Ảnh từ tạp chí The Economist
Ảnh từ tạp chí The Economist
Trong lần trò chuyện gần đây với một bạn cũ nhỏ hơn mình vài tuổi và đang đi du học, mình và bạn có hỏi về việc học của bạn. Bạn chia sẻ rằng khi qua châu Âu du học, bạn có tự tìm hiểu và tự học môn lịch sử châu Âu do bạn cảm thấy tò mò và hứng thú về các vùng đất bạn đã đi qua. Sau nhiều năm học đó, bạn nhìn lại quãng thời gian học sử ở Việt Nam và bạn chia sẻ với mình rằng bạn cảm thấy hồi đó bạn như đi học tôn giáo hơn là học sử. Cụ thể từ bạn dùng là "Bible study", tức là "Kinh thánh học thuật".
Nếu bạn đã tham gia một buổi Kinh thánh học thuật, bạn sẽ hiểu mục đích của hoạt động này là không phải để truy vấn, nghiên cứu hay đặt câu hỏi về những lỗ hổng được viết trong Kinh thánh. Mục đích của hoạt động này là để giúp người học thấm nhuần tư tưởng được ghi trong Kinh thánh. Nếu có những điều người đọc không rõ về Kinh thánh, thì đó không phải là vì có vấn đề với Kinh thánh, mà là vì người đọc chưa hiểu rõ được những dòng chữ đó, hoặc người đọc đang hiểu sai, đang diễn giải sai. Nói chung nếu người đọc thấy Kinh thánh có vấn đề, thì vấn đề đó nằm ở người đọc.
Việc dạy sử ở Việt Nam cũng là như vậy. Môn sử đang được sử dụng như một công cụ để giúp củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền. Nếu nói tổng quát thì nó có 2 mục đích sau và 2 mục đích này là bổ trợ lẫn nhau:
1. Môn sử phải giúp người đọc thấy được sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là lực lượng lãnh đạo giúp duy trì sự vĩ đại đó của dân tộc.
"Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nền móng và là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đáp ứng không chỉ nguyện vọng thiêng liêng “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” của nhân dân, mà còn đã và đang lập nên nhiều kỳ tích cho Việt Nam, qua đó góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước "phồn vinh và hạnh phúc."
Mình rút ra được điều này sau khi mình đọc tin về việc Quốc hội thảo luận về việc dạy và học môn sử. Đây là một điều vô cùng kỳ lạ, hiếm có trong chính trị, bởi vì thường quốc hội và các lãnh đạo cấp cao thường không đi bàn những tiểu tiết ở mức môn học như thế. Thường thì Quốc hội chỉ bàn về chính sách giáo dục, chi tiêu cho giáo dục và các vấn đề xoay quanh luật pháp. Đằng này Quốc hội đã dành thời gian cho riêng một môn học, đặc biệt là môn sử, chứ không phải toán, hay khoa học, hay là kỹ sư, hay là khoa học máy tính, vốn là những môn giúp đào tạo ra người lao động có kỹ năng tay nghề cao, phù hợp với nhu cầu phát triển của quốc gia.
Nhu cầu lao động cho học sinh, sinh viên chuyên ngành sử là rất thấp, có thể nói hầu như không ai nói rằng họ cần phải trau dồi kiến thức môn sử để tăng cơ hội kiếm được việc làm.
Nếu bạn nói rằng cần người học sử để giúp bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thì mình cũng không đồng ý, bởi vì thực tế cho thấy rất nhiều dự án liên quan tới lịch sử văn hóa bị thất bại hoặc bỏ rơi. Ví dụ như việc xây dựng bảo tàng nghìn tỷ xong rồi bỏ trống suốt 10 năm:
PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngậm ngùi nhận xét: “Cách đây khoảng 20 năm, tôi có dịp đi xem một số bảo tàng tại TP.HCM. Gần đây, tôi thử quay trở lại một số nơi mà mình từng đến thì thấy chẳng có gì thay đổi, có chăng chỉ là một vài chi tiết nhỏ không đáng kể. Lẽ ra, với ngần ấy thời gian, phải có sự chuyển biến mang tính đột phá, làm cho mình phải ngỡ ngàng mới đúng. Thế nhưng, sự thật nó không diễn ra như tôi nghĩ”. Ông phân tích thêm: “Sở dĩ hệ thống các bảo tàng ở VN hiện nay không thu hút được giới trẻ đến tham quan là vì không gian đóng kín quá, nó cứ im lìm, trầm mặc, trở thành nơi thăm viếng là chính. Mà thăm viếng thì người ta thường chỉ đến vào dịp hội hè”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt so sánh: “Nhìn chung, hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay là bảo tàng của thế giới cách đây ít nhất 50 năm. Nhiều người rất ngạc nhiên rằng VN là một dân tộc có lịch sử dữ dội, nhưng lại hiếm có bảo tàng cho ra ngô ra khoai. Gần như tất cả đều nghèo nàn, lạc hậu, đơn điệu và bao cấp rải đều. Từ đó, gây ra sự lãng phí và những bất hợp lý kéo dài”.
