Thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Thực hiện kế hoạch tác chiến trong đông – xuân 1953 – 1954 của Bộ chính trị và Tổng quân ủy, trung tuần tháng 11/1953, từ Thanh Hóa, Đại đoàn 316 (gồm Trung đoàn 174 và cơ quan chỉ huy đại đoàn) tiến lên tây Bắc, giải phóng Lai Châu và Tây Bắc qua đó uy hiếp quân địch ở Thượng Lào. Thời điểm này, Pháp chỉ còn hai lực lượng nhỏ đóng ở Lai Châu và Hải Ninh nên mục đích ban đầu của chiến dịch là buộc địch phải bị động phân tán lực lượng mà chưa có ý định sẽ tổ chức một trận quyết chiến chiến lược tại Tây Bắc.
Ở phía bên kia chiến tuyến, ngay khi tới chiến trường Đông Dương, Nava tỏ ra đặc biệt quan tâm tới vị trí chiến lược của Thượng Lào trong đó có kinh đô Luông Phabang bởi việc mất Thượng Lào sẽ khiến chiến trường bắc Đông Dương rơi vào tay Việt Minh cũng như gây ra những tác động tồi tệ đến uy tín chính trị và năng lực quân sự của Pháp trên trường quốc tế. Chính vì vậy, khi nhận tin Đại đoàn 316 di chuyển lên Tây Bắc, cho rằng Việt Minh chuẩn bị đánh lớn ở đây, Nava lập tức chỉ đạo tướng Cônhi (Cogny) – Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ bằng mọi giá phải chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành tấm lá chắn bảo vệ Thượng Lào. Do vậy nên liên tiếp trong các ngày 20/11, 21/11 và 22/11, 6 tiểu đoàn dù với khoảng 4.500 quân đã đổ bộ xuống chiếm Điện Biên Phủ hòng biến nơi đây thành chốt chặn ngăn Việt Minh tiến sang Thượng Lào cũng như phục vụ âm mưu tái chiếm lại Tây Bắc về sau. 
Quân Pháp nhảy dù xuống chiếng Điện Biên Phủ hạ tuần tháng 11 năm 1953.
Quân Pháp nhảy dù xuống chiếng Điện Biên Phủ hạ tuần tháng 11 năm 1953.
Điện Biên Phủ là một thung lũng có dạng lòng chảo, nằm sâu trong vừng rừng núi Tây Bắc. Nó có chiều dài khoảng 20km, rộng 6 – 8km và nằm lệch về phía tây nam tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là nơi mà hơn 70 năm về trước, thực dân Pháp đã chiếm đóng và xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Với địa hình tương đối bằng phẳng (xen kẽ một số ngọn đồi trên thung lũng), Điện Biên Phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để thiết lập một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh. Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ theo hình thức tập đoàn cứ điểm với 3 phân khu gồm phân khu Bắc, phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Trong các phân khu lại chia thành các trung tâm đề kháng, cụ thể là: Phân khu Bắc gồm Bản Kéo (Anne-Marie) và Độc Lập (Gabrielle); phân khu Trung tâm gồm Him Lam (Béatrice), Claudia, Dominique, Éliane, Huguette, Francoise, Junon và phân khu Nam có Hồng cúm (Isabelle). Tổng cộng có tất cả 10 trung tâm đề kháng với 49 cứ điểm.
Bản đồ các trung tâm đề kháng của quân Pháp tại Điện Biên Phu
Bản đồ các trung tâm đề kháng của quân Pháp tại Điện Biên Phu
Mọi trung tâm đề kháng đều được xây dựng trên các ngọn đồi với các lỗ châu mai, công sự kiên cố hùng cùng hàng rào kẽm gai bao quanh, các cứ điểm này lại có khả năng yểm trợ cho nhau, tạo nên một thế phòng thủ liên hoàn và vững chắc. Tổng lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ là 16 tiểu đoàn bộ binh, 7 đại đội bộ binh và 2 đại đội lính nhảy dù, 2 tiểu đoàn pháo binh 105 mm (24 khẩu), 1 đại đội pháo 155 mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 m (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng (24 chiếc M24 Chaffee do Mỹ viện trợ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trực, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). 
