Ở bài viết trước chúng ta đã biết việc Đức Quốc xã sử dụng cờ vua cho mục đích chính trị trong Thế chiến II như thế nào, nhưng có lẽ ít ai biết rằng những gì Đức Quốc xã làm chỉ là màn dạo đầu trong hành động chính trị hoá cờ vua của các cường quốc. Và riêng trong công việc này, Liên Xô làm giỏi hơn Đức Quốc xã rất nhiều, thực tế là giỏi nhất thế giới.
Nếu như sự nhúng tay của Đức Quốc xã đã ảnh hưởng và làm tha hoá vua cờ thứ tư Alexander Alekhine; thì sự nhúng tay của Liên Xô, và sau này là Hoa Kì, đã ảnh hưởng đến vua cờ thứ mười Boris Spassky và vua cờ thứ mười một Robert Fischer. Tuy nhiên, khác biệt ở đây là Spassky và Fischer đã không bước vào con đường mà Alekhine đã đi.
Bài viết này viết về một lát cắt nhỏ trong lịch sử cờ vua, ở lát cắt ấy chúng ta được thấy rằng ngay giữa sự can thiệp thô bạo của chính trị lên thể thao, cờ vua và giới kì thủ vẫn là một cái gì đó rất khác biệt. Một cái gì đó giống như là lòng kiêu hãnh và nhân tính của những trí thức vẫn dũng cảm toả sáng giữa đêm trường tối tăm.

I. SỰ “ƯU VIỆT” CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Sau khi Thế chiến II khép lại, thế giới sớm bước vào Chiến tranh Lạnh của hai phe Liên Xô và Hoa Kì cùng các đồng minh của họ. Cuộc chiến này được đặc trưng ở sự ganh đua về thể thao, văn hoá, kinh tế, khoa học. Vậy nên giữa cơn lốc này, cờ vua và giới kì thủ một lần nữa không được phép đứng ngoài cuộc.
Người Liên Xô đặc biệt thích cờ vua. Hai lãnh tụ của họ là Vladimir Lenin và Joseph Stalin được cho là có đam mê mãnh liệt với trò chơi này. Họ đã cố gắng truyền bá cờ vua trong quần chúng để làm biểu tượng cho việc xoá bỏ giai cấp, bởi cờ vua thời trước Cách mạng Nga vẫn được biết đến là trò chơi đặc trưng của giới quý tộc và tư sản.
Trùng hợp thay, cờ vua gặp xã hội vô sản cũng giống như cá gặp nước. Theo Adelaide Scott “Cờ vua đóng vai trò là một phương tiện thoả mãn sáng tạo của giới vô sản – những người mang cuộc sống hằng ngày và những niềm vui đơn giản bị quản lí nghiêm ngặt. Ở những nơi người dân không được biểu lộ bản thân qua nghệ thuật hoặc văn chương, họ tìm thấy niềm vui và sự kích thích trí tuệ qua cờ vua.” (Scott, 2022, tr44)
Không dừng lại ở đó, giới lãnh đạo Liên Xô đã khai thác triệt để ưu thế không biết do vô tình hay cố ý này của mình, họ đã đồng nhất mức độ giỏi chơi cờ vua với mức độ ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Sự thống trị của Liên Xô ở cờ vua đồng nghĩa với sự thống trị của trí tuệ vô sản trước trí tuệ tư bản. Vậy nên dẫu đang thua kém phương tây về kinh tế và văn hoá, Liên Xô vẫn đầu tư vào cờ vua ở mức độ hào phóng nhất thế giới.
Ở Liên Xô, cờ vua là môn giáo dục bắt buộc trong trường học; nhà nước đổ tiền vào việc tài trợ các khoá học và các giải đấu; các kì thủ tiềm năng được tuyển chọn và đào tạo ngay từ khi còn nhỏ; các kiện tướng hàng đầu được hưởng cuộc sống tốt hơn hầu hết dân thường; và trên hết, cờ vua là công cụ tuyên truyền chính yếu của nhà nước.
