiến dịch [RED].

Trong thiết kế, màu đỏ có thể là một màu điểm nhấn rất mạnh mẽ. Nó có thể mang lại hiệu ứng áp đảo nếu màu đỏ được sử dụng quá nhiều trong thiết kế, đặc biệt khi màu đỏ được sử dụng dưới dạng màu nguyên bản. Dẫu vậy, nó là một màu tuyệt vời để sử dụng khi bạn muốn thể hiện sức mạnh hay niềm đam mê trong bản thiết kế của mình. Màu đỏ có thể được tận dụng một cách linh hoạt, những gam màu tươi sáng sẽ mang lại cảm giác đầy năng lượng, còn gam màu tối thì mang đậm vẻ quyển lực và sự tao nhã, thanh lịch.
Ví dụ:
Một số trang web thành công trong việc sử dụng màu đỏ:





Màu da cam (Màu thứ cấp - màu bậc 2)

orange

Màu cam là một màu rực rỡ và tràn đầy năng lượng. Ở các sắc độ dịu nhẹ, màu cam có thể là màu gắn liền với trái đất và mùa thu. Bởi vì nó gắn liền với hình ảnh giao mùa, nên màu cam nói chung tượng trưng cho sự thay đổi và chuyển động. Đây cũng là màu đặc biệt gắn liền với sự sáng tạo.

Chúng ta có một loại quả cùng tên với màu cam, ấy là quả cam. Nên màu cam cũng mang lại cảm giác khoẻ khoắn và tràn đầy sức sống. Trong thiết kế, màu cam có thể thu hút sự chú ý của người xem mà không bị lấn át như màu đỏ. Màu cam thưởng mang lại cảm giác thân thiện và mời gọi, khó có thể né tránh.
Ví dụ;
Một số trang web thành công trong việc sử dụng màu cam:





Màu vàng (Màu cơ bản - màu bậc 1)

yellow

Màu vàng là màu rực rỡ và đem lại nhiều năng lượng nhất trong những tông màu nóng. Màu vàng có thể gắn liền với hình ảnh của mặt trời và niềm hạnh phúc, tuy vậy nó cũng gắn liền với sự lừa dối và nhát gan. (Vì thế trong tiếng anh, nếu bạn gọi ai đó là đồ “yellow”, tức là bạn muốn nói họ là kẻ nhát gan).

Màu vàng là màu của hy vọng, bạn có thể nhìn thấy ở một số đất nước, khi dải băng màu vàng được treo lên trước cửa ngôi nhà thì điều đó có nghĩa rằng, đó là những gia đình đang có người thân tham gia chiến tranh. Màu vàng cũng mang ý nghĩa nguy hiểm, dù nó không mạnh mẽ như màu đỏ.

Ở một số đất nước, màu vàng có thể đem đến những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ ở Ai Cập, màu vàng tượng trưng cho sự chết chóc. Ở Nhật Bản, màu vàng lại mang ý nghĩa của lòng cam đảm còn ở Ấn độ thì đây lại là màu dành riêng cho những thương nhân.

Trong những bản thiết kế, màu vàng sáng (vàng chanh hoặc vàng tươi) có thể tạo nên cảm xúc hạnh phúc và vui vẻ. Những loại màu vàng dịu nhẹ hơn thì thường được sử dụng như là một màu trung tính dành cho các em bé và trẻ sơ sinh (hơn là màu xanh dương hay hồng). Những gam màu vàng sáng sẽ mang lại cảm giác bình tâm và hạnh phúc hơn những gam màu vàng rực. Còn những gam màu vàng tối và màu vàng ánh kim đôi khi có thể mang lại sự cổ xưa và quý hiếm. Trong thiết kế có thể sử dụng màu này nếu mong muốn có được sự bền vững và lâu dài.
Ví dụ:
Một số trang web sử dụng thành công màu vàng:





Màu lạnh

coolcolors

Những  màu lạnh bao gồm xanh lá, xanh lam và tím là những màu sắc dịu hơn những gam màu nóng. Chúng là màu của ban đêm, của nước, của tự nhiên, và thường đem lại cảm xúc bình yên, thư giãn và thậm chí đôi chút dè dặt, kín đáo.

Màu xanh lam là màu bậc 1 duy nhất trong quang phổ màu lạnh. Điều này có nghĩa là tất cả những màu khác được tạo ra bởi sự kết hợp của màu lam với một màu tông nóng (ví dụ như xanh lam + vàng = xanh lá; xanh lam + đỏ = tím).

