Nếu có một tác phẩm văn học nào có thể làm mình khóc, thì đấy phải là Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Mình đọc truyện này lần đầu, mình thấy rõ ràng nó không có gì đặc biệt, nhưng mình không dứt đc ra. Nó hoàn toàn chỉ kể về 2 đứa trẻ trâu rảnh háng ngồi nhìn đoàn tàu, nhưng nó được khắc hoạ buồn đến ma mị. Ngày đó mình chỉ đọc và nghe giảng, thấy nó hay nhưng không thấm thía được nhiều.
Mãi rồi mình nhận ra tại sao nó lại cuốn hút nhiều đến thế,  để mỗi lần hình dung ra câu chuyện trên một hình tượng sống động hơn  trong đầu, mình lại nổi da gà.
Con phố nhỏ đó giống nhà mình đến kì lạ.
Ngày nhỏ tuổi, chúng tôi nghĩ rằng xung quanh nhà là cả thế giới. Những năm đó, nhà tôi chẳng bao giờ ngớt người. Có người còn gọi khu nhà tôi là "phố" chứ không phải làng, bởi nó sôi động hơn nhiều, náo nhiệt hơn  nhiều so với nơi họ ở.
Tôi nghĩ đó là phố.
Qua năm tháng,  những câu hỏi tại sao cũng lớn lên theo. Con phố giống như một cái Room  (phim 2016) nhỏ bé không thể kìm chân chúng tôi lại. Lũ trẻ dần bước  chân khỏi đó mà đến trung tâm sinh sống và học tập.
Ồ, hoá ra đó  không phải là phố, cũng chưa bao giờ là phố. Đây mới là phố, hoa lệ, rực  rỡ, những cốc nước xanh đỏ, những li chè kem sắc màu, những căn nhà cao  và đầy ánh sáng, những chuyến xe vội vã khắp nẻo đường...
Vào một ngày nọ, lũ trẻ về nhà sau một thời gian tất bật với phố.
Căn nhà vẫn thế, cảnh vật vẫn thế, nhưng bầu không khí lại ảm đạm vô cùng. Có thể do chúng tôi đã quá quen với không khí của con phố náo nhiệt, cũng không thể chối rằng cuộc sống ở nhà từ bao giờ đã trở nên buồn và tù túng đến thế.
“Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru…”
“Ôi chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì.”
Con phố đó đầy sự quẩn quanh và tăm tối. 9h đã tối om, cảnh vật chìm trong im lặng. Bố kéo tấm rèm che kín phòng nằm xem TV, mẹ ngồi bật TV ở ngoài nhưng mắt để trên màn hình điện thoại, facebook.
Có lần về nhà, mình đi qua đi lại mãi chẳng làm được cái gì, cũng chẳng hiểu nên  làm gì. Loanh quanh nhà có mấy cái quán net, có tiệm chè, có quán café, và vài chục cái ổ voi thêm sinh động. Cái sự buồn tênh bỏ qua tất cả mà  đè nén xuống. Mình từng thốt lên rằng ở nhà buồn quá mẹ nhỉ? Mẹ mình  đáp: “Ừ, chán lắm.”
Xưa đến nay, mẹ chưa bao giờ nói với mình một câu tiêu cực như vậy.
Những đứa bạn mình học đại học cũng gần nhà, sống cuộc sống gần nhà, tư tưởng cũng ở gần nhà, phong cách sống cũng gần nhà, loanh quanh ngày ngày những quán net gần nhà, và cả quen những cô gái gần nhà. Gần như người ta không muốn bước chân ra khỏi cái kén vốn đã quá dày và già ấy.
2 từ quẩn quanh cứ thế mà lặp lại. Có người nói đó là bình yên, đơn giản, giản dị,… hay tất cả các mỹ từ khác tương tự. Nhưng bình yên gì mà buồn tẻ thế? Mình được nghe tiếng thở dài nhiều hơn tiếng cười, mình được thấy những gương mặt chán chường nhiều hơn niềm nở?
Thôi thì  đổ lỗi tại chúng ta lớn, người lớn đã đi qua cái thời vội vã, còn chúng ta chỉ vừa mới đặt chân vô. Nhưng biết đâu sau này con cái chúng ta lớn, dong buồm trên một đại dương lớn hơn nhiều, nó cũng sẽ quay về và nói rằng, con phố này y như truyện của Thạch Lam vậy, tẻ nhạt và tù túng. “Con phố” lúc này, có chăng là ở đâu, cũng thực sự không còn là con phố  của chúng nữa rồi.
Bây giờ, thứ mà khu xóm nhỏ đó cần có lẽ là một đoàn tàu. Một đoàn tàu sáng rực một góc trời.
#sidavl
No photo description available.


No photo description available.

Những bức tranh này là do một bạn nào đó thực hiện project minh họa truyện Hai Đứa Trẻ - Thạch Lam theo trường phái hỗn loạn. Mình không thể nhớ nổi tên họa sĩ để ghi Credit. Nhưng cảm ơn cậu rất nhiều.