Tương xứng với sự đầu tư này, các kì thủ Liên Xô đã thay nhau thống trị ngôi vua cờ, tính đến năm 1972 thì người Liên Xô đã thống trị cờ vua ngót 30 năm, bắt đầu từ vua cờ thứ sáu Mikhail Botvinnik đến vua cờ thứ mười Boris Spassky.
Và họ không có dấu hiệu nào là sẽ dừng lại.

II. MỘT NGƯỜI ĐỒNG CHÍ THIẾU MẪU MỰC

Boris Spassky sinh năm 1937 tại Leningrad. Lần đầu tiên ông biết đến cờ vua là năm 5 tuổi ở một trại sơ tán, trong cuộc sơ tán khỏi Leningrad vì thành phố ấy đang bị Đức Quốc xã vây hãm trong Thế chiến II. Sau khi thế chiến khép lại, ông được quay về Leningrad khi đã 9 tuổi. Đó cũng là quãng thời gian Spassky trở nên mê mẩn cờ vua, ông sớm được học cờ bài bản, có huấn luyện viên, và có nhiều đối thủ để thi đấu rèn giũa.
Sau khi được tiếp xúc với guồng máy đào tạo kì thủ của Liên Xô, kết hợp với tư chất thông minh, Spassky nhanh chóng gặt hái rất nhiều thành tích trong làng cờ. Người ta vẫn gọi ông là một thần đồng cờ vua. Đỉnh điểm là ông đạt được danh hiệu Đại kiện tướng vào năm mới 18 tuổi.
Boris Spassky
Boris Spassky
Xét về cờ vua, người Liên Xô có thể tự hào nói Spassky là một sản phẩm điển hình của guồng máy đào tạo kì thủ của họ; nhưng xét về mọi mặt khác, hiếm người Liên Xô nào có thể dùng đến cụm từ “đồng chí Spassky” mà không cảm thấy có chút tanh mồm. Bởi Boris Spassky chưa bao giờ là một người đồng chí điển hình theo tiêu chuẩn của Liên Xô cả.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống theo Chính thống giáo, và ngay đến tận khi về già vẫn là người sùng đạo, Spassky đã chứng kiến tội ác của Stalin đối với tôn giáo nói riêng, và tư tưởng đàn áp tôn giáo của chủ nghĩa cộng sản nói chung, ông không có lí do gì để hạnh phúc với thể chế chính trị mà Liên Xô đang thiết lập.
Bằng chứng ở việc dẫu là gương mặt đại diện đất nước đi thi đấu và giành được danh hiệu vua cờ, Spassky chưa bao giờ gia nhập đảng Cộng sản Liên Xô hay tỏ bất kì thái độ ủng hộ cộng sản nào, điều này khác hẳn với một số vua cờ đồng hương còn lại như Mikhail Botvinnik hay Anatoly Karpov. Không những thế, Spassky luôn tỏ ra thông cảm với các kì thủ bất đồng chính kiến với chính quyền và lựa chọn con đường di cư, ông cũng nổi tiếng là kì thủ có tư tưởng tự do và dám dũng cảm lên tiếng trong các vấn đề chính trị.
Spassky không yêu quý Liên Xô, và để đền đáp tình cảm, Liên Xô cũng không ưa gì ông. Spassky luôn là mối lo canh cánh trong lòng các lãnh đạo Liên Xô, và lí do duy nhất để họ vẫn trọng dụng ông là tài năng cờ vua tót vời của ông mà thôi. Trong một báo cáo mật năm 1971 của Sergei Pavlov – Chủ tịch Uỷ ban Thể thao Liên Xô – gửi tới Uỷ ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, Spassky đã bị báo cáo là có nhiều hành vi “không đúng mực”. Cũng năm 1971, sau bài phát biểu với người hâm mộ ở thành phố Shakhty, nước Nga, Spassky bị báo cáo là “đã xuyên tạc hoàn cảnh của các kì thủ ở Liên Xô và tấn công vào thực trạng của Liên Xô”.