Chính vì vậy, nên màu xanh lá sẽ mang trong mình một số thuộc tính của màu vàng, và màu tím sẽ có một số thuộc tính của màu đỏ. Việc sử dụng những tông màu lạnh trong bản thiết kế của bạn có thể đem lại cảm giác điềm tĩnh và chuyên nghiệp.

Màu xanh lục (Màu thứ cấp - màu bậc 2)

green

Màu xanh lục là một màu vô cùng thân thiện. Nó có thể đại diện cho những khởi đầu mới và sự phát triển. Nó cũng biểu hiện tính đổi mới và sự phong phú. Bên cạnh đó, màu xanh cũng là màu đại diện cho sự đố kỵ, ghen tị và sự thiếu kinh nghiệm.

Màu xanh lục mang trong mình nhiều thuộc tính giúp tạo cảm giác bình tĩnh như màu xanh lam, nhưng đồng thời nó cũng có những mang năng lượng của màu vàng. Trong thiết kế, màu xanh lục có thể tạo cảm giác cân bằng và hài hoà, cũng như đem lại sự vững chắc.

Đây là màu rất phù hợp với những thiết kế liên quan đến sự giàu có, tính bền vững, sự đổi mới, và tự nhiên. Những gam màu sáng sẽ đem lại nhiều năng lượng và sôi động hơn, trong khi màu xanh Ôliu thì tượng trưng cho thế giới tự nhiên. Các gam màu xanh đậm hơn sẽ đem lại sự vững chắc, ổn định và là màu sắc của sự sung túc.
Ví dụ:
Một số trang web tham khảo sử dụng màu xanh lá:






Màu xanh lam (Màu cơ bản - màu bậc 1)

blue

Màu xanh lam thường gắn liền với nỗi buồn trong tiếng Anh. Màu lam cũng hay được sử dụng để thể hiện sự điềm tĩnh và trách nhiệm. Những gam màu sáng sẽ đem lại cảm giác tươi mới và sự thân thiện. Còn những gam màu tối thì đậm tính mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn. Màu xanh lam cũng là màu gắn liền với hoà bình và những hình ảnh thuộc về tinh thần và tôn giáo trong nhiều nền văn hoá (Ví dụ, đức mẹ đồng trinh Mary thường được miêu tả đang mặc một chiếc áo choàng màu xanh lam).

Ở mỗi một sắc độ cũng như gam màu khác nhau thì màu xanh lại có mức độ ảnh hưởng cũng như ý nghĩa khác nhau. Trong thiết kế, độ đậm nhạt của màu xanh mà bạn chọn sử dụng sẽ có tác động lớn đến việc bản thiết kế của bạn được cảm nhận như thế nào. Ví như màu xanh nhạt thường đem đến cảm giác thư giãn và bình tĩnh. Màu xanh da trời thì đem lại cảm giác tươi mới và đầy năng lượng. Còn màu xanh sẫm, như màu xanh dương, là một màu hoàn hảo dành cho website của các tập toàn hoặc những thiết kế mang trong mình sự mạnh mẽ, độ tin cậy và sự quan trọng.
Ví dụ:
Một số trang web sử dụng màu lam:



Màu tím (Màu thứ cấp - màu bậc 2)

purple

Ở thời kỳ cổ đại, loại thuốc nhuộm được sử dụng để tạo nên màu tím được chiết xuất từ những con ốc sên cực kỳ đắt đỏ. Vì vậy, chỉ có hoàng tộc hoặc những gia đình cực kỳ giàu có mới đủ khả năng sở hữu chúng.

Màu tím là một màu được kết hợp giữa màu đỏ và xanh lam. Vì thế nó mang trong mình những thuộc tính của cả 2 màu này. Đây cũng là màu gắn liền với sự sáng tạo và trí tưởng tượng.

Ở Thái Lan, màu tím gắn liền với những goá phụ. Màu tím đậm truyền thống gắn liền với sự giàu sang và hoàng tộc, trong khi ở gam màu nhạt hơn (như màu lavender) thường gắn liền với sự lãng mạn.

Trong thiết kế, những gam màu tím đậm có thể đem lại cảm giác giàu có và sang trọng. Còn những gam màu nhạt hơn thì mang tính mềm mại hơn và thường gắn liền với mùa xuân và sự lãng mạn.
Ví dụ:
Một số trang web sử dụng màu tím:





Màu trung tính

neutralcolors

Những màu trung tính thường được sử dụng cho phần backdrop của thiết kế. Chúng thường được kết hợp với những màu điểm nhấn. Nhưng đồng thời những màu này cũng có thể đứng một mình trong bản thiết kế, và có thể tạo nên những cách bố trí rất là tinh vi. Ý nghĩa và độ ấn tượng của những màu trung tính này bị ảnh hưởng bởi những màu bao quanh chúng hơn là những màu nóng và lạnh.

