New York những năm 1960, Tony Vallelonga là một người Mỹ gốc Ý làm gác cửa tại câu lạc bộ Copacabana, vì clb đóng cửa mấy tháng nên anh ta rơi vào cảnh thất nghiệp và phải lăn lộn kiếm tiền cho gia đình. Cùng lúc đó, Don Shirley, một nghệ sĩ dương cầm da màu nổi tiếng và có học thức cần tìm tài xế kiêm trợ lý đồng hành cùng ông trong chuyến lưu diễn xuống các bang miền nam. Ông ta thuê Tony trong 2 tháng với số tiền hậu hĩnh để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ và thuận lợi. Từ đó, 8 tuần kì lạ thay đổi cả 2 người đàn ông khác xa nhau về mọi mặt bắt đầu.
Tony thuộc tầng lớp lao động tại Mỹ với tính cách bỗ bã thoải mái, lóng ngóng trong những lá thư cho vợ và sẵn sàng dùng nắm đấm khi cần, anh đối mặt với vị sếp đầy học thức và lịch sự nhưng phải chịu nhiều sự kì thị vì màu da của mình. Cả hai cùng trải qua những thăng trầm trong hành trình dài và đáng nhớ. Tony được phát một quyển sách “green book” trong đó chỉ dẫn những nhà nghỉ, cây xăng và quán ăn chấp nhận đón tiếp người da màu, trong khi 2 người đồng nghiệp da trắng của Don thì thoải mái hơn nên họ chung một xe và có hành trình riêng, 3 người chỉ gặp nhau tại các địa điểm biểu diễn.
Vậy Don và Tony đã gặp phải những chuyện gì đặc biệt để “thay đổi nhau”? Thực ra là không có gì quá đặc sắc như mong đợi của người xem, nó gần như kinh điển về việc mở lòng và đón nhận những điều tích cực từ người khác dù họ khác xa bản thân mình. Don chưa từng nghe nhạc của những nghệ sỹ da đen khác như Little Richard hay Aretha Franklin, chẳng bao giờ vừa ngân nga hát theo radio vừa lái xe hay ăn Gà Rán KFC như Tony hay thậm chí chưa từng bước vào một quán bar của người da đen và chơi nhạc hết mình với họ. Nhờ Tony, Don bắt đầu thoải mái và dần mở lòng với những điều dễ chịu nhỏ bé trong cuộc sống. Ngược lại, Tony cũng bị Don sửa gáy về thói quen ăn nói bỗ bã và sử dụng ngôn từ bậy bạ của mình, hay những lúc Tony không giữ được bình tĩnh và lại dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, điều mang đến nhiều phiền phức cho cả hai.
“Green book” đã đoạt giải Oscar năm 2019 cho bộ phim hay nhất, nó dựa trên câu chuyện có thật về nghệ sỹ dương cầm Don Shirley và người bạn của ông, Tony Vallelonga.
Chi tiết mình đánh giá cao nhất phim là lúc Don và Tony tranh cãi, Don bỏ ra ngoài xe dù trời tối om và đang mưa tầm tã, ông nói với Tony rằng “So if Im not black enough and if Im not white enough then tell me Tony, what am I?” câu nói này không phải lí do duy nhất khiến Tony thay đổi cách nhìn cuộc sống và xã hội nhưng là điểm nhấn chứng tỏ rõ ràng Don rất hiểu về thời thế và những người da màu nói chung hay cá nhân Don nói riêng. Xã hội Mỹ lúc bấy giờ không dễ dàng cho tất cả và Don chưa từng thể hiện sự phàn nàn về nó nhưng nhờ Tony, Don đã mạnh dạn bỏ đi show diễn cuối cùng vì ông không được tôn trọng bởi chính những kẻ thuê mình. Bộ phim kết thúc với đêm giáng sinh an lành khi Don tham gia cùng gia đình Tony và từ đó thiết lập một tình bạn giá trị cho đến khi cả hai qua đời.
Xem lâu rồi chẳng nhớ ngày ấy mình đã xúc động như thế nào..
Xem lâu rồi chẳng nhớ ngày ấy mình đã xúc động như thế nào..
Dù không được 100% đánh giá cao bởi các chuyên gia nhưng mình tin rằng Green book xứng đáng với giải thưởng Oscar. Nó nhân văn và sâu sắc dù chẳng cần gồng gánh khóc lóc quá nhiều, sự phát triển tâm lý nhân vật cũng tự nhiên từng bước một chứ chẳng đến mức biến đổi 180° thành phật sống. Và có lẽ thế là quá đủ để làm tan chảy người xem. Một bộ phim nhẹ nhàng sâu lắng cho cuối tuần khá ổn.