Về sau này, Spassky tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, một người ủng hộ chế độ Sa hoàng đã mất, và một tín đồ ngoan đạo của Chính thống giáo.
Người đàn ông này có nhiều tư cách, nhưng tư cách một nhà ái quốc đại diện Liên Xô để mang vinh quang về cho đất nước, thì rõ ràng là thứ cuối cùng mà người ta muốn nghĩ đến.

III. MỘT GÃ LẬP DỊ MÀ NƯỚC MĨ RẤT CẦN

Ở bên kia Bức màn Sắt, nước Mĩ không phải là thiên đường cho cờ vua.
Bởi vì “Vào thời điểm này, tất cả mọi người, trừ những người cộng sản, đều thấy rõ rằng chính trị và cờ vua không liên quan gì đến nhau,” (Scott, 2022, tr40) vậy nên bất chấp huyền thoại Paul Morphy đã từng tạo nên một cơn sốt cờ vua ở Mĩ khoảng 100 năm trước, nước Mĩ lúc này lại quay về với cuộc sống bình thường, tức là cuộc sống chỉ coi cờ vua là một trong vô vàn những trò chơi mà họ có, thậm chí không phải là trò chơi được quần chúng ưa chuộng. Nếu phải chọn một trò chơi khả dĩ sánh ngang về độ phổ biến so với cờ vua ở Liên Xô, thì ở Mĩ có chăng là bóng chày.
Robert Fischer
Robert Fischer
Thế nhưng nước Mĩ cũng có thần đồng cờ vua. Robert Fischer sinh năm 1943 ở Chicago, trải qua một tuổi thơ túng thiếu với người mẹ có học thức nhưng mắc vấn đề tâm lí, và thiếu vắng sự hiện diện của người cha, ông chưa bao giờ được biết rõ cha ruột của mình là ai. Ngay từ nhỏ Fischer đã thể hiện mình là một con người cô độc, lập dị, ít bạn bè, thiếu kĩ năng xã hội, và luôn trong tâm trạng bất hạnh.
Fischer chưa bao giờ thích nghi được với môi trường học đường, và có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng ông không thích nghi được với loài người nói chung. Vấn đề tâm lí được hình thành từ rất sớm của ông đôi khi bùng phát thành bạo lực, ông từng bị đuổi học vì đá hiệu trưởng trường, và năm 16 tuổi – ngay khi đủ tuổi để thôi học một cách hợp pháp – ông bỏ học hoàn toàn.
Dẫu vậy Fischer không phải là con người thiếu học thức. Trái ngược với sự chán chường dành cho trường lớp, Fischer bị ám ảnh với cờ vua. Và có lẽ “ám ảnh” vẫn là từ ngữ quá nhẹ để miêu tả cảm xúc của ông dành cho trò chơi này. Fischer nghĩ đến cờ vua mọi lúc trừ những lúc ngủ mà không nằm mơ. Ông không chỉ chơi cờ, mà còn nghiên cứu cờ như một trí thức thực thụ. Ông tự học tiếng Nga để có thể đọc được các tạp chí cờ vua do Liên Xô xuất bản. Rõ ràng là với trí tuệ của mình Fischer làm được rất nhiều thứ, hiềm nỗi có rất ít thứ được ông cho là đáng làm trên đời.
Nếu như thần đồng Spassky sớm đạt được danh hiệu Đại kiện tướng năm 18 tuổi, thì thần đồng Fischer đạt tới thành tích ấy một cách ấn tượng hơn: 15 tuổi. Và cũng giống như bao Đại kiện tướng khác, mục đích của Fischer cũng là đoạt về ngôi vua cờ, thứ mà lúc ấy người đang nắm giữ chính là Spassky.
Tuy không đầu tư vào cờ vua cho mục đích chính trị như Liên Xô, nhưng sự nhạy bén về chính trị của Mĩ thì không thua quốc gia nào cả. Trước đó, vào năm 1957, cờ vua đã mỉm cười với nước Mĩ khi William Lombardy giành chức vô địch Giải vô địch Cờ vua Thanh niên Thế giới. Không lâu sau đó, năm 1960, nước Mĩ giành chức vô địch Giải vô địch Cờ vua Đồng đội Sinh viên Thế giới ở ngay tại thành phố Leningrad. Vậy nên, trước tài năng đang trỗi dậy mạnh mẽ của Fischer, chính quyền Mĩ vội vàng vồ lấy cơ hội này để có một chiến thắng trên chính trường quốc tế.
Fischer gần như là hình mẫu lí tưởng của “Giấc mơ Mĩ” – một người xuất thân túng thiếu và không phải con nhà nòi, dùng đam mê và nỗ lực để bù lại những ưu thế về vật chất và điều kiện của đối thủ, rốt cuộc đã vươn được tới đỉnh cao. Một con người chống lại một guồng máy chỉ nhờ ước mơ cháy bỏng, chuyện thực mà như trong phim. Nước Mĩ lúc này muốn “play their own game” trước Liên Xô, theo đúng nghĩa đen.
Với một con người hoà nhã như Spassky mà nghĩ rằng ông là người đại diện để mang vinh quang về cho đất nước, thì cũng đã là ngây thơ rồi; nhưng nếu áp dụng suy nghĩ này cho một tay lập dị ngút trời như Fischer, thì đích thực là ngu xuẩn.
Rõ ràng là Fischer không ưa gì Liên Xô, nhưng dựa vào đó để kết luận rằng ông yêu nước Mĩ thì quá vội vàng. Sự thù ghét của Fischer với nước Mĩ rất dữ dội, và có lẽ là dữ dội quá mức so với một tâm trí bình thường. Đặc biệt là sau sự kiện 11/9, Fischer đã có nhiều phát ngôn rất đáng quên và đáng buồn.
Như vậy, trước thềm của giải tranh ngôi vua cờ sắp tới, chúng ta đã có hai kì thủ đại diện cho hai quốc gia. Trớ trêu thay, cả hai kì thủ này đều là những con người không yêu mến quốc gia của mình cho lắm. Đứng từ quan điểm chính trị, có thể gọi họ là hai quân Tốt trên bàn cờ Chiến tranh Lạnh.
Hiềm nỗi, cả hai quân Tốt đều rất khó bảo.

IV. TRẬN ĐẤU THẾ KỈ

Trận đấu giành ngôi vua cờ giữa Spassky và Fischer mang tên Giải vô địch Cờ vua Thế giới 1972, và được mệnh danh là trận đấu thế kỉ. Giải đấu được tổ chức ở Reykjavík, Iceland, một quốc gia trung lập.
Trước đó, Fischer đã nổi tiếng là “một đứa trẻ hay quấy” qua việc ông thường xuyên đưa ra những yêu cầu cá nhân, và nếu ban tổ chức không đáp ứng được thì ông đơn giản là không thi đấu nữa. Ở trận đấu thế kỉ, chúng ta được thấy sự “quấy” của Fischer lên đến đỉnh điểm, ông yêu cầu gần như là mọi thứ, từ ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, khoảng cách với khán giả (để ông có điều kiện tốt nhất để suy nghĩ), cho đến ngày nào thi đấu và ngày nào nghỉ ngơi trong tuần (để phù hợp với ngày nghỉ của giáo phái mà ông đang theo). Rồi ông lại phàn nàn rằng thức ăn của ông bị bỏ độc, rằng người Nga cài máy nghe lén trong phòng khách sạn, thậm chí ông sợ lên máy bay vì nghĩ rằng trong đó có đặt bẫy.