Màu đen

black

Màu đen là màu mạnh mẽ nhất trong những màu trung tính. Theo hướng tích cực, nó thường được gắn liền với sức mạnh, tính thanh lịch và nghi thức. Còn ở hướng ngược lại, màu đen tượng trưng cho quỷ dữ, cái chết và những bí ẩn. Màu đen là một màu gắn liền với cái chết và sự tang tóc trong truyền thống Phương Tây. Nó cũng tượng trưng cho tính nổi loạn ở một số nền văn hoá, và nó cũng là màu gắn liền với lễ Halloween và sự huyền bí.

Màu đen thường được sử dụng với mục đích khác hơn là màu dùng làm điểm nhấn. Đối với văn bản, nó thường được sử dụng trong những thiết kế sắc sảo, cũng như những bản thiết kế mang sự sang trọng. Nó có thể vừa mang tính cổ hủ lẫn hiện đại, truyền thống và độc đáo, phụ thuộc vào những màu mà màu đen kết hợp cùng. Trong thiết kế, màu đen thường được sử dụng cho chữ viết và những phần chức năng khác, bởi sự trung tính của nó. Màu đen có thể dễ dàng truyền tải cảm giác tinh xảo và bí ẩn của một bản thiết kế.
Ví dụ:
Một số website sử dụng màu đen làm chủ đạo:





Màu trắng

white

Màu trắng là màu nằm tận cùng ở phía đối lập so với màu đen trên bảng quang phổ màu. Màu trắng thường được gắn liền với sự tinh khiết, trong trắng, sạch sẽ và đức hạnh. Ở phương Tây, màu trắng cũng là màu của chiếc váy mà cô dâu sẽ mặc trong ngày cưới. Nó cũng gắn liền với ngành công nghiệp chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt đối với bác sĩ, y tá và nha sĩ. Màu trắng được gắn liền với lòng tốt và sự thánh thiện, và các thiên thần cũng thường được miêu tả trong trang phục màu trắng.

Tuy vậy, phần lớn trong những nước phương Đông, màu trắng lại gắn liền với cái chết và sự tang tóc. Ở Ấn Độ, một goá phụ sẽ chỉ được mặc những bộ trang phục có màu trắng.

Trong thiết kế, màu trắng là một màu trung tính mà khi sử dụng nó để làm màu nền có thể giúp cho những màu khác có tiếng nói lớn hơn. Nó có thể giúp truyền tải cảm giác sạch sẽ và sự đơn giản, và là một màu phổ biến trong những thiết kế tối giản. Màu trắng trong thiết kế cũng có thể dùng để mô tả cả mùa đông lẫn mùa hè, phụ thuộc vào mô típ thiết kế và những màu sắc xung quanh nó.
Ví dụ:
Một số website sử dụng tông màu trắng:




Màu xám

gray

Màu xám là một màu trung tính, nằm ở tận cùng bên phía màu lạnh trên quang phổ màu. Đôi khi màu xám đem lại cảm giác tâm trạng hoặc gắn liền với trầm cảm. Màu xám trắng có thể được dùng như một màu thay thế cho màu trắng. Còn màu xám đen thì được sử dụng để thay thế cho màu đen.

Màu xám là màu mang tính chất khá bảo thủ và hình thức, nhưng nó cũng có thể mang nét hiện đại. Đôi khi nó được coi như là màu của tang lễ. Màu xám thường được dùng cho những thiết kế của công ty, nơi mà tính hình thức và sự chuyên nghiệp là tối quan trọng. Đây cũng có thể là một màu cực kỳ tinh xảo. Màu xám thuần mang trong mính sắc đen, còn những màu xám khác thì có thể có sắc xanh hoặc nâu pha chút trong đó. Trong thiết kế, màu xám rất phổ biến cho màu nền cũng như chữ viết.
Ví dụ:
Một số website sử dụng màu xám:




Màu nâu

brown

Màu nâu được gắn liền với đất, gỗ và đá. Đây là một màu hoàn toàn từ tự nhiên và là một màu ấm trung tính. Màu nâu gắn liền với sự tin cậy, lòng kiên định và mang trong mình các thuộc tính của đất. Vì vậy nên đôi khi nó sẽ tạo cảm giác hơi chậm chạp và đơn điệu.