Hơn nữa, các sân bay Mường Thanh (phân khu Trung tâm) và Hồng Cúm (phân khu Nam) không chỉ cho phép người Pháp kiểm soát một vùng trời có bán kính từ 300km - 400km bao trùm lên tây bắc Việt Nam, bắc Lào, tây nam Trung Quốc, đông bắc Thái Lan mà còn cho phép việc tiếp tế lương thực từ Hải Phòng, Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ trong 2 tới 3 giờ đồng hồ.
Do đó, theo tính toán của người Pháp, việc phải chiến đấu trên một địa hình bằng phẳng trước một đôi quân có ưu thế vượt trội về hỏa lực sẽ khiến các đại đoàn chủ lực của Việt Minh bị tiêu diệt trước khi tới được các trung tâm đề kháng và Việt Minh sẽ phải chấp nhận một giải pháp ngoại giao có lợi cho Pháp.
Mặt khác, người Pháp hiểu rõ địa hình lòng chảo và vị trí bị cô lập là điểm yếu chí tử của Điện Biên Phủ. Tuy nhiên trong tư duy của mình, tướng Nava và các chiến lược gia quân sự của Pháp đều cho rằng Việt Minh không thể đưa các khẩu trọng pháo nặng hàng tấn leo lên các ngọn núi trùng điệp của Tây Bắc để tới chiến trường. Mà nếu có thể, thì pháo binh của Pháp sẽ khiến “pháo binh Việt Minh phải câm họng chỉ sau 3 loạt đạn”.
Bên cạnh đó, khoảng cách trung bình từ Điện Biên Phủ tới những nơi cung cấp hậu cần chiến lược cho Việt Nam (Việt Bắc, Trung Quốc, khu III, khu IV) lên tới 300km – 400km. Với quãng đường dài, điều kiện giao thông đặc biệt khó khăn, các phương tiện vận chuyển thô sơ cùng việc có thể sử dụng máy bay pháo kích khiến Pháp rất tự tin Việt Minh sẽ phải “đứt gánh giữa đường” vì thiếu lương thực. 
Tóm lại, Điện Biên Phủ đã được xây dựng trở thành “pháo đài bất khả xâm phạm!”, là “Nà Sản lũy thừa mười”, “cối xay thịt Việt Minh”. Tự tin về sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 3/12, tướng Nava tuyên bố chấp nhận cuộc giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ và “quyết giữ Điện Biên Phủ bằng mọi giá.” Sau đó, ngày 6/12/1953, Nava và Cônhi quyết định rút bỏ Lai Châu dồn quân về bảo vệ Điện Biên Phủ.
Như vậy, tới đầu tháng 1/1954, tình hình chiến trường đã hoàn toàn thay đổi Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp, là tâm điểm của kế hoạch quân sự Nava.

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Ngày 20/11, nhận tin Pháp có động thái mới ở Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức yêu cầu Đại đoàn 316 cùng các đơn vị bố trí ở Lai Châu phải nhanh chóng di chuyển và tổ chức tiêu diệt lực lượng địch. Việc Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ đã chứng tỏ việc xác định “Tây Bắc sẽ là chiến trường chính” là hoàn toàn chính xác. Cùng với đó, việc Pháp đưa quân từ đồng bằng Bắc Bộ lên bảo vệ Tây Bắc làm cho kế hoạch Nava bị phá sản một bước.
Để đối phó với hoạt động quân sự mới của Pháp, ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị và nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954.
Hội nghị Bộ Chính trị tổ chức tại lán Tỉn Keo tháng 12/1954
Hội nghị Bộ Chính trị tổ chức tại lán Tỉn Keo tháng 12/1954
Phương án của Tổng Quân ủy cho rằng phải “nhằm trường hợp địch tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị...” và “...Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, không kém Nà Sản và đường sá còn xa hơn. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp; nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”
Sau khi nghe báo cáo của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đã phân tích tình hình các mặt và kết luận. Về địch, Điện Biên Phù sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng đã nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị, kĩ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm, vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển mạnh trong cải cách ruộng đất, sẽ tập trung lực lượng chi viện tiền tuyến và nhất định đảm bảo cho chiến dịch.
Kết thúc cuộc họp, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (bí danh Chiến dịch Trần Đình) với thời gian dự tính là 45 ngày.  
Như vậy, từ chỗ không xuất hiện trong những tính toán chiến lược của cả hai phe, Điện Biên Phủ đã trở thành “điểm hẹn lịch sử”, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.