Sự tương phản giữa một quý ông đích thực là Spassky và một đứa trẻ hay quấy là Fischer dường như càng thu hút sự chú ý cho giải đấu này.
Bên cạnh tiền bán vé xem trực tiếp, giải đấu còn được phát sóng trên truyền hình. Biết được điều này, Fischer đưa thêm yêu cầu vào phút chót là ngoài số tiền thưởng hiện có, hai kì thủ phải được nhận 30% tiền bán vé và tiền bản quyền truyền hình, nếu không thì như thường lệ ông sẽ không thi đấu. Thực tế, Fischer đã vắng mặt ở lễ khai mạc và do đó khiến ngày ấn định của ván thứ nhất bị dời lại.
Yêu cầu của Fischer không được ban tổ chức chấp thuận, tuy nhiên một tài phiệt người Anh đã gấp đôi số tiền thưởng từ 125.000 đô lên 250.000 đô, tức là cao gấp 20 lần số tiền thưởng của giải đấu trước đó, vậy nên tuy không được đáp ứng yêu cầu ban đầu nhưng ông vẫn tặc lưỡi nhận tạm số tiền này vậy.
Ván đầu tiên Fischer phạm sai lầm nên để thua Spassky trong một tàn cuộc mà rõ ràng là hoà. Sau đó ông đưa ra yêu cầu dẹp bỏ tất cả máy quay truyền hình vì chúng phát ra âm thanh ồn ào, nhân tiện thì dẹp cả sân khấu luôn mà chơi trong phòng kín cho yên tĩnh. Biết Fischer lại “giở võ” nên lần này ban tổ chức không nhượng bộ. Ván thứ hai Fischer không đến nên bị xử thua theo quy định. Tỉ số là 2-0 cho Spassky.
Tình thế đang vô cùng có lợi cho Spassky, hay nói đúng hơn, cho Liên Xô. Và nếu các bên cứ kiên quyết không đáp ứng yêu cầu của Fischer thì hiển nhiên kết quả cuối cùng sẽ là chiến thắng giành cho Liên Xô, thực tế lúc ấy Fischer đã lăm le lên máy bay để về nước rồi. Vậy nhưng thế giới cờ vua có những quy luật khác với thế giới thực tế, và giới kì thủ có loại lòng tự trọng khác với giới chính khách, thế nên ở ván thứ ba Spassky đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử.
Spassky đã chia sẻ như sau về quyết định ấy: “Vài ngày trước ván thứ ba, tôi đã nói chuyện nửa giờ qua điện thoại với Pavlov [Sergei Pavlov, Bộ trưởng Thể thao Liên Xô], ông ấy yêu cầu tôi đưa ra bức tối hậu thư mà sẽ khiến cả Fischer, lẫn ban tổ chức, lẫn Chủ tịch FIDE – Max Euwe, đều không chấp nhận được. Điều ấy sẽ khiến trận đấu khép lại. Vậy nên toàn bộ cuộc nói chuyện của chúng tôi là một chuỗi trao đổi bất tận của hai câu nói: ‘Boris Vasileyvich, anh phải đưa ra tối hậu thư này!’ – ‘Sergey Pavlovich, tôi sẽ đấu đến hết trận này!’ Sau cuộc nói chuyện, tôi nằm trên giường suốt ba tiếng. Tôi run cầm cập. Tôi đã cứu Fischer, bằng cách chơi ván thứ ba. Về cơ bản tôi đã kí giấy đầu hàng cho toàn bộ trận đấu.”
Và thế là ván thứ ba được chơi trong phòng kín, một căn phòng ở hậu trường nơi thường được đặt bàn bóng bàn, không có máy quay truyền hình nhưng có một máy quay nhỏ (và yên tĩnh) để truyền hình ảnh ra sân khấu. Ván này Spassky thua, tỉ số là 2-1.
Ván thứ tư người ta thuyết phục được Fischer ra sân khấu thi đấu với điều kiện là không có máy quay truyền hình, ván này hoà. Và từ đây trở đi hai kì thủ luôn chơi trên sân khấu trong tình trạng như vậy – chỉ có khán giả chứ không có máy quay truyền hình.
Và cũng từ đây trở đi chúng ta mới thấy được sức cờ của Fischer khủng khiếp đến thế nào. Họ chơi thêm 17 ván nữa, trong đó Fischer thắng 6, thua 1, hoà 10. Kết quả chung cuộc là Fischer 12½, Spassky 8½. Ngôi vua cờ đã có chủ mới.
Giải đấu kết thúc với một khoảnh khắc khó quên khác là hành động rất đẹp của Spassky khi vỗ tay chúc mừng Fischer vì đã thắng ván thứ sáu. Qua hành động này, Fischer đã gọi Spassky là một kì thủ chân chính, và họ trở thành bạn bè kể từ đây.

V. HẬU TRẬN ĐẤU THẾ KỈ

Quay về Mĩ, Fischer làm được điều mà 100 năm trước Morphy đã từng làm: tạo nên cơn sốt cờ vua ở xã hội Mĩ nơi mà quần chúng chưa bao giờ thích nó. (Và cũng giống Morphy ở điểm cơn sốt chỉ kéo dài vài năm rồi biến mất như chưa từng có.) Fischer được tổng thống Mĩ bấy giờ là Richard Nixon mời đến Nhà Trắng. Ông được các nhãn hàng mời làm gương mặt quảng cáo với tổng số tiền tạm tính là 5 triệu đô, nhưng ông từ chối hết.
Kì lạ thay, nước đi tiếp theo của Fischer rất giống với Morphy ngày xưa: ông tránh xa cuộc sống nổi tiếng, và rời xa cả làng cờ vua. Ông chỉ chấp nhận thi đấu một giải duy nhất là giải bảo vệ ngôi vua cờ của mình. Tuy nhiên ba năm sau, thời điểm giải đấu ấy đến, Fischer đưa ra ba thay đổi với thể thức giải đấu và không được chấp nhận, nên ông đã chủ động từ bỏ chức vô địch không qua thi đấu. Vị vua cờ được cho là vĩ đại nhất lịch sử này chỉ trị vì vương quốc trong ba năm.
Diễn biến tiếp theo của Fischer cũng giống với Morphy đến đáng sợ: Sức khoẻ tâm thần của ông càng ngày càng bất ổn. Ông bài Do Thái dữ dội dẫu cả cha lẫn mẹ là người Do Thái, ông phủ nhận sự kiện Holocaust bằng các thuyết âm mưu, và ông phát ngôn thù địch nhắm tới nước Mĩ sau sự kiện 11/9 tang thương.
Nói về Spassky, sau trận thua lịch sử, ông nhận được buổi đón tiếp lạnh nhạt ở quê nhà Liên Xô, sau đó ông bị cảnh sát mật KGB giám sát trong một thời gian. Nhưng nhìn chung sự nghiệp cờ vua và cuộc sống cá nhân đều ổn với Spassky. Ông vẫn thi đấu và đoạt giải thưởng đều đặn. Năm 1976 Spassky di cư sang Pháp, bắt đầu từ năm 1978 ông trở thành công dân Pháp và thi đấu dưới lá cờ Pháp. Sau năm 1988 ông hưởng cuộc sống an nhàn dưới tư cách một quý ông cao tuổi người Pháp, tập trung vào những khía cạnh khác của cuộc đời ngoài cờ vua.
Spassky vẫn duy trì liên lạc với Fischer. Năm 1992, ông và Fischer có một trận tái đấu ở Nam Tư, quốc gia bị Mĩ đặt lệnh cấm vận. Khi được thông báo việc sang Nam Tư đấu cờ là vi phạm pháp luật của Mĩ, Fischer đã nhổ vào sắc lệnh của Mĩ và đáp “Đây là câu trả lời của tôi.” Vì những hành động này mà nước Mĩ ra lệnh bắt giữ Fischer sau đó. Kể từ 1992 trở đi, Fischer trở thành người sống lang bạt và chạy trốn.
Năm 2004, khi Fischer bị bắt giữ ở Nhật Bản, Spassky đã viết một bức thư thống thiết gửi Tổng thống George Bush yêu cầu hãy bắt cả ông và giam cùng phòng với Fischer, rồi cho họ một bộ cờ vua. Ông từng chia sẻ rằng hai người bạn thân nhất với mình là Mischa Tal và Bobby Fischer.
Nói về Fischer, ông nhận xét: “Bobby Fischer về cơ bản là một chiến binh kiên cường. Anh ấy mang ý chí chiến thắng không thể lay chuyển, và đó là nguyên do tại sao anh ấy thành công rực rỡ đến vậy. Nhưng trong đời thực Bobby không hề là chiến binh. Ở đó anh ấy đã phạm nhiều sai lầm. Fischer không bao giờ thoả hiệp – cả trong cờ vua lẫn cuộc đời.”
Fischer qua đời năm 2008 ở Iceland, thọ 64 tuổi. Spassky đến nay đã 87 tuổi, ông sống khá kín tiếng ở Nga.
Như vậy, lát cắt nhỏ trong lịch sử cờ vua đến đây là hết.
Giỏi chơi cờ vua không có nghĩa rằng thể chế chính trị thúc đẩy sự ấy là ưu việt, và cuộc đấu thể thao giữa hai vận động viên không đồng nghĩa với cuộc đấu chính trị của hai quốc gia, đây có lẽ là bài học mà lịch sử cờ vua vẫn có thể dạy cho chúng ta.

Tài liệu tham khảo:

• Scott, A. (2022). A Battle of Sixty-Four Squares: The role of chess in Cold War foreign policy. The Mirror - Undergraduate History Journal, 42(1), 38–55. Retrieved from https://ojs.lib.uwo.ca/index.php/westernumirror/article/view/15128 • Гик Е. Я. Борис Спасский: шахматный король с очень свободными взглядами Архивная копия от 14 мая 2014 на Wayback Machine // РИА Новости, 30.01.2012. • Как Фишер помог Спасскому решить квартирный вопрос Архивная копия от 4 августа 2014 на Wayback Machine // «Спорт-Экспресс», 18.11.2002. (Шахматы. «Секретный архив Акселя Вартаняна») • Ponterotto, Joseph G. “Bobby Fischer, a Psychological Autopsy.” Pacific Standard, psmag.com/social-justice/a-psychological-autopsy-of-bobby-fischer-25959. • “50 Years Ago Today: Fischer-Spassky, Game Six.” Chess News, 24 July 2022, en.chessbase.com/post/50-years-ago-today-fischer-spassky-game-six. Accessed 28 Apr. 2024. • “Boris Spassky Turns Seventy.” Chess News, 30 Jan. 2007, en.chessbase.com/post/boris-spaky-turns-seventy/90. Accessed 28 Apr. 2024. • “Boris Spassky: A Chess Legend Turns Seventy-Five.” Chess News, 30 Jan. 2012, en.chessbase.com/post/boris-spaky-a-che-legend-turns-seventy-five. • “Spassky to Bush: Arrest Me! | Chess News.” Web.archive.org, 28 Sept. 2015, web.archive.org/web/20150928045413/en.chessbase.com/post/spaky-to-bush-arrest-me-. Accessed 28 Apr. 2024.
TORNAD
28/04/2024
Một số hình ảnh được tạo nhờ AI
Nếu thích những nội dung tương tự, mời các bạn vào group cờ vua của Spiderum: