Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống
Người mà có lý do để sống thì có thể sống ở mọi nghịch cảnh, tôi nhớ lại Viktor Frankl. Elisabeth Kübler-Ross đảo ngược lại: Người đã tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời thì có thể thanh thản đến với cái chết. Sự chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Những ngày cuối đời, giống như cảnh kết của một bộ phim, có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trước đó.
Trong cuốn sách này, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đồng hành với các bệnh nhân ung thư ở những năm cuối đời của họ.

I. Hà và Nam

Hà có trí nhớ như một cái máy tính. Chị nhớ đã cho Nam, con trai đầu của chị, ăn gì vào hôm nào, hôm đó Nam mặc gì, cậu nói gì và chị trả lời ra sao.
Em có nhớ cái ngày em nhận được tin xấu không? - Tôi hỏi Hà. Có chứ anh. Mùng bảy tháng Mười Hai năm 2014. Hồi đó thằng Nam nhà em học lớp Ba, tám tuổi. Ba tháng trước đó, Nam bắt đầu kêu đau chân. Bẵng đi một thời gian, buổi chiều thứ Sáu đầu tháng Mười Hai, đầu gối Nam hơi bị sưng. Hà sờ nắn nhẹ chỗ sưng ở chân Nam. "Thôi chết rồi, mẹ sợ là viêm khớp", chị nói với con, "để mai mẹ đưa con đi khám".
Hôm sau, hai mẹ con có mặt ở bệnh viện gần nhà từ sớm. Trong đầu Hà luẩn quẩn mấy câu hỏi. Liệu Nam có cần giảm cân không? (Chị nghe nói béo là một trong những lý do chính gây viêm khớp). Nên uống vitamin với thuốc gì để giúp sụn khớp nhanh phục hồi? Tới gần trưa thì có kết quả X quang và siêu âm, một thứ chị hoàn toàn không tính đến: u xương chày. Thứ Ba, chị đưa Nam tới Khoa Nhi của Bệnh viện K. Lúc này chị không thể biết nơi đây về sau sẽ trở nên thân thuộc như ngôi nhà thứ hai của chị.
Mẹ ơi, con may mẹ nhỉ - thỉnh thoảng cậu lại nói với mẹ - con may vì con không làm sao cả, con không cảm thấy mệt. Nam bắt đầu quan tâm tới bệnh tật của mình. - Bệnh gì là nặng nhất hả mẹ? - Bệnh con đang mắc là bệnh nặng nhất. - Thế bà không phải là bị nặng nhất hả mẹ? Mẹ Hà bị suy tim, tiểu đường, huyết áp thấp và mỡ máu. Nam thấy mỗi ngày bà ngoại uống một vốc thuốc. - Bà có nhiều bệnh nhưng vẫn có thuốc để chữa trị, còn bệnh của con hiện tại vẫn đang là nặng nhất
Một hôm khác, đang chơi thì Nam bỏ iPad xuống: - Mẹ ơi - Nam nói - mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. - Sao vậy con? - Con bị bệnh nặng như thế này, mẹ và những người trong gia đình phải chăm sóc cho con, nên là con xin lỗi mẹ. - Con không cần nói như thế, vì con bị bệnh là nặng nhất rồi. Và đây là bệnh con không mong muốn. Do vậy, con là người đang chịu khổ, bất hạnh nhất chứ không phải là mẹ. - Thế ạ mẹ Hà khóc thành tiếng. Chị vớ tờ giấy ăn đưa lên má mà không kịp chặn dòng nước mắt. Trước mặt chị là một đống giấy đã bị vò nhàu và đẫm nước.
Nam bắt đầu quan tâm tới cái chết. Một hôm cậu nói với mẹ, "Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?" - Con nói thế nghĩa là thế nào? - Hà hỏi lại. - Tức là sau này ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy.
Dưới sáu tuổi, trẻ em cho rằng cái chết chỉ mang tính tạm thời, và trạng thái chết có thể thay đổi. Chúng không hiểu được tính vĩnh cửu và tính không thể đảo ngược của cái chết. Giống đồ vật hỏng có thể gắn lại được, chúng cho rằng con người hay con vật chết là đi vào giấc ngủ, họ sẽ thức dậy; hay họ đi xa và sẽ quay về.