Trong thiết kế, người ta thường dùng màu nâu để làm màu nền, hoặc đôi khi là màu cho các hoạ tiết gỗ hoặc đá. Nó đem đến cảm giác ấm áp và lành mạnh cho những bản thiết kế. Đôi khi màu nâu sậm có thể được sử dụng để thay thế cho màu đen ở phần nền và chữ.

Ví dụ:
Một số trang web có dùng màu nâu:




Màu be và màu da thuộc

tan

Màu be là một màu khá là đặc biệt trên quang phổ màu. Nó vừa có thể là một màu lạnh lẫn màu nóng, phụ thuộc vào những màu xung quanh nó. Vừa mang trong mình tính nóng của màu nâu, lẫn tính lạnh của màu trắng, và giống như màu nâu, đôi khi trông màu này khá là đơn điệu. Đây là một màu khá là trung tính trong hầu hết các trường hợp nên thường được dùng để làm màu nền. Đây cũng là màu biểu tượng của lòng thành kính.

Trong thiết kế, màu be được sử dụng rất nhiều ở nền, kết hợp cùng với hoạ tiết giấy nhám. Nó sẽ mang các đặc tính của những màu xung quanh nó, điều này có nghĩa là bản thân màu be có rất ít tác động đến với cách người dùng cám nhận bản thiết kế khi kết hợp với những màu khác.
Ví dụ:
Một số trang web sử dụng màu be:





Màu kem và màu trắng ngà

ivory

Màu trắng ngà và màu kem là những màu vô cùng tinh tế. Hai màu này là kết hợp một chút sự ấm áp của màu nâu và phần nhiều sự lãnh đạm của màu trắng. Là những màu nhã nhặn, và gợi lên cảm giác của lịch sử. Màu trắng ngà là một màu khá là nhẹ nhàng, trong đó mang trong mình thuộc tính tinh khiết của màu trắng, nhưng vẫn giữ được cảm giác ấm áp.

Trong thiết kế, màu trắng ngà có thể mang lại cảm giác nhã nhặn và nhẹ nhàng cho website của bạn. Khi kết hợp với những màu tự nhiên như màu hồng đào hoặc nâu đất, nó có thể đem lại cảm giác bình tĩnh (giống như đất vậy). Màu trắng ngà có thể được sử dụng để tăng độ sáng cho các màu tối, mà không gây ra sự tương phản quá gắt như màu trắng thuần.
Ví dụ:
Một số trang web sử dụng màu này:





Tổng kết

Mặc dù lượng thông tin trên đây có vẻ hơi quá, nhưng việc học kỹ về lý thuyết màu sắc cũng quan trọng như việc tập cảm nhận sắc thái khi ta tiếp cận với một màu khác vậy. Vì vậy, ở dưới đây là một bảng “tham khảo” nho nhỏ về những ý nghĩa phổ biến của các màu được thảo luận ở trên:
Màu đỏ: Lòng nhiệt huyết, tình yêu, sự giận dữ
Màu da cam: Năng lượng, hạnh phúc, sức sống
Màu vàng: Hạnh phúc, niềm hy vọng, sự lừa dối
Màu xanh lá: Khởi đầu mới, sự phong phú, tự nhiên
Màu xanh lam: Bình tĩnh, trách nhiệm, nỗi buồn
Màu tím: Tính sáng tạo, hoàng gia/quý tộc, sự giàu sang
Màu đen: Bí ẩn, tao nhã/thanh lịch, quỷ dữ
Màu xám: Tâm trạng, dè dặt/bảo thủ, thủ tục/hình thức
Màu trắng: Tinh khiết, sự sạch sẽ, đức hạnh
Màu nâu: Tự nhiên, sự khoẻ mạnh, đáng tin cậy
Màu tan (da thuộc) và màu be: Dè dặt, lòng mộ đạo, buồn tẻ/đơn điệu
Màu kem và trắng ngà: Bình tĩnh, thanh lịch, tinh khiết


Source:
https://www.smashingmagazine.com/2010/01/color-theory-for-designers-part-1-the-meaning-of-color/
Translator & Editor: Vohavu

Bài dịch này tốn rất nhiều công sức của mình. Dẫu mình đã rà soát lại nhiều lần nhưng có thể còn nhiều sai sót, hy vọng các bạn nếu tìm được lỗi có thể comment ở dưới. Mình sẽ rất vui và cảm ơn.

Thanks for reading!!! :>