Nguồn:
Báo Thanh niên
Không chỉ bảo tàng mà chúng ta có thể thấy đình, chùa, miếu, những khu nào không thu hút được nhiều khách đến viếng (tức kiếm được nhiều tiền) thì hầu như đều bị lãng quên, không được người dân tôn trọng, nhiều bất cập xảy ra những bị xử lý chậm trễ. Xã hội hiện tại đầy rẫy những người chẳng có một chút thương xót gì cho văn hóa, lịch sử của dân tộc, vã dường như có sự đối đãi thiên vị với những di tích quan trọng về mặt chính trị hoặc kiếm ra được tiền.
Người ta cũng nhân danh tôn giáo, văn hóa để đi phá rừng phá núi xây khu du lịch tâm linh kiếm tiền.
Thực tế có thể thấy thị trường lao động không có nhu cầu cao cho người học sử, về mặt văn hóa xã hội thì việc bảo tồn văn hóa lịch sử không đồng đều và chỉ được chú trọng ở những nơi nổi tiếng, kiếm được tiền hoặc liên quan tới chính trị. Vậy thì tại sao chính phủ quan tâm nhiều đến môn sử như vậy? Câu trả lời hợp lý nhất đó là vì đây là môn quan trọng trong lĩnh vực chính trị, giúp đảng cầm quyền xây kêu gọi được sự ủng hộ của người dân.
Cũng giống như Kinh thánh là phương tiện để nuôi dưỡng lòng trung thành với tôn giáo, môn sử là một công cụ chính trị được dùng để nuôi dưỡng lòng trung thành với đảng cầm quyền.
Với góc nhìn này chúng ta có thể thấy được nhiều điểm tương đồng giữa môn sử và Kinh thánh học thuật, cũng như giải thích được những vấn đề đang gặp phải trong việc giảng dạy môn sử.
Một vấn đề chúng ta có thể thấy được là việc học sinh đọc phải học thuộc lòng quá nhiều thứ khiến tư duy về lịch sử bị xơ cứng. Vấn nạn học thuộc lòng là vấn nạn lớn của môn sử và suốt bao nhiêu năm cải cách vẫn không tìm được lối ra. Nguyên nhân mà chính phủ không đưa ra được giải pháp là vì việc học thuộc lòng là cách hiệu quả để khiến học sinh nhất nhất ghi nhớ câu chuyện lịch sử chính thống mà chính phủ đã dựng nên. Tất cả các giải pháp cải cách sẽ biến môn sử từ một tôn giáo thành một khoa học bài bản, ở đó học sinh sẽ được phát triển các tư duy, góc nghĩ riêng của họ, và như thế làm hỏng vai trò của môn lịch sử là tôi rèn lòng trung thành với đảng cầm quyền.
Việc có những suy nghĩ, góc nhìn riêng là không chấp nhận được trong văn hóa chính trị ở Việt Nam bởi chính phủ quy định chỉ có "một câu chuyện duy nhất" trong lịch sử Việt Nam. Trong câu chuyện đó kể xấu người tốt là rất rõ ràng, những gì xảy ra chỉ có thể diễn giải theo một góc nhìn, các nguyên nhân đều đã được xác định rõ, các hậu quả đã được ghi rõ. Do đó công việc của người học là phải nhớ những điều đó, không được phép đặt câu hỏi về những chuyện đó. Chính phủ kiểm soát việc này rất chặt chẽ và đảm bảo tất cả mọi hoạt động liên quan tới lịch sử đều phải khớp với câu chuyện chính thống của chính phủ, từ việc ai được lấy tên để đặt cho tên đường cho đến việc ca sĩ được hát bài nào.
Một văn bản không được công khai của Ban Tuyên Giáo gửi về lãnh đạo địa phương liên quan tới việc chọn người đặt tên đường phố, công trình công cộng
Một văn bản không được công khai của Ban Tuyên Giáo gửi về lãnh đạo địa phương liên quan tới việc chọn người đặt tên đường phố, công trình công cộng
Ví dụ gần đây có việc ca sĩ Khánh Ly bị nhắc tên bởi việc hát bài "Gia tài của mẹ", trong bài có câu "20 năm nội chiến từng ngày" được cho là sai lệch với quan điểm tiếp cận lâu nay theo chính sử và tài liệu chính thống mà Đảng và nhà nước Việt Nam tuyên truyền. Theo mình, thay vì chỉ khẳng định một cách đương nhiên đây là cuộc chiến "chống xâm lược", nhà nước Việt Nam có thể nêu ra quan điểm tiếp cận cuộc chiến của từng bên và lý do vì sao mỗi bên tiếp cận theo quan điểm đó và chứng minh quan điểm tiếp cận nào mới là đúng đắn. Như vậy sẽ giúp người dân hiểu được bản chất cuộc chiến hơn. Làm được như vậy, cho dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác thế nào hay ca sĩ Khánh Ly có hát gì đi nữa, nhà nước cũng không cần thiết phải bỏ thời gian đi kiểm soát cũng như xử phạt vi phạm.
Điều này tương tự với việc giảng dạy Kinh thánh như mình nói ở trên, mọi người phải hiểu đúng ý trong Kinh thánh và không được phép có những suy diễn của riêng mình.
Thứ hai, việc hiểu được bản chất của một lịch sử, chúng ta cũng hiểu được tại sao việc nghiên cứu đào sâu vào lịch sử dân tộc lại phát triển chậm. Ở Việt Nam khi một sự kiện nghiên cứu lịch sử được chính phủ (lưu ý là chính phủ, chứ không phải các tổ chức cá nhân tự làm) tổ chức, thì việc nghiên cứu đó không phải là để làm rõ các uẩn khúc lịch sử hay là để nghiên cứu lại vấn đề, mà thường nó là để tô điểm thêm cho những thứ người ta đã định sẵn. Ví dụ sử kiện nghiên cứu về chiến thắng Điện Biên Phủ, thì nguyên mục đích của sự kiện không hề có sự nghiên cứu nào mà chỉ là dùng lại các tài liệu trước, sau đó cố gắng chỉ ra thêm một "sự vĩ đại mới" mà trước đây chưa khám phá ra.
Việc nghiên cứu sự vĩ đại này và nghiên cứu phải "tự do trong khuôn khổ" khiến cho việc nghiên cứu và phát triển môn lịch sử ở Việt Nam mãi bị bế tắc trong thời gian dài.
Do đó khi đã hiểu được nguyên nhân cốt lõi của việc hình thành cách dạy thuộc lòng môn sử, ta sẽ hiểu tại sao các giải pháp đề xuất thường hời hợt hoặc không thể áp dụng được. Các giải pháp đề xuất hời hợt như là cho học sinh xem phim lịch sử, đi thăm quan bảo tàng, tham gia các hoạt động liên quan tới lịch sử, thật ra đều không có ích lợi cho việc giáo dục bởi vì nó chỉ giúp học sinh dễ nhớ các sự kiện hơn, chứ nó không thay đổi bản chất của môn học là một công cụ để phục vụ mục đích chính trị.
Vậy ở các nền giáo dục tiên tiến môn sử được giảng dạy như thế nào?
Đầu tiên môn sử được xem xét là một môn học nghiêm túc nhằm giúp người học hiểu được những sự kiện quan trọng trong quá khứ: hiểu được chúng đã xảy ra như thế nào và hậu quả của chúng cho đến ngày hôm nay. Ở mức độ giáo dục phổ thông, môn sử giúp đạt được hai mục đích chính:
- Phát triển nhân cách: giúp một người hiểu được về xã hội mình đang sống cũng như giúp bản thân họ cảm thấy được gắn kết với xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại.
- Phát triển tư duy: giúp một người phát triển được kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng nghiên cứu và tư duy phản biện.
Trong khi người Việt chúng ta thường quen với mục đích thứ nhất, chúng ta hầu như không thể hình dung được mục đích thứ hai, và do đó chúng ta thường không hình dung được người học sử ra ngoài đời được trang bị các kỹ năng như thế nào, có ích gì trong công việc.
Ở các quốc gia phát triển, học sinh ngoài việc đọc sách giáo khoa còn được khuyến khích khám phá các tài liệu khác, bao gồm tài liệu nhà trường gợi ý hoặc tự tìm hiểu. Các tài liệu này là sách lịch sử, tư liệu lịch sử. Ví dụ về bản thân mình, khi học về chiến tranh lạnh, mình đã tự đọc các văn bản ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, về Truman Doctrine, hoặc là đọc các hiệp ước được ký kết.
So sánh với ở Việt Nam, học sinh khi nhắc về hiệp định Geneve ký kết năm 1954 và hiệp định Paris ký năm 1973, nội dung các hiệp định chỉ là lướt qua và tóm tắt các ý mà người soạn sách giáo khoa muốn học sinh học. Học sinh không được giao bài tập đọc toàn bộ hiệp định để hiểu về những gì đã được thỏa thuận và ký kết, tại sao lại có từng điều khoản như vậy.
Như vậy khi học sử, người học phải tiếp cận một lượng thông tin rất khổng lồ, người học sẽ được hướng dẫn cách phân tích và chọn lọc các sự kiện chính, bỏ đi các phần không quan trọng, tức phải biết linh hoạt, lúc thì quan tâm tổng thể, lúc thì quan tâm đến chi tiết nhỏ. Người đọc cũng phải rèn luyện kỹ năng phân biệt nguồn tin đáng tin cậy và nguồn tin không đáng tin cậy, phải giải thích được tại sao họ tin nguồn tin họ đang phân tích là đáng tin cậy và có giá trị phân tích. Sau đó dựa vào các phân tích, người đọc sẽ được học cách đưa ra quan điểm cá nhân, học cách phản bác quan điểm của người khác, đồng thời cũng phải chấp nhận bị người khác phản bác.
Khi chấm bài, giáo viên sẽ chấm bài khá giống với việc chấm thi IELTS, đó là không có quan điểm đúng sai, mà chấm điểm dựa theo sự chặt chẽ trong logic lập luận, quan điểm được trình bày rõ ràng. Về trải nghiệm của bản thân mình khi học ở Singapore, trong đợt thi cuối kỳ mình phải viết 4 bài luận trong vòng 180 phút. Chủ đề các bài luận xoay quanh lịch sử chính trị, kinh tế và tôn giáo ở các quốc gia Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945 - 2000). Ở dưới là phần B của đề thi năm 2018 của một trường trung học.
Vậy người học sử ra trường có thể làm được gì?
Những người học chuyên sử nếu không chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu vào môn lịch sử, vẫn có thể hoàn toàn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực ngoại giao và tư vấn doanh nghiệp. Ở Singapore, các kỹ năng phân tích vấn đề cộng với việc am hiểu văn hóa, lịch sử, chính trị toàn cầu khiến những người học sử rất được trong dụng trong Bộ ngoại giao hoặc là các công việc liên quan tới phân tích chính sách, cố vấn cho chính phủ.
Ở khối doanh nghiệp tư nhân, những người học sử sẽ có được kỹ năng đọc hiểu phân tích chuyên sâu, giúp họ nhanh nắm bắt và xử lý lượng lớn thông tin trong công việc với những dòng suy nghĩ mạch lạc. Nhờ thường xuyên viết luận, họ có thể trình bày rõ ràng các ý tưởng trong các báo cáo, biết dùng số liệu và bằng chứng đáng tin cậy để củng cố cho các lập luận của mình.
Như vậy một môn sử khi được dạy bài bản đúng cách sẽ vừa giúp được cá nhân gắn kết với cộng đồng, xã hội mình đang sinh sống, đồng thời trang bị cho công dân đấy những kiến thức và kỹ năng hữu ích giúp họ phát triển sự nghiệp xa hơn trong tương lai. Ngoài ra xã hội cũng sẽ được lợi nhiều hơn khi những cá nhân trong xã hội đó biết tư duy độc lập, biết đọc hiểu và có tư duy phản biện.
Tuy nhiên điều đó dường như là không thể đạt được ở Việt Nam hiện tại khi chính phủ vẫn duy trì quan điểm coi môn sử là một công cụ chính trị, và việc dạy sử vẫn gần như là dạy một môn tôn giáo, với mục đích chính là nuôi dưỡng lòng trung thành với đảng cầm quyền. Với chính sách như thế việc dạy sử trong nhiều năm tới vẫn sẽ bế tắc, và nhà nước mãi loay hoay với những giải pháp sai lầm hoặc lạc hậu, sẽ có nhiều công sức tiền bạc được đổ vào nhưng kết quả thu về vẫn chẳng được bao nhiêu.
Đọc bài viết khác về lịch sử của Husky: