Tại sao thế giới lại đầy hỗn loạn? Tại sao ngoài kia lại đầy tội ác đang diễn ra mỗi ngày? Phải chăng đây là hình phạt dành cho nhân loại vì những gì cũng ta đã làm? Hay vì chính chúng ta là những kẻ có bản tính của sự hủy diệt? Hay vì đây là ảnh hưởng từ một thế lực nào đó?
Nếu chúng ta có suy nghĩ và tự làm chủ hành động của mình, vậy định mệnh có thật không? Và nếu định mệnh có thật thì tự do ý chí có tồn tại không?
Có lẽ câu trả lời sẽ nằm trong câu chuyện về kẻ mang đại tội lớn nhất cùng câu chuyện về tội đồ đầu tiên.

HEYLEL

Cùng với sự ra đời của thế giới, thiên đàng và các thiên sứ đã tồn tại. Đây là những kẻ hùng mạnh, được Chúa tạo ra với những quyền năng và tạo hình hoàn mỹ. Họ có những cái tên khác nhau và có những câu chuyện của riêng mình. Và một trong số đó là Heylel.
Heylel là một kiệt tác của Chúa, ngài hoàn hảo ở mọi mặt, từ vẻ ngoài cho tới trí tuệ và ngài đã hoàn hảo từ khi được ra đời.
Tuy nhiên, sự hoàn hảo đó có lẽ lại là một điểm yếu. Có điều gì đó đã nung nấu trong lòng Heylel, một thứ không theo những gì Chúa đã ban cho.
Toàn mỹ là như vậy, Heylel tự hỏi liệu mình có phải là kẻ thấp hèn không. Nếu bản thân đã hoàn mỹ thì sao lại thấp hèn. Và nếu không thấp hèn thì tại sao phải cúi đầu trước kẻ khác? Từ đó, Heylel dần nhận ra rằng bản thân có thể xứng ngang hoặc thậm chí còn cao hơn cả Chúa.
Bên cạnh đó, khi nhìn vào vạn vật, những tạo hóa của Chúa, chúng đều được sinh ra với ý nghĩa, ý định riêng, nói cách khác chúng nằm trong kế hoạch của Chúa. Nếu bản thân Heylel là sinh vật hoàn hảo thì tại sao nó lại là một phần trong kế hoạch của ngài? Đường đường là một thiên thần, thậm chí còn là Tổng Lãnh Thiên Thần, tại sao Heylel lại không có con đường riêng?
Tự cho mình là kẻ duy nhất hoàn hảo, có quyền lực tối cao và có ý chí tự do, Heylel kêu gọi các thiên thần hay những tinh tú khác quanh mình để chống lại đấng tạo hóa. Cuộc nổi dậy này đã tụ họp được một phần ba các thiên thần trên thiên thế và từ đó cuộc chiến giữa các thiên thần đã nổ ra.

Đại chiến thiên thần

Revelation 12:4: “hắn đã tụ họp phần ba các tinh tú và ném chúng xuống Trái Đất”.
Những kẻ phản Chúa theo chân Heylel tiến lên, chống lại toàn bộ những gì mà hắn từng đại diện. Về phía những thiên thần vẫn bảo vệ những giá trị thánh thiện Chúa đã ban cho, Micheal, Gabriel, Raphael, Uriel và nhiều thiên thần khác đã tổng tấn công thế lực của Heylel.
Cuộc chiến giữa các thiên thần diễn ra vô cùng khốc liệt. Tuy là tổng lãnh thiên thần, Heylel cũng không phải là đối thủ quá đáng gờm của những tổng lãnh thiên thần khác. Nhận ra mình không đủ sức chống lại Micheal, vị tổng lãnh thiên thần quyền năng phe đối địch, Heylel đã hóa thân thành một con quái thú khổng lồ, một con rồng.
Trong hình thái mới, Heylel có tiềm năng thắng cuộc nhưng vẫn không thể chống lại được sức mạnh thần thánh của Micheal. Cuối cùng, toán quân phản loạn của Heylel và những kẻ theo chân hắn đều bị trừng phạt. Tất cả đều bị đuổi khỏi thiên đàng, bị đày xuống đất và bị giam cầm trong một thế giới riêng.
Mang trên mình cái tên của kẻ sáng nhất, tuyệt đẹp nhất, Heylel còn hay được gọi bằng cái tên thuần Latin hơn là Lucifer, có nghĩa là kẻ mang ánh sáng. Đây là câu chuyện về hành trình của một kẻ được tạo ra với sự hoàn mỹ nhưng tự đắm mình vào sự kiêu ngạo. Sau cùng, chính hắn đã chuốc vào bản thân sự thất bại.
Nhiều ghi chép cho rằng sau cuộc chiến đó, Heylel hay Lucifer đã trở thành Satan, một thiên thần sa ngã hoặc trở thành kẻ trị vì địa ngục, nơi hắn bị giam cầm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện kể rằng đây không phải là cái kết cho kẻ phản Chúa.

Chuyện Adam và Eve

Sau khi tạo ra thế giới, Chúa đã thổi hồn cho sinh vật mới trong hình hài của ngài, đó là những con người đầu tiên, Adam và Eve. Hai người được Chúa dặn dò cẩn thận khi sống trong khu vườn địa đàng của ngài. Chúng được ăn hoa quả trong khu vườn nhưng cấm không được ăn trái của cây tri thức về thiện và ác. Theo lời chúa, cái chết là phần thưởng chắc chắn sẽ đến dành cho kẻ ăn trái cây này. Nghe lời Chúa, hai con người không dám động vào trái cấm đó.
Tuy nhiên, trong vườn Địa Đàng có loài quỷ quyệt mang tên Rắn. Nó đến và huyễn hoặc người phụ nữ, khiến cô hoang mang về lời dặn của Chúa mà ăn trái cấm. Sau đó, đến cả người đàn ông cũng đã ăn trái cấm và cả hai cùng có những nhận thức mới về bản thân cùng vạn vật quanh mình. Tuy nhiên, lời Chúa dặn chớ có sai, hai người đã không nghe lời ngài nên đã phải chịu những hình phạt khắt khe, làm cả nhân loại phải gánh cùng.
Adam và Eve bị trục xuất khỏi vườn địa đàng của Chúa và phải sống trên Trái Đất, tìm cái ăn, cái mặc hàng ngày và số phận lúc nào cũng dẫn tới cái chết. Trong khi đó con rắn thì bị Chúa nguyền cho bò bằng bụng, cho ăn bụi đất và bị dẫm đạp cả đời.
Adam và Eve là những tội đồ đầu tiên, là khởi đầu cho những đại tội về sau. Tuy nhiên mọi thứ không thể xảy ra nếu con rắn không tới và huyễn hoặc nhân loại. Vì lý do này nhiều học giả cho rằng con rắn chính là Lucifer biến thành hoặc ít nhất nó là tay sai của Lucifer. Vì Lucifer biết nhân loại có ý nghĩa thế nào với Chúa và hắn muốn làm hỏng mọi thứ tốt đẹp mà Chúa tạo ra để phản lại ông.
Việc Lucifer có phải là con rắn hay không vẫn còn đang nằm trong tranh luận của các học giả. Tuy nhiên ta có thể rút ra vài điều thông qua câu chuyện của Lucifer và của tội đồ đầu tiên.

Cái ác thiết yếu

Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là tại sao kẻ phản diện như Lucifer lại tồn tại, hay đúng hơn là vì sao hắn chưa bị Chúa trừ khử. Rõ ràng là Chúa quyền năng hơn Lucifer, ngài cũng biết rằng Lucifer đại diện cho mọi thứ ngược lại với ngài, đồng thời hắn cũng sẽ làm đủ thứ để khiến tạo hóa của ngài bị hủy hoại. Vậy thì tại sao Lucifer vẫn tồn tại?
Có lẽ nó nằm ở sự thiết yếu của cái ác.
Thế giới sẽ chẳng thể tồn tại nếu không có những khái niệm đối lập. Có sống thì sẽ có chết, có mở thì sẽ có kết. Chính việc Adam và Eve trở thành tội đồ cũng khiến cho họ có mục đích hơn. Nếu không có cái chết, họ sẽ sống mãi trong vườn địa đàng mà không có mục đích gì ngoài hưởng thụ. Đó sẽ là một cuộc sống vĩnh hằng nhưng không có ý nghĩa. Và quả thực, sự tồn tại của cái kết khiến ta trân trọng những gì đang diễn ra hơn.
Cái thiện sẽ không tồn tại nếu không có cái ác. Sự tồn tại của Lucifer là cần thiết cho cán cân thiện ác. Chúng ta sẽ không biết trân trọng cái thiện nếu chưa gặp phải cái ác. Nếu không có câu chuyện về Lucifer, chúng ta khó mà biết được ý nghĩa sâu xa của kế hoạch Chúa bày ra cho mỗi chúng ta.
Chương 29 dòng 11 của Jeremiah có chỉ ra rằng Chúa có kế hoạch cho mỗi người trong chúng ta, để ta có hy vọng và có tương lai. Kế hoạch của Chúa không phải để đày đọa hay làm ta tổn thương mà để ta trưởng thành và phát triển. Nhưng làm sao để trưởng thành và phát triển mà không có những vấp ngã?
Ở đây, những cám dỗ, những sa ngã của Lucifer chính là bài học để chúng ta trưởng thành hơn, phát triển hơn, đi xa hơn trong kế hoạch Chúa bày ra cho mỗi chúng ta.
Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần chúng ta có thể rút ra được từ Lucifer.

Tự do ý chí

Nếu như mỗi mảnh đời đều nằm trong kế hoạch của Chúa, liệu mọi thứ chúng ta làm là do ta tự quyết hay đều là một phần trong kế hoạch của ngài?
Tự do ý chí là gì nếu như mọi quyết định đều được Chúa dẫn đường?
Trong cuốn “The City of God”, tạm dịch là “Thành phố của Chúa” của Thánh Augustine, Đức Chúa Trời là cái thiện và Lucifer chính là cái ác. Tuy nhiên, ngoài cán cân giữa thiện và ác thì Chúa Trời và Lucifer cũng đại diện cho cán cân trật tự và hỗn loạn.
Kế hoạch của Chúa là trật tự thì sự tự do ý chí là hỗn loạn. Điều này nghĩa là chúng ta có những lựa chọn, những con đường khác nhau, không có giới hạn và không có sự ép buộc. Tuy nhiên, tùy chúng ta lựa chọn như thế nào, đi theo con đường thánh thiện hay sa ngã như Lucifer mà sẽ có những kết quả khác nhau.
Điều này được thể hiện rõ trong sách Job khi nhân vật chính phải trải qua muôn ngàn nỗi đau và mất mát. Mọi thứ bắt đầu khi một nhân vật trong hội đồng của Chúa có tên là Satan đã tiến lên và đặt câu hỏi rằng liệu cách vận hành của Chúa có đúng đắn không.
Satan chỉ ra một người ngoan đạo là Job, rằng ông chỉ ngoan đạo bởi vì Chúa ban thưởng cho ông khi ông nghe theo Chúa. Hiểu điều này, Chúa cho phép Satan đặt phép thử của mình lên Job, rằng khi tước đi hết những sự ban thưởng thì Job có còn tin vào Chúa nữa không. Và Satan đã tước đi tất cả của Job, vợ con, mùa màng và của cải. Đây là một điều rất bất công, vì Job không hề làm gì sai, ông là một người ngoan đạo, làm điều tốt và luôn hướng thiện. Nhưng ông đã mất tất cả mọi thứ ông yêu thương.
Nhưng cũng chính nhờ những biến cố bất công này mà ta nhận ra một điều kỳ diệu ở Job. Cho dù có đau khổ đến thế nào, Job vẫn tôn thờ Chúa, vẫn cầu nguyện và vẫn hướng thiện. Với Job, những gì đang diễn ra không phải là sự trừng phạt của Chúa mà chỉ là phép thử của ngài để nhắc nhở ông về giá trị của cuộc sống.
Thế giới này là một cấu trúc tinh tế với tầng tầng lớp lớp những diễn biến khác nhau. Những chuyện xảy ra với ta không phải là minh chứng cho thấy Chúa không công minh và cuộc sống bắt buộc phải công bằng. Cuộc sống không công bằng, đôi khi những sự bất công sẽ xảy ra và ta không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận nó. Nhưng điều ta nên làm không phải là để nó hủy hoại con người ta, hướng thiện và tin vào tương lai mới là giá trị thực của cuộc sống này.
Satan, Lucifer, hay Heylel, đều là những cái tên được đặt cho những nhân vật ngạo mạn, tự kiêu, đặt câu hỏi và thách thức giá trị của Chúa, rằng cách Chúa vận hành vũ trụ này là chưa hoàn hảo, chưa hoàn thiện và tự cho rằng mình có sự công minh cao hơn ngài.
Suy cho cùng, họ không phải là những quái thú, ác quỷ hay những thế lực xấu xa muốn phá hủy thế giới của chúng ta. Họ là những cái ác thiết yếu trong sự sống, để ta có niềm tin, có hy vọng cho tương lai, để ta tiến đến bên Chúa trong hành trình làm người.

Tổng Kết

Heylel, Lucifer, Satan hay chỉ đơn giản là kẻ mang lại ánh sáng, dù mang cái tên nào thì nhân vật này vẫn đem đến cho chúng ta bài học sâu sắc về đại tội lớn nhất, tội kiêu ngạo.
Hắn là con quỷ hay là cái ác thiết yếu trong thế giới này? Câu trả lời sẽ nằm ở niềm tin của mỗi người. Tuy nhiên ta có thể tin vào một điều rằng những gì hắn làm chỉ có thể là những cám dỗ, dẫn chúng ta sa ngã, đi xa khỏi con đường hướng thiện mà Chúa đã bày sẵn cho mỗi người. Đó mới là giá trị của tội lỗi, là những bài học nhằm hướng chúng ta về đúng con đường, nhằm giúp chúng ta nhận ra giá trị thực của cuộc sống và từ đó tiến gần hơn với Chúa.