Từ sáu tới chín tuổi, lứa tuổi của Nam, trẻ em đã hiểu rằng cái chết là vĩnh cửu, chứ không phải là một trạng thái tạm thời. Nhưng phần lớn không nắm được tính phổ quát của nó. Chúng cho rằng cái chết không xảy ra với tất cả mọi người, nhất là không xảy ra với thầy cô giáo chúng, với bố mẹ chúng, hay với bản thân chúng.
Nam đang ở ranh giới mơ hồ của ý thức về cái chết. Cậu kết nối được hoa quả, hương và bàn thờ với khái niệm chết, nhưng nó vẫn là một cái gì trừu tượng không liên quan gì tới cậu hiện nay.
Ơ, thế thì con sẽ chết hả mẹ? - Nam hỏi lại - Mẹ không biết, mọi việc bây giờ mẹ cũng chịu rồi. Mẹ đã giải thích cho con là bệnh của con là bệnh nặng... Sự mơ hồ khiến cậu không quá buồn Ngẫm nghĩ một chút, Nam thốt lên: - À mẹ ơi, con biết rồi, chết vẫn gặp được nhau - Con nói cái gì vậy? - Ra mộ ấy, gặp nhau ở ngoài mộ ấy - Nam cười, hài lòng về sự thông thái của mình.
Nam bị cắt chân sau đợt truyền hoá chất thứ sáu. Thông thường, cứ sau ba đợt, bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm tổng thể, nếu kết quả tốt thì sẽ cho dừng điều trị ba, sáu hay mười hai tháng, cho tới lần xét nghiệm sau. Nhưng ở Nam, những chỉ số ung thư không bao giờ lùi. Sau khi bỏ chân, Nam được truyền thêm ba đợt hoá chất nữa, tổng cộng là chín đợt, mỗi đợt cách nhau hai mươi mốt ngày. Phác đồ điều trị nặng, nhưng tốc độ di căn vẫn rất nhanh. Tới tháng Mười thì bác sĩ trả Nam về nhà.
Em may mắn vì con nó nói được những cái gì cần nói với mình, anh ạ.
Nam gật đầu "Nam của mẹ cố gắng nhé." Cậu lại gật đầu. "Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ" Hà đóng băng, người chị vừa bị phá huỷ. "Mẹ cũng tạm biệt con, Nam của mẹ. Mẹ mong con thanh thản..." "Vâng, vâng..." Nam trả lời, rồi cậu bỗng hốt hoảng, "Mẹ ơi, thế con sắp chết hả mẹ?" Hà không bao giờ nói dối, cả lần này cũng vậy. Chị chỉ nói, "Thôi, con nghỉ đi."
Hà đọc được rằng một kiếp ở cõi trần chỉ bằng một ngày đêm ở cõi Cực Lạc. Như vậy thì với Nam, thời gian chờ đợi để hai mẹ con sum họp sẽ chỉ là một thoáng thôi, cậu sẽ không quá khổ sở. Còn chị, chị sẵn sàng một mình chịu nỗi nhớ da diết kéo dài vô hạn.

II. Liên

Với Liên, có thể bắt đầu từ đâu để hiểu được hành trình của cô? Có lẽ mồng Một Tết năm 2013 là một thời điểm thích hợp. Đó là ngày mà, một cách mơ hồ, Liên cảm nhận được những đám mây giông đang kéo tới chân trời.
Hai tuần trước, Liên tròn hai mươi ba tuổi. Hôm đó, M đích thân mua bánh kem cho cô, khiến cô vô cùng hạnh phúc. Cậu chưa từng tỏ ra quan tâm tới cô như vậy. Sau khi thổi nến, Liên tuyên bố với tụi bạn là mình sẽ sống đến năm 2074. Đó là năm mà ngày sinh theo dương lịch của cô sẽ lại trùng với mồng Một Tết, như đã xảy ra vào năm 1990, năm cô chào đời.
Liên thấy thật tiếc là mãi gần đây cô mới biết tới Một lít nước mắt, bộ phim Nhật khiến cô xúc động và khóc nhiều. Bỗng nhiên, Liên thấy mệt rũ ra. Tâm trí cô vụt quay trở lại một ngày cách đây một năm rưỡi.
