KẾ HOẠCH QUÂN SỰ NAVA
Với tham vọng “chuyển bại thành thắng”, ngay sau khi tới Đông Dương, tướng Navarre lập tức đi khảo sát chiến trường và sớm đề ra kế hoạch quân sự mới mang tên Kế hoạch Nava. Nhìn chung, kế hoạch Navarre được chia làm hai bước với nội dung chính như sau:
Bước 1, từ thu – đông 1953 tới xuân 1954: Giữ thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ, mở các cuộc tiến công chiến lược để bình định trung và nam Đông Dương, vơ vét sức người sức của, xóa bỏ vùng tự do liên khu V, đồng thời ra sức mở rộng vùng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.
Bước 2, từ thu – đông 1954: Chuyển lực lượng ra chiến trường bắc bộ, cố giành lấy một thắng lợi quân sự quyết định để buộc ta phải đàm phán với những điều khoản có lợi cho Pháp để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Cục diện chiến trường Bắc Bộ đến đầu năm 1953 (Vùng đỏ là vùng kiểm soát của ta; vùng xanh là vùng chiếm đóng của Pháp)
Cục diện chiến trường Bắc Bộ đến đầu năm 1953 (Vùng đỏ là vùng kiểm soát của ta; vùng xanh là vùng chiếm đóng của Pháp)
Từ nội dung kế hoạch, có thể thấy bản chất của kế hoạch Nava là xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ trong bước 1 và sẽ tổng tấn công, giành lại thế chủ động và kết thúc chiến tranh trong bước 2. Tuy vậy, có một thực tế rõ ràng rằng người Pháp - đế quốc thực dân sừng sỏ hàng đầu thế giới đã "lực bất tòng tâm" trước tham vọng dùng sức mạnh quân sự để dứt điểm cuộc chiến. Giờ đây, họ phải “cố” đạt được một thắng lợi quân sự có tính quyết định để tạo lợi thế và kết thúc chiến tranh trên bàn đàm phán. Điều đó cho thấy, nước Pháp đã quá mệt mỏi với tình thế sa lầy ở Đông Dương và kế hoạch Nava chính là một canh bạc tất tay! Là nỗ lực cao nhất và cũng là cuối cùng của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược này.
Thực hiện kế hoạch Nava, chính phủ Pháp đề nghị chính phủ Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự và đã được chấp thuận. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cho Pháp cả kinh tế và quân sự đã lên tới hơn 2,7 tỷ USD, trong đó riêng viện trợ quân sự đã là hơn 1,7 tỷ USD (chiếm 73% tổng chi phí chiến tranh ở Đông Dương). Thời điểm này, ở tất cả các cấp độ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình mà không cần sự chấp thuận của tướng Navarre. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Navarre phải than phiền trong hồi ký rằng: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
Mặt khác, người Pháp cũng tăng cường xây dựng lực lượng cơ động chiến lược theo đúng kế hoạch, Nava đã tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ 44/84 tiểu đoàn có mặt ở Đông Dương; biến nơi đây trở thành điểm tập trung quân lớn nhất của Pháp.
Trước đó, Pháp cũng cho rút hết quân khỏi Nà Sản (Sơn La) về Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một căn cứ quân sự được Pháp xây dựng theo hình thức tập đoàn cứ điểm trong năm 1952 mà Việt Nam chưa thể đánh bại.
Rõ ràng, kế hoạch quân sự Nava có quy mô và cường độ lớn hơn bất kỳ một kế hoạch quân sự nào trước đó của người Pháp ở Đông Dương. Nó cho thấy sự quyết tâm cao độ, sự cấu kết chặt chẽ nhằm giành “thắng lợi trong danh dự” ở Đông Dương của Pháp và tham vọng ngăn chặn “làn sóng đỏ” của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Thực tế đó cùng yêu cầu về bước đột phá trên chiến trường  đã báo hiệu chiến trường Đông Dương trong đông – xuân 1953 – 1954 sẽ là nơi diễn ra những chuyển biến có tính chất quyết định đối với cục diện cuộc chiến.
"...Địch càng thất bại thì chúng càng hung tàn, chúng sẽ cố sống chết bám lấy Việt - Miên - Lào. Cho nên, kháng chiến của chúng ta nhất địch thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Từ nay, cuộc chiến tranh giữa ta và địch sẽ gay go, phức tạp hơn." - Chủ tịch Hồ Chí Minh -
Nói đi cũng phải nói lại, kế hoạch Nava dù có nhiều điểm tích cực nhưng nó vẫn mắc phải mâu thuẫn cố hữu của một cuộc chiến tranh xâm lược là vấn đề tập trung và phân tán binh lực. Khi này, với sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân cùng quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính giành được sau Chiến thắng Biên giới (1950) đã cho phép ta kết hợp các chiến dịch tấn công quy mô lớn và các cuộc chiến tranh du kích ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào ta muốn. Còn với phía Pháp, việc tập trung lực lượng lớn quân về đồng bằng theo kế hoạch Nava khiến các vị trí khác suy yếu và dễ bị tấn công. Quân Pháp càng tập trung lực lượng thì họ càng không có đủ binh lực cần thiết để giữ vững toàn bộ các vùng đã chiếm đóng; còn nếu phân tán lực lượng để bảo vệ các vùng đất đó, họ sẽ không có lực lượng cơ động chiến lược mạnh để tiến công và binh lực sẽ từng bước bị hao mòn bởi cuộc chiến tranh du kích của Việt Minh. Đó là bài toàn hết sức nan giải đặt ra cho tướng Navarre trong tình cảnh Pháp đã sa lầy ở Đông Dương.
Như vậy, dù trên lý thuyết được đánh giá rất cao, nhưng trong quá trình thực hiện, kế hoạch Nava đã cho thấy bế tắc về chiến lược của những người cầm quân ở Đông Dương cũng như sự bế tắc về cách thức rút khỏi Đông Dương nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi tức là một “chiến thắng trong danh dự” của Chính phủ Pháp.
HỘI NGHỊ TỈN KEO
Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại lán Tỉn Keo (thuộc ATK Định Hóa, Thái Nguyên) để bàn về kế hoạch quân sự trong Đông – Xuân 1953 – 1954. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái…
Thay mặt Tổng quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày: “Từ tháng năm, Hăngri Nava đã sang thay Raoul Salan, làm Tổng Chi huy quân đội viễn chinh Pháp. Viên tướng bốn sao sớm tỏ ra năng động và táo bạo. Nava cho quân nhảy dù xuống tận Lạng Sơn, nằm rất sâu trong hậu phương ta, càn quét lớn ở Bình - Trị - Thiên, Đồng Tháp Mười, mở hàng loạt cuộc hành binh tại đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt trong tháng Tám, Nava bất thần rút quân Pháp khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản...
...Suốt mùa hè, bộ đội đã tập trung rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm. Nà Sản là một mục tiêu trong mùa khô. Vì so sánh với đồng bằng, thì rừng núi vẫn là chiến trường thuận lợi hơn. Tây Bắc lại là hướng ta đã lựa chọn. Địch rút quân khỏi Nà Sản không khỏi ảnh hưởng tới kế hoạch Đông - Xuân. Trên chiến trường rừng núi Bắc Bộ, Pháp chỉ còn hai lực lượng nhỏ ở Lai Châu và Hải Ninh. Có ý kiến nên tiêu diệt hai bộ phận này để giải phóng hoàn toàn biên giới Việt - Trung. Đây là chỗ yếu của địch. Nhưng kế hoạch Đông - Xuân phải nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, tạo nên một bước chuyển mới của chiến tranh…
...Nhờ có nguồn thông tin tình báo, chúng ta đã nắm được những ý đồ nguy hiểm của Pháp - Mĩ trong kế hoạch Nava. Mùa khô này, Navarre chủ trương tiến hành bình định ở miền Nam Việt Nam, tránh giao chiến với chủ lực ta trên chiến trường Bắc Bộ. Quân Pháp sẽ dùng mọi cách đánh phá vùng tự do, đánh sâu vào hậu phương nhằm giam giữ và tiêu hao chủ lực ta, phá vỡ kế hoạch tiến công của ta trên chiến trường chính. Đồng thời Navarre vẫn ra sức tranh thủ xây dựng lực lượng cơ động lớn mạnh để thực hiện ý đồ chiến lược đè bẹp những đại đoàn chủ lực của ta trong một trận đánh quyết định vào mùa khô sau. Navarre dự tính thực hiện những âm mưu này trong vòng 18 tháng…”
Hội nghị sau đó đã thông qua bản đề án tác chiến trong đông –xuân 1953 – 1954 của Tổng Quân ủy, xác định phương hướng chiến lược là “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, từ đó tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực địch”.
Các hướng được xác định là:
Hướng Tây Bắc, sử dụng Đại đoàn 316, mở cuộc tiến công tiêu diệt quân địch còn lại ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Sau đó tiếp tục phối hợp với Trung đoàn độc lập 148 và Quân giải phóng Pathet Lào, giải phóng tỉnh Phong Xa Lì.
Hướng Tây Bắc
Hướng Tây Bắc
Hướng Trung và Hạ Lào, Trung đoàn 66 - Đại đoàn 304 và Trung đoàn 101 - Đại đoàn 325 phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào đánh thông hành lang Đông Dương.
Hướng Trung và Hạ Lào
Hướng Trung và Hạ Lào
Hướng Bắc Tây Nguyên, ta mạnh dạn đưa phần lớn bộ đội chủ lực của Liên khu V gồm Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803 để phá tan âm mưu bình định miền Nam của địch theo bước 1 của kế hoạch Nava.
Hướng bắc Tây Nguyên
Hướng bắc Tây Nguyên
Với các hướng phối hợp ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Đại đoàn 320 cùng các lực lượng địa phương chiến đấu để thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Khối chủ lực gồm các Đại đoàn 304, 308, 312 và Trung đoàn 246 bí mật giấu quân ở vùng trung du, kịp thời cơ động lên Tây Bắc hoặc tiêu diệt địch khi chúng đưa quân từ Đồng bằng đánh lên các vùng tự do.
Các hướng phối hợp ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ
Các hướng phối hợp ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ
Tổng kết Hội nghị, ta nhấn mạnh phương châm chiến lược là "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Hướng chính là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Bắc Tây Nguyên là hướng phụ. "Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dụng binh phải thiên biến vạn hóa”
Như vậy, cả Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều đã có cho mình những tính toán mang tính chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954. Nhưng, đến thời điểm này, trong tư duy của hai vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Henri Navarre, "Điện Biên Phủ” vẫn chưa xuất hiện.