Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai. - Robert A. Heinlein -
PHẦN 1: NGƯỜI PHÁP SAU 8 NĂM TRÊN ĐẤT ĐÔNG DƯƠNG (1945 - 1954)
Trong thế kỷ XX, Pháp là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới cả về chính trị, kinh tế - tài chính và quân sự. Với sức mạnh của bản thân cùng đồng minh là Vương quốc Anh, nước Pháp rất tự tin bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai với niềm tin vào 1 thắng lợi tương tự hồi Thế chiến thứ nhất. Nhưng, lịch sử đã không diễn ra như cách mà người Pháp mơ mộng, chỉ 1 năm sau khi chiến tranh nổ ra, Pari đã thất thủ chỉ trong 6 tuần!
Việc Pari thất thủ quá nhanh dưới gót dày phát xít Đức khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Mặc dù lực lượng kháng chiến do tướng Charles de Gaulle lãnh đạo vẫn kiểm soát được khu vực phía nam nhưng việc một cường quốc hàng đầu thế giới để mất quyền kiểm soát thủ đô vẫn được cho là một nỗi ô nhục với người Pháp, kể cả cho tới thời điểm hiện tại.
<i>Adolf Hitler tại Tháp Effel (Pháp) sau ngày thủ đô Pari  - Pháp thất thủ</i>
Adolf Hitler tại Tháp Effel (Pháp) sau ngày thủ đô Pari - Pháp thất thủ
Tháng 5/1945, khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, mặc dù thuộc phe thắng trận nhưng những thiệt hại về nhân lực và vật lực mà nước Pháp phải gánh chịu vẫn là hết sức to lớn. Con số chính xác đến hiện nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng ước tính đã có khoảng 55.000 đến 85.000 người chết, 123.000 người bị thương cùng thiệt hại về vật chất lên tới hàng trăm triệu franc.
Trong khi việc giải quyết những vấn đề tại chính quốc còn bộn bề thì tháng 8/1945, ở xứ thuộc địa Đông Dương xa xôi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và mặt trận Việt Minh đứng đầu là Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước và đã thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) tuyên bố độc lập trước toàn thế giới và quốc dân đồng bào.
<i>Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam (14 - 28/8/1945)</i>
Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam (14 - 28/8/1945)
Hiển nhiên, với tầm quan trọng đặc biệt với mẫu quốc Pháp cùng nguy cơ kích động tinh thần đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa châu Phi, Pari sẽ không dễ dàng để Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung được độc lập và thoát khỏi sự thống trị của mình. Điều đó được thể hiện rõ trong bản tuyên bố ngày 23/8/1945 của Charles De Gaulls – tổng thống Chính phủ Lâm thời nước Cộng Hòa Pháp rằng: “Đông Dương vẫn là thuộc địa của Pháp…”. Hiện thực hóa tuyên bố đã đưa ra, chỉ một tháng sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai!
Vậy là ngay sau khi bước ra khỏi cuộc Đại chiến thế giới thứ II với đầy rẫy những “vết thương trên mình”, nước Pháp lại bước vào một chiến tranh mới – cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.
Chính phủ Hồ Chí Minh đương nhiên không muốn bất kỳ một nỗi đau nào tiếp dục dày xéo dân tộc sau gần 1 thế kỷ bị đô hộ nữa. Điều đó được thể hiện bằng những nỗ lực cứu vãn nền hòa bình thông qua việc ký kết Hiệp định Sơ Bộ (6/3/1946) hay Tạm ước (14/9/1946). Nhưng! nhân nhượng không có nghĩa là thỏa hiệp. Khi mọi nỗ lực đàm phán để giải quyết quan hệ Việt - Pháp bằng con đường hòa bình đều thất bại, mọi nhân nhượng đã đến giới hạn thì giải pháp cuối cùng chính là vũ lực.
Ngày 19/12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ!
Ngay từ đầu cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hiểu rõ điểm yếu chí tử và cố hữu của một đội quân đi xâm lược đó là vấn đề thời gian. Một cuộc chiến dài ngày sẽ chỉ mang tới cho Pari những tổn thất to lớn về nhân lực, là gánh nặng với tài chính quốc gia, là những ảnh hưởng tai hại về chính trị cả ở trong nước và quốc tế, kéo theo là nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến không lối thoát ở Đông Dương xa xôi. Thêm vào đó, sự bất lợi trong tương quan so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Pháp là những nguyên nhân chủ yếu quy định cuộc kháng chiến chống Pháp mà nhân dân Việt Nam phải tiến hành là một cuộc chiến trường kỳ.
Sau thất bại trong 2 cuộc hành quân Léa (Lê-a) và Ceinture (Xanh-tuy) của Pháp mà phía Việt Nam gọi là chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, nền tài chính kiệt quệ sau chiến tranh không còn cho phép người Pháp mở một cuộc phiêu lưu quân sự quy mô lớn lên vùng rừng núi hiểm trở Việt Bắc nữa. Âm mưu “Đánh nhanh thắng nhanh” hoàn toàn phá sản buộc những người đang ngồi ở Pari phải chuyển sang chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “Dùng người Việt đánh người Việt”. Kể từ thời điểm này, nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến dài ngày đã xuất hiện trong những bộ óc tinh hoa nhất nước Pháp.
Năm 1950, với thất bại trên đường số 4 mà phía Việt Nam gọi là chiến thắng Biên giới thu – đông, Thực dân Pháp mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Việc phải chiến đấu với cuộc chiến tranh nhân dân khiến thực dân Pháp lâm vào thế bế tắc trong chiến lược giữa phân tán và tập trung binh lực. Người Pháp muốn tập trung lực lượng để tiến công, giành lại thế chủ động nhưng lại phải bị động phân tán lực lượng để bảo vệ các vị trí trọng yếu trên toàn Đông Dương khỏi các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực và các lực lượng địa phương.
<i>Chiến dịch Biên giới thu đông (1950) - chiến dịch đầu tiên và duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận tham gia chỉ đạo chiến dịch. </i>
Chiến dịch Biên giới thu đông (1950) - chiến dịch đầu tiên và duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận tham gia chỉ đạo chiến dịch.
Tình hình trên kéo dài khiến tài chính bị thâm hụt, binh lực bị tiêu hao còn vùng chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp. Tới đầu năm 1953, quân Pháp đã thay 5 viên cao ủy, 7 viên tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương bị triệu hồi và 3 kế hoạch chiến lược bị phá sản nhanh chóng. Vậy là sau 8 năm tiến hành chiến tranh, người Pháp đã sa lầy!
Tại chính quốc, vấn đề Đông Dương trở thành gánh nặng về kinh tế và tâm lý đối với nước Pháp. Càng kéo dài và mở rộng chiến tranh, nước Pháp ngày càng lệ thuộc vào viện trợ kinh tế, quân sự và sự chi phối chính trị của Mỹ. Tướng H. Navarre cũng thừa nhận rằng, “Mối hiểm họa lớn nhất của viện trợ Mỹ là chính trị. Nếu chúng ta không có được sự cam kết chính thức, thì nguồn viện trợ này sẽ tạo điều kiện cho Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào công việc của chúng ta”. Điều đó làm cho chính trường nước Pháp không ổn định, phong trào phản chiến của nhân dân Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối với chính giới Pháp, “Họ muốn “đi ra khỏi nó” (cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Đông Dương), nhưng chưa thống nhất với nhau về chính sách, cũng như chiến lược để có thể đi đến sự kết thúc này”. Do đó, Chính phủ Pháp luôn cố gắng tìm một giải pháp tối ưu để thoát khỏi cuộc chiến tranh trong "danh dự".
Mặc dù đang sa lầy nhưng người Pháp vẫn chưa thất bại. Trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm giữ ưu thế về thế thì người Pháp vẫn giữ lợi thế về lực với sự hỗ trợ đắc lực của người Mỹ. Cục diện đó đòi hỏi cả hai bên cần nhanh chóng có những hành động mang tính đột phá để mang lại những thuận lợi mới cho mình.
Xuất phát từ thực tế trên chiến trường cùng yêu cầu giành lấy một “chiến thắng trong danh dự” từ chính quốc. Tháng 5/1953, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Henri Navarre thay tướng Raoul Salan giữ chức Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đây là vị tổng chỉ huy thứ 8 và cũng là viên tướng được cả Pháp và Mỹ tin tưởng có thể “nắn lại tình hình ở Đông Dương”.
Tướng Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội thứ 8 của Pháp tại Đông Dương
Tướng Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội thứ 8 của Pháp tại Đông Dương