Hôm đó, sau khi tan học, một đứa bạn gái chỉ tay vào ngực Liên, "Ê, mày sao vậy?". Máu từ nhũ hoa của cô đã thấm ra ngoài áo thành một vết nhỏ. Liên và má hốt hoảng tới bệnh viện. Người ta kết luận vú Liên tiết dịch do bị viêm và kê thuốc. Ngực cô không ra máu nữa, câu chuyện qua đi.
Sau Tết, Liên giấu cả nhà tới bệnh viện một mình. Cả buổi sáng cô loanh quanh trong đó. Tới gần trưa, trời nắng gắt, ông bác sĩ đi thẳng vào chuyện: Khối u đã to bằng quả cam rồi, cần nhập viện để mổ xét nghiệm - Cam sành hay cam Nam Quốc hả bác? - Liên choáng - Mày mổ đi chứ còn cam gì mà cam - ông bác sĩ lắc đầu
Liên không chấp nhận. Bác sĩ cho cô thời gian suy nghĩ. Buổi trưa, Liên ngồi ở ngoài hành lang, đầu tóc rối tung. Chỉ còn bốn tháng nữa ngăn cách cô và tấm bằng cử nhân, cửa ải cuối cùng để cô bước vào đời. Không lẽ cô gục ngã trước cửa ải này? Hay là học xong mình sẽ tính tiếp? Ung thư thì có là gì phải không? Bệnh thì đã có rồi, nhưng nếu giờ mình không làm đồ án, mình sẽ dở dang 17 năm đi học, 5 năm Bách Khoa. Ôi giấc mơ nhiều lắm mà... Không lẽ để bệnh tật cản đường sao?
Đầu giờ chiều, cô nói với bác sĩ rằng cô còn nhiều thứ phải làm và hẹn bốn tháng nữa quay lại. Liên về phòng trọ, ăn một gói cháo ăn liền, tắm rửa và suy nghĩ. Xế chiều, M ghé qua. Trước tình hình mới, hai đứa quên hẳn việc Liên mới tỏ tình với M mấy hôm trước. Hôm đó, không hiểu sao Liên lại đủ liều để làm chuyện đó. Hay là cô linh tính về thời gian đang trôi như cát trượt qua kẽ ngón tay? Trời bắt đầu mưa, hai đứa ngồi trong phòng nhìn ra ngoài, chẳng nói gì cả. Liên thấy mọi thứ đẹp một cách đau đớn và dữ dội.
Sau đợt truyền hoá chất đầu tiên, liên thu xếp về quê. Tóc của cô bám đen trên gối khiến nó trông như một con chó ghẻ lở. Mất tóc tạo ra chấn thương tâm lý rất lớn với bệnh nhân ung thư nữ. Từ nhỏ, các bé gái đã học để coi tóc như một yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc của mình, sự khoẻ mạnh, tính nữ. Nhiều người cứng rắn và không rỏ một giọt nước mắt nào, kể cả lúc bị cắt bỏ ngực - cho tới khi tóc bắt đầu rụng.
Nhưng mùa hè năm đó, niềm vui của cái bằng cử nhân không lấp đầy cái hố đen ngòm trong cô, cái hố đen liên quan tới khao khát thứ hai của cô: tình yêu.
M đã bỏ cô đi.
Cậu đã ra đi thế nào, nguồn cơn ra sao, không bao giờ tôi được biết cụ thể. Bốn năm sau, cô vẫn không muốn quay lại khoảnh khắc này: "Anh đừng có hỏi về chuyện với bạn trai cũ của em nữa, được không anh?"
Nhưng tôi biết là, mặc dù không muốn tự thú nhận, với cô, cú giáng này còn nặng nề hơn cả những đợt truyền hoá chất. Đêm đến khi chỉ còn một mình, Liên mới cho phép mình khóc. "M ơi, giá như cậu quan tâm tới mình, yêu thương mình". Lần đầu tiên, trong tâm trí, Liên quỳ xuống trước mặt M. "Cho mình mượn bờ vai, cho mình một cái ôm thật chặt, để những ngày tháng này trôi qua nhẹ bớt một chút".
Sau sáu đợt truyền hoá chất, các bác sĩ mổ bảo toàn ngực cho Liên. Trong suốt tháng Chín, ngày nào Liên cũng phải vào viện để chiếu tia. Đây là phác đồ điều trị cuối cùng. Mỗi lần cởi áo ra, để bộ ngực trần trước mặt anh kỹ thuật viên, là một lần Liên thấy ê chề và cô đơn. "Mẹ ơi, con muốn lấy chồng." Câu nói của Aya trong Một lít nước mắt luẩn quẩn trong đầu cô. Chả nhẽ cô cứ cô độc đến cuối đời? Liên muốn thể hiện nỗi buồn ra ngoài nhưng rồi lại không đủ can đảm. Cô ngạc nhiên về khả năng cầm tù cảm xúc và tàn bạo với chính bản thân mình. Buổi tối hôm đó, lòng Liên nặng trĩu. Không có ai an ủi và vỗ về cô cả. Nỗi buồn bao bọc quanh cô như một cái màn mỏng. 'M à! Cậu đã quên mất mình rồi sao? Mình phải làm gì? Hay là mình phải lấy tay trái nắm tay phải an ủi, tự lau khô nước mắt, tự để nỗi nhớ đi hoang..."
Giữa mùa thu năm 2013, Liên ra viện sau hơn bảy tháng điều trị. Đến 2015, cô lại bị di căn. Sang nửa sau 2016, Liên bắt đầu sụt cân. Liên đơn độc trong việc chuẩn bị cho cái chết. Gia đình cô nói lảng sang chuyện khác, các bác sĩ thì lặng thinh. Rất nhiều bệnh nhân bị rơi vào tình trạng cô độc này. Đóng góp lớn nhất của Elisabeth Kübler-Ross, người đã đề xuất mô hình năm trạng thái tâm lý trước cái chết vào 1960. Bà đã thuyết phục công luận, người nhà, các bác sĩ rằng cần tiếp chuyện với bệnh nhân khi nói về cái chết của họ, trước khi quá muộn. Đây là khởi điểm của phong trào end - of - life discussion , những trao đổi cuối đời. Bệnh nhân có hy vọng gì, sợ hãi gì, mong muốn gì. Còn việc gì chưa làm không? Muốn xin được tha thứ với ai, hay tha thứ cho người nào?
Thiện là em trai Liên, kém cô một tuổi. Đầu 2017. Mấy tuần trước, Thiện thông báo là vợ nó có mang, lịch sinh nở là giữa tháng Mười. Nghe nó nói, Liên thấy tim mình đập thình thịch, người cô chộn rộn khó tả. Cô gọi ngay đứa trẻ là "Bắp của cô Hai", và muốn đặt tên nó là Tâm An. Giờ đây Liên chỉ còn một cột mốc thời gian trước mắt: giữa tháng Mười. Liệu Liên có sống được để nhìn thấy Bắp.
Cuộc sống ngoài kia đang tiếp diễn với tất cả sự lộng lẫy của nó. Mấy hôm trước, ai đó vô tình kể rằng M sắp cưới, khiến cô chòng chành.
Cuối tháng Bảy, Liên lâm vào trạng thái kiệt sức thường xuyên: ba mươi tư ki lô gam. Tối hôm đó, tôi hỏi lại Thiện lần nữa thời điểm sinh dự kiến của Bắp. Ba tháng bỗng nhiên trở thành một quãng đường xa hun hút. Thiện hiểu ý câu hỏi của tôi, cậu nói, "Giờ em cũng không tính nữa anh à. Được tới đâu thì tới."
Mùa mưa miền Trung tới. Vài tuần sau Liên lâm vào một cơn nguy kịch. Cô ngạt thở và lên cơn co giật kéo dài. Ba Liên tức tốc vào bệnh viện, thiền trợ lực cho Liên. Bác sĩ gọi má Liên ra ngoài hành lang, nói rằng gia đình cần xác định tư tưởng. Bên trong phòng, Liên bấu tay vào tay Thiện, thều thào, "Bắp chưa sanh à?", rồi mê man đi.
Liên đã chuẩn bị hết. Cô nhờ Thiện tìm hiểu dịch vụ hoả táng ở Đà Nẵng. Cô đưa Thiện một cuốn sổ tiết kiệm để mua cho Bắp cái đàn piano điện, "còn thừa bao nhiêu thì cho đứa thứ hai". Cô dặn Thiện sau này hướng cho Bắp đọc sách. Cô nhắc má không nóng tính, gây gổ với ba. Buổi tối hai mẹ con ở trong căn phòng yên ắng, chỉ có tiếng bíp đều đặn của cái máy theo dõi nhịp tim. Liên nói, "Cuộc đời con thế này là thoả mãn rồi, con không còn vương vấn gì nữa."
Má Liên tin cô, tôi cũng vậy. Nhưng hoá ra Liên không nói thật hoàn toàn. Hay chính cô cũng không biết bản thân mình?
Một buổi trưa, M xuất hiện trước cổng bệnh viện và nhắn tin cho Thiện. Trước đó nhiều ngày, cậu đã liên lạc với má Liên xin được gặp cô, nhưng Liên từ chối.
Không cho Liên biết, Thiện xuống gặp M. Trông M khổ sở. Hai người đứng ở ven đường, "nói chuyện với nhau như hai người đàn ông". Xe tải chạy qua, tung bụi mù mịt. Thiện nói với M: "Chuyện giữa anh và chị Hai em thế nào thì em chỉ biết chút ít thôi, mà em không muốn bàn tới đúng sai gì ở đây. Nhưng anh cứ cố gặp thì không tốt cho chị ấy. Chắc anh cũng như em, anh cũng muốn ưu tiên cho sức khoẻ của chị Hai".
M lắng nghe. Sống cùng xóm, Thiện và M biết nhau đã lâu. Cậu đánh giá M là "một người đàn ông tốt, chứ không phải không."
Như có giác quan thứ sáu, Liên đoán được là hai người gặp nhau. Bị chất vấn, Thiện thú thật. Liên giận dữ, "Mày đừng có đứng ra đại diện cho tao được không!"
Em không hiểu được anh ạ - Thiện nói với tôi - Em không hiểu tại sao chị ấy không buông bỏ được câu chuyện này. Em nghĩ là chị ấy còn rất nặng lòng.
Chừng một tuần sau, tôi hỏi Liên vì sao cô không muốn M gặp lại mình. Lúc này Liên đã hồi phục lại sau trận thập tử nhất sinh. "Một năm trước em muốn gặp nói chuyện mà bạn ấy không gặp. Giờ bạn ấy chỉ muốn giải toả lương tâm thôi, chứ không có gì hết. Mà em không biết giờ gặp em có giữ được bình tĩnh hay không nữa." Thậm chí vợ bạn đó nhắn tin cho em nữa... Trong cả năm tôi quen Liên, đây là lần đầu tiên người con gái kia xuất hiện.
"Em thấy người ta khá ích kỷ trong việc này". Chưa bao giờ tôi thấy Liên gay gắt như vậy. "Người ta không hề nghĩ em đau như thế nào, họ chỉ quan tâm họ muốn cái gì thôi."
Vợ M mong Liên "vui vẻ như xưa với M". Nỗi đau khổ của M chắc phải khổng lồ. Nhưng Liên không quan tâm tới điều đó. Một người vợ nhắn tin cho người yêu cũ của chồng để xin cho anh ấy được gặp thì hẳn phải yêu chồng như thế nào, và hẳn cô phải yên tâm về tình yêu chồng dành cho mình như thế nào, chắc chắn Liên hiểu được điều đó. Đây là buổi nói chuyện cuối cùng của tôi và Liên, cô đã dành một nửa thời gian nói về cuộc tình tan vỡ của mình.
Giữa tháng Mười, Bắp chào đời. Nghe tiếng nó khóc qua Zalo, Liên bật khóc theo, nức nở vì hạnh phúc. Liên muốn sống để nhìn mặt Bắp, và cô đã toại nguyện. Tết Nguyên Đán 2018 Liên mất, cô đã dành trọn vẹn quỹ thời gian còn lại cho gia đình và thỉnh thoảng bế Bắp ngọ nguậy trong lòng.

III. Vân

Vân sinh trước Liên đúng năm tuần. Mùa hè năm 2012, khi cô mới hai mươi hai tuổi rưỡi, Vân ngã xe máy gãy tay trong khi đèo mẹ vào rừng lấy măng. Cô tới bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh ở thị xã Thanh Hoá, qua Việt Đức rồi dừng lại ở K2, Hà Nội. Chỗ gãy ở tay cô không phải là khớp, mà là ở dưới bả vai. Các bác sĩ ở K2 giải thích là ung thư xương đã làm chỗ đó giòn như một khúc gỗ mục. Phương án chi phí thấp là tháo bỏ cánh tay. Phương án thứ hai là phẫu thuật giữ tay và hoá trị.
Tuy không có điều kiện, nhưng gia đình Vân vẫn cố gắng vay mượn để giữ lại tay cho cô. Mẹ đẻ và chồng cô, Hoàng, lên Hà Nội chăm Vân, để hai đứa con gái ở quê cho bố mẹ chồng nuôi. Đứa đầu, Nguyệt, chưa đầy ba tuổi, đứa thứ hai, Nga, mới được bốn tháng. Hàng ngày, mẹ chồng Vân bế nó đi xin sữa trong làng.
Người ta đục bỏ khối u ở xương tay Vân, lấy một chất liệu như là xi măng gắn hai đoạn xương lại với nhau rồi chạy sáu đợt hoá trị cho cô. Ban đêm, Hoàng ngủ ở ghế đá trong sân bệnh viện, dưới các cây xà cừ lớn, để tiết kiệm 50 nghìn cho cái giường trọ. Chỗ đó đúng bằng số tiền cậu đút vào túi y tá mỗi khi họ thay băng, và bằng nửa con số cậu phải đưa mỗi lần họ tiêm. Cũng may là mùa đông năm đó ngắn hơn và ít rét đậm hơn mọi năm. Hồi đó, Hoàng hai mươi sáu tuổi.
Mùa xuân 2013, Vân được ra viện. Hoàng làm thợ cho một cửa hàng sửa xe máy gần nhà. Cuộc sống đạm bạc nhưng êm đềm của Vân kéo dài được một thời gian thì đến 2016, cô phát đau trở lại. Cô và mẹ lại khăn gói lên Hà Nội, nhập viện k3. Sau sáu đợt hoá trị nữa, bác sĩ trả cô về. Cô đã bị di căn vào xương đùi, xương ống và sọ não. Hôm đó là ngày 19 tháng Mười Hai, cô nhớ rất rõ, mười ngày nữa là tròn 27 tuổi. Ra Giêng, cô nằm liệt một chỗ và bắt đầu phải tiêm morphine giảm đau, nửa ống một ngày. Trong tám tháng tiếp theo, cho tới lúc cô mất, căn phòng nhỏ 9 mét vuông là toàn bộ thế giới của cô.
Cả mùa hè, Hoàng tiêm, lau người, bón cho Vân ăn, xoa bóp cho cô, và quay cuồng với việc tìm morphine. Mỗi đêm, Hoàng chỉ có vài tiếng để thiếp đi. Đã lâu rồi, cậu không lên mạng chơi cờ nữa. Cái đau đã đạt một mức độ mới, khác xa những gì Vân đã trải qua. Nó tiến sát vào tim, chờn vờn, bao vây, rồi chồm lên bóp nghẹt, khiến cô quằn quại, nghẹt thở hai mươi phút, nửa tiếng, trước khi nó nhả con tim ra và lùi ra xa. Vân cũng không nằm nghiêng được nữa, Hoàng đoán cô đã bị gãy xương vai. Giờ đây, để lau lưng cho Vân, phải nhiều người cùng lúc nâng cả người cô lên. Mỗi lần như vậy là mất hai ống thuốc, một ống tiêm trước, một ống tiêm sau.
Vân bắt đầu thở oxy, nó làm cô dễ chịu hơn. Mười hai ngày một lần, Hoàng ra Hà Nội mua thuốc. Nhu cầu morphine của Vân bắt đầu vượt quá tổng số thuốc mà Hoàng được phép mua từ cả bệnh viện huyện lẫn K ở Hà Nội.
Vài tháng sau đó, tôi có dịp chuyện trò về chủ đề này với Eric Krakauer - phó giáo sư chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ của Harvard và đã lăn lộn nhiều năm để giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông vẽ một bức tranh toàn cầu khiến tôi choáng váng: kiểm soát đau được coi là một quyền con người, và morphine nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu do WHO. Nhưng 80% dân số thế giới, thường là các quốc gia nghèo, không nhận được biện pháp giảm đau thích hợp. Các nước phát trển chỉ chiếm 17% dân số, nhưng tiêu thụ 94% tổng số thuốc opioid (thuốc có chất thuốc phiện) toàn cầu.
Hồi tay cô còn khoẻ, mỗi ngày một chút, Vân viết những tâm sự với con vào cuốn vở học sinh đặt trên cái giá gỗ trên ngực mình. Khi không còn khả năng cầm bút viết nữa, cô gõ vào trong điện thoại. Đúng một tháng trước khi Vân qua đời, cô dồn sức lực cho cố gắng cuối cùng. Lần này, cô ghi âm.
Không được chơi điện thoại nhiều. Không được xem TV nhiều. Cô liệt kê các tác hại, nhắc đi nhắc lại, rồi bảo, "Thôi, mẹ chỉ nói thế thôi. Mẹ hy vọng là các con của mẹ sẽ hiểu". Nguyệt nên bớt cái tính tủi thân đi, phải mạnh mẽ lên. Đi xe đạp tới trường thì phải nhìn đường. Nga ơi. Nga ngoan của mẹ. Cô khiển trách là hôm trước nó ngồi giả vờ viết bài bố giao nhưng khi thấy bố đi thì buông bút quay ra chơi. "Thế là không tốt đâu. Bố thương các con lắm nên mới bảo các con học bài. Nga của mẹ ngoan lắm. Nga đừng đánh chị Nguyệt. Mẹ thấy con cứ bắt nạt chị Nguyệt suốt à.
Không có chi tiết nào là quá nhỏ với cô, từ việc cẩn thận cốc nước mía ngoài đường tới chuyện rửa bát sau bữa ăn. Vân muốn dồn mười tám năm dạy con vào trong ba mươi phút ghi âm. Cô bắt đầu bằng cấp Một, rồi lên cấp Hai. "Hồi mẹ đi học thì mẹ thấy cấp Hai là vui nhất đấy". Cô bảo con phải từ chối các bạn trai thích mình thế nào, kệ các bạn gái khác yêu đương ra sao. Cô dặn là ngực nó sẽ nhú lên. Khi có kinh nguyệt thì nó phải nói với bà. "Con thấy hiện tượng huyết cửa mình con hãy nói bà. Nhá! Có gì là nói bà. Bà sẽ giúp các con. Nhớ chưa con? Đừng lo lắng nhá! Không có gì phải lo lắng cả!"
Tháng Chín cùng với những đợt nóng trôi qua. Giờ đây, Vân cần tới ba mươi ống morphine và hai bình oxy mỗi ngày, chi phí hàng ngày lên tới hơn một triệu đồng.
Cuối giờ chiều, điện thoại của tôi đổ chuông. Số của Hoàng hiện trên màn hình. Hoàng hôn đang xuống, một ngày Chủ Nhật nữa sắp qua đi. Tôi nghe điện thoại, Hoàng khóc trong máy, "Chú ơi, Vân đi rồi chú ạ." Đằng sau Hoàng có nhiều tiếng người lao xao.
Elisabeth Kübler-Ross nói rằng sự chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Những ngày cuối đời, giống như cảnh kết của một bộ phim, có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trước đó. Trong 40 tuần cuối cùng của mình, Vân đã chuyển hoá từ một cô gái thôn quê chưa học hết phổ thông, lặng lẽ nhút nhát thành một con người độc lập và quả cảm.
Vân và Hoàng cũng đã chứng minh rằng, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương. Khi tôi mới quen Vân, cô buồn bã cho rằng mình đã thất bại trong hôn nhân. "Cháu đã từng nói với chồng là sẽ làm gia đình mình hạnh phúc, nhưng không ngờ kết hôn rồi mới biết hai vợ chồng không hiểu tính nhau." Nhưng tuyệt vời thay, bệnh Vân càng nặng thì tình cảm của hai người lại càng gắn bó. Những ngày cuối, cô liên tục dặn mẹ, "Bố mẹ thương lấy chồng con nha. Anh ấy có thế nào bố mẹ cũng đừng giận nha. Đừng ghét anh ấy nha." Tình yêu của hai người đã được nuôi dưỡng bởi sự kiên cường của Vân và lòng kiên nhẫn khổng lồ của Hoàng. Trong chín tháng, Hoàng đã lau chùi cho Vân hàng trăm lần, xoa bóp cho cô hàng ngàn giờ. Cậu đã trải qua phép thử khổng lồ của cuộc đời với tất cả lòng tự trọng và phẩm giá.
Bài viết dành cho những người tôi yêu thương, kính trọng và khâm phục.
Cảm ơn bác Đặng Hoàng Giang đã viết nên cuốn sách này. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.