Để một chiếc ảnh ngon nghẻ xem sao nào
Để một chiếc ảnh ngon nghẻ xem sao nào
Bài viết được viết năm 2023, hiện tại tôi đọc lại thấy vẫn giá trị nên đăng lên ^^
Đáng lẽ ra 30/4 tôi chỉ định đăng một post vui tươi mừng lễ thôi. Nhưng hôm nay mới kiếm được cuộc thi này dễ thương quá, lại là hạn chót, nên đành viết một bài dài hơi và nghiêm túc này vậy. Câu chuyện này xin đặc biệt dành tặng phái nữ, bất kì ai đang đấu tranh chống lại định kiến xã hội và bất kì người nào từng là nạn nhân của slut shaming.
Lần đầu tiên ý thức được sự khác biệt giữa nam và nữ là khi tôi lớp 7. Lúc ấy trời nóng quá, tôi cởi áo ra, ở trần học bài. Chị tôi thấy vậy chạy đi nói mẹ, thế là tôi bị mẹ la một trận vì cái tội là con gái mà dám lột áo ra. Lúc đó, lần đầu tiên tôi ước được là con trai. Chỉ đơn giản một nỗi: là con trai sẽ được quyền không mặc áo, cho nó… mát.
Rồi cũng thôi. Ước muốn đó chỉ quay lại khi tôi lên lớp 11, một lần tôi đi xem phim về trễ và bị bố tôi cấm túc. Bố hỏi tôi đi đâu, đi với ai, số điện thoại và địa chỉ nhà của người ta là gì. Tôi đâu thể nào nói ra được, thế là hai bố con cãi nhau hơi bị to. Bất kỳ ai nghe tôi kể lại chuyện này đều tặc lưỡi chốt hạ một câu: “Là con gái nên bố mày mới lo vậy đó.” Đương nhiên tôi biết vì bố mẹ chưa tin tưởng tôi, Tuy nhiên, câu nói đó cứ vang vọng trong đầu mãi. Ừ nhỉ, đám con trai vẫn tung tăng ngoài đường, còn tôi thân con gái phải cung phụng gia đình 10h tối về nhà. Chỉ vì lo. Chỉ vì người xấu hay hãm hại con gái. Khác nhau có mỗi một nhiễm sắc thể X với Y thôi mà dẫn ra bao nhiêu là chuyện, thật là bực mình.
Mọi chuyện bắt đầu phức tạp hơn khi tôi lên năm 12, đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Ban đầu tôi chọn báo chí, bị bố phản bác là thân con gái lao vào ngành ấy nguy hiểm. Tôi chọn lại vào sư phạm, bố lên tiếng, người như con mà đi dạy ai thèm nghe. Cuối cùng lại chốt một câu: là con gái nên học kinh tế là tốt nhất, sau này muốn làm gì cũng được. Cũng thật may tôi hợp với môi trường Ngoại Thương, chứ tôi có nhỏ bạn, đấu tranh để vào kiến trúc, nhưng cũng bị bác đi với lí do: “Con gái vào ngành đó chi cho cực, cứ an phận mà học kinh tế đi.” Cuối cùng bạn ấy vào Ngoại Thương với sự bức bối.
Thật ra tôi cũng hiểu rằng, là con trai cũng không sướng đâu. Được ưu tiên hơn, được tự do hơn, nhưng áp lực thành công cũng rất lớn. Trong khi tôi vẫn còn phụ thuộc tài chính bố mẹ, bạn trai tôi đã phải lo kiếm tiền cho gia đình. Một người bạn khác của tôi cũng bị áp lực thành công không kém khi hẹn hò với người hơn tuổi cậu ấy, luôn muốn kiếm nhiều tiền để không uổng công cô ấy chờ đợi ở nơi xa. Nhưng tất cả điều này, vô hình chung khiến phái nữ khó khăn hơn để thành công. Dường như có một điều không ai nói nhưng đều ngầm hiểu rằng: là con gái nên an phận, bon chen nhiều làm gì. Mức lương thấp hơn trong khi phải cố gắng nhiều hơn, liệu có đáng? 
Gần đây, tôi nói với bố tôi, con muốn kiếm tiền từ mạng xã hội. Bố tôi nói lại rất nhanh: “Con nhìn cuộc sống còn màu hồng quá.”. Bạn bè nghe được lại dèm pha: thành công cách ấy, lỡ may mày nổi tiếng, mày với người yêu dễ chia tay. Cũng không hiểu sao suy nghĩ của tôi lại bị cho là màu hồng, càng không hiểu do đâu lại lấy người yêu ra để khuyên tôi đừng chọn thành công cách ấy nữa. Người đời cứ truyền tai nhau hoài: Đằng sau sự thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ, vậy mà để phụ nữ thành công lại không thể có người đàn ông của tôi bên cạnh à? Để được công nhận, vì sao người phụ nữ phải đứng một tôi? Do đâu mà người đàn ông thành đạt lại được tung hô, còn người phụ nữ có chút vinh hoa đã bị đặt câu hỏi: Chị bỏ gia đình để lo sự nghiệp thế hả? Càng bị nói, tôi càng quyết tâm thành công. Để sau này có con, cả hai vợ chồng đều chăm con nhưng con tôi phải tự lo lấy đời nó. Để sau này con tôi tự lập hơn con người khác, cả mẹ và con đều giỏi, để xem còn ai nói tôi bỏ gia đình chạy theo sự nghiệp nữa không. 
Thậm chí có lần tôi hỏi mẹ, sau này lỡ may con độc thân cả đời thì sao. Mẹ giật tôi hỏi sao nghĩ thế, tôi bảo, do con thấy mẹ lo cho gia đình mệt quá. Bố tôi bảo, đừng có nói linh tinh. Dì tôi nghe được, nói ngay rằng, kiểu gì cũng phải sinh con đẻ cái chứ. Tôi cũng không nói gì nữa, nhưng luôn nghĩ vì sao phải sinh. Vừa đau, vừa phải nghỉ làm, sinh xong cơ thể lại còn yếu. Ai nói đó là thiên chức thiêng liêng của người mẹ thì thử vừa sinh vừa mỉm cười nói câu đó thử. Hôm trước, tôi gặp bạn trai của bạn tôi, chẳng hiểu sao anh ấy lại kể cho tôi nghe rằng thật ra anh không định quen chị ấy đâu, vì chị ấy lớn tuổi rồi, đáng lẽ ra nên lấy chồng. Mẹ của bạn tôi cũng than về bạn gái của con trai, bảo hơn 30 tuổi rồi, bảo là già quá, sợ vô sinh. Dường như việc lấy chồng trước 30 và khả năng thụ thai là hai trong những tiêu chí để đánh giá đời con gái vậy. Tôi thật ra sợ lắm, sợ rằng với mức độ tiếp xúc công nghệ, ngày ngày dùng laptop, ngày ngày bấm điện thoại thế này sau này liệu có con được không. Nhưng tôi cũng mong, sau này y học phát triển, sẽ giúp người phụ nữ bớt đau đớn, bớt khổ với thai kì.
Mà đâu cần đợi lúc mang thai mới khổ, lúc hẹn hò đã khổ rồi. Thúy Kiều đã tiên phong tự do yêu đương từ thời phong kiến, thế mà đến bây giờ người con gái vẫn chưa thể tự do trong tình yêu. Tự do yêu đương thời hiện đại không chỉ gói gọn trong việc yêu không gượng ép mà mở rộng ra việc có toàn quyền quyết định đời sống yêu đương của chính tôi: từ hẹn hò đến chia tay, từ hẹn hò bao nhiêu người đến chia tay bao nhiêu người, từ việc mặc đồ gì không cần ai ý kiến đến việc ân ái với những ai, đều là chuyện của mỗi cá nhân. Thân tôi, tôi có toàn quyền quyết định. Con trai tình sử dày hay được tung hô, con gái quen nhiều người lại bị xem là hư đốn. Tôi đi shopping, vẫn hay gặp những cô gái cầm lên một bộ váy sexy rồi lại bỏ xuống chỉ bởi vì “Bạn trai tớ không ưng.” Cũng may bạn trai tôi thoải mái, không quản. (À thực ra người ấy biết tôi đã muốn thì còn lâu mới quản nổi tôi). Thế là tôi cứ mua váy hở lưng, hở eo, mặc quần ngắn nếu tôi muốn, ở những nơi phù hợp. Hôm qua tôi mặc áo croptop và quần short ra đường, bị một cô trung niên nhìn tầm 20 giây. Tôi cũng nghiêng đầu nhìn lại không sợ hãi. Đây không phải nơi tôn nghiêm, tôi có quyền mặc những gì tôi thích miễn không phạm thuần phong mỹ tục. Nếu phụ nữ còn không hiểu cho nhau thì bình đẳng giới vẫn còn